Cn 23c : Đến lãnh nhận lương thực khôn ngoan

Hãy đến lãnh nhận lương thực khôn ngoan
Luca 14: 25-33

Lm. Jude Siciliano, OP

Cn 23c : Đến lãnh nhận lương thực khôn ngoanCách đây ít năm, trong lúc đang tiếp chuyện, tôi bỗng chưng hửng trước lời bình của một bạn trẻ mới 25 tuổi đầu. Cậu ta tự giới thiệu về mình như một “thanh niên kiểu mẫu của lứa tuổi 25”, đã có bằng cử nhân trong tay và một công việc tươm tất. Dù xét về phía cá nhân, cậu ta chẳng gặp phải vấn đề gì gọi là khủng hoảng, ấy thế mà cậu lại đi bàn chuyện dàn xếp những nỗi khuất tất của cuộc sống nhân sinh, đại thể như về công ăn việc làm, về những mối tương giao với bậc sinh thành, bằng hữu, cũng như với cô bạn đầu gối tay ấp của cậu. Tắt một lời, cậu nói: “Con hãy còn trẻ, thế nhưng lại hay bi quan yếm thế, ước chi con có thể chọn lựa lại từ lúc đầu thai. Đời rõ là bể khổ !”.

Một người trẻ mới sống có ngần ấy năm trong đời mà đã thốt lên như vậy đấy! Hẳn cậu đã từng phạm sai lầm và ra như những điều đó đã dạy khôn cậu. Cậu đang lớn lên cùng với sự khôn ngoan về cuộc đời, tức là những điều mà tác giả Sách Khôn Ngoan gọi là, “những gì thuộc hạ giới.” Lèo lái cuộc đời thật khó, vì đôi khi chẳng biết hướng nào là đúng. Một trong những vấn đề của kiếp nhân sinh, là làm thế nào để chúng ta có thể học hiểu và bước đi trong đường lối Chúa?

Trăm năm trước Đức Kitô giáng sinh, tác giả sách Khôn Ngoan đã ngộ ra điều này: “Nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa? Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi? Loài người chúng ta vốn yếu nhược, tầm nhìn có hạn và các chọn lựa của chúng ta lại bị chi phối bởi những áp lực từ bên trong cũng như bên ngoài, giữa ý thức và vô thức.

Theo Kinh Thánh, sách Khôn Ngoan luôn được gán cho Sa-lô-môn. Ông đã sống trước khi sách ra đời những 10 thế kỷ, ấy thế nhưng sách Khôn ngoan vẫn kín múc và phô bày tinh thần cũng như mức độ ảnh hưởng của ông. Trong khi dâng lời cầu nguyện, Sa-lô-môn đã được Thiên Chúa hứa ban bất cứ điều gì ông muốn. Ông đã chọn sự khôn ngoan để nâng đỡ ông trong việc thực hiện những quyết định trong đời sống thực tiễn mỗi ngày. (“Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế?” [1V 3,9]). Nếu người bạn trẻ của tôi có thể kết luận rằng, “Đời là bể khổ!” và nhận ra việc thực hiện những quyết định đúng đắn là điều hệ trọng giữa lúc còn thanh xuân như vậy, thì anh chị em cứ thử nghĩ xem, trong vai trò là một lãnh đạo được Thiên Chúa tấn phong, Sa-lô-môn cần đến sự khôn ngoan biết dường nào, sự khôn ngoan mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể trao ban.

Tác giả sách Khôn Ngoan đã sống giữa một thế giới thấm đẫm văn hóa Hy-lạp, một xã hội được các triết gia và luân lý gia Hy-lạp hướng đạo. Người Hy-lạp yêu mến việc truy tầm sự khôn ngoan, họ nổi danh nhờ các triết gia, hệ thống thư viện, phô diễn nghệ thuật và tri thức khoa học của họ… Họ đã tin rằng, họ có thể đạt được sự khôn ngoan bằng những nỗ lực tự thân. Tuy nhiên tác giả sách Khôn Ngoan và Đức Giêsu (đặc biệt trong Tin Mừng hôm nay) đã có ý định nói đến một kiểu khôn ngoan hoàn toàn khác biệt. Sự khôn ngoan ấy không phải do con người nỗ lực mà thành, nhưng hoàn toàn là do ân ban của Thiên Chúa. (“Ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời, chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gửi thần khí thánh?”).

Chúng ta sống trong một thế giới bị dẫn dắt bởi vô vàn các hình thái khôn ngoan thế tục đang thách thức sự khôn ngoan của sách thánh. Đấy chính là phông nền dành cho các bài đọc hôm nay. Xã hội của chúng ta không hứng thú với chuyện ấp ủ, tìm kiếm đường lối của Thiên Chúa như bài đọc một cho biết, hoặc cũng chẳng sẵn sàng dâng hiến (“từ bỏ mọi sự”) theo như những gì Đức Giêsu đã giải thích cặn kẽ cho những ai mong ước trở thành môn đệ của Người như trong bài Tin Mừng hôm nay.

