Thăng Hoa Cùng Âm Nhạc

 

THĂNG HOA CÙNG ÂM NHẠC

Người xưa thường nói “xướng ca vô loại”.
Người nay ca tụng “siêu sao âm nhạc” !

Thăng Hoa Cùng Âm NhạcNgười xưa gọi ca hát là phường kỹ nữ, “Xã hội ta xưa quan niệm lũ xướng ca vô loài là một tầng lớp vô luân. Họ bị coi là vô luân không phải vì họ sa đọa, chính sự sống của họ cũng không phải là sa đọa, mà chỉ vì những vai trò của họ đóng khi xướng hát: họ bị coi là vô luân ở đây vì người con có thể đóng một vai vua và người cha đóng vai bày tôi quỳ lạy, anh em ruột có thể đóng đôi vợ chồng, và vợ chồng lại có thể đóng vai mẹ con hoặc cha con… Tất cả cái vô luân là ở đây, ở đấy luân thường đã không còn nữa, mặc dầu chỉ trong những lúc trình diễn”. (Toan Ánh, Phong tục Việt Nam, Khai Trí, 1969, tr. 429). Người xưa đồng hóa con hát với đĩ điếm và gọi bọn này là xướng ca vô loài.

Những thập niên 40, một cuộc cách mạng văn hóa, đưa hát xướng vào chương trình bậc trung học. Hát xướng trở thành môn học bắt buộc. Xướng ca chính thức thoát khỏi cái nhục vô loài.

Ngày nay khắp nơi có trường dạy âm nhạc, kịch, tuồng, chèo, cải lương. Đủ các bộ môn xướng ca, dàn trống. Các loại nhạc cụ được chế biến từ nhiều vật dụng khác nhau, nhưng cốt là tạo ra những âm thanh sát gần với thiên nhiên, cuốn hút lòng người. Dù là ‘đồ rê mi phá’ hay ‘xề xự cống xàng’, những cấu trúc âm thanh đã đi vào nghệ thuật sống và làm sinh động cuộc sống nhân loại. Nghệ sĩ xuất sắc được tặng danh hiệu, gắn huy chương. Ai dại mồm dại miệng tuyên bố xướng ca vô loài chắc sẽ bị cả triệu chĩa mũi dùi cho tan nát cả cuộc đời!

THỊ HIẾU ÂM NHẠC

Để có thể nghe và hiểu âm nhạc, người ta cần một mặt nuôi dưỡng xúc cảm, một mặt cần có kinh nghiệm, học hỏi và am hiểu văn hóa ở chừng mực nào đó. Ta phải học cách nghe nhạc. Và phải chăng đây là một thiếu sót, một ‘thiểu năng’ của đại đa số người nghe, của nhà trường phổ thông, của chương trình giáo dục mỹ học hiện nay, khi mà nhiều người bắt đầu lo ngại về thị hiếu âm nhạc ngày càng xuống cấp? Tôi thử đưa ra một ví dụ để xem tôi được bao nhiêu đồng minh – đồng chí với tôi trong suy tư này :

Ai có cơ hội tham dự đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt ở Nha Trang, trong khung cảnh sang trọng của Vinpearland, tiếng nhạc nền vang lên rộn rã… Không mấy người tỏ ra để ý tới tiếng nhạc nền. Vì bận háo hức với các người đẹp, nhưng cũng có người bậm cười vì những bản nhạc được chọn. Hầu hết là nhạc của Hans Zimmer viết cho phim “Hải tặc vùng Caribbean”, đặc biệt là bản nhạc “He’s a pirate”. Khi tới phần giới thiệu thí sinh đoạt giải Người đẹp tài năng, màn hình lớn chiếu điệu múa của người đẹp nhưng nhạc nền bị thay bằng bản hợp xướng “O Fortuna” của Carl Orff, với lời bằng tiếng Latin cổ.

Tất nhiên là ít người hiểu được tiếng Latin cổ nên cũng chẳng mấy ai ngạc nhiên với lời hát – tạm dịch như sau: “Ôi số phận, như vầng trăng luôn đổi thay khi đầy khi khuyết, khiến cuộc sống khi dễ dàng lúc lại khốn khó, ngươi lừa mị ma mãnh, làm cho cả quyền lực lẫn nghèo khó tan chảy như băng giá…”. Những người nước ngoài quen thuộc với văn hóa phổ thông (popular culture) biết rằng bản “O Fortuna” từ lâu được dùng trong phim ảnh để thể hiện các tình huống nguy khốn, các nhân vật đe dọa. Nó cũng thường được dùng trong các cuộc thi đấu thể thao khi các cầu thủ ra sân với hàm ý “đe dọa” đối phương. Vì vậy, cách chọn nhạc của đêm thi hoa hậu này không khỏi khiến họ cảm thấy khá kỳ cục. Thế nhưng đa số khán giả thì hoặc không nhận ra, hoặc có nhận ra nhưng không thấy kỳ cục. Nếu như khi người đẹp ra mắt thay vì chơi “O Fortuna” người ta lại chơi, chẳng hạn “Tiến quân ca” hay “Giải phóng Miền Nam” thì ắt hẳn có nhiều người cảm thấy kỳ cục hơn, vì đa số người Việt đều biết rõ nội dung những bản nhạc đó.

