Léopold Cadière : Mô hình truyền giáo lý tưởng

 

LEOPOLD MICHEL CADIERE
MÔ HÌNH TRUYỀN GIÁO LÝ TƯỞNG

Lm .G. Đỗ Trung Thành, O.P

Léopold Cadière : Mô hình truyền giáo lý tưởng

 

Trong bầu khí hân hoan của Năm Thánh 2010 của Giáo hội Việt Nam, kỷ niêm 350 năm thành lập hai Giáo phận đầu tiên – Đàng Trong và Đàng Ngoài và 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, bên lề những sự kiện, những chương trình hoạt động, lễ hội được tổ chức từ Bắc vào Nam trong suốt năm Thánh, thiết nghĩ đây cũng là thời gian, là dịp chính để chúng ta cùng nhìn lại một chặng đường đã qua với những bước đi thăng trầm của Giáo hội kể từ những ngày đầu hạt giống Tin Mừng được gieo vãi trên mãnh đất Việt Nam thân yêu cho đến hôm nay.

Nếu lấy cột mốc khởi điểm 1533 với sự hiện diện của một giáo sĩ Tây dương tên là I-Ni-Khu đặt chân lên mảnh đất Việt Nam, Giáo hội Việt Nam đã trãi qua quãng thời gian gần 500 năm để hạt giống Tin Mừng được gieo trồng và trổ sinh bông hạt. Một quãng thời gian, tuy không dài, nhưng cũng đủ để chúng ta cùng nhìn lại hành trình Truyền giáo của các giáo sĩ phương Tây, và sau đó, là của Giáo hội Việt Nam. Đã có những thành quả nào đáng trân trọng để tri ân và để phát huy, hay đã có những hạn chế, trở ngại nào để khắc phục và canh tân; hay nói cách khác, hạt giống Tin Mừng đã thật sự hóa thân vào nền văn hóa và con người Việt Nam hay chưa, nếu có, thì “hình thù” như thế nào ?

Ngày nay, khi nhìn vào tỷ lệ người Công giáo trên số dân Việt Nam, gần 8% trên 86 triệu dân, một tỷ lệ khá khiêm tốn, khá nhỏ bé, thiểu số, có lẽ, mỗi người chúng ta không thể không có những mối băn khoăn nghi ngại cùng với nhiều nghi vấn… điều này rất đáng cho mỗi người chúng ta quan tâm và suy nghĩ? Do đo, tìm kiếm MỘT MÔ HÌNH TRUYỀN GIÁO thích hợp với bối cảnh Việt Nam hôm nay là điều cần phải nghĩ đến trước tiên.

Ngày 10-11-1659, khi cử hai Đại diện Tông tòa đầu tiên sang Đàng Trong và Đàng Ngoài, Bộ Truyền giáo đã chỉ thị rõ rệt: “Chư huynh đừng bao giờ muốn sửa đổi, đừng tìm lý lẽ để buộc dân chúng sửa đổi những phép xã giao, tập tục, phong hoá của họ, trừ khi nó hiển nhiên mâu thuẫn với đạo thánh và luân lý: có gì vô lý bỉ ổi hơn mang theo cả nước Pháp, Tây Ban Nha, nước Ý, hay bất cứ nước nào khác bên trời Âu sang cho dân Á đông chăng? Không phải mang thứ ấy đến cho họ, mà là mang chân lý đức tin, một chân lý không loại trừ nghi lễ và tập tục của bất cứ một dân tộc nào, cũng đừng xúc phạm đến những nghi lễ và tập tục ấy, miễn là chúng không xấu; ngược lại, chân lý đức tin muốn cho người ta bảo tồn và duy trì chúng là đàng khác. “Có thể nói, tự nhiên ai ai cũng cho những cái của mình và nhất là của quê hương xứ sở mình là hơn cả, và yêu mến những báu vật đó hơn những cái của ngoại lai: nguyên việc sửa chữa những quốc lệ của người ta cũng đủ gây lòng oán hận sâu đậm rồi, nhất là những tập tục cổ đã có lâu đời mà các tiền nhân vẫn có thể nhớ tông tích; càng tệ hơn nữa nếu chư huynh huỷ bỏ những tập tục đó để đem phong tục của quý quốc mà thay thế vào! Vậy đừng bao giờ nên đem những tục lệ Âu châu đối lập với tục lệ của các dân tộc ấy, trái lại hãy hết lòng sống cho quen với tập tục của họ.

