Tôi Không Muốn Làm Con Một

 

 

Tôi Không Muốn Làm Con Một

Tôi Không Muốn Làm Con Một“Bạn có đủ đồ chơi đó, nhưng ai sẽ là người chơi cùng bạn?” – A.Thư, 22 tuổi, nói. Cha mẹ thường đi làm vắng nhà nên T.Mai, 22 tuổi, “giải sầu” bằng việc đọc truyện tranh và xem hoạt hình từ hồi còn nhỏ xíu tới năm lớp 12. Q.Tiến, 24 tuổi, thì thường trò chuyện với chú chó của mình. Đ.Vinh, 21 tuổi, cũng hay giữ kín tâm sự, phần lớn là tự tìm cách giải quyết. Vì thích viết lách nên Vinh chọn cách viết nhật ký để giải tỏa tâm lý và xem đó là cách “tự đối thoại với chính mình”. Hiện đại hơn, V.Hiếu thường trút bầu tâm sự vào blog hoặc trên Facebook “với những đoạn văn rất khó hiểu và đầy chất tự kỷ”.

“Xin đừng “bỏ tù” con!”

Thích học hóa và tiếng Anh nhưng Hiếu đành thi vào lớp lý của một trường chuyên cấp III theo lời cha mẹ. Hết cấp III, Hiếu lại học ĐH Ngoại thương do cha mẹ chọn. Hai năm sau, Hiếu có cơ hội đi du học ở Nhật. Nói về ba năm học tập ở nước ngoài, Hiếu cảm thấy thích thú vì được sống với chính mình và có thể tự quyết định cuộc sống bản thân.

Khi về lại VN, Hiếu trở nên trầm cảm và buồn vì lại bị cha mẹ tạo nhiều áp lực trong việc chọn nghề nghiệp. Hiếu thích theo ngành marketing nhưng đành nộp đơn xin làm ở ngân hàng vì cha mẹ cho rằng nghề này nhàn và lương cao. Tuy nhiên, sau khi thi vào ngân hàng để làm vui lòng gia đình, Hiếu lẳng lặng nộp đơn vào công ty mình yêu thích.

Trước khi vào đại học, Vinh thường được cha mẹ đưa đón khi đi học và cả…đi chơi với bạn bè. Vinh thú nhận là cũng cảm thấy quê trước đám bạn khi được chăm sóc kỹ như thế. Đến khi đi học xa nhà, cha mẹ Vinh gọi điện thoại thăm hỏi liên tục. Nhiều khi bận học, quên liên lạc với gia đình thì Vinh bị cha mẹ trách móc dữ dội…

Còn N.Khang, 27 tuổi, được cha mẹ tạo điều kiện cho đi học thạc sĩ tự túc ở Pháp. Lúc đầu, Khang cũng gặp khó khăn để hòa nhập cuộc sống mới. Nhưng dần dần, nhờ học hỏi những người đi trước, chỉ sau học kỳ đầu tiên Khang đã tự tìm việc làm thêm (phục vụ ở McDonald’s, chăm sóc người khuyết tật…) để cha mẹ không phải chu cấp nhiều nữa. Càng tiếp xúc với nhiều người, Khang càng gia tăng vốn sống và phát triển cho mình những kỹ năng mềm.

Cần lắm một niềm tin

Từ nhỏ, Vinh đã tạo niềm tin cho cha mẹ bằng những việc làm cụ thể như đi chơi về đúng giờ, cư xử đúng mực và nỗ lực trong học hành. Vì vậy, tuy lo lắng nhiều cho con nhưng cha mẹ Vinh vẫn cho phép Vinh làm những điều mà mình thích, như việc “thả” cho Vinh đi học xa nhà là một ví dụ.

Khang tiết lộ anh thường dành một khoảng thời gian để ăn cơm, xem tivi và trò chuyện với cha mẹ trước khi lên phòng mình, tận hưởng không gian riêng. Theo Khang, khi đã là con một cũng phải chấp nhận  “thân phận” khác người của mình. Tuy nhiên, đừng nên khép kín hoặc buông xuôi để cha mẹ “nắn” thế nào cũng được mà phải thẳng thắn nói lên suy nghĩ của mình, phải có chính kiến để cha mẹ hiểu và thông cảm.

Bác Hồng Hoa, 55 tuổi, là phụ huynh có con một, tâm sự: “Bác  biết con mình rất cô đơn, vì thế cũng hay đề nghị con rủ bạn đến nhà chơi. Cha mẹ nào cũng mong con mình có tương lai tốt đẹp, nên các con phải thông cảm cho việc các phụ huynh thường định hướng cho con, đặc biệt trong vấn đề chọn trường, ngành nghề… Tuy vậy những bậc cha mẹ có con một cũng đừng nên quản con mình chặt quá, nên làm bạn với chúng ngay từ khi con còn nhỏ và tạo niềm tin ở con”.

 

Phương Thùy

 

Để lại một bình luận