Thử phác họa chân dung Nhà Truyền Giáo
Lm An-rê Đỗ xuân Quế o.p.
Chúng ta đang sống trong tháng Mười. Tháng này là tháng để dành kính Đức Mẹ Mai Khôi và cũng là tháng nhắc đến công cuộc truyền giáo trong một Chúa Nhật đặc biệt. Có lẽ vì vậy, trong những ngày gần đây, trên các mạng thấy xuất hiện nhiều bài nói về vấn đề truyên giáo. Truyền giáo là vấn đề sinh tử và cũng là niềm vinh dự chính đáng của Giáo Hội từ bao đời nay. Có thể nói đó là vấn đề muôn thuở Giáo Hội phải bận tâm và luôn canh cánh bên lòng.
Vì vậy, nhân dịp này xin thử phác họa chân dung nhà truyền giáo để hòa nhịp với mối bận tâm của nhiều người về vấn đề. Đây mới chỉ là một phác họa, chứ chưa phải là một chân dung đích thật, vì chỉ dựa vào một vài nhận xét và suy nghĩ mang tính cá nhân, mà chưa phải là những nghiên cứu xác đáng theo các phương pháp khoa học, đi từ thực nghiệm lẻ tẻ tới những nguyên tắc chung có kiểm chứng.
1.Cứ điểm cho những nhận xét
Nơi nhà truyền giáo, (cũng được gọi là tông đồ) có một số điểm nổi bật. Những điểm này là những cầu mở đầu trong hầu hết các thư của thánh Phaolô, cũng như nơi chính con người của ngài. Ngài thường tự giới thiệu mình là tông đồ và tôi tớ: “Tôi là Phaolô, tôi tớ của Đức Kitô Giêsu; tôi được gọi làm tông đồ và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa.” (Rm 1,1-2; Pl 1,1; Tt,1,1)
Theo thánh nhân, tông đồ là tôi tớ. Tông đồ là người được gọi và dành riêng ra để loan báo Tin Mừng, chứ không phải để làm công việc nào khác. Tông đồ được sai đi, còn tôi tớ lo phục vụ và loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô.
Nhưng muốn là tông đồ theo đúng nghĩa thì phải là người được Chúa gọi. Ơn gọi này là do ý Thiên Chúa: “Tôi là Phaolô, bởi ý Thiên Chúa, được gọi làm tông đồ.” (1 Cr 1,1; 2 Cr 1,1; Cl 1,1; Tm 1,1) không phải do loài người hay nhờ một người nào khác, nhưng bởi Đức Giêsu Kitô và Thiên Chúa là Cha.” (Gl,1,1: Ep 1,1)
Không ai có thể tự mình làm tông đồ nhưng phải được Thiên húa kêu gọi và tuyển chọn. Vì thế, phải trung thành với ơn gọi và chu toàn bổn phận của người được gọi là đến với Chúa, ở với Người để Người sai đi rao giảng (Mc 3, 13-15). Rồi lại phải có tinh thần của người tông đồ. Tinh thần đó là siêng năng cầu nguyện trong tình trạng tỉnh thức và tạ ơn. (Cl 4,2)
2. Con người tông đồ nơi thánh Phaolô
2,1 Dứt khoát triệt để
Trước hết, thánh Phaolô là một con người dứt khoát triệt để. Trước Khi xẩy ra biến cố ngã ngựa trên đường Đa-mát, Sao-lô hăng say triệt hạ đạo bao nhiêu thì khi thành Phaolô, ngài lại càng hăng say truyền đạo hơn bấy nhiêu. Ngài không để ý gì đến con người của mình nữa, mà chỉ còn say mê có một điều là rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại và hoàn toàn đồng hóa mình với Đức Kitô: ”Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là chính Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2,20)
2,2 Chấp nhận cảnh sống bấp bênh
Cũng vì sự dấn thân này mà thánh Phaolô chấp nhận cảnh sống bấp bênh, nay đây mai đó với tất cả những sự rủi ro, tai ương hoạn nạn. Dựa vào giáo huấn và cuộc đời của thánh nhân, thiết tưởng có thể phác họa như sau:
3. Chân dung nhà tông đồ
3,1 Người tôi tớ
Tông đồ là người tôi tớ phục vụ Lời. Công việc của người tôi tớ là phục vụ ông chủ. Ông chủ ở đây là Chúa. Tông đồ làm việc cho Chúa. Công việc chính yếu của tông đồ là rao giảng Tin Mừng bằng mọi hình thức thích hợp. Tôi tớ không hơn chủ nên phải biết phận mình mà ăn ở, không tự phụ, kiêu căng, nhưng tận tâm phục vụ hết mình.
3,2 Người được kêu gọi và tuyển chọn
Người ta không tự phát làm tông đồ mà phải được kêu gọi và tuyển chọn. Do tình trạng này mà nhà tông đồ không thể tự đắc được. Mình có là thế nào đi nữa thì cũng là do được kêu gọi và tuyển chọn. Đây là một ơn huệ. Đã là ơn huệ thì phải đáp đền. Người tông đồ đáp đền ơn huệ này bằng cách trung thành làm nên công việc được giao phó. Công việc đó là lo gây dựng Hội Thánh.
3,3 Người được sai di
Được sai đi là đặc điểm của nhà tông đồ. Danh hiệu thừa sai gắn liền với nhà truyền giáo. Có thể được sai đi xa hay gần. Xa hay gần vẫn là được sai. Không thể là thừa sai truyền giáo, nếu không được sai và sẵn sàng nhận được sai đi nơi nào cần đến. Thánh Phaolô đã đi ngang dọc khắp nơi do nhu cầu truyền giáo. Ngài đã không quản ngại các khó khăn, mỗi khi thấy cần phải lên đường. Đó cũng là một nét tiêu biểu khắc ghi chân dung nhà truyền giáo.
3,4 Người kiên tâm bền chí
Công việc tông đồ bao giờ cũng khó khăn. Nhà truyền giáo là người được sai đi làm công việc đó. Phải có cái say mê của người thích mạo hiểm, mới tìm được niềm vui và sự phấn khởi trong công việc. Tuy vậy, vẫn không thiếu những gian lao vất vả làm cho nhà truyền giáo nản chí. Vì thế, noi gương thánh Phaolô, nhà thừa sai truyền giáo cần tin tưởng ở sự hỗ trợ và tình thương của Thiên Chúa. Vì thương yêu và tin tưởng. Chúa mới giao công việc rao giảng Tin Mừng cho mình. Nhờ vậy, nhà truyền giáo mới không sờn lòng như thánh Phaolô nói: “Bởi thế, vì Thiên Chúa đoái thương giao cho chúng tôi công việc phục vụ, nên chúng tôi không sờn lòng nản chí.” (2 Cr 4,1)
Kết luận
Nhà thừa sai là vị tông đồ. Vì vậy, vị đó nên nhìn vào bức tranh phác họa chân dung người tông đồ mà nhào nặn con người mình cho thích hợp với nhiệm vụ và ơn gọi, hầu tạo cho đời mình một ý nghĩa cao đẹp và một niềm vui, niềm vui của sự dâng hiến.