Bài giảng Lễ Khai mạc Đại Hội Dân Chúa (21.11)
ĐTGM Hà Nội, chủ tịch HĐGMVN
Lễ khai mạc Đại Hội Dân Chúa nhằm vào đại lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Chính ý nghĩa phụng vụ của ngày lễ hôm nay sẽ cung cấp cảm hứng cho Đại Hội Dân Chúa. Xin nêu lên một vài ý nghĩa của lễ Khai Mạc Đại Hội Dân Chúa trong ánh sáng của Chúa Kitô Vua.
1. Trước tiên, chúng ta chiêm ngắm chân dung Vua Giêsu trong bài Phúc Âm Luca, được bổ sung bởi hai bài đọc 1 và 2 của Thánh lễ hôm nay. Chính bài Phúc Âm phác hoạ cho chúng ta một chân dung Vua Giêsu đầy nghịch lý, nơi đó ô nhục và vinh quang đan xen vào nhau. Chân dung này có nét tương tự như hình ảnh Chúa Giêsu mà chúng ta gặp thấy trong Thư thánh Phaolô gửi tín hữu Phi-líp-phê: ngài hạ mình xuống và ngài được Thiên Chúa tôn vinh. (x. Pl 2, 6-11).
– Thật vậy, trong 9 câu của bài Phúc Âm, thì 7 câu đầu đã ghi lại những lời nhạo báng của những người chống đối Chúa Giêsu. Qua đó chúng ta thấy: Chúa Giêsu tự hạ mình bằng cách chấp nhận để cho người ta hạ nhục và phỉ báng. “Người đã hạ mình xuống, vâng lời cho đến nỗi phải chết, mà chết trên cây thập tự” (Pl 2, 8).
– Nhưng hai câu cuối cùng của bài Phúc Âm lại cho chúng ta thấy uy quyền và vinh quang của Vua Giêsu: Khi người trộm lành đã sám hối, cầu xin với Người: “Lạy Ngài Giêsu, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”, Chúa Giêsu đáp:“ Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta ”. Chính nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa Giêsu được Thiên Chúa Cha siêu tôn và đưa vào vinh quang thiên đàng (x. Pl 2, 9), để mở cửa cho những ai đã hoán cải và tin vào Phúc Âm (x. Mc 1, 15) được gia nhập vương quốc của Người.
– Vua Giêsu không mang vương tước như vua chúa trần gian. Người là vị Vua-Mục Tử hoàn hảo, “đến trong thế gian này không phải để được người ta hầu hạ, nhưng là để phục vụ (x. Mt 20, 28), và làm cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào (x. Ga 10, 10).
– Uy quyền và vinh quang thần linh của Vua Giêsu được thể hiện rõ nét hơn nữa trong bài đọc hai, trích từ Thư gửi tín hữu Cô-lô-xê. Thánh Phaolô nói rõ: “Chúa Cha đã cứu chúng ta thoát khỏi quyền lực u tối, đem chúng ta về nước Con yêu dấu của mình” (Cl 1, 13), nghĩa là đi vào vương quốc của Vua Giêsu. Nhờ Máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa Cha ban hoà bình trên trời dưới đất” (Cl 1, 20).
– Với phẩm vị Con Thiên Chúa, đồng bản thể và ngang hàng với Chúa Cha (x. Pl 2,6; Ga 1, 18), Chúa Giêsu-Kitô không chỉ là Vua của Israel cũ như Đavít (x. 2 Sm 5, 3) và Vua của Israel mới, tức là Hội Thánh (x. Cl 1,18), mà còn là Vua vũ trụ, vì Chúa Cha đã đặt Người làm bá chủ mọi loài (x. Cl 1,18).
2. (Thưa cộng đoàn) Chúng ta là môn đệ, là tông đồ của Vua Giêsu. Khi soi mình trong chân dung của Người như Phúc Âm Luca đã phác hoạ, chúng ta có thể rút ra những ánh sáng nào cho Đại Hội Dân Chúa hôm nay?
