Người Cha Tuyệt Vời
Tròn một thế kỷ trước, Ngày của cha (Father’s day) ra đời tại nước Mỹ. Từ đó đến nay cứ mỗi chủ nhật thứ ba của tháng sáu hằng năm trở thành dịp cho những người con khắp thế giới tỏ lòng hiếu kính và biết ơn người cha trao tặng cho mình cuộc sống.
Đâu đó trong xã hội có nhiều người con vắng cha, hoặc chưa từng biết mặt cha ruột. Dẫu vậy bất cứ ai cũng có một người cha – người cho chúng ta dòng máu, một dòng tộc ở đời. Để trở thành cha thì dễ, làm bổn phận người cha mới khó! “Con không chê cha mẹ khó” và một người cha tuyệt vời cần đem lại cho con cái những gì?
Không nhất thiết giàu có
Trên diễn đàn www.chavame.com/forum, thành viên Trần Long (30 tuổi) chia sẻ trong một chủ đề viết về cha: “Chúng ta đừng hổ thẹn vì mình không giàu để thỏa mãn nhu cầu cho con cái, nhưng chúng ta phải xấu hổ vì không cho con mình cái đức thành người. Tôi học được điều này từ cha mẹ mình. Các cụ sống một đời đạm bạc, nuôi dưỡng chúng tôi khôn lớn trưởng thành bằng tình yêu thương và lòng nhân trong cuộc đời. Dù cha mẹ tôi không có nhiều của cải thừa kế lại, song đối với tôi đức hạnh và uy tín của cha là di sản quý giá nhất”. Quả thật vậy, làm cha quan trọng nhất là dạy con nên người, biết sống theo lẽ phải chứ không phải là chuyện lo cho con no đủ đến đâu.
Không dạy dỗ bằng roi vọt
Tiến (19 tuổi, Hà Nội) từ nhỏ đã ám ảnh suy nghĩ “cha quá đòi hỏi ở mình” khi cha anh quan niệm thương cho roi cho vọt, thường dùng hình phạt răn dạy con. Sự khắt khe của cha khiến anh không dám thẳng thắn bày tỏ: roi vọt và dọa nạt không phải là dạy dỗ mà là trừng phạt và khủng bố.
Chính vì thế Tiến có lần tủi thân suýt khóc vì nghe anh Hoàng (24 tuổi) kể về cha: “Hồi mới lớn tôi tập tành hút thuốc cho bằng bạn bè. Một hôm bị cha bắt gặp, những tưởng ông giận dữ quát nạt. Nhưng không, ông đã dẫn tôi ra sau bếp và chỉ cho thấy đám bồ hóng từ khói bám vào mái nhà như thế nào, thì người hút thuốc cũng bị khói bám vào phổi như vậy. Ngày đó nghe lời cha tôi bỏ thuốc, song đến giờ mới thấm hết ý nghĩa bài học nhân từ ông dạy mình”.
Rõ ràng con cái cần những lời dạy bảo trong tinh thần nhân ái của cha hơn là đòn roi khắt khe. Một người cha kiên nhẫn giáo dục con bằng lòng nhân cho đến khi trưởng thành là tuyệt vời nhất.
Biết yêu thương, vị tha
Cũng trên diễn đàn Cha và mẹ, thành viên nữ Rainbow đã kể về sự may mắn của mình vì có một người cha như thế: “Cha tôi là một người tuyệt vời, tôi chia sẻ với ông tất cả mọi điều, kể cả những sai lầm của mình. Vì ông luôn thứ tha và có những lời khuyên đúng đắn. Cha nói: sự dữ dằn không mang lại hạnh phúc cho gia đình, biến gia đình thành nơi tố tụng hình sự thì chắc chắn chẳng mang lại niềm vui cho con”.
Mãi mãi không thay đổi
Ngày nay, người ta lo ngại những đứa con trong các gia đình ly dị, ly thân không có tình thương, sự chăm sóc của cha mẹ sẽ bị khiếm khuyết về tinh thần, bị gãy đổ trong quá trình hình thành nhân cách.
Lên chức cha đã bảy năm, anh Giang (38 tuổi, TP.HCM) luôn hướng tới mục tiêu trở thành người cha tốt của con mình, anh quan niệm: “Người cha tốt trong mắt con cái là phải thủy chung với gia đình, biết tránh khỏi những cám dỗ. Bởi một khi dính vào thứ tình cảm bất chính rất dễ trở thành một người chồng bội bạc, một người cha chẳng ra gì, dẫn đến cảnh chia đàn xẻ nghé vợ con. Có nhiều người đàn ông làm chồng làm cha vẫn đi tìm những cuộc tình vụng trộm khác. Họ không nghĩ rằng trong bóng tối cuộc vui của mình là bóng tối của cô đơn và thất vọng của vợ con. Sự chung thủy là biểu hiện cho trách nhiệm với gia đình. Sự chung thủy chính là việc không bao giờ để trái tim vơi cạn tình yêu với gia đình”.
Tất lẽ một người đàn ông không bao giờ thay đổi, gắn bó với gia đình đến cùng đã là điều kiện đảm bảo cho hình ảnh một người cha đáng kính trong lòng con cái.
Linh Đỗ