Trong xu hướng gọi là phát triển hay hội nhập âm nhạc ngày nay, không ít những người yêu nghệ thuật âm nhạc phải khổ tâm, khổ nhĩ về những cung nhạc lai căng lắp ghép của ngoại quốc Tây Tàu Hàn Nhật, những ca từ vô hồn về tình yêu ủy mỵ quanh cái tình yêu một ngày hoặc nhớ nhung thơ mộng lắm mà chỉ cuối bài đã ‘mình chia tay anh nhé’! Giới trẻ mê man dòng nhạc này vì ca sĩ trẻ trung, đẹp trai đẹp gái, nhảy nhót sinh động, khoe da khoe …hàng, và cái mạnh nhất là hợp với cảm xúc của tuổi trẻ thời đại. Giới tuổi U hoặc ai có chút kiến thức âm nhạc thì buồn nôn với mốt nhạc này, nên vẫn trung thành với dòng nhạc tiền chiến, với những cảm xúc lâng lâng trong từng lời ca : về đây nghe em, về đây mặc áo the, đi guốc mộc…

CẢM XÚC ÂM NHẠC

Cảm xúc là một biểu hiện tâm lý cá nhân, nhưng cần thiết cho sự phát triển của con người trong xã hội vì nó là một nhân tố thúc đẩy các hành động xã hội. Dù rằng trong nhiều nền văn hóa cả Đông và Tây, hành động theo cảm tính thường bị đánh giá thấp hơn hành động theo lý trí, người ta vẫn chứng kiến sự thiếu vắng cảm xúc dẫn đến những biểu hiện nhân cách không tốt đẹp. Kẻ quan quyền vô tình trước nỗi oan của người dân bao ngày kêu cứu, căn biệt thự nguy nga bè bẹp cái chòi lụp xụp là nơi ‘chui ra chui vào’ của hàng chục con người bất hạnh, những công trình đầu tư cả ngàn tỷ đồng rồi bỏ phế đang khi hàng triệu người nghèo chỉ khoai cháo qua ngày, bệnh tật hiểm nghèo không tiền chữa bệnh. Những cuộc thi hoa hậu liên tiếp tổ chức nơi này nơi khác, hết hoa hậu thế giới tới hoa hậu bà bầu, hoa hậu chuyển giới đến hoa hậu tuổi ‘tin’ loạn cả lên, mà mục đích là để tôn vinh vẻ đẹp gợi dục thân xác phụ nữ; chẳng mấy cơ quan nào quan tâm tới ở một góc trời nào đó trong xã hội hôm nay, hằng ngày biết bao phụ nữ bị hành hạ nhân phẩm, bao nhiêu cô gái phải đành đọa rút bỏ cái sự sống vừa hình thành trong lòng mình, là kết quả của những cuộc tình khai thác phụ nữ hoặc những tình yêu không cảm xúc. Cũng có những tiếng nói bênh vực những con người yếu đuối này, nhưng xem ra lời kêu gọi đó cũng như…đàn gảy tai trâu!

Từ những cảm xúc thường tình đó, tôi lại thu gọn về cái cảm xúc trong thưởng thức âm nhạc.Trạng thái tâm lý biểu hiện cảm xúc chỉ có trong xã hội con người, chúng ta thường cho rằng cảm xúc là một đặc tính phân biệt con người với các loài vật. Cảm xúc, vì thế luôn được gắn với nhân văn, và âm nhạc, thứ chỉ riêng con người có được, hiển nhiên mang sứ mệnh truyền đạt và nuôi dưỡng cảm xúc cũng giống như ngôn ngữ là để truyền đạt và nuôi dưỡng lý trí và kiến thức. Có nhiều giả thuyết được nêu ra trong quá trình nghiên cứu khả năng truyền đạt cảm xúc của âm nhạc. Phổ biến nhất là quan điểm cho rằng tiết tấu và văn thể của bản nhạc đóng vai trò như một ký hiệu gắn với các cảm xúc khác nhau. Chẳng hạn, người ta thấy các bản nhạc buồn thường ở thể Thứ (mineur) với tiết tấu chậm còn những bản nhạc vui thường có tiết tấu nhanh và ở thể Trưởng (Majeur)… Quan điểm này thường bị cho là quá đơn giản và những người bác bỏ nó dễ dàng tìm ra những thí dụ ngược lại (như bài quốc ca Hoa Kỳ), song cũng không hẳn có thể bác bỏ hoàn toàn.

