Cn 26 Tn : Vô Cảm …

 

 

VÔ CẢM…


Cn 26 Tn : Vô Cảm ...“Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ;
Tuổi ấu thơ đã mang nhiều âu lo …

………

Cuộc sống đói rách bơ vơ;
Hỏi ai ai cho nương nhờ !!!
Chuỗi ngày tăm tối bơ vơ…”

 

Có lẽ ai trong chúng ta đều nhận ra những lời ca trên được trích trong nhạc phẩm “NÓ” của tác giả Anh Bằng. Và khi nghe nhạc phẩm này, chắc hẳn mỗi chúng ta đều cảm nhận được nỗi khó nghèo của một cậu bé mồ côi mẹ.

“Giàu-nghèo” đúng là chuyện muôn thuở trên trái đất này. Và có vẻ như khoảng cách giữa “giàu nghèo” như mỗi ngày một được nhân rộng. Thật đáng buồn; đang khi nhiều nơi trên thế giới có rất nhiều người  “một chén cơm chiều nhưng lòng chưa no”… Thì ngược lại, nơi phương trời Âu Mỹ, tỷ phú người Nga Abramovich đã chi hơn 52.000 USD, bằng với thu nhập cả năm của một người dân ở nước giàu, chỉ để “xơi” một bữa ăn trưa.(nguồn internet). Quả là đúng với câu tục ngữ xưa : “Kẻ ăn không hết, người lần không ra” !!!

……………

Palestin cách đây hơn hai ngàn năm; trong thời Đức Giêsu Kitô còn tại thế; cũng không thiếu những cảnh đời ngang trái nêu trên.

Ba năm thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng. Đức Giêsu đã cảm nhận được điều này. Ngài đã từng chứng kiến nơi Đền Thờ “có lắm người giàu” và ngược lại cũng có nhiều người nghèo; nghèo đến độ chỉ có “hai đồng tiền kẽm” dính túi. (Mc 12,41-42)…

Và quả thật đã có những người, có “rất nhiều của cải”  nhưng lại không dám “bán những gì (họ) có mà cho người nghèo”… Đó là trường hợp anh chàng thanh niên giàu có muốn đi theo Đức Giêsu. (Mc 10,17-22).

Không chấp nhận sự “vô cảm” nơi một số người giàu có; Đức Giêsu trong một lần giảng thuyết; Ngài đã dạy cho họ một bài học qua dụ ngôn : “ông nhà giàu và anh Lazaro nghèo khó” (Xem Luca 16, 19-31).

Ông nhà giàu và chàng Lazaro nghèo khó tuy “rất gần mà lại xa”!!! Vâng, họ rất gần nhau; chỉ cách “một cái cổng nhà”… Như lại rất xa; xa bởi chính “sự-vô-cảm” nơi ông ta.

Sự vô cảm đó khiến ông ta chỉ quan tâm tới việc “ăn mặc” và “ngày ngày yến tiệc linh đình”… Còn chàng Lazaro nghèo khó : “mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng nhà của ông” thì ông ta phớt lờ !!!

Kệ ! có “mấy con chó… đến liếm ghẻ chốc anh ta” là tốt rồi !!!

Kết thúc câu chuyện là một sự đảo ngược. Ông nhà giàu lại là kẻ mong Lazaro “đừng-vô-cảm” trước sự đau khổ của ông ta !!!

Vâng, trước kia thì Lazaro “thèm những thứ trên bàn ăn của ông rớt xuống mà ăn cho no”… Thì hôm nay ông “thèm” được Lazaro : “nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi (ông) cho mát, vì ở đây (ông) bị lửa thiêu đốt khổ lắm” (Lc 16, 24).

Qua dụ ngôn trên; Đức Giêsu đã hé mở cho mọi người thấy rằng : “sự-vô-cảm” trước những người nghèo khó sẽ dẫn con người đi về đâu !!!

Đó chính là : “Dưới âm phủ” (Lc 16, 23)…

Một chút tâm tình…

Giàu có không phải là một cái tội. Câu chuyện dụ ngôn trên không thấy một câu hay một chữ nào Đức Giêsu lên án về việc “giàu có” của ông nhà giàu.