Nội dung của chỉ thị của Bộ Truyền giáo vừa được nêu trên, có thể nói, đã được triển khai và áp dụng một cách tuyệt vời nơi chân dung của vị truyền giáo, được không những các thành phần trong Giáo hội ngưỡng mộ mà cả những người lương dân trí thức cũng tỏ lòng kính trọng cuộc đời và sự nghiệp của ngài, đó là linh mục Leopold Michel Cadière (1986 -1955). Phương thế và cách thức truyền giáo của ngài có thể nói là:  “MỘT MÔ HÌNH TRUYỀN GIÁO LÝ TƯỞNG”, mà trong bài tham luận của mình, Đức giám mục Phao-lô Nguyễn Thái Hợp đã nói: “Trong suốt 350 năm rao giảng Tin Mừng tại Việt Nam…, phải thành thật công nhận rằng kinh nghiệm loan bao Tin Mừng của cha Cadière là một trường hợp độc đáo và khá hiếm hoi tại Việt Nam”.

1. Đôi nét về thân thế và sự nghiệp của linh mục Leopold Cadière

Linh mục Cadière sinh ngày 14-2-1869 ở gần Aix-en Provence, học chủng viện của Hội thừa sai Paris và được truyền chức linh mục ngày 24-9-1892. Sau ngày lãnh tác vụ linh mục một tháng, tháng 10 năm 1892, cha được cử sang Việt Nam và đến Huế ngày 23-12-1892. Cha đã được giao coi sóc nhiều giáo xứ như Tam Toà (nay thuộc giáo phận Vinh), Cự Lạc, Cổ Vưu, Di Loan… và tham gia giảng dạy tại tiểu chủng viện An Ninh, trường Pellerin, đại chủng viện Huế.

Bên cạnh những hoạt động Mục vụ, cha còn để lại một sự nghiệp khoa học rất đáng nể., với khoảng 250 công trình khảo cứu về ngôn ngữ, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt. Trong đó đáng kể là Ngữ âm học Việt Nam (1902), Di tích lịch sử Quảng Bình (1903), Lũy Thày Đồng Hới (1906), Tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của người Việt (3 tập)… đủ mọi lãnh vực (cả thực vật và động vật học).

Cha sáng lập ra tờ Hội đô thành hiếu cổ (Association des Amis du Vieux Huê) được coi là tạp chí khoa học có giá trị nhất ở Đông Dương lúc bấy giờ. Cha giữ rất nhiều chức danh trong các hội khoa học như Hội địa lý Hà Nội, Hội nghiên cứu Đông Dương Sài Gòn, Hội thuần dưỡng ở Paris, Viện sĩ Viện thông tấn Viện hàn lâm Aix, Viện hàn lâm khoa học thuộc địa và Bảo tàng khoa học Đông Dương. Cha cũng tham gia hội đồng khoa học Đông Dương và Viện nghiên cứu nhân văn Đông Dương, đặc biệt gắn bó với Viện Viễn đông bác cổ Pháp và trở thành giám đốc đầu tiên của Viện Louis Finot.

Sau biến cố Nhật đảo chính Pháp năm 1945, cha bị giam giữ 15 tháng ở Huế. Năm 1953, chính quyền đưa cha về Quảng Bình sang vùng quân đội Pháp quản lý. Giáo hội muốn đưa cha về Pháp để nghỉ dưỡng tuổi già nhưng cha xin được ở lại Việt Nam và qua đời tại Huế ngày 6-7-1955. Cha được an táng tại nghĩa trang Phú Xuân và nay nằm trong khuôn viên đại chủng viện Huế.

