Ngày Con Dành Tình Yêu Cho Ba
Hai mươi năm trước, giây phút Ba mừng vui đón chào đứa con yêu ra đời cũng là lúc Ba rơi hết nước mắt tiếc thương cho sự ra đi vĩnh viễn của người vợ hiền. Bế đứa con gái bé bỏng đỏ hỏn trên tay, Ba xót xa cho con thơ chưa biết gì đã chịu cảnh mồ côi mẹ. Từ đó, Ba đã ý thức được con đường khó khăn phía trước của mình. Và dường như Ba đã biết mình cần làm gì và phải làm gì.
Cảnh “gà trống nuôi con” chẳng dễ dàng chút nào, đặc biệt là với người đàn ông mới 28 tuổi, khi kinh nghiệm làm Ba vẫn là con số 0 tròn trịa. Chăm sóc con nhỏ đòi hỏi một sự cẩn trọng, tỉ mỉ và nhẹ nhàng. Đó là điều tạo hóa ban sẵn cho những người phụ nữ. Còn đối với Ba, việc này thật khó khăn.
Có lần con quấy khóc đòi đi ngủ, vậy mà Ba hết cho con ăn rồi lại cho uống nước vì cứ nghĩ rằng con đang đói. Hàng xóm đi ngang qua chỉ biết lắc đầu tội nghiệp đứa bé mà vào dỗ dành thay cho Ba. Cũng chính vì thế mà cả bạn bè và người thân, ai cũng khuyên Ba đi bước nữa để có người chăm lo cho con được tốt hơn. Ấy thế mà lần nào cũng vậy, Ba chỉ lắc đầu từ chối. Bởi lẽ Ba biết rằng không ai có thể dành tình thương cho con trọn vẹn như Ba, và cũng không ai có thể thay thế hình ảnh mẹ của con trong lòng Ba được…
Năm tháng dần trôi, con ngày một lớn khôn, còn Ba cũng trở thành một người mẹ thực thụ. Lúc nào Ba cũng sợ con thiệt thòi với bạn bè đồng trang lứa nên luôn cố gắng chăm lo cho con được vẹn toàn. Hai mươi năm qua, từ một người nông dân nghèo, Ba trở thành người “thợ đụng”. Cả làng mình ai cũng gọi Ba như thế, bởi lẽ Ba không bỏ qua bất kỳ một việc gì dù việc đó khó và cực đến đâu, để kiếm tiền cho con ăn học. Vì tương lai của con, Ba đã phải vất vả gấp đôi, gấp ba người khác.
Ngày con lên đường vào Sài Gòn học tập, Ba cứ ôm con và giữ chặt trong lòng. Bản lĩnh cứng rắn của một người đàn ông trong Ba hình như không còn nữa. Những giọt nước mắt của Ba lăn vội qua đôi gò má gầy và rám nắng, rơi nhẹ xuống bờ vai con, nóng hổi…
Thời gian thấm thoắt nhanh thật, một năm nữa lại trôi qua, ngày 8-3 sắp đến. Mọi năm, vào ngày này con đều ở bên cạnh Ba và tặng Ba những đóa hoa xinh xắn do chính tay con trồng. Vì đối với con, Ba còn hơn một người mẹ.
Ai cũng thắc mắc trước hành động trái ngược của con, bảo con làm như vậy sẽ khiến Ba buồn. Nhưng con biết Ba không buồn đâu, bởi Ba luôn là người hiểu con gái nhất mà, đúng không Ba? Nhưng đã hai năm rồi, con không thể làm Ba vui vì những món quà nhỏ bé. Chỉ có chiếc điện thoại làm nhịp cầu cho hai Ba con mình tâm sự với nhau khi xa cách. Chắc bây giờ Ba đang nhớ lại ngày xưa mà bồi hồi ngóng trông con gái.
Không khí rộn ràng ở nơi đất khách làm con chạnh lòng nhớ đến quê hương. Nơi ấy có đồng lúa xanh cò bay thẳng cánh, có dòng sông vắng uốn khúc quanh co, có mái nhà tranh bồng bềnh sương sớm. Và đặc biệt là có người Ba yêu quý sớm tối đợi mong con gái nhỏ sớm quay về…
Thi Thi