Cn 30 năm C : Lời cầu nguyện chân thành…
Sứ mạng loan báo Tin Mừng bất cứ thời buổi nào luôn là một sứ mạng đầy cam go và thách thức. Ba năm rao giảng Tin Mừng; Đức Giêsu cũng đã gặp không ít những thách thức và sự chống đối của người cùng thời. Sự thách thức và chống đối đến từ nhiều phía. Khi thì từ giới thế quyền. Lúc thì từ giới thần quyền.
Nếu giới thế quyền được cho là bạo chúa Herode. Thì giới thần quyền là những “ông kẹ” Phariseu và các luật sĩ. Những ông kẹ này luôn tự hào là những người đạo đức và công chính. Họ đeo thẻ kinh; ăn chay nghiêm ngặt và thích “xúng xính trong bộ áo thụng; thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng… Họ lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ”. .(Mc 12,40).
Với Đức Giêsu; họ luôn chờ chực dèm pha, chỉ trích và phá bĩnh những lời dạy dỗ của Ngài. Với những người thu thuế; họ xếp đồng bàn với “quân tội lỗi”… Tin Mừng Đức Giêsu rao giảng hoàn toàn ngược lại tất cả những gì họ đã nghĩ và đã làm. Rất nhiều lần trong lúc giảng dạy; Ngài đã thẳng thừng “kết án nghiêm khắc” họ là một bọn “giả hình”…
Trong một lần lên Giêrusalem; Đức Giêsu đã tái khẳng định lời kết án bằng một dụ ngôn rất thực tại. “Dụ ngôn người Phariseu và người thu thuế”.
Chuyện được kể rằng : “Có hai người… Một người thuộc nhóm Phariseu còn người kia làm nghề thu thuế ”. Họ cùng tin vào một Thiên Chúa. Họ cùng lên đền thờ và cùng thực hiện một hành vi đạo đức. Đó là “cầu nguyện”.
Cầu nguyện… Vâng, đó là một hành vi đã có từ thuở xa xưa. Từ cái thưở “hậu vườn Eden”… Kinh Thánh thuật lại rằng : Sết – con của A dam – sau khi sinh được một con trai thì “người ta bắt đầu kêu cầu danh ĐỨC CHÚA”(St 4,26).
Chuyện kể tiếp rằng : Hai người đều dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện. Hai bài cầu nguyện tự phát đã cho thấy một sự đối nghịch : thiện và ác – tốt và xấu. Và qua hai bài cầu nguyện của họ; có thể “bình bầu” ai là kẻ đáng được gọi là người công chính, ai là kẻ đáng xếp vào hạng “quân tội lỗi”…
Với con mắt đời thường; đọc qua lời cầu nguyện của “Người-thuộc-nhóm-Phariseu”; không thể không ngưỡng mộ ông ta; một con người “không như bao kẻ khác : trộm cắp, bất chính, ngoại tình…”. Và không thể không ngả-nón-chào tinh thần bất khuất của ông ta; khi ông ta dám “ăn chay mỗi tuần hai lần”. Trong khi “tiêu chuẩn” giữ chay mỗi năm chỉ có một lần vào “Ngày Xá Tội Vong Ân”. Ông ta còn giữ đúng luật thập phân “dâng cho Chúa một phần mười thu nhập”. Chắc hẳn ai cũng nghĩ rằng ông Phariseu này quả là một người công chính !!!
Với người thu thuế. Vâng, không cần bàn tới. Tất cả những gì cần nói đã được nói qua lời cầu nguyện của ông ta : “Lạy Thiên Chúa ! xin thương xót con là kẻ tội lỗi”… Kẻ-tội-lỗi… Hỡi ơi ! Làm sao anh ta dám vỗ ngực “tự hào cho mình là công chính”…
Ấy thế mà !!! Không khác gì một vụ nổ bom nguyên tử… Kết thúc câu chuyện; Đức Giêsu nói rằng : “Tôi nói cho các ông biết : người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính; còn người kia thì không”. (Lc 18,14).
“Người này”… Người này là ai ? Xin thưa là “tên thu thuế”… Còn “người kia”… Vâng, không nói ra, ai cũng có thể hiểu rằng chính là “ông kẹ Phariseu”…
Một chút tâm tình…
Có gì là nghịch lý không; khi tên thu thuế tội lỗi cùng mình; lại “được nên công chính” !? Và có bất công không; khi ông Phariseu “không như tên thu thuế kia”; thay vì được xếp vào hàng công chính; lại phải trở về tay không !?