 

Léopold Cadière : Mô hình truyền giáo lý tưởng


2. Một Hành trang học thuật vững chắc và Một tấm lòng cho sứ vụ được nuôi dưỡng

– Từ khi còn là một Học sinh trường Trung học Aix, trong các loại sách Cadière thích đọc, ngoài các truyện về du lịch và thám hiểm, ng ài đặc biệt chú ý đến các tập san về truyền giáo, cụ thể như tập san định kỳ của Thánh Bộ Truyền Giáo và tập san về các trẻ mồ côi. Tốt nghiệp trung học, Cadière đã gia nhập chủng viện Xuân Bích ở Aix, ở đây, cậu được học tập và trao dồi nhiều kiến thức về khoa học đạo cũng như khoa học đời với những giáo sư uyên bác một cách nghiêm túc và căn bản. Đó là hành trang quan trọng cho ngài sau này trên hành trình truyền giáo sau này.

Trong nhật ký của cha có nhan đề là “Hồi ký của một cụ già được Việt Nam hoá” (Souvenirs d’un vieil annamitsant, viết tại Đông Dương ngày 13 tháng 7 năm 1944), cha Cadière đã viết rằng: “Khi tôi còn là một thầy đại chủng sinh trẻ bắt đầu học các môn Triết lý và Thần học ở Đại Chủng viện Aix thì cũng là lúc mà các linh mục Xuân Bích danh tiếng, các linh mục Biển Đức lỗi lạc cho phổ biến những nghiên cứu của họ về Kinh Thánh, về nguồn gốc Đạo Thiên Chúa. Dưới sự hướng dẫn của các giáo sư thông thái, tôi đọc ngấu nghiến những tác phẩm này. Và tôi cũng có ý muốn giống như họ, một ngày nào đó.

– Tinh thần yêu thích truyền giáo mà Cadière đã ấp và nuôi dưỡng đã dẫn đưa ngài tìm đến với Hội Thừa Sai Paris. Ngày 6/6/1890, ngài gia nhập chủng viện của Hội ở đường Rue du Bac). Ngài được thụ phong linh mục ngày 24 tháng 9 năm 1892. Và, chẳng lâu sau đó, ưóc mơ của ngài đã thành hiện thực, ngài được gia nhập cánh đồng truyền giáo ở Việt Nam ngày 26 tháng 10 năm 1892, chỉ vỏn vẹn một tháng sau ngày thụ phong linh mục. Chàng linh mục trẻ Cadière với tuổi đời mới tròn 23, ngài đã lên đường đến xứ sở vừa xa xôi vừa khác lạ với quê hương của ngài về mọi thứ; thế nhưng, với một tấm lòng dấn thân, vui tươi và hăng hái, ngài đã khẳng định được mình trước những khó khăn và vất vả.

Có thể nói, ngọn lửa truyền giáo vẫn hừng hực cháy trong tâm khảm của ngài để rồi khi đặt chân lên mảnh đất Việt Nam ngài đã không ngần ngại khó khăn và gian khổ bắt đầu dấn thân vào việc tìm hiểu, nghiên cứu tất cả những gì liên quan đến xứ sở mới lạ này. Bởi vì, ngài cũng ý thức sứ vụ truyền giáo của ngài không thể hoàn thành tốt nếu không hiểu con người và xứ sở ngài được gởi đến để gieo trồng hạt giống Tin Mừng.

3. Học hiểu xứ sở và con người được sai đến vì sứ vụ

Với định hướng nền tảng “Ngôi Lời Nhập Thể” vào lòng đời và trở nên “con người với con người”; cùng với nguyên tắc căn bản mà ngài đã học được nơi tinh thần truyền giáo của thánh tông đồ Phao-lô “Do-thái với Do-thái, Hy-lạp với Hy-lạp”, cha Cadière đã chọn lựa và quyết tâm“trở nên người Việt với người Việt”.  Để có thể thực hiện điều mình đã chọn lựa và quyết tâm của ngài trở thành hiện thực, việc đầu tiên ngài đã dấn thân là học tiếng Việt để hiểu con người Việt.