Chúng ta vẫn đang lữ hành cùng với Đức Giêsu và những bạn hữu của Người hệt như tình trạng mà Lu-ca đã kể: “Khi ấy, có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu.” Ở thời điểm đó, có thể có rất đông dân chúng đang hiện diện với Người, thế nhưng khi Đức Giêsu càng tiến gần đến Giê-ru-sa-lem, và khi những nỗ lực của Người xem ra không còn dính bén với các toan tính kiếm tìm danh vọng của họ, thì càng có nhiều người bỏ đi. Tuy vậy, Đức Giêsu vẫn chờ đợi những ai đi theo người đến tận giây phút cuối cùng, tức là khi họ chứng kiến được điều sẽ xảy ra cho Người và cảm nghiệm được điều họ sẽ được mời gọi. Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Người vẫn tiếp tục tỏ lộ những đòi hỏi dành cho những ai bước theo Người. Người muốn chúng ta từ bỏ những suy nghĩ đặt nền trên sự khôn ngoan của thế gian. Người muốn chúng ta được sống và hạnh phúc, biết đón nhận chính Người cũng như đường lối của Người là con đường đưa đến Thiên Chúa, và đưa đến những sự thật về chính chúng ta.

Người càng tiến gần đến Giê-ru-sa-lem, thì càng có nhiều người thuộc số đám đông đi theo sẽ tản hàng. Người vẫn khuyên nhủ họ: đừng đợi đến lúc sau này rồi mới chịu biến đổi theo những đòi hỏi thiết yếu của người môn đệ; khôn ngoan là chọn lựa ngay bây giờ, chọn lựa không dựa trên sự khôn ngoan phù phiếm theo thói thế gian, nhưng là trên sự khôn ngoan mà Thiên Chúa ban tặng. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa là một hồng ân. Chúng ta có thể đón nhận và sống bằng sự khôn ấy không? Và sống bằng sự khôn ngoan ấy là sống như thế nào? Đức Giêsu trả lời cho chúng ta qua các việc làm và giáo huấn của Người.

Rõ ràng, Đức Giêsu không tiến cử cho chúng ta một đạo giáo tiện nghi thoải mái. Người cho chúng ta hay, cuộc đời của chúng ta được đóng ấn bằng thập giá. Điều ấy được bày tỏ qua cung cách Người đã sống cùng những gì Người chọn lựa.

Hai dụ ngôn Người gởi đến cho chúng ta hôm nay gợi ý rằng, đừng nên bước vào mối tương giao môn đệ một cách thất thường. Chúng ta không gia nhập một câu lạc bộ xã hội hoặc một tôn giáo lúc nào cũng nhắm đến chuyện dành thế thượng phong! Cũng chẳng phải tự dưng trở thành môn đệ của Đức Giêsu chỉ vì chúng ta đã được sinh ra trong một gia đình Kitô giáo. Suốt cuộc đời, Đức Giêsu đã cân nhắc, quyết định mỗi ngày về chuyện làm thế nào để đối phó với lề thói thế gian và các tín ngưỡng mang màu sắc tôn giáo thời bấy giờ. Người đòi chúng ta phải rập khuôn theo Người. Người cho chúng ta biết, hãy suy nghĩ cho đến cùng trước khi tận hiến cho Người. Rồi trong khi thực hiện, hãy trao hiến tất cả sức lực.

Tuy nhiên, trong kiếp sống vắn vỏi này, ai trong chúng ta là người có thể khẳng định mình đã sống hết mình hết sức với ơn khôn ngoan ấy ? Đại đa số chúng ta vẫn đang trở nên người môn đệ qua tiến trình từng ngày; từng chút từng chút một, chúng ta cân nhắc các chọn lựa và hành động của mình thật cẩn thận. Tôi phải làm gì trong vị thế là người môn đệ của Đức Giêsu? Khi tôi hoang mang không biết làm thế nào giải gỡ được vấn nạn ấy, thì ấy là lúc tôi thực hiện điều Sa-lô-môn đã làm, là cầu xin sự khôn ngoan. Trên thực tế, nói đúng ra chúng ta phải cầu xin sự khôn ngoan mỗi ngày; cuộc sống luôn phức tạp và nào có ai biết được thách thức và chọn lựa mà mình sẽ phải đối diện trong ngày hôm nay. Điều làm nên cuộc sống không phải là điều tôi nắm trong tay hoặc chỗ đứng của tôi trong gia đình và xã hội, nhưng là Đức Giêsu. Chính vì thế, mọi thứ phải được đặt để dưới chân Người.

