Phụng vụ … Khô !!!

Phụng vụ … Khô !!!


Phụng vụ … Khô !!!Tôn giáo là mối liên hệ tương quan giữa con người với thần linh. Phải là cả hai vế chứ không thể chỉ có một. Thiếu yếu tố thần linh, không phải là tôn giáo.

Con người là … ‘con vật có tôn giáo’ nên trổi vượt hơn các tạo vật khác. Con người có cảm nghiệm thần thiêng và ý thức tôn giáo đã là bản chất. Do đó không thể có ai là ‘vô thần’ cả, dù rằng ai đó có biện chứng tới mức nào về quan điểm vô thần của mình.

Sự tương giao gặp gỡ giữa con người và giới thần linh thường diễn ra trong các lễ tế. Nội dung hay mục đích của buổi lễ thường là để cầu khẩn, xin xỏ một điều gì đó mà sức người không làm được. Tuỳ vào sắc thái của mỗi tôn giáo và cách thức hành lễ có khác nhau. Các tín đồ của mỗi giáo phái cứ việc sáng kiến ra những nghi thức, những quy định và muôn vẻ sắc màu làm cho buổi lễ càng huyền bí linh thiêng bao nhiêu thì trang trọng bấy nhiêu. Thiện nam tín nữ cứ việc lâm râm khấn vái cầu an cầu siêu và …rộng tay ‘cúng dường’ bằng vàng bạc hay mấy đồng tiền lẻ ‘hối lộ’ các vị thần thiêng hộ phù cho công việc làm ăn xuôi chảy hay được may lành trong cuộc sống…

Các lễ tế trong Kitô giáo gọi là Phụng Vụ. Đó là buổi cầu nguyện để tương quan giữa Thiên Chúa và con người được gần gũi hơn, hài hoà hơn trong tình cha con chứ không nặng tính cúng vái xụp lạy. Dù rằng ngay từ tâm thức, người Kitô hữu vẫn muốn dành cho Thiên Chúa mình tôn thờ sự sùng bái cao nhất, thánh thiêng nhất nhưng thái độ đó lại biểu hiện trong tình yêu mến chứ không chỉ là sự kinh hãi khiếp đảm. Thánh Thần Thiên Chúa là nguồn thúc đẩy những tâm tình cầu nguyện, tôn thờ trong mỗi tâm hồn, mà Thánh Thần là niềm hoan lạc nên buổi lễ tế phụng vụ cũng mang sắc thái hân hoan, ca tụng, ngợi khen, cảm mến, hiến dâng và cuối cùng là cầu xin những điều ‘Thánh Thần chỉ bảo’ .

Phụng vụ Thánh lễ là một cử hành lễ tế vui mừng, ở đỉnh điểm là ơn cứu độ trong niềm vui phục sinh. Có những nghi lễ mang bầu khí u buồn của mùa chay, tâm tình sám hối của mùa vọng…nhưng mọi quy hướng của các mùa đều quy hướng về mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô và sau đó sẽ là niềm vui cứu độ mà mỗi người sẽ đón nhận trong Đức Kitô.

Phụng vụ trong giáo hội còn mang ý nghĩa ‘quy tụ’ (assemble) mọi thành phần Kitô hữu trong sự hiệp nhất anh em một nhà, con cùng một Cha. Nơi đó còn là cuộc gặp gỡ hiệp thông, thân tình và yêu thương của một cộng đoàn. Thật đẹp tươi và đáng quý biết bao khi đọc lại những chứng từ đoàn kết yêu thương của giáo hội thuở sơ khai.

Các buổi phụng vụ công khai vẫn quy tụ thường xuyên công đoàn cầu nguyện, nhưng bầu khí dần lạnh lẽo phần vì cộng đoàn tham dự như thói quen nhàm chán, tâm tình không sâu lắng mà chỉ dựa vào những lời kinh soạn sẵn để ‘cái loa’ cứ việc phát thanh mà không phải là chính lời kinh đáy lòng.

Bầu Khí Phụng Vụ

Tôi nhớ ngay tới lời kinh thánh “dân này thờ kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta”; hay “không phải cứ kêu lạy Chúa, lạy Chúa là được vào nước Trời, mà là những kẻ biết thực thi ý Cha trên trời…”

Thật vậy, nếu đời sống cầu nguyện không có lửa từ bên trong, thì những rộn ràng hình thức bề ngoài sẽ như một vở kịch diễn tồi và không mang lại dư âm thánh thiện. Tuy vậy, không phải những hình thức bên ngoài không tác động tới tâm tình cầu nguyện. Ví dụ khi vào thánh đường dâng lễ, cung thánh ngổn ngang những ‘phụ kiện’ của một buổi rước kiệu, hoặc bài trí thiếu sự hài hoà thẩm mỹ, chắc hẳn người tham dự sẽ mất ít phút chép miệng thở dài. Từ trên cung thánh nhìn xuống, cộng đoàn phụng vụ ngồi rải rác, thụt thò chỉ mấy hàng ghế cuối cùng, những hàng ghế trống trơn giữa lòng nhà thờ chắc để làm cảnh thôi, hẳn bầu khí phụng vụ sẽ tẻ nhạt. Xa xa ngoài sân nhà thờ, vài chàng thanh niên đang ngồi bó gối phì phèo điếu thuốc hút dở, miệng tán nhão vài chuyện mới xảy ra đâu đó. Hình như lúc này lời Chúa được hiểu rõ ràng nhất chăng : ‘anh đứng xa xa, không dám ngước mặt lên…’ hay ‘…không tìm chỗ nhất trong hội đường…’! Từ trong góc nhà thờ, một lời kinh vang lên ở cung Do, mấy góc khác đáp lại với cung Sol, nghe như một buổi hoà tấu vụng về lạc điệu mà mấy chú ếch ồm oang trong chiều mưa quê cũ.