Vào giai đoạn đó, “đại đa số các thừa sai cao niên rất thông thạo tiếng Pháp. Nhưng các vị chỉ biết tiếng qua loa tiếng Việt trong thực hành mà thôi, chứ chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện học cấu trúc của nó”. Có những thừa sai chỉ hiểu sơ sơ những câu nói thông thường, nhưng không thể nói tiếng Việt, nên luôn phải có thông dịch viên.

Cho nên, khi đến Đà Nẵng vào năm 1892, cha Léopold Cadière đã kiên nhẫn và để tâm nghiên cứu và học tiếng Việt. Đối với cha, việc học tiếng Việt, không những làm sao nói sõi, mà còn có thể suy tư bằng tiếng Việt và thấu hiểu “cái hồn” của nó. Chính vì vậy, cha quyết định học tiếng Việt một cách nghiêm túc, nghiên cứu kỹ lưỡng cách phát âm, cấu trúc, ngữ pháp, ngữ nghĩa và tinh thần của tiếng Việt một cách khách quan và khoa học nên không vướng vào những lỗi lầm định kiến sai trái của người Châu âu thường rơi vào”. Sau này, ngài kể lại trong hồi ký: “để học một ngôn ngữ, không phải chỉ là vấn đề của thanh quản và lỗ tai, không phải chỉ là vấn đề của trí nhớ, nhưng còn là và nhất là vấn đề của cái đầu, trong trường hợp hai ngôn ngữ rất khác nhau như tiếng Pháp và tiếng Việt Nam. Không phải chỉ là nói được như người Việt Nam nhưng còn là suy nghĩ như họ.

 

Léopold Cadière : Mô hình truyền giáo lý tưởng


Để hiểu về xứ sở Việt Nam, cha Cadière cũng đã sớm nghiên cứu về lịch sử Việt Nam. Nghiên cứu đầu tiên của ngài là về nguồn gốc của Lịch sử Việt Nam. Nghiên cứu này được ấn hành năm 1904 với sự cộng tác của Paul Pelliot. Sang năm 1905, ngài đã hoàn thành một “Niên Biểu các triều đại Việt Nam”.

Sau khi đã nghiên cứu và am hiểu tiếng Việt, cha Cadeire đã tiếp tục tìm hiểu qua các lãnh vực khảo cứu về Tín ngưỡng dân gian Việt Nam với những thực hành tôn giáo hay nghi thức thần bí của người Việt tại nơi ngài quản nhiệm, qua các truyện cổ, tục ngữ và những bài hát dân gian, những tin tưởng liên quan đến thế giới siêu nhiên, đến cây cỏ, đến muông thú và những nơi linh thiêng. Vào năm 1901, trong tập san BEFEO đầu tiên, ngài đã cho in bài nghiên cứu về “Các tín ngưỡng và ngạn ngữ ở thung lũng Nguồn Son”.

Mặc dù là một người châu Âu, một thừa sai phương Tây, nhưng nơi cha, người ta thấy nói ngài một thái độ tôn trọng và với cái nhìn khách quan, chứ không gay gắt chỉ trích, phê phán, kết án hay chế nhạo như đã từng xảy ra nơi một số thừa sai, dù cho các hình thức thờ bái mang dáng vẻ ma thuật hay các tập tục có vẻ “ấu trĩ” của tôn giáo bình dân. Ngài cần mẫn đi điền dã, tỉ mỉ ghi chép, kiên nhẫn quan sát và nhận ra nhiều sắc thái, nhiều cấp độ biểu lộ niềm tin tôn giáo ở Việt Nam. Cha trân trọng tất cả những hình thức biểu lộ niềm tin tôn giáo rất đa dạng ấy. Cha cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của các tín ngưỡng này và coi chúng như một cách thế văn hóa riêng biệt để diễn tả niềm tin nơi Đấng Toàn Năng.

