CHÚNG TA CÓ MỘT TƯƠNG LAI ĐỂ HƯỚNG TỚI
Luca 20: 27-38
Lm. Jude Siciliano, OP
Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Gò Vấp
Những câu hỏi về sự sống sau khi chết thì chẳng phải mới mẻ gì . Một cách nào đó, con người đã thắc mắc những vấn đề này ngay từ thuở ban đầu. Tôi mới đến thăm viện bảo tàng mà ở đó những phong tục chôn cất của người Hylạp cũng như cách trưng bày cho thấy rằng các Pharaô được chôn cất trong các kim tự tháp cùng với thức ăn, nước uống, quần áo, trang sức và cả những nô lệ bị giết để chăm sóc cho họ trong cuộc sống sau này.
Ai trong chúng ta chưa từng bao giờ nghĩ đến chuyện đời sống mai sau như thế nào hay việc sống lại sau khi chết sẽ ra sao hay không? Vậy, quý vị nghĩ xem, sau khi chết chúng ta sẽ thế nào đây? Những người chơi Golf có thể thấy họ đang chơi Golf ở Bãi Đá Cuội, miễn phí và không giới hạn thời gian. Những bác nông dân có thể thấy một cánh đồng hoa trái bất tận – nhưng không có hoa bồ công anh và những hạt giống khác. Các bậc cha mẹ có thể mường tượng những bữa ăn tuyệt vời, mà không phải đi chợ, nấu ăn hay với những “thực khách” 5 tuổi đang om xòm. Những hành khách thì mong họ sẽ không bị chậm trễ hay mắc kẹt trên đường cao tốc từ nhà đến công sở. Thực ra, sự di chuyển mà họ có thể hình dung ra có thể là những kỳ nghỉ dài không giới hạn nơi bãi biển và trên những vùng núi cao. Những người cao tuổi thì mơ ước lại có thể chạy nhảy ….và vào một ngày đẹp trời có thể thực hiện vài cú lộn mèo! Những người bệnh nặng thì chỉ muốn một nơi không còn phải uống hay chích thuốc và không còn bị giam hãm trên giường cả ngày nắng ráo hay những ngày mưa rơi.
Khi chúng ta suy nghĩ về cuộc sống mai sau, có thể tất cả chúng ta đều đồng ý với nhau rằng ở đó chúng ta sẽ không phải làm những việc tay chân cho bằng củng cố nhiều hơn nữa những mối tương quan. Chúng ta hình dung ra việc gặp lại những người yêu dấu. Đó sẽ là nơi không còn những nỗi đau chia ly, không còn tạm biệt và cũng không có hiểu lầm. Nơi đó những xúc phạm của quá khứ được thứ tha và những hận thù được quên đi mãi mãi. Và chúng ta chỉ nói và nhớ về những biến cố hạnh phúc,…không có những tiếc nuối, không có loại trừ, hoặc giả như còn thì cũng được xem nhẹ đi. Không phải trở thành ai khác nhưng là chính chúng ta. Và như thế thì thật tốt cho chúng ta.
Nhiều người hình dung đời sau giống như là sự kéo dài của cuộc sống hiện tại – căn bản là giống nhưng được cải thiện rất nhiều. Trong bài Tin Mừng hôm nay, nhóm Sađốc thách thức Đức Giêsu với sự suy đoán của họ về cuộc sống đời sau. Họ phóng đại hoàn cảnh sống hiện tại. Đó là một tập quán để bảo vệ góa phụ không con và để đảm bảo an toàn cho người phụ nữ, người này sẽ cưới người em của ông chồng quá cố của mình. Những người Sađốc muốn gài bẫy Đức Giêsu bằng cách sử dụng một ví dụ vô lý. Bảy người chồng đều chết và hỏi xem ai sẽ là chồng của bà khi sống lại. Họ lấy một ví dụ trong cuộc sống hiện tại và muốn kéo dài nó qua cuộc sống đời sau.
Đức Giêsu trả lời cho họ như sau: “các ông chẳng có ý niệm gì về ý nghĩa của sự phục sinh”. Đức Giêsu không vẽ lên một bức tranh mô tả cuộc sống đời sau như thế nào, Người cũng không nói về những cánh cổng ngọc ngà, con đường bằng vàng ròng hay những ngai báu trên trời. Hay nói cách khác, Người không lấy những sự vật đời này và mang chúng vào đời sau như với một phiên bản đã được nâng cấp. Thay vì nói đến những sự vật, Người nói đến những mối tương quan – tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân.
