Cn 4 Chay C : Trở Về Mái Nhà Xưa…

Cn 4 Chay C : Trở về mái nhà xưa…

Cn 4 Chay C : Trở Về Mái Nhà Xưa...Kể từ khi Adam và Eva phạm tội bất tuân. “Con người” đã phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề về việc làm của mình. Những hậu quả đó trải qua đời nọ đến đời kia. Đất đai trổ sinh gai góc. “Con người” phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn. Vì là bụi đất nên con người “sẽ trở về bụi đất”. Hậu quả của tội bất tuân đó là con người không còn được diện-đối-diện với Thiên Chúa. “Nghe thấy tiếng Thiên Chúa… con người chạy trốn” (St 3,8).

Nhưng Thiên Chúa luôn là một Thiên Chúa của tình yêu. Một Thiên Chúa của lòng : “Từ bi nhân hậu…Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 103,8). Một Thiên Chúa luôn mời gọi con người : “Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận ! Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết. Có thẩm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông” (Is 1,18) 

Đức Giêsu – trong những ngày tháng rao giảng Tin Mừng. Ngài cũng đã vẽ ra nhìn ảnh về một Thiên Chúa là tình yêu. Qua những dụ ngôn được lấy ra từ kinh nghiệm đời thường. Những nhân vật tuy là hư cấu nhưng lại rất thật với con người. Những dụ ngôn đó rất dễ để mà nhìn thấy hình ảnh về một Thiên Chúa của lòng bao dung, của sự thứ tha cho sự hoán cải trở vế. Rõ nét nhất đó là dụ ngôn được thánh sử Luca ghi lại mà hôm nay chúng ta quen gọi là : “dụ ngôn người cha nhân hậu” (Lc 15, 11-24).

Trong câu chuyện này, thánh sử đã mô tả người cha mừng rỡ xiết bao khi : “trông thấy (người con thứ) còn ở đàng xa” sau bao nhiêu năm “lãng du quay về điêu tàn”. Điều này  chứng tỏ rằng ông ta đã ngày đêm mòn mỏi ngóng chờ đứa con thân yêu của mình.

Và khi nhìn thấy cậu quý tử : “về đây xác hiu hắt lạnh lùng”. Người cha vội vã hô hoán gia nhân : “mau mau đem áo đẹp nhất mặc cho cậu”. Điều đó đủ nói lên rằng ông ta quên hết những lời nói xấc xược của người con thứ khi anh ta đòi : “chia cho con phần gia tài con được hưởng” (Lc  15, 12).

Quả đúng là một người-cha-nhân-hậu…

một chút tâm tình…

Dụ ngôn này làm nổi bật thông điệp thần học của Tin Mừng. Đó là : Tình Yêu và Ân Sủng của Thiên Chúa được ban cho một cách nhưng không.

Sự tha thứ mà người-con-thứ có được  không dựa trên “công đức”. Suốt trình thuật không thấy chỗ nào mô tả người-con-thứ làm được một việc lành thánh; ngoại trừ  việc anh ta : “sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình” (Lc 15, …13).

Chỉ đến khi anh ta : “hồi tâm và tự nhủ” với nỗi lòng mong muốn : “trở về mái nhà xưa”. Chỉ đến khi anh ta : “đứng lên đi về cùng cha” với một tâm tư : “người xa vắng biết đâu nấm nhà buồn” trong một tâm hồn  “hoán cải trở về”.

Vâng, chỉ có thế – chỉ cần một tâm hồn hoán cải. Tấm lòng bao dung của người cha đã được biểu lộ. Biểu lộ bằng chính hành động : “Chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta hôn lấy hôn để” (Lc 15, 20). Và hơn cả thế nữa, ông ta đã cụ thể hóa lòng yêu thương người con của mình bằng việc  : “mở tiệc ăn mừng”. (Lc 15,23).

Thánh Phao lô đã khẳng định : “chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ. Đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa” (Epheso 2,8).

một chút suy tư…

Hình ảnh người-con-thứ bỏ nhà : “trẩy đi phương xa”… phải chăng cũng chính là hình ảnh những người con trưởng thành của thời đại hôm nay từ bỏ niềm tin Kitô giáo, niềm tin truyền thống của gia đình để đến những miền đất xa lạ. Những miền đất của trụy lạc, của sự phóng túng, của tự do luyến ái, của những trào lưu sống duy vật chất !!!

Hình ảnh người-con-thứ : “nuốt hết của cải… với bọn điếm”… phải chăng cũng chính là hình ảnh những người cha… người chồng của thời đại hôm nay; bỏ bê nhà cửa vợ con để đi theo người-tình-trong-mộng !!!

Và phải chăng người-con-thứ của thời đại hôm nay chính là những người Kitô hữu vì một phút yếu đuối nên đã vấp phạm những giới răn của Đức Chúa Trời cũng như những điều luật của Giáo Hội !!!

Hãy để cho tâm hồn mình lắng đọng và hãy tự hỏi mình rằng : Tôi có rơi vào một trong những trường hợp nêu trên ???

Nếu có… nếu có thì hãy mặc lấy tâm tình “sám hối” của người-con-thứ mà khẩn thiết kêu xin : “Thưa Cha ! con thật đắc tội với Trời và với cha”… 

Vâng, chỉ cần một tâm hồn sám hối và thực hiện nghiêm túc “Bí Tích Hòa Giải”. Có như thế – khi kết thúc Mùa chay – chúng ta mới có thể cùng nhau : “Bắt đầu ăn mừng” (Lc 15, 24).

saigon – mùa chay 2010
petrus.

Để lại một bình luận