Bước vào giờ phụng vụ, chuông báo giờ lễ bắt đầu thì ca đoàn hát bài nhập lễ nhưng chủ tế chưa tiến vào nên kẻ đứng người ngồi nhốn nháo một lúc. Bữa nào quên chuẩn bị trước, những tiếng hú tiếng lẹt xẹt từ mấy cái loa nhắng lên giật cả mình, có khi cần phải sử dụng cái mi cờ rô thì nó cứ êm re để lại có những động tác cọc cọc phù phù thấy thương luôn! Khai lời, chủ tế mà còn ngái ngủ với cái giọng trầm buồn thì y như cử toạ có tai mà thành điếc. Với những lời kinh quen thuộc, những bài ca cộng đoàn được cất lên nhưng thiếu sự ‘dìu dắt’ sao đó nên mỗi câu cứ rời rạc, lạc luôn cả ý nghĩa.

Sau phần ‘Chúa nói với ta’, tới phần ‘ta thưa với Chúa’, đây là lúc cả cộng đoàn cùng vang tiếng ca tụng ngợi khen thì ca đoàn đóng vai chủ động. Vẫn viết đó là những bài đáp ca hợp với ngày phụng vụ, nhưng lại xa lạ với cộng đoàn khiến chư vị tham dự phụng vụ lại cũng chỉ là cử toạ ngồi thưởng thức, rung đùi nghe nhạc…chứ biết gì đâu mà đáp trả! Trong phần giảng thuyết, nếu vị diễn gỉải có chuẩn bị kỹ lưỡng thì phần chia sẻ còn phát huy tác dụng, nhưng nếu vị ấy lại rao giảng ‘tin mình’ hơn tin mừng thì quả thật cộng đoàn sẽ được nghe một bản báo cáo nổi danh là dai – dài – dở. Đi tham dự phụng vụ mà mình cứ có cảm giác của người đi xem diễn tuồng, mình không được diễn vai chính cũng chẳng vai phụ, thỉnh thoảng mới được vào vai…công chúng!

Phụng vụ là việc thi hành chức vụ tư tế của Đức Kitô trong việc thánh hoá nhân loại qua những dấu chỉ công khai, đồng thời cũng là việc nhân loại tôn thờ Thiên Chúa trong vai trò là nhiệm thể Chúa Kitô. Phụng vụ có tác động đi lên bởi tâm tình thờ kính và cầu nguyện của cộng đoàn và có tác động đi xuống của ân sủng cho các chi thể trong nhiệm thể giáo hội. Bởi sự cao trọng ngay từ ý nghĩa của phụng vụ như thế, nếu người tín hữu tham dự phụng vụ các hời hợt lấy lệ, hay kém hiểu biết về những điều mình đang thực hiện trong tôn giáo, chẳng hoá ra đã biến phụng vụ thành một bổn phận khô khan, cưỡng ép và nhàm chán sao?

Niềm vui Phụng Vụ

Tôi nhớ có một lần khi dâng lễ cùng một cộng đoàn dân tộc thiểu số ở nước kia, khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vừa xướng ‘kinh Lạy Cha…’ sau kinh nguyện Thánh Thể trong thánh lễ thì lập tức cả cộng đoàn nhảy múa và la hét… y như những phong tục của địa phương. Niềm vui dâng trào và cách biểu lộ của họ là những gì quen thuộc nhất. Cảm nghiệm niềm vui của cộng đoàn, Đức Giáo hoàng cũng ngừng luôn những phần còn lại của thánh lễ và cũng hoà mình nhảy múa với họ cho đến khi cuộc nhảy múa kết thúc mới tiếp tục phần hiệp lễ.

Khi có dịp tham dự phụng vụ cùng một số cộng đoàn ở nước ngoài, bạn sẽ gặp lại những hình ảnh thật cổ xưa nhưng tuyệt đẹp là vị chủ tế hân hoan đứng chào từng thành phần trong cộng đoàn tới tham dự phụng vụ. Ngay cả khi ra về, các linh mục, giám mục…cũng ra tận cuối nhà thờ để tiễn chào cách thân tình nhưng anh chị em vừa ‘cùng hiệp thông trong một bánh và một chén’. Đó chỉ là hình thức, nhưng nó diễn tả sâu sắc tình thân thiện