Khi Ba Bệnh Nặng, Con Biết Mình Vô Tâm
Ba mẹ tôi thuộc mẫu người không phiền đến con cái, nên dù căn bệnh của ba ngày càng nặng nhưng tôi vẫn không biết. Hôm vừa rồi, khi ba phải nhập viện làm phẫu thuật tôi mới nhận ra lâu nay chúng tôi rất vô tâm với ba mẹ.
Mấy năm nay ba vẫn thường xuyên dùng thuốc nam để làm tan sỏi nhưng bệnh không thuyên giảm. Cách đây mấy tháng cơn đau làm ba ngất xỉu. Vậy mà khi tỉnh lại, ba vẫn không chịu đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Mãi đến cuối tuần, tôi về thăm nhà mới hay tin. Thuyết phục mãi, ba mới chịu đến bệnh viện.
Bác sĩ thông báo ba phải nhập viện làm phẫu thuật gấp vì sỏi to, sắp làm hỏng quả thận bên phải, chưa kể các viên sỏi nhỏ đã bám đầy các đài thận, nguy cơ cắt bỏ thận phải là 70-80%. Thông báo của bác sĩ làm ba bị sốc đến mức tăng huyết áp. Cuộc phẫu thuật phải dời lại, ba tiếp tục ở lại bệnh viện để bác sĩ theo dõi. Mẹ và tôi phải động viên rất nhiều ba mới chịu ăn uống bình thường.
Hai tuần sau, ca phẫu thuật được thực hiện. Trước khi vào phòng mổ, nhìn gương mặt lo lắng của ba, mẹ, tôi và em trai không cầm được nước mắt. Cửa phòng mổ khép lại, ngoài hành lang, chúng tôi mỗi người một tâm trạng. Ký ức ngày xưa ùa về…
Những lúc tôi hay các em bị bệnh, chỉ cần nhìn cách ba chăm sóc, lo lắng là chúng tôi hiểu ba yêu chúng tôi vô cùng. Khi các con thi tốt nghiệp THPT và thi đại học, ba gác hết công việc để “đi thi” cùng con. Nhà tôi nghèo nhưng ba chưa bao giờ thôi động viên con cái chăm học. Để lo cho mấy anh em tôi đến trường, ba không ngại dầm mưa dãi nắng lo việc đồng áng, vườn tược, làm thuê làm mướn…
***
Bác sĩ quyết định không cắt bỏ quả thận bên phải của ba. Hơn một tuần sau, vết mổ dần liền da, nhưng kết quả ca mổ không hoàn hảo, thận phải của ba bị ứ nước, sỏi trong thận vẫn còn, ba phải nằm lại bệnh viện nhiều ngày để điều trị. Hai tháng sau, bác sĩ báo tin ba có thể xuất viện. Đó là ngày rất vui với ba, ai đến thăm, ba cũng khoe cuối tuần được xuất viện về nhà. Từ đó đến nay sức khỏe ba dần ổn định.
Ngày ba về nhà từ bệnh viện là ngày vui của cả gia đình và là niềm hạnh phúc vô giá trong lòng tôi. Sau cơn bạo bệnh của ba, tôi có những thay đổi lớn trong suy nghĩ. Tôi thật sự ân hận vì từ ngày tốt nghiệp, đi làm tôi bị công việc cuốn đi. Những chuyến về thăm nhà vào dịp cuối tuần thưa dần, thay vào đó là những cuộc điện thoại hờ hững, xa cách.
Nhìn thấy sự lo lắng, ân cần của mẹ khi chăm ba trong những ngày ở bệnh viện tôi mới kịp nhận ra gia đình chỉ thật sự hạnh phúc là khi có hình ảnh vững chãi, có lời răn dạy của ba; có bóng dáng gầy còm lúc nào cũng lọ mọ chăm lo cho chồng, cho con của mẹ; có những buổi họp mặt anh em cười đùa rộn rã.
Nhân Ngày của cha năm nay nếu có ai hỏi tôi muốn nói gì với ba, không cần suy nghĩ, tôi sẽ trả lời: “Tôi muốn nói với ba rằng con yêu ba và yêu gia đình mình nhiều lắm!”.
Minh Nguyệt