Trong thánh lễ hôm nay, cùng với bánh và rượu, chúng ta có thể đặt lên bàn thờ những ước nguyện của chúng ta, để cuộc đời của mỗi người được Đức Giêsu biến đổi. Cuộc đời của chúng ta cũng y như sự dang dở của bánh và rượu. Thế nhưng, vị chủ tế sẽ nhân danh chúng ta rồi đặt tay trên của lễ và trên cả chúng ta nữa để nguyện rằng: “xin Cha đổ ơn Thánh Thần xuống mà thánh hóa của lễ này để biến thành Mình và Máu Đức Kitô.” Đấy là điều mà chúng ta cầu xin cho chính chúng ta và cho cộng đoàn đức tin, tức là được trở nên như Đức Kitô và sẵn sàng có thể vác lấy thập giá mà bước theo Người.

Bài đọc hai hôm nay cho chúng ta một cái nhìn rất riêng về cuộc đời của thánh Phaolô. Đây là Chúa Nhật duy nhất chúng ta được nghe trích đoạn từ thư Phi-lê-môn (thư Phi-lê-mon chỉ xuất hiện một lần theo lịch phụng vụ lời Chúa trong thánh lễ). Điều ấy như thể đang không trèo lên gác nhà để lục tìm chiếc rương cũ có lưu lại bức thư mà ông bà gửi lại cho con cháu. Tuy nhiên, trong các bức thư như thế, tình cảm và mối quan tâm mà ông bà để lại cho đám tử tôn thật tỏ tường. Bức thư vắn tắt của thánh Phaolô gởi cho Phi-lê-mon rất giống với kiểu bức thư ấy. Thánh Phaolô gọi Ô-nê-xi-mô là “đứa con” của ngài với giọng văn như có ý nói, “lão già” (như ngài tự nhận) đã yêu mến Ô-nê-xi-mô đến nhường nào.

Các thư của thánh Phaolô thường được gởi đến các cộng đoàn, phần lớn là các giáo hội ngài đã giúp thiết lập. Thư gởi Phi-lê-mon là bức thư cá nhân duy nhất (và do chính tay ngài viết) mà chúng ta có được. Ngài đã thảo thư này trong tù quãng năm 25 C.N. Phi-lê-môn vốn là một người đạo theo ở Cô-lô-xê và Ô-nê-xi-mô là nô lệ của ông ta, người đã lấy trộm vài thứ có giá của gia đình chủ rồi bỏ trốn. Chắc hẳn Ô-nê-xi-mô đã gặp thánh Phaolô tại Ê-phê-xô rồi trở thành môn đệ Đức Kitô và ngày càng trở nên thân thiết với thánh nhân, người đã xem ông như “ruột thịt”. Ra như Ô-nê-xi-mô đã trở nên rất hữu dụng cho thánh Phaolô trong khi ngài bị giam cầm, tuy nhiên ngài đã gởi trả anh cho Phi-lê-môn.

Mặc dù thánh Phaolô không đưa ra một giáo huấn nào nhằm chống lại chế độ nô lệ, thế nhưng ngài đã khẩn nài Phi-lê-môn nhận lại Ô-nê-xi-mô, “không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến; đối với tôi đã vậy, phương chi đối với anh lại càng thân mến hơn biết mấy, cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa.” Thánh Phaolô tha thiết xin Phi-lê-môn bỏ đi mối tương quan chủ tớ vốn được chấp nhận trong văn hóa thời đó, để nhận lại Ô-nê-xi-mô trong một tương giao mới mẻ và triệt để hơn, tức là như anh em trong Đức Kitô. Điều Phi-lê-môn được yêu cầu phải làm cũng là điều Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta hôm nay, là “dứt bỏ” mọi sự sở hữu để bước theo Người, đặt Người trên mọi sự sở hữu.

Ai là người có thể khẳng định mình đã hoàn toàn theo Đức Kitô? Ngày hôm nay chúng ta không còn cùng nhau cử hành việc thờ phượng giống như hình thức thời các môn đệ tiên khởi, bởi lẽ chúng ta chạy hết chặng đường ấy và đã tiến ra bục nhận huy chương vàng. Thay vào đó, giờ đây chúng ta đang ở trong tình trạng đợi ngày hoàn tất, nghĩa là chấp nhận những điều liên quan đến việc chưa thành toàn trong quá trình trở nên người môn đệ. Chúng ta cần Đấng là chính sự Khôn Ngoan như thần lương cho cuộc lữ hành. Chúng ta cũng biết rất rõ, đời là bể khổ như anh bạn trẻ của tôi đã nói. Thế nhưng, chúng ta hãy tiến đến để lãnh nhận lương thực khôn ngoan hầu chúng ta có thể sáng suốt chọn lựa trong khi tiếp tục hành trình hồi hương về Giê-ru-sa-lem thiên quốc.


Để lại một bình luận