Trái lại “giàu có” là ơn phúc Chúa ban. Kinh Thánh đã mô tả Đức Chúa đã ban cho ông Gióp giàu sang như thế nào. Ông ta có : “một đàn súc vật bảy ngàn chiên dê, ba ngàn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái”. Chính Xatan cũng phải công nhận Đức Chúa đã : “ban phúc lành cho công việc do tay (Gióp) làm, và các đàn gia súc của (Gióp) lan tràn khắp xứ” (G 1, 10).

Giàu có ư ! Hãy nghe lời khuyên của Tông đồ Phaolô : “Đừng tự cao tự đại, cũng đừng đặt hy vọng vào của phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng”(1Tm 6,17).

Thánh nhân thêm một lời khuyên rằng : “Phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ. Như vậy (sẽ) tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai”. Và nhất là : “để được sự sống thật”(1Tm 6,19).

Một phút suy tư…

Là một Kitô hữu; sẽ thật là tốt; nếu mỗi chúng ta sau khi đọc xong một dụ ngôn trong Kinh Thánh; hãy tự hỏi rằng : tôi-là-nhân-vật-nào-trong-dụ-ngôn-ấy !!!

Vâng, tôi là nhân vật nào trong dụ ngôn “ông nhà giàu và anh Lazaro nghèo khó” ?

Là vai ông nhà giàu ư !!! Hãy tạ ơn Chúa… Và đừng để mình mắc-bệnh-vô-cảm; mà cứ vô tư  “sáng sáng shopping, đêm đêm yến tiệc linh đình”…

Trái lại, “Hãy rộng lượng với kẻ nghèo hèn, đừng chần chừ khi phải bố thí. Hãy đón tiếp kẻ khó nghèo, vì họ túng quẫn, đừng để họ ra về tay trắng” (Hc 28, 8-9).

Hãy nhớ rằng, nếu chúng ta : “Theo lệnh Đấng Tối Cao mà sử dụng của cải, việc đó còn ích lợi cho (ta) hơn cả vàng” (Hc 28,11).

Vâng, chỉ khi thực thi trọn vẹn những lời dạy dỗ trên, chắc chắn sẽ không còn “vực-thẳm-lớn” nào ngăn cách người giàu và kẻ nghèo “đến nỗi bên này muốn qua bên (kia) cũng không được, mà bên đó có qua bên (đây) cũng không được” (Lc 17, …26).

Có một điều phải thừa nhận rằng; thường thì chúng ta quá chú trọng đến sự  “đói-nghèo-thuộc-thể” hơn là “đói-nghèo-thuộc- linh”…

Chúng ta “đói nghèo thuộc thể ư” ! Hãy mở Kinh Thánh ra và hãy nghe lời hứa của Đức Giêsu : “Thầy bảo cho anh em biết : đừng lo cho mạng sống : lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể : lấy gì mà mặc… Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài” (Mt 6, 25…33).

Vua David cũng có một lời khuyên rằng : “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37, 5).

Vâng, vấn đề là chúng ta hãy sợ mình là một người “nghèo-khó-thuộc-linh”… Một người suốt cả cuộc đời này; cuộc đời Kitô hữu; chỉ “đứng-ngoài-cổng-nhà-thờ” và luôn “đói khát… Lời Đức Chúa” (Amos 9,11) thì làm sao “đời sau” có thể được ở “trong lòng tổ phụ Apraham” được !!!

Đức Giêsu không phải là ông nhà giàu trong dụ ngôn trên. Ngài không “vô cảm” trước sự nghèo-đói-thuộc-linh của chúng ta. Đức Giêsu luôn đứng trước “Ngôi-Nhà-Tạm-Thánh-Thể” với không phải là “những vụn bánh rơi vãi từ bàn ăn” mà chính là tấm bánh “Mình-Máu-Thánh” của Ngài.

“Hãy đến cùng Ta”. Vâng, Đức Giêsu luôn mời gọi chúng ta, với mong mỏi chúng ta hãy đến; để cùng được “Dùng bữa với Ngài” (Kh 3, 20).

Petrus.tran


Để lại một bình luận