Trong “Chỉ dẫn thực hành cho các thừa sai” cha đã nêu lên hình ảnh rất dí dỏm khiến cho người khác dễ dàng chấp nhận: “Nhà thừa sai dấn thân vào lãnh vực nghiên cứu tôn giáo cần phải bắt chước các bác sĩ, khi đi khám bệnh luôn hỏi han bệnh nhân, kích thích lời giải thích, không bao giờ ngắt lời họ, không nói ngược lại họ, ngay cả khi họ kể lể những nỗi đau đớn tưởng tượng, hoặc sai lầm trong những chi tiết và những kết luận về tình trạng sức khỏe của mình. Nhà thừa sai không bao giờ được quên rằng những niềm tin mà người ta trình bày với ông là chân thành. Chúng biểu lộ một trong những tình cảm cao đẹp nhất của nhân loại, tình cảm tôn giáo, và dưới danh hiệu này, chúng có quyền được tôn trọng. Do đó không bao giờ được chỉ trích, chế giễu một cách ác ý”.

Với thái độ và cái nhìn tích cực ấy, trong “Triết lý dân gian Việt Nam”, cha đã đưa ra một cảm nhận rất sâu sắc: “Trong cuộc sống của người Việt Nam, chẳng một điều gì thoát khỏi ảnh hưởng của tôn giáo. Tôn giáo chiếm hữu họ ngay từ khi mở mắt chào đời, dẫn dắt họ đi suốt đường đời cho đến lúc nhắm mắt. Thậm chí, ngay cả sau khi đã ly trần, tôn giáo vẫn còn phủ bóng trên họ. Khi nhận ra nguồn cội sâu xa mà các thần linh thuộc thế giới siêu nhiên đã gieo vãi trong tâm hồn người Việt Nam, người ta không thể phủ nhận rằng dân tộc này là một dân tộc hết sức sùng đạo”.

Vào năm 1942, trong dịp kỷ niệm năm thứ 50 ngày cha đến Việt Nam, cha Cadière đã đưa ra một chứng từ xúc động về dân tộc mà cha yêu mến, một dân tộc mà ngài đã gắn bó suốt đời: “Tôi đã nghiên cứu những tín ngưỡng, những thực hành tôn giáo, những phong tục tập quán và tôi xác tín rằng người Việt Nam có quan niệm sâu sắc về tôn giáo, những tin tưởng của họ rất thuần khiết và rằng có lẽ khi họ cầu Trời, tế Trời, họ cũng đang thờ lạy một Đấng Toàn Năng mà chính tôi cũng đang thờ lạy và tôi gọi là Thiên Chúa, dân tộc Việt Nam đã nuôi dưỡng tận đáy lòng mình ánh lửa của một tôn giáo tự nhiên mà Đấng Tạo Hóa đã đặt trong tâm hồn của mọi thọ tạo có trí khôn…

Có một câu hỏi đặt ra: vì sao cha Cadière lại say sưa nghiên cứu về đất nước, con người Việt Nam? Cha đã trả lời: “Vì đã nghiên cứu và hiểu người Việt nên quả thật tôi yêu mến họ. Tôi yêu mến họ vì trí thông minh, nhạy bén trong suy nghĩ… Tôi yêu mến họ vì các đức hạnh tinh thần…Tôi yêu mến họ vì tính tình của họ … Tôi yêu mến họ vì họ khổ”.

Lòng yêu mến đó nơi cha Cadière đạt đến mức độ tuyệt vời hơn, là khi được trả tự do, trở về nước là điều rất xứng đáng với ngài, nhưng ngài đã từ chối trở về Pháp và xin được ở lại Huế, khi đó ngài đã 84 tuổi, ở lại để được yên nghỉ trên mảnh đất mà ngài hết lòng yêu thương. Ngài qua đời ngày 6 tháng 7 năm 1955. Tất cả các linh mục đã đi theo linh cữu của ngài tới nghĩa trang Đại Chủng Viện. Từ khắp nơi, người ta bày tỏ tình cảm thương tiếc và ngưỡng mộ ngài.

