CHUYỆN KHÔNG CỦA RIÊNG AI.
Nếu có ai đó hỏi : làm thế nào mà hôm nay trên khắp thế giới; hầu như nơi nào cũng có người tin Đức Giêsu Kitô ? Chắc hẳn câu hỏi trên sẽ được trả lời rằng : đó là do các tông đồ đã thực hiện lệnh truyền của Đức Giêsu. Trước khi “được đưa lên trời”; lệnh truyền đó đã được Đức Giêsu nói với các Tông đồ rằng : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho khắp loài thụ tạo” (Mc 16,15).
Ngay trong những ngày còn tại thế. Đức Giêsu cũng đã coi trọng việc sai các môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng. Với các môn đệ đầu tiên. Đức Giêsu đã quy tụ họ thành “nhóm mười hai, để (họ) ở với Người và để Người sai (họ) đi rao giảng” (Mc 3,14).
Sau đó; Đức Giêsu còn thiết lập và “chỉ định bảy mươi hai người khác và sai các ông cứ từng hai người một… vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến”(Lc 10,1).
Dùng hình ảnh “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”. Và khi nói với các môn đệ rằng : “anh em hãy xin chủ gặt sai thợ ra gặt lúa về”… Đức Giêsu đã cho thấy vai trò của người môn đệ không chỉ tin-và-theo-Ngài; mà còn phải “được sai đi”. Được sai đi trong vai trò người sứ giả đem “bình an” đến cho mọi người. Được sai đi như là “phát ngôn nhân” để loan báo cho mọi người biết “Triều Đại Thiên Chúa” nay đã đến gần.
Một chút tâm tình…
Việc chọn nhóm bảy mươi hai người; chứ không phải nhóm mười hai; với lệnh truyền “hãy ra đi”… phải chăng Đức Giêsu muốn gửi đến một thông điệp rằng: công cuộc ra đi loan báo Tin Mừng là chuyện-không-của-riêng-ai !!!
Một phút suy tư…
Là một Kitô hữu; tất nhiên chúng ta trở thành môn đệ của Đức Giêsu. Và khi đã là môn đệ của Ngài; chúng ta sẽ phải làm gì khi nghe lời tâm tư của Tông Đồ Phaolô : “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.
Có cần thiết phải thực hiện những cuộc hành trình truyền giáo như thánh Phaolô; đi từ Roma đến Corinto, băng qua Epheso rồi đến Colosê v.v…???
Hay chúng ta chỉ cần thiết lập một Website chuyên đề với những bài suy tư về một “Thiên Chúa là tình yêu” !!! Hoặc một trang blog cá nhân chia sẻ những ơn phúc và sự bình an mà Chúa đã ban tặng !!!
Một cuộc sống chung thủy trong đời sống hôn nhân ! Một sự nhịn nhục… một sự thứ tha… đối với tha nhân…“đem yêu thương vào nơi oán thù”. Vâng, phải chăng thực thi những điều đó cũng là một cách loan báo tin mừng !!!
Vẫn là thánh Phaolô nói : “Rao giảng Tin Mừng không phải lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm” (1 Cr 9,16).
Có lời chép rằng : “Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng”. Vâng, đúng là “mừng”. Mừng bởi Đức Giêsu đã nói “ Hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10,20).
Petrus.tran