Thưa không. Đức Giêsu đã chẳng từng nói rằng : “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”. (Lc 5,31). Người thu thuế đúng là kẻ tội lỗi như lời anh ta thú nhận. Chẳng những đã thú nhận tội lỗi mình; anh ta còn có lòng sám hối ăn năn khi thưa rằng : “xin thương xót con”.
Hẳn chúng ta cũng đã nghe Đức Giêsu tuyên bố rằng : “Vì một người tội lỗi ăn năn sám hối (thì) cả triều thần Thiên Quốc đều vui mừng hớn hở” (Lc 15,7). Vâng, không có gì nghịch lý khi người thu thuế “trở xuống mà về nhà” và được đón nhận như một “người công chính”.
Thật ra ông Phariseu cũng sẽ được “vòng hoa dành cho người công chính” như lời tông đồ Phaolô nói. Vâng, thánh nhân nói tiếp rằng : “Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó… cho tất cả những ai hết tình mong đợi” (2Tm 4,8).
Thế nhưng thật là tệ ! Tâm tình cầu nguyện của ông Phariseu có vẻ như không có một chút gì “mong đợi”. Không thấy một câu hay một chữ nào trong lời cầu nguyện của ông chứng tỏ ông “Xin Chúa thương xót”… Trái lại, lời cầu nguyện của ông giống như một lời “phê và tự phê” thì đúng hơn…
Ông ta đã “tung lên mạng Trời” những lời “phê” chí tử; đánh vào “tên thu thuế” đang đứng xớ rớ gục mặt “chẳng dám ngước mắt” nhìn ai. Bản thân ông thì “tự phê” mình bằng những lời có cánh… Chắc hẳn ông nghĩ rằng; bản “kê khai thành tích” của ông đã được nêu trên; quả là “tốt đời đẹp đạo”…
Phải chăng bản-thành-tích của ông có vấn đề ! Và phải chăng vấn đề là nó có hơi hám của một kẻ kiêu ngạo !!! Nếu đúng là như thế thì thật đáng tiếc cho ông ta; vì Kinh Thánh Chúa có chép rằng : “Sự kiêu ngạo đi trước. Sự bại hoại theo sau” (Cn 16,18)…
Một phút suy tư…
Là một Kitô hữu; một lần nữa; chúng ta hãy tự hỏi rằng; tôi đang là ai trong hai nhân vật của dụ ngôn được nêu trên !?
Là “ông kẹ Phariseu” ư ! Là một Phariseu-Kitô hữu ư ! Chẳng có gì xấu hổ mà ngược lại còn đáng tự hào. Hãy nhìn gương Thánh Phaolô. Chính Ngài cũng đã từng là một Phariseu… Một Phariseu-VIP… Phaolô đã có một sự trải nghiệm và Ngài cũng chẳng ngại ngùng tự hào về mình khi nói “Nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng” (2Tm 4,17).
Thật quá tốt nếu chúng ta không bao giờ “trộm cắp, bất chính, ngoại tình…”. Thật đẹp lòng Chúa nếu chúng ta “đến nhà thờ ngày Chúa Nhật” không phải vì sợ “mắc tội trọng” nhưng là để cùng nhau “thú nhận cùng Thiên Chúa là Cha toàn năng và cùng anh chị em. Tôi đã phạm tội… trong tư tưởng; lời nói, việc làm và những điều thiếu xót…”
Sẽ thật tự hào nếu chúng ta đừng bao giờ soi mói “cái rác trong con mắt người anh em”… mà phớt lờ “cái xà trong con mắt của mình” !!!
Nếu có tự hào về những việc làm phúc đức của mình thì hãy mặc lấy tâm tình của “ông-phariseu-Phaolô” mà tự hào cùng Thiên Chúa – Đấng luôn “Đứng bên cạnh; Người đã ban sức mạnh cho tôi… Người sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc , sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời” (2Tm 4, 17-18).
Trở lại câu chuyện : “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện”. Vâng, chúng ta cầu nguyện như thê nào; để lời cầu nguyện của chúng ta “sẽ vọng tới các tầng mây” !!!
Phải chăng là hãy có một tâm tình khiêm tốn mà thưa với Thiên Chúa rằng : “Lỗi tại tôi… lỗi tại tôi… lỗi tại tôi mọi đàng” !!!
Vâng, nếu chúng ta có một lời cầu nguyện chân thành như thế; hãy tin rằng lời cầu nguyện của chúng ta : “Sẽ được Chúa chấp nhận” (Hc 35, 16).
Petrus.tran