Người đứng đầu nhà cầm quyền Việt Nam lúc bấy giờ đã gởi điện tới Đức Cha Urrutia, Giám Mục Tông Tòa Giáo Phận Huế: “Tôi rất xúc động khi được tin cha Cadière qua đời, người mà cuộc sống đã cống hiến trọn vẹn cho xứ sở này. Những tác phẩm mà linh mục quá cố để lại trong lãnh vực xã hội và tôn giáo, cũng như trong lãnh vực văn học và ngôn ngữ học, đã nói lên tình cảm của ngài đối với dân tộc Việt Nam. Dân tộc Việt Nam sẽ giữ mãi một kỷ niệm không phai về vị học giả lỗi lạc và là người bạn lớn. Sự ra đi của người tông đồ lỗi lạc này, mà suốt cuộc đời đã dành cho đồng bào của tôi, là một mất mát lớn đối với chúng tôi. Trong giờ phút đau thương này, kính xin Đức Cha nhận nơi đây nỗi lòng thương tiếc chân thành và những lời chia buồn sâu sắc của tôi”.

4. Tâm tình tri ân, ngưỡng mộ và tiếp cận mô hình truyền giáo “Cadière”

– Tri ân và ngưỡng mộ: Cha Cadière rất xứng đáng với lòng ngưỡng mộ, yêu mến và sự ưu ái của mọi người dành cho ngài trước những tài năng xuất chúng và tấm lòng nhiệt thành của ngài … Bên cạnh những tri ân, yêu mến và ngưỡng mộ người Công giáo dành cho ngài, còn có cả anh chị em lương dân, nhất là người dân Huế, họ luôn luôn ghi nhớ những cống hiến lớn lao và tình yêu của ngài dành cho xứ Huế thân yêu.

Louis Finot là sĩ quan Pháp mà ngài đã quen khi ở Cù lạc, “thường hay nói rằng cuộc khám phá ngoạn mục nhất trong chuyến công tác đầu tiên của ông ở Đông Dương, chính là cha Cadière” (L. Malleret). Linh mục Gérard Moussay, trong bài tham luận của mình, ngài đã nói rằng, khi là Hạt trưởng ở Di Loan, gần bãi biển Cửa Tùng, người ta có thể quả quyết rằng không ai ngoài cha Cadière, đã hiểu sâu sắc não trạng và những sinh hoạt của các cộng đoàn Công giáo Việt Nam. Đặc biệt hơn nữa, bằng một cử chỉ ưu ái, Đức Thánh Cha Piô XI đã cho ấn hành tại nhà in Vatican tập sách về Gia Đình và Tôn Giáo tại Việt Nam, như một cách để xác nhận những cố gắng của cha Cadière.

Với cha Cadière, việc nỗ lực để tìm hiểu và nghiên cứu về một dân tộc trong khi truyền giáo không phải là việc tùy phụ, thích làm hay không, nhưng đó là điều kiện thiết yếu để có thể hiểu, yêu mến và sống với dân tộc đó; và, nhờ đó có thể thực hiện trọn vẹn sứ vụ Tin Mừng nhà thừa sai đã dấn thân nơi vùng đất được sai đến.

Như cha Jean Baptiste Etcharren, cựu bề trên tổng quyền Hội Truyền giáo nước ngoài tại Paris – MEP đã nói, Cha Cadière trước hết là một con người của đức tin và chiều kích tâm linh là nền tảng cho mọi chọn lựa và hoạt động của ngài. Và, con người của đức tin và chiều kích tâm linh đó đã được đúc kết qua những  lời cuối cùng của cha được bộc lộ qua bài “Nâng tâm hồn lên” (Élévation!), – một tuyên xưng đức tin và như những lời tụng ca. Chính trên cơ sở đức tin và lòng nhiệt thành loan truyền Ơn Cứu Độ mà Cha Cadière đã thực hiện các công trình nghiên cứu của mình, và chính các công trình này lại hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động truyền giáo của ngài.