Một quan điểm khác dựa vào các phản ứng của cơ thể khi xúc động, chẳng hạn nhịp tim, nhịp thở, giọng nói…biến đổi, và những biểu hiện mãnh liệt hơn : khóc, cười, la hét… Âm nhạc có thể mô phỏng những phản ứng đó qua tiết tấu, giai điệu hay cường độ nhằm thể hiện cảm xúc, đó là một thủ thuật sáng tác thường thấy.

Một ví dụ : bản Marche Slave của Tchaikovsky, ta có thể nghe thấy những “tiếng thét” căm phẫn ở phần đầu rồi đến tiếng reo vui chiến thắng ở phần kết. Quan điểm này cũng chỉ giải thích một phần cái cơ chế truyền đạt cảm xúc trong âm nhạc, bởi vì những phản ứng của cơ thể không đủ rõ ràng và cũng không phong phú. Có những cảm xúc thể hiện ra bên ngoài nhưng cũng có những cảm xúc sâu kín không thể mô phỏng một cách đơn giản.

Tính biểu tượng của âm thanh thoạt đầu là không có, nhưng qua thời gian, có thể có những ước lệ, quy chế được hình thành. Chẳng hạn, cái ‘air’ nhạc Zigan, Blues… luôn gợi những cảm xúc đặc trưng, điệu quân hành luôn hùng tráng, điệu valse viennoise thường vui tươi… Như thế, âm nhạc có thể truyền đạt cảm xúc qua những biểu tượng riêng của mình. Tuy nhiên, các biểu tượng này không giúp truyền đạt chính xác, như thí dụ ở đầu bài đã cho thấy.

Âm nhạc có thể được hỗ trợ bởi lời hát để truyền đạt dễ dàng hơn. Nhưng liệu nhạc và lời có luôn bắt buộc song hành? Rõ ràng là nếu đem đọc lời ca của bài “Hội nghị Diên Hồng” trên nền nhạc của bài “Buồn tàn Thu” thì thật là trái khoáy. Có một bài hát lời tiếng Anh, dịch như thế này: “Phi, tôi thường nhảy lên ngựa và phi như bay, tôi mang bên hông một khẩu súng sáu, tôi đẹp trai đến nỗi các cô gái phải thét lên, và tôi thường bị bắn nhưng chả bao giờ chết…”.

Khi du nhập qua Việt Nam, người ta đặt lời Việt như thế này: “Mây, sao còn bay mãi không quay về đây, sao còn lờ lững che ngang rừng cây, sao còn hờ hững với tôi từng giây, hay còn mơ nghĩ tới ai giờ đây?…”. Ấy thế mà khi nghe cái lời chẳng ăn nhập gì đến nguyên bản ấy, vẫn có thể chẳng thấy gì trái khoáy cả. Mặt khác, ca từ sẽ được dòng nhạc sơn phết để làm tăng nét mỹ miều. Đặc biệt là lời Việt, có những từ mà không khéo đặt nhạc cho hợp thì có thể hiểu sai cả ý nghĩa chứ chưa nói đến là tức cười. Có một bản nhạc Việt mà tiếc quá tôi không nhớ rõ tên, chỉ nhớ là có câu “em đừng đi, xin em đừng đi…” tác gỉa không biết vô tình hay hữu ý kéo dài âm I ra và xuống cung nên nghe…kỳ kỳ!

Để hiểu và yêu nhạc, có lẽ là tổng hợp tất cả các khía cạnh vừa nêu : âm nhạc dùng tất cả những cách đó để truyền đạt cảm xúc. Như vậy, để có thể nghe và hiểu âm nhạc người ta cần một mặt nuôi dưỡng xúc cảm, một mặt cần có kinh nghiệm, học hỏi và am hiểu văn hóa ở chừng mực nào đó. Ta phải học cách nghe nhạc và thưởng thức những tinh hoa của âm nhạc, điều ước vọng mà nhiều người quan ngại về thị hiếu âm nhạc hôm nay ngày càng xuống cấp.

Trong một bài khác, tôi cũng muốn múa rìu… trong lãnh vực âm nhạc tôn giáo, thường gọi là Thánh Ca. Một thể loại rất phong phú và có chiều hướng tâm rất cao nên được dùng để nguyện cầu. Trong thể loại này, các tác giả dù được tự do diễn tả cảm xúc của mình trên dòng điệu hợp xướng, tân thời hay cổ điển… nhưng phải tuân thủ những quy luật của dòng nhạc thánh của Giáo hội… Có lẽ vì tính độc đáo này mà tôn giáo đã cống hiến cho nhân loại những bài ca bất hủ vượt thời gian.

Đêm mưa bão tháng 8/2010

jtrinhan

 

Để lại một bình luận