Gánh Chè Đầu Hẻm
Ngày còn bé, chè ngọt với lũ trẻ con trong xóm là một thứ xa xỉ. Món chè ngày ấy không như bây giờ, nhất là chè đậu ván, thứ tôi mê nhất.
Gọi là chè đậu ván cho sang, chứ thật ra cái chén khi ấy chỉ đặc sệt bột năng ngọt lịm với vài hạt đậu be bé, phủ bên trên là một ít nước dừa, trắng và thơm nức mũi, chỉ thế là quá đủ làm lũ nhóc con “say lòng”.
Một tuần tôi trông đợi đến mỗi ngày thứ ba để mẹ cho tiền ăn một chén chè đậu. Ôi chao, cả tuần chỉ có một “khoảnh khắc” duy nhất để “vênh váo” cho đám thằng Quậy, thằng Cu Đen… mắt tròn mắt dẹt. Chắp hai tay sau lưng, gọi hàng chè ghé trước cửa nhà, nuốt ừng ực nước miếng, tôi lấy sức bình sinh, nói sao cho thật oai vệ: “Bán cho con một chén đậu ván”.
Mỗi tuần chỉ có một chén chè, nên bằng mọi giá tôi phải ăn thật chậm, thật lâu, thật từ tốn…
Muỗng đầu tiên, tôi cảm nhận vị bùi bùi của miếng đậu đang tan trong miệng, vừa ngọt, vừa thơm dịu nhẹ nhàng. Muỗng thứ hai, đậu ván cùng với lớp bột năng đặc quánh trong miệng, hòa thành một món ngon mà thằng bé chần chừ không dám nuốt ngay, cố tình giữ lâu hơn để thưởng thức. Muỗng thứ ba, thứ nước dừa thơm lừng kia tan nhẹ trên đầu lưỡi, ngọt ngào đến ngây người. Bốn tuổi, tôi chắc như bắp một chân lý: “Ăn chè phải có nghệ thuật”.
Chả biết chân lý đó có tồn tại lâu hay không, chỉ biết là sau 5 chén chè – 5 tuần, cái tính thèm thuồng của thằng nhóc như tôi lại dâng cao. Khó mà kềm lòng khi ngày nào cô hàng chè cũng gánh ngang, rao vang thứ âm thanh quen thuộc đó.
Ngặt nỗi, nhà không mấy khá giả, thằng nhóc rất ý thức nên không dám xin tiền mẹ mua chè. Dạo ấy tôi rất không ưa, nói thẳng ra là ghét, một thằng công tử nhà giàu cách nhà tôi hai căn. Hắn ung dung, cũng hai tay chắp ra gọi hàng chè và ăn liền một mạch hai chén. Ăn xong, hắn đứng lên, trả chén rồi nói oang oang:
– Bữa nay nợ nhe cô, lần tới trả luôn!
Cô hàng chè cười tươi, cất chén rồi bước đi. Quá thèm chè, tôi bấm bụng làm liều một phen. Thế là hôm sau, lấy hết can đảm, tôi lén mẹ gọi cô hàng chè ghé vào. Vẫn món chè đậu ván đó, nhưng để chắc ăn, tôi mua chén nhỏ. Ăn ít ít từng muỗng một, thoắt cái chén chè hết nhẵn. Đứng lên trả chén, tôi nói thật chậm, thật tỉnh câu “thần chú” tập luyện mấy ngày liền:
– Bữa nay con nợ nhe cô, lần tới…
Chưa kịp nói hết câu, cô hàng chè ngọt ngào dịu dàng thường ngày bỗng dưng khác hẳn. Cô lấy tay xách tai tôi lên, giọng oang oang cho cả xóm cùng nghe. Xấu hổ trước cái nhìn của mọi người, cảm giác mình đang mang bản án “thằng bé ăn quịt”, nhưng tôi vẫn lẩm bẩm khó hiểu: “Mình có làm gì sai đâu, thằng nhà giàu kia nói y chang mà… Kỳ cục thật”.
Dĩ nhiên là mẹ tôi xuất hiện, trả giúp tiền chén chè. Tôi vào nhà, rón rén ngoan ngoãn như một con mèo con. Khỏi phải nói cũng biết là mẹ tôi giận đến nhường nào và cũng buồn lòng nữa. Mẹ dặn một câu:
– Nhà mình có khó khăn, có nghèo tới đâu thì con cũng đừng bao giờ thiếu nợ ai bất cứ món gì, dù là một chén chè.
Và sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi ngạc nhiên khi thấy mẹ để sẵn một chén chè “hảo hạng” trên bàn.
———o0o———
Tôi bây giờ đã lớn, bạn bè thường rủ đi ăn chè Thái, chè Mỹ, hàng quán sang trọng, nhưng có lẽ không đâu tôi có thể tìm lại chén chè đậu ván bé bé trong con hẻm tuổi thơ ngày ấy, nơi tôi có thể sung sướng với từng muỗng chè… Và nơi đó là nơi tôi nghe bên tai thật rõ, thật hiền lời dạy của mẹ ngày nào.
Bị cô hàng chè nhéo tai, bị mẹ mắng, ấm ức suốt buổi, có cả ganh tị, tủi thân khi nhìn cậu bé hàng xóm, thế nhưng “chân lý chè đậu” đã hoàn thiện, và giờ tôi thầm mừng khi cô hàng chè không cho tôi ăn thiếu, dù là một chén.
Trần Đức Thịnh