Trong khi cuộc sống đời sau chắc chắn sẽ rất khác cuộc sống đời này – nhưng cũng có vài thứ giống như đời này. Chúng ta vẫn là “Con của Thiên Chúa”, như Đức Giêsu kêu gọi chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay. Đó chính là đảm bảo cho chúng ta. Mối tương quan khăng khít của chúng ta ở đời này với Thiên Chúa sẽ không bị cái chết phá vỡ. Thiên Chúa đã ký kết với chúng ta một giao ước và vì thế chúng ta sẽ chẳng bao giờ bị chia tách khỏi Thiên Chúa.
Đức Giêsu muốn chúng ta điều gì? Hãy tin tưởng vào Thiên Chúa và giao ước bền vững của Ngài. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chính tình yêu ấy cùng với chúng ta từ đời này đến đời sau. Tình yêu của Thiên Chúa sẽ không rời bỏ chúng ta dù khi chúng ta quá già hay quá yếu đến độ không tự chăm sóc bản thân mình, không bỏ rơi chúng ta dù khi chúng ta nghi hoặc hay thắc mắc về tình yêu ấy; tình yêu ấy cũng không rút khỏi chúng ta ngay cả khi chúng ta phạm tội. Tình yêu của Thiên Chúa vẫn ở với chúng ta dù chúng ta cảm thấy không thể yêu. Tình yêu của Thiên Chúa vẫn ở quanh chúng ta ngay cả khi chúng ta cầu nguyện không sốt sắng, khi chúng ta lo ra hay đang bận tâm với những nhu cầu vặt vãnh thường nhật.
Tình yêu của Thiên Chúa vẫn luôn trung tín dẫu cho bạn bè hay người thân trong gia đình có quay lưng lại với chúng ta đi nữa, như Đức Giêsu nói: Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống. Thiên Chúa hứa cho chúng ta sự sống đời đời; chúng ta sẽ đến cùng Thiên Chúa và Thiên Chúa của chúng ta sẽ chẳng bao giờ chết, và chẳng bao giờ phá vỡ tình yêu bao la liên kết chúng ta với Thiên Chúa ngay từ đời này. Thế đâu là sự khác biệt về niềm tin vào sự phục sinh của chúng ta? Nó giúp chúng ta nhìn cuộc đời qua “đôi mắt phục sinh”. Nhìn cuộc đời bằng đôi mắt phục sinh mang lại cho chúng ta sức mạnh khi chúng ta chịu thử thách và trong giờ lâm tử.
Sống bằng ánh sáng mới của chúng ta, chúng ta sẵn lòng hiến tế bản thân mình vì sự hiện hữu tốt đẹp của người khác. Chúng ta sẽ cảm thấy vơi đi phần nào sự bất mãn vì những thiếu thốn của mình, và quan tâm hơn đến những gì chúng ta đang có và mãi có…tình yêu thương của chúng ta đối với người khác và tình thương của Chúa dành cho chúng ta. Đôi mắt phục sinh cho chúng ta mối quan tâm mới đến cuộc sống mà chúng ta được lớn lên trong sự biết ơn đối với tha nhân và cũng là được Thiên Chúa yêu mến. Chúng ta không đánh giá người khác dựa trên những thành tựu hay của cải của họ, nhưng vì họ cũng là con cái của Chúa.
Chúng ta cũng tự vấn chính mình, những người có đôi mắt phục sinh, “Tôi có đang dùng năng lực của mình vào những giá trị vĩnh cửu hay đang phung phí tài năng và thời giờ vào những việc chóng qua? Chúng ta có một tương lai để hướng tới như Đức Giêsu nói với chúng ta, vậy chúng ta đã làm gì để đạt được tương lai ấy? Dù Đức Giêsu không cho chúng ta một bức tranh hay đoạn phim nói về những gì đang chờ chúng ta ở phía trước, Người đảm bảo với chúng ta rằng nếu chúng ta ở lại trong tương quan với Chúa, thì chẳng gì có thể phá hủy nổi tình yêu ấy, dù là sự chết. Thiên Chúa được định nghĩa là Người Yêu, Đấng yêu thương chúng ta qua cả cái chết, tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta không bao giờ chết. Bí tích Thánh Thể hôm nay luôn luôn nhắc nhớ chúng ta về tình thương hải hà của Thiên Chúa và hiến tế mà Thiên Chúa đã thực hiện vì yêu thương chúng ta.