Đường Về Quê Mẹ

 

 

 

Đường Về Quê Mẹ

Đường Về Quê MẹKhoảng cách từ nhà tôi đến trung tâm thị trấn khá xa. Ranh giới được phân chia giữa hai đoạn đường đất đỏ – đường trải nhựa cũng tức là nông thôn – thành thị là một cây cầu.

Một cây cầu thông thương đường sắt Bắc – Nam có vòm mái cong cong. Con đường ấy có đất đỏ, đá lởm chởm, những đoạn dốc quanh co và nhiều bóng cây thả bóng mát hiền hòa.

Lần đầu tiên tôi được đi trên con đường đó ra thị trấn là lúc gần 10 tuổi, theo mẹ đi chợ huyện. Khi đến và qua dưới cây cầu, mẹ bảo: “Đến thị trấn rồi đó con”. Trước mắt tôi đủ loại xe cộ, nhà cửa, đường sá… hiện ra không thể tưởng tượng nổi. Tôi say mê ngắm nhìn những ngôi nhà cao, những cửa hàng sáng trưng san sát trước mặt mà quên chú ý đường đi, bàn chân phải vướng vào mép đường suýt nữa té nhào.

Sau này lớn lên, tôi liên tiếp đi về trên con đường đó. Mãi đến bây giờ tôi cũng không nhớ nổi mình đã đi qua dưới cây cầu này bao nhiêu lần.

Ngày trước, mẹ đưa tôi ra thị trấn cho biết, sau dễ bề đi lại học tập, mở mang tầm nhìn, bắt đầu một cuộc hành trình nho nhỏ trong cuộc đời.

Thế rồi cuộc đời như con tạo xoay vòng nhanh hơn một cái chớp mắt. Năm rồi, tôi đưa mẹ từ quê lên phố để điều trị bệnh tai biến một thời gian khá dài. Không ngờ một ngày không xa với lần đi về đó, mẹ đã ra đi vĩnh viễn. Đó cũng là lần cuối cùng mẹ đi về trên con đường từng gồng gánh quen thuộc trong hơn nửa cuộc đời bảy mười năm có lẻ của mình. Không biết một đời mẹ đã qua dưới cây cầu này bao nhiêu lần?

Mẹ bệnh nặng. Gần ba tháng nằm khắp các bệnh viện, cuối cùng tôi và anh chị đưa mẹ về. Những ngày cuối cùng bên mẹ, tôi mới cảm nhận được tình cảm của con cái đối với công ơn trời biển cha mẹ chẳng được là bao.

Ngồi ngẫm nghĩ lại chặng đường ấu thơ rồi lớn lên học hành, có công ăn việc làm tương đối ổn định mới thấy công lao cha mẹ không gì sánh bằng. Bây giờ đã muộn, nghĩ và biết thế chứ chẳng còn được gì, biết để sau này mình càng có trách nhiệm với con cháu hơn chứ chẳng mong gì ngoài sự học hành, thành đạt và biết cách làm người ở chúng nó.

Hơn ba mươi tuổi, tôi thấm thía nỗi đau và sự thiệt thòi của đứa con không còn cha mẹ. Không dám phân bì với người khác nhiều, song những lần thấy người ta được ưu ái hơn mình nhiều thứ, bản thân cũng chạnh lòng xót xa và giận vu vơ với chính mình.

Những lúc đó tôi lại nhớ lời mẹ dặn hôm nào: “Cha mẹ không có tiền bạc nhiều, chỉ cho con cái chữ, ráng học sau đặng nhờ bản thân”, tôi khắc cốt ghi tâm lời dặn, luôn tự bảo với lòng phải cố gắng trong mọi lúc mọi nơi.

Do yêu cầu công việc nên những lần về quê của tôi cũng thưa dần. Mặc dù thời gian biểu không còn cố định hai tuần một lần như lúc mẹ còn sống nhưng chiều cuối tuần rồi mà không về được nhà thì trong lòng cảm thấy nôn nao khó tả. Và dù gì thì tôi cũng tìm mọi cách để tranh thủ về quê trong thời gian sớm nhất. Mỗi lần đi qua dưới cây cầu tôi lại nhớ ngày xưa và nghĩ về một con đường xa hun hút.

Về quê được sống với những ngày ấu thơ, hít thở không khí đồng quê mộc mạc, ngắm cánh đồng lúa chín, ăn cơm nấu bằng củi với món rau luộc vườn nhà… không thích sao được. Phong cảnh ở miền quê thật giản dị và hữu tình. Tất cả đều nguyên vẹn như ngày xưa yêu dấu.

Quê mẹ đây rồi. Mảnh vườn và con đường đất đỏ vẫn còn nguyên vẹn như hôm nào nhưng mẹ thì không còn. Mẹ đã về một quê hương xa lắm, quê hương thứ hai có lẽ cũng yêu dấu yên lành mà vĩnh viễn. Có một con đường quanh co ngập ngừng rồi thăm thẳm trong trí nhớ của tôi với một thời rất xa. Ngày mai tôi lại đi, sẽ thêm một lần qua dưới cây cầu, bàn chân tôi sẽ in thêm những dấu trên con đường quen thuộc hôm nào. Con đường về quê mẹ.

ĐÀO TẤN TRỰC

 

Để lại một bình luận