 

Léopold Cadière : Mô hình truyền giáo lý tưởng

 

Trong Tông huấn Ecclesia in Asia, Đức Gioan phaolô II cũng đã nhấn mạnh rằng, Rao giảng Tin Mừng cho một nơi nào mà sứ giả Tin mừng không sống với văn hóa của nơi đó là một thảm họa, người bản xứ đón nhận Tin Mừng mà không sống tin Mừng theo văn hóa của mình là một thảm họa.

– Tiếp cận mô hình truyền giáo “Cadière”: Trong bài phát biểu của Đức Cha Vũ Duy Thống, đặc trách Ủy Ban Văn Hóa Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tại Cuộc Hội Thảo trong phần khai mạc, Đức cha đã nhắc đến chân dung 3D (ba chiều) của cha Cadière : nhà truyền giáo, nhà nghiên cứu khoa học và con người hội nhập văn hóa. Truyền giáo cung cấp điều kiện cho khoa học và khoa học làm phong phú truyền giáo.

Và, trong tâm đó, đức giám mục Phao-lô Nguyễn Thái Hợp trong bài tham luận của ngài, ngài đã ngỏ lời mời gọi: Giáo hội Việt Nam nên tiếp tục dấn thân theo con đường hội nhập văn hóa mà Cha Cadière đã vạch ra, hay, như lời gợi ý của cha Jean Batiste Etcharren, “cách tri ân hay nhất với tiền nhân và người có công, là làm sống lại tinh thần của họ trong thời đại chúng ta”.

Cho nên, đối với Giáo hội Việt Nam trong bối cảnh hôm nay,

– Việc tìm hiểu văn hóa của người thời đại, nhất là của những thế hệ sắp tới là điều thiết yếu và thiết thực. Một linh mục Việt Nam nhận định: Thế giới ngày nay đề cao tự do, nên rất sợ những định chế có vẻ ép buộc của Giáo hội. Họ đề cao khoa học kỹ thuật thực nghiệm, nên rất sợ những tín điều mầu nhiệm của Giáo hội…, nhất là đối với thành phần giới trẻ Công giáo…nếu nhu cầu tâm linh của họ không được thỏa mãn, đương nhiên họ sẽ tự động đi tìm những tổ chức khác có khả năng thỏa mãn nhu cầu của họ hơn. Do đó, nên thay đổi cách nhìn cũng như cách trình bày Tin Mừng và sứ điệp Kitô giáo để chúng phù hợp hơn với thế hệ trẻ (với những ưu tư, khát vọng, thao thức, não trạng, tâm lý, khuynh hướng, quan niệm, cách suy nghĩ…). Người Kitô hữu Việt Nam cũng cần thay đổi cung cách sống đạo của mình để có sức thu hút anh em ngoài Kitô giáo và làm phát triển Giáo hội Việt Nam hơn.

Cần nắm bắt dấu chỉ thời đại.

– Bên cạnh đó, một cung cách, một thái độ sống đạo của mọi thành phần trong Giáo hội, nhất là các phẩm trật lãnh đạo trong Giáo hội cũng nên được xem lại.

Đức Phaolô VI đã mạnh mẽ khẳng định: “Người thời nay sẵn sàng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy. Nếu họ nghe lời thầy dạy thì bởi vì, chính lời thầy dạy cũng là nhân chứng”.

Cần đến những tấm gương !

Cha Jean Baptiste Etcharren đã nói: “trong số những phẩm chất cần phải có đối với một nhà truyền giáo trẻ, phẩm chất chính yếu bao hàm tất cả những phẩm chất khác, đó là yêu mến nơi mình được sai đến. Đó cũng chính là điều kiện và là bí quyết cho hạnh phúc và sự triển nở của chính bản than vị thừa sai”.

Cần một tấm lòng !

Lm G. Đỗ Trung Thành, OP (daminhvn.net)


Để lại một bình luận