– Trước tiên, chúng ta cần xác tín mạnh mẽ rằng chúng ta phải trở nên đồng hình đồng dạng với Vua Giêsu (x. Rm 8, 29), và chia sẻ thân phận của Thầy Chí Thánh (x. 1 Pr 4, 13-14). Tài Liệu Làm Việc của Đại Hội Dân Chúa đã dành chương đầu tiên trong phần I: Nền Tảng thần học, để trình bày MẦU NHIỆM Giáo Hội Chúa Kitô giữa lòng Quê Hương Việt Nam. Từ đó, có thể rút ra những định hướng ứng dụng thực tiễn cho Giáo Hội Chúa Kitô giữa lòng Quê Hương Việt nam hôm nay, như: Tính bản địa và hội nhập văn hoá của Giáo Hội (số 8); Giáo Hội Đồng hành với Người Dân Việt Nam trong Mọi Biến Cố và Thăng Trầm của Lịch Sử (số 9), và Giáo Hội là Cộng Đoàn Vượt Qua và Lữ Hành (số 10). Bài suy niệm về chân dung Vua Giêsu dựa trên đoạn Phúc Âm Luca hôm nay xác nhận một cách thuyết phục tính chất Lữ Hành của cộng đoàn Dân Chúa gắn liền với mầu nhiệm Vượt Qua: “Trong ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, Giáo Hội nhận biết mình đã được ban cho một Tin Mừng duy nhất là Tin Mừng của Đức Kitô chịu đóng đinh, và tất cả phải nhờ người mới được cứu độ. Chỉ mình Người làm cho đau khổ và cả cái chết trở thành con đường dẫn tới sự sống”.
+ Theo văn cảnh của đoạn của Phúc Âm Luca hôm nay, chính sự kết hợp nên một với Vua Giêsu đang chịu nhạo báng trên thập giá mang lại sự chữa lành và ơn giải thoát. Vậy nếu Giáo Hội của chúng ta bị nhục mạ cách nào, thì chúng ta đừng mang mặc cảm hay nao núng, nhưng hãy nhìn lên Vua Giêsu chịu đóng đinh để giữ vững niềm tin, yêu, với hy vọng Người sẽ kéo chúng ta lên với Người trong vinh quang (x. Ga 12, 32). Sự sỉ nhục, nếu được chấp nhận cách khiêm tốn, có khả năng chữa lành tính kiêu căng của chúng ta; lời chỉ trích phê bình, nếu được lắng nghe cách thanh thản, có khả năng giúp chúng ta xét mình để đổi mới cách tư duy và hành động của mình.
+ Trên thập giá, Vua Giêsu xuất hiện rõ rệt nhất như là sự bình an của chúng ta (x. Ep 2,14), vì nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất (Cl 1, 20); và Người cũng chủ động thứ tha và xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ làm hại Người (x. Lc 23, 34). Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, trong sứ điệp Ngày Thế Giới Hoà Bình 2002, khi suy niệm về đề tài hoà bình dưới ánh sáng của Lời Chúa, đã kết luận rằng: không thể có hoà bình nếu không có công bình, không thể có công bình nếu không có sự tha thứ. Vậy chúng ta hãy bắt đầu tha thứ và xin thứ tha, đặc biệt xin Thiên Chúa thứ tha mọi tội lỗi và yếu đuối của chúng ta, để mỗi tín hữu, toàn thể cộng đoàn và các mục tử, thực lòng hoán cải, nhờ đó chúng ta có khả năng vun đắp công bình và kiến tạo hoà bình trong lòng mỗi người, trong lòng Giáo Hội và trong lòng xã hội.
