Cn 22 Tn : Hãy hạ mình…

.

Cn 22 Tn : Hãy hạ mình…


Cn 22 Tn : Hãy hạ mình…Sách Sáng Thế Ký kể lại rằng : Sau khi sáng tạo trời đất và muôn loài; Thiên Chúa phán “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm chủ cá biển, chim trời gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (Stk 1,26).

“Con người” đó chính là đôi uyên ương Adam và Eva. “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Eden… Đức Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh rằng : Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn, nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết’ (Stk 2,15-17).

Một khởi đầu hết sức tốt đẹp cho con người. Cho đến khi; chỉ vì nghe lời dụ dỗ của con rắn rằng “Chẳng chết chóc gì đâu ! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị THẦN biết điều thiện điều ác” !!!

Lời dụ dỗ “có cánh” thật ngọt ngào; đã khêu gợi lòng kiêu ngạo nơi ông bà nguyên tổ; và rồi nó đã khiến cho đôi uyên ương như bị cuốn hút vào một giấc mơ; mơ được trở nên như những vị thần minh. Họ đã sa ngã. Để rồi tội lỗi như một loài virút lan tràn suốt chiều dài lịch sử con người.

Hậu duệ của Adam và Eva kế thừa bản tính kiêu ngạo đó với ước muốn “phải làm cho danh ta lẫy lừng”(Stk 11, 4). Và kết quả là một tháp Babel dang dở bởi sự tự mãn, kiêu căng…

Và cho dù con người vẫn tiếp tục biểu lộ sự kiêu ngạo cố hữu của mình; cách này cách khác. Thiên Chúa vẫn là Đấng “từ bi và nhân hậu”. Trải qua hết đời nọ đến đời kia. Lời Thiên Chúa – thông qua những người được Ngài tuyển chọn cách riêng – vẫn được gửi đến con người, khi thì cảnh báo rằng “Chúa ngăn đe bọn người ngạo mạn”(Tv 119, 21)… khi thì khuyên răng : “Kiêu căng đưa đến sụp đổ; ngạo mạn dẫn đến té nhào” (Cn 16, 18).

Rồi từ dân tộc Israel được tuyển chọn; một lần nữa; Thiên Chúa đã biểu lộ rõ nét “sự chậm giận và giàu lòng tình thương” của Người; qua việc “sai Con của Người đến thế gian” không chỉ để “thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ”. Nhưng qua Con của Người là chính Đức Giêsu; thế gian nhờ đó, học-lại-bài-học-khiêm-nhường mà nguyên tổ Adam và Eva đã-ném-vào-gốc-cây-biết-điều-thiện-điều-ác nơi vườn Eden năm xưa !

Thật vậy; trong ba năm rày đây mai đó rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Đức Giêsu đã không ngớt kêu gọi mọi người rằng : “Hãy đến cùng Ta… Và hãy học với Ta, vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11,28-29)…

Một hôm, nhân dịp được mời “đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Phariseu để dùng bữa” (Lc 14, 1). Và khi chứng kiến cảnh “bát nháo” của những vị khách dự tiệc “cứ chọn cỗ nhất mà ngồi”. Đức Giêsu – qua một dụ ngôn rất đời thường – Ngài đã dạy cho mọi người bài học căn bản về thuật xử thế trong giao tiếp. Có thể nói; đây là một bài học khó nuốt đối với các “quan lớn Phariseu”!!!

Thật vậy; là một ông “thủ lãnh”; thật không dễ gì để thực hiện việc tự-hạ-mình-xuống “vào ngồi chỗ cuối”.(Lc 14,10)… Và càng không dễ để thực hiện việc; với vai trò là chủ nhân bữa tiệc; mà lại phải chạy đôn chạy đáo; mời bọn cùng đinh; khố rách áo ôm vào đồng bàn; một bọn “những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù”… Một bọn người “không có gì đáp lễ” !!!

Thế nhưng đó lại là điều Thầy Giêsu dạy. Thầy Giêsu đã tuyên bố chắc nịch trước cử tọa rằng : Nếu các ông làm như thế; các ông “MỚI THẬT CÓ PHÚC”.(Lc 14,…14).

Một chút tâm tình…

Không khó để có thể đoán rằng; hiện diện trong bữa tiệc này toàn là dân “VIP”… VIP-Phariseu !!! Bởi nếu không là VIP thì làm gì có chuyện “họ cố dò xét Người” (Lc 14…1). Và nếu quả đúng là như thế thì thật xấu hổ cho các thầy thông luật này…

Là thủ lãnh nhóm Phariseu. Một nhóm người được cho là chuyên viên giải nghĩa Kinh Thánh. Tất nhiên họ phải “thuộc” Kinh Thánh. Thế mà hôm nay ! Vâng, hôm nay có lẽ họ quên mất “Lời Chúa” trong Kinh Thánh đã nói gì khi được mời dự tiệc !!!

Kinh Thánh có dạy rằng : “Được đặt làm chủ tọa ư ? Con đừng có lên mặt; giữa thực khách; hãy xử sự như một người đồng bàn; lo cho người ta, rồi mới ngồi vào chỗ. Chu toàn mọi bổn phận xong, con hãy yên vị và chung vui với mọi người” (Hc 32, 1-2).

Nếu… nếu vị thủ lãnh nhóm Phariseu và cũng là chủ nhân bữa tiệc; thực hiện đúng những lời dạy trong sách Huấn ca nêu trên; thì làm gì có cảnh thực khách phải muối mặt “nhường chỗ cho vị này, (vị kia). Hay phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối”…

Nếu tất cả thực khách “lo cho người ta, rồi mới ngồi vào chỗ”… Vâng, nếu mọi người đều làm như thế thì chủ nhân bữa tiệc “sẽ được vinh dự (biết bao) trước mặt mọi người đồng bàn” (Lc 14, …10)

Lo-cho-người-ta; phải chăng cũng là một cách “tự-hạ-mình”!

Một phút suy tư…

Kết thúc dụ ngôn Đức Giêsu nói tiếp rằng : “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.(Lc 14, 11). Không như những người Phariseu “Họ nói mà không làm”. Đức Giêsu không nói xuông. Lời dạy dỗ của Ngài đã được thưc thi một cách trọn vẹn. Trong bữa tiệc ly; có hình ảnh “tự-hạ-mình” nào đẹp hơn hình ảnh “Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13, 4-5) !!!

Sử dụng dụ ngôn bữa tiệc cưới trần thế; Đức Giêsu còn muốn hướng mọi người chuẩn bị cho một bữa tiệc cưới khác thịnh soạn hơn. Đó là “bữa tiệc Nước Trời”.

Là một Kitô hữu – trong sự chờ đợi ngày được “mời đến dự tiệc cưới Con Chiên” (Kh 19,9); Chúng ta thật là diễm phúc vì “được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa” ngay tại trần thế này. Một bữa tiệc được chủ nhân Giêsu đãi bằng “Mình và Máu Thánh của Ngài”. Đó chính là “Bữa Tiệc Thánh Thể”.

Thế nhưng, sẽ thật khó để mà tham dự “bàn tiệc thánh” này nếu chúng ta không tự-hạ-mình “thú nhận cùng Thiên Chúa là Cha toàn năng và cùng anh chị em” về những sự kiêu căng, ích kỷ, ghen ghét, hận thù của chính mình… Và đừng quên cầu khẩn cùng Đức Giêsu rằng : “Lạy Chúa, con chẳng đáng…”. Amen.

Petrus.tran


Để lại một bình luận