Thương Hoài Bóng Ngoại
Ngoại đứng đầu trong danh sách 5 người tôi yêu thương nhất. Với chùm râu dài xuống tận ngực, mái tóc trắng như cước, ngoại mang nét gì xưa thật xưa như ông bụt trong những truyện cổ tích mà tôi hay đọc.
Ngoại có một chiếc gậy màu nâu trơn bóng. Nó có tay cầm như những chiếc ô cong cong từ trên xuống. Tôi nhớ một tay ngoại cầm gậy, tay còn lại luôn cầm chiếc quạt nan phe phẩy mỗi ngày hè. Hình ảnh ấy sao mà đẹp đến thế làm tôi nhớ ngoại thật nhiều.
Đôi bàn tay ngoại chai sần khô cứng nhưng khéo léo và chẳng chịu để nó nhàn rỗi bao giờ. Mùa xuân – ngoại cắt tỉa những cây cảnh trong vườn, nhặt cỏ cho những luống rau. Mùa thu – ngoại hay đi câu cá. Mùa đông – ngoại sửa lại những chiếc chuồng chim. Hạ sang – ngoại vót tre đan quạt. Những chiếc quạt ru biết bao tâm hồn những đứa trẻ thôn quê nghèo khó. Ngoại là người đan quạt đẹp nhất mà trong mắt tôi không ai đan đẹp hơn ngoại.
Cứ mỗi độ chia tay tháng ba không mùa là ngoại lại kiên nhẫn chẻ tre, vót thành sợi mỏng, ngâm trong nước vài ngày cho bớt mùi hăng, vớt ra phơi nắng độ nửa ngày và bắt đầu đan. Ngoại đan quạt như một thói quen ăn sâu vào máu thịt không thể bỏ. Dù thời thế tiến bộ, nhà ai cũng dùng quạt máy, ngoại vẫn đan và phân phát cho từng nhà. Nhà tôi năm nào cũng nhận được bốn cái, những chiếc quạt mới đan xong còn thơm mùi tre nứa luôn được tôi phe phẩy ngay lập tức.
Món ăn khoái khẩu của ngoại không cầu kỳ, sang trọng. Nó là món bánh đúc chợ Chùa, chấm mắm tôm, thứ bánh trắng trong làm từ bột gạo tẻ giản dị, mộc mạc như chính con người nơi thôn dã. Mỗi lần nhìn ngoại dùng đôi bàn tay nhăn nheo xương xẩu bẻ bánh, tôi lại thấy chạnh lòng. Thương ngoại tảo tần, thương lắm và tôi mơ một ngày sẽ mang cho ngoại những loại bánh ngon nhất Việt Nam này.
Hơn mười năm đã trôi qua, tôi dần lớn, lo chuyện học hành cho bằng chúng bạn. Thời gian ở bên ngoại ít dần rồi thưa thớt, có khi cả tháng tôi chỉ ghé thăm ngoại được một vài lần. Mang cho ngoại chai rượu, liền trầu hay những cột bánh đúc. Ngoại già và hay lẫn, lưng ngoại còng đi nhiều, ngoại cũng không còn đan quạt nữa. Điều tôi nhận thấy rõ nhất mỗi khi chào ngoại ra về là đôi mắt buồn thao thiết, ngoại mong những lần tôi trở lại…
Tôi vào Sài Gòn học cao đẳng vào một ngày thu. Lúc tiễn tôi ra xe, ngoại giúi vào tay tôi chiếc bùa bình an màu đỏ. Chẳng biết ngoại mê tín từ khi nào nhưng có vẻ ngoại đã chuẩn bị trước cho tôi từ lâu. Tôi đeo chiếc bùa bình an ấy vì cũng tin điều gì thật xa xôi, tôi không biết rằng thời gian tôi gần ngoại chỉ còn đếm bằng ngày.
Mẹ gọi điện báo tin ngoại bệnh, giọng mẹ run run. Có điều gì mách bảo chuyện chẳng lành, tôi hủy kế hoạch đi chiến dịch mùa hè xanh để về nhà. Ngoại bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, viêm phổi rất nặng, gan cũng không khỏe, ngoại còn bị bệnh trĩ lâu năm nữa… Người ta nói lục phủ ngũ tạng của ngoại hư hết rồi.
Trời miền Trung trong cái nắng như rang, tim tôi đau thắt rồi vỡ òa theo tiếng khóc, ngoại nằm đó chỉ còn chờ chết. Ngoại không ăn uống gì được, không mặc được quần áo bởi cứ ăn phía trên đưa ra phía dưới và luôn bị dơ. Tất cả đổ dồn vào một lúc khiến ngoại đau đớn. Mỗi khi nghe tiếng rên yếu ớt của ngoại là tôi lại khóc. Tôi thực sự thấy sợ, nỗi sợ hãi mất đi người mình thương yêu nhất. Tôi sợ mình không thể chịu đựng nổi, trống vắng, hụt hẫng, tuyệt vọng…
Nhưng chuyện gì đến sẽ phải đến dù ta sợ, không muốn chấp nhận. Ngoại ra đi khi tiếng gà gáy báo hiệu ngày mới. Điều đó mới kỳ lạ làm sao, tôi tin là ngoại đã được giải thoát. Khi ngoại ra đi ngoại đã hết đau, hết những tháng ngày khổ ải. Tôi chưa kịp thực hiện lời hứa của mình, tôi khóc. Nhưng tôi biết chiếc bánh ngon nhất mà ngoại tôi ăn không cần phải là đặc sản nổi tiếng xứ nào. Chiếc bánh ấy chỉ cần tôi gói tình yêu thương là đủ – chiếc bánh của tâm hồn.
Hai năm nữa lại trôi qua, chuyện tưởng như không thể chấp nhận rồi cũng được chấp nhận. Chấp nhận và tôi luôn tin tưởng dù ngoại không còn sống trên đời, hình bóng ngoại giờ chỉ còn trong tâm tưởng nhưng ngoại vẫn sống trong trái tim tôi, mãi mãi…
Mai Đình