Cn IV Phục sinh : Người Mục Tử…
“Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Đó chính là lý do mà Đức Giêsu đã phải xuống thế làm người. Và đó chính là sứ điệp mà Đức Giêsu đã bày tỏ với Nicôđêmô trong một đêm hai người gặp gỡ.
Trong ba năm thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng. Đức Giêsu luôn trình bày cho mọi người thấy khuôn mặt về một Thiên Chúa là tình yêu. Một Thiên Chúa như là Người Mục Tử nhân lành; sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên. Vị Thiên Chúa đó chính là Ngài như lời Ngài khẳng định : “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga10,30).
Có vẻ như nhiều người Do Thái không hiểu lời loan báo này. Vì thế đã có biết bao câu hỏi được đặt ra. Đã có rất nhiều lời đồn đoán về Ngài. Khi thì họ nghi rằng Ngài là “Ông Gioan Tẩy Giả”. Lúc họ nghĩ rằng Ngài là “ông Êlia hay một ngôn sứ nào đó”…
Sự không hiểu biết đó đã dẫn đến những tranh luận gay gắt giữa Đức Giêsu và người Do Thái. Hôm nay, trong dịp “lễ Cung Hiến Đền Thờ”. Khi thấy “Đức Giêsu đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Salômôn”. Người Do Thái – một lần nữa – không bỏ lỡ cơ hội. Họ vây quanh Đức Giêsu và một cuộc chất vấn nổ ra. Họ muốn được biết sự thật về một “Đấng Kitô” mà lâu nay đã khiến cho : “lòng trí họ phải thắc mắc”. (Ga 10, 24).
Không quá khó để Đức Giêsu có một câu giải đáp thắc mắc cho họ. Nhưng cái khó ở đây là vì – như lời Đức Giêsu đã nói với họ rằng : “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi.”(Ga 10,25). Cuộc chất vấn chấm dứt một cách đáng thất vọng. Thất vọng vì “họ không tin” Đấng Kitô mà họ đang khao khát được biết chính là : “Đức Giêsu – Người Mục Tử nhân lành”. Người mục tử sẵn sàng : “Hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên” Và sẵn sàng bảo vệ đàn chiên để : “không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng” (Ga 10,28).
Một chút tâm tình…
Có hình ảnh nào đẹp và dễ thương hơn cho bằng hình ảnh Đức Giêsu ví Ngài là : “Người Mục Tử Nhân Lành”. Thánh Vịnh hai mươi ba là một Thánh vịnh đã mô tả hình ảnh người mục tử nhân lành đầy ấn tượng. Hình ảnh người mục tử đó đã để lại nơi chúng ta một cảm giác an toàn và hạnh phúc.
Có gì hạnh phúc và an toàn hơn khi chính : “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ”. (Tv 23, 1-2). Và dù có phải : “Qua thung lũng âm u… con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng”.(Tv 23, 4).
Vâng, không có gì an toàn và hạnh phúc hơn khi chúng ta : “Nghe tiếng Chúa, Chúa biết chúng ta và chúng ta theo Chúa…”
Một phút suy tư…
Hôm nay; khi nói đến người mục tử – hẳn nhiên chúng ta nghĩ đến các vị chủ chăn của chúng ta. Họ là những Giám Mục và Linh Mục. Những người kế vị các thánh tông đồ quyền “chăm sóc và chăn dắt” qua Bí Tích Truyền Chức Thánh.
Nếu các Linh Mục khi lãnh nhận Bí tích truyền chức; họ được trao ban chức tư tế – “Tư tế thừa tác”. Thì người Kitô hữu khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy; cũng được trao ban chức tư tế – nhưng là “tư tế cộng đồng”.
Công Đồng Vatican II dạy rằng : “Chức tư tế chung của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn về yếu tính; song cả hai bổ sung cho nhau. Thật vậy, cả hai đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô theo cách riêng của mình” (Hiến chế tín lý về Giáo Hội – số 10).
Khi đã nhận thức được điều này thì bàn tay của người “tư-tế-cộng-đồng” thay vì vội vã vung tay lên án bởi một vài sự yếu đuối của một vài thành phần mục tử trong Hội Thánh. Nhưng hãy đưa bàn tay ra hiệp thông với người “tư-tế-thừa tác” – như lời Linh Mục Charles E.Miller đã nói : “không phải tay này đặt lên tay kia như thể có sự khác biệt bên trọng bên khinh… Trái lại, chúng phải là hình ảnh hai bàn tay áp chặt vào nhau, lòng bàn tay này với lòng bàn tay kia trong dáng điệu cầu nguyện” ( nguồn : Sunday Preaching).
Thánh Lễ là hình ảnh đẹp nhất cho sự hiệp thông giữa người tư-tế-cộng-đồng và Linh Mục chủ tế – người tư-tế-thừa-tác. Lời kinh nguyện Thánh Thể III nêu bật sự kiện này : “Khi chúng con được Mình và Máu Con Cha bổ dưỡng, được tràn đầy Thánh Thần của Người, xin cho chúng con trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô”.
Linh Mục và giáo dân bổ sung cho nhau. Cùng nhau dâng lời cầu nguyện trong Phụng Vụ. Tất cả không chỉ làm trọn chức Thượng Tế duy nhất của Đức Giêsu Kitô mà còn – một lần nữa – khẳng định trước mọi người rằng : Đức Giêsu Kitô – Ngài chính là “Người Mục Tử Nhân Lành”.
Petrus.tran