– Sau trục MẦU NHIỆM, Tài Liệu Làm Việc của Đại Hội Dân Chúa triển khai sâu rộng hai trục HIỆP THÔNG và SỨ VỤ, trước khi đề xuất một Hướng Đi Mục Vụ cho tương lai. Tôi thấy một sự trùng phùng hồng phúc và đầy ý nghĩa, khi Đức Thánh Cha Beneđictô XVI, trong Sứ Điệp Khánh Nhật Truyền Giáo năm 2010 này, đã triển khai đề tài: “Xây Dựng Sự Hiệp Thông trong Giáo Hội Là Chìa Khoá Của Việc Truyền Giáo”. Sứ Điệp của ngài xác nhận tính hợp thời của ba trục suy tư mà chúng ta đã đề ra cho Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam 2010. Vâng, để cho SỨ VỤ truyền giáo đạt kết quả phong phú và bền bỉ, nhất thiết phải có sự HIỆP THÔNG sâu đậm giữa mỗi người tín hữu với Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, giữa các thành phần Dân Chúa với nhau và giữa Dân Chúa với các Vị Mục Tử. Tác nhân chính của HIỆP THÔNG là Chúa Thánh Thần (x. 2 Cr 13, 13), nhưng điểm quy tụ của Hiệp Thông là chính Vua Giêsu chịu đóng đinh trên Thánh Giá (x. Cl 1, 20). Chúng ta được mời gọi tiếp tay với Chúa Thánh Thần để xây dựng sự Hiệp Thông trong Giáo Hội, bằng phương thế thiết thực và khả thi là ĐỐI THOẠI, nghĩa là thay vì nói về nhau, thường dễ biến dạng thành chỉ trích phê bình, thì chúng ta hãy chấp nhận nói với nhau trong môt cuộc đối thoại đầy tính nhân văn và văn hoá, nhất là với thao thức nói lên sự thật trong bác ái với mục đích xây dựng cộng đoàn; và để có thể nói với nhau như thế theo dạng thức mà Đức Giáo Hoàng Phaolô VI gọi là “Đối Thoại Cứu Độ”, chúng ta cần đối thoại thường xuyên với Thiên Chúa, nghĩa là cầu nguyện. Đức Maria, “Trinh Nữ lắng nghe và cầu nguyện, Trinh Nữ sinh hạ và hiến dâng”, là một mẫu gương sáng chói cho chúng ta về cuộc đối thoại cứu độ ấy.
3. (Thưa cộng đoàn) Tại cao điểm của Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 350 năm thành lập hai Địa phận Đại Diện Tông Toà đầu tiên ở Đàng Ngoài và Đàng Trong (1659-2009) và 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm Công Giào tại Việt Nam (1960-2010),
– chúng ta cử hành Đại Hội Dân Chúa như một Lễ Hội Phụng Vụ để cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa là chủ tể của Lịch Sử, và bày tỏ lòng tri ân đối với các Vị Thừa Sai đã đem Phúc Âm đến cho Dân Tộc chúng ta và đối với các Vị Chứng Nhân Đức Tin anh dũng đã đổ máu đào tưới gội mảnh đất Quê Hương cho một mùa gặt đầy hứa hẹn;
– chúng ta cử hành Đại Hội Dân Chúa như một cuộc Hội Ngộ Gia Đình để sống tình huynh đệ thắm thiết giữa những người con có chung một Mẹ Hội Thánh đã sinh ra chúng ta trong đời sống siêu nhiên nhờ Nước và Thánh Thần (x. Ga 3, 5; GH 64) và có chung một Lòng Mẹ Quê Hương Việt Nam đã cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa;
– và chúng ta cử hành Đại Hội Dân Chúa như một Diễn Đàn để các đại diện của mọi thành phần Dân Chúa sử dụng quyền tự do thiêng liêng của con cái Chúa, nói lên những nhận thức của trí tuệ được đức Tin soi sáng, những thao thức của trái tim được đức Mến nung nấu, và những khát vọng của ý chí được đức Cậy kích động, nhằm xây dựng và củng cố NGÔI NHÀ GIÁO HỘI Chúa Kitô giữa lòng Quê Hương Việt nam thân yêu của chúng ta hôm nay và ngày mai.
Vậy, trong bầu khí trang trọng của Đại lễ Chúa Kitô Vua, nhân danh Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tôi long trọng tuyên bố KHAI MẠC ĐẠI HỘI DÂN CHÚA VIỆT NAM NĂM 2010.
Tổng Giám Mục Hà Nội – Chủ Tịch HĐGMVN
+ TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn