Ly Hôn – Con Cái Lãnh Đủ!
Duyên đến nhà cha mẹ sau giờ làm ở công ty, mong được thấy cha mẹ đang ngồi bên nhau chờ cô.
Nhìn vào mặt căng thẳng của cha mẹ, cô thấy có điều gì đó bất ổn. Duyên sững sờ khi nghe người cha thản nhiên tuyên bố rằng ông đã quyết định ly hôn. Thế là hết, 30 năm hôn nhân hóa ra mấy khói.
Duyên không dám tin vào tai mình. Cha bỏ đi sau đó một tuần. Mẹ như người mất hồn. Từ hôm đó, bà không muốn ra khỏi nhà, chỉ thu mình trong phòng, bật ti-vi để giết thời gian. Cả năm trôi qua, Duyên vẫn thấy gia đình trống trải và nặng nề. Hai mẹ con lặng lẽ ăn cơm, không ai nói gì với nhau. Bạn bè cũng không biết làm gì để an ủi Duyên. Bà con họ hàng cũng ngại đến thăm mẹ con Duyên. Mọi người chỉ biết khuyên: Thôi, hãy cố vượt qua!”.
Cuộc sống sau ly hôn
Nói dễ hơn làm. Con cái là khổ nhất, nhưng người ta không chú ý đến nỗi khổ của những đứa con lớn, vì họ cứ tưởng “không sao” đối với các các đứa con trưởng thành. Dù những đứa con lớn không phải cấp dưỡng, giúp đỡ và thăm nom, tổn thương tinh thần vẫn rất nặng nề. Ly hôn có thể tạo ra sự mất mát nghiêm trọng, cảm thấy như chết một người thân vậy. Sự mất mát bao trùm cả gia đình!
Những đứa con (nhỏ hoặc lớn) có cha mẹ ly hôn bị khủng hoảng trầm trọng: thất vọng, tức giận, buồn bã và khép kín. Vì đã hiểu biết, những đứa con lớn chịu ảnh hưởng nhiều từ cuộc ly hôn của cha mẹ. Chúng dễ cảm thấy gia đình là vô nghĩa, cha mẹ không còn là mẫu mực hoặc thần tượng của chúng, đặc biệt là một trong hai người có quan hệ “ngoài luồng”.
Thêm vào đó, một số đứa con có cha mẹ ly hôn có thể mất niềm tin vào người khác phái, không tin vào tình yêu và quan hệ hôn nhân. Chúng lo sợ và nghi ngờ mọi người. Các vấn đề tâm lý này rất khó giải quyết, đồng thời khả dĩ ảnh hưởng căng thẳng tới tình yêu hoặc hôn nhân của chính đứa con.
Những đứa con có cha mẹ ly hôn (hoặc không hạnh phúc) sẽ gặp khó khăn về tập trung, học yếu, bướng bỉnh, hỗn láo và dễ sa đà vào các hoạt động xấu hoặc tệ nạn xã hội – vì chúng mất niềm tin vào cuộc sống và “bất cần đới”.
Thích nghi
Khi cha mẹ ly hôn, những đứa con trưởng thành có thể không muốn làm “người trung gian” cho cha và mẹ. Đây là tình huống “gay go”, nhất là các “sứ điệp” chẳng vui vẻ gì. Chúng có thể lo sợ rằng vai trò trung gian sẽ làm căng thẳng thêm, nói hay không nói cũng đều… kẹt! Tuy nhiên, những đứa con này cần xác định rằng chúng có quyền từ chối làm “liên lạc viên”, không có gì sai lỗi. Chúng phải cho cha mẹ biết rằng chúng kính trọng và yêu thương cả hai, nhưng cảm thấy khó xử khi phải làm trung gian.
Cha hoặc mẹ (người “còn lại” khi người kia bỏ đi) có trách nhiệm phân tích và an ủi đứa con đang bị giao động. Những đứa con lớn có thể tìm cách xử lý khi phải chấp nhận “cha dượng” hoặc “mẹ ghẻ”, nếu cha hoặc mẹ “đi bước nữa”. Có thể những đứa con lớn sẽ cảm thấy tức giận đối với thành viên mới, nhất là khi quan hệ phụ tử hoặc mẫu tử vẫn bền chặt và chúng vẫn hy vọng một cơ hội hòa giải.
Những đứa con này đôi khi có thể sợ rằng cha hoặc mẹ mình sẽ không còn thời gian dànhcho con mà chỉ quan tâm đến “người mới”. Nếu ở trường hợp này, chúng cần nhận biết rằng dù có duyên mới nhưng tình mẫu tử hoặc phụ tử vẫn không thay đổi. Chúng cũng cần chấp nhận rằng cha hoặc mẹ cũng cna62 có hạnh phúc riêng, chúng không nên ích kỷ. Chấp nhận và thiết lập quan hệ với “phụ huynh mới” không có nghĩa là mình “quay lưng” với cha hoặc mẹ ruột.
Việc ly hôn của cha mẹ có thể bớt “độc hại” nếu con cái lấy lại được cân bằng tâm lý, giữ được quan hệ bình thường với nhau sau cuộc chia tay buồn bã. Muốn được vậy, mỗi thành viên đều phải nỗ lực duy trì cách giao tiếp cởi mở, cố gắng loại bỏ những động thái tiêu cực mọi nơi và mọi lúc.
Phải khéo léo chọn đúng thời điểm và đúng cách để giao tiếp với nhau, để tránh hiểu lầm hoặc tạo sự xa cách, khi giúp đỡ nhau đồng cảm và cải thiện mối quan hệ gia đình.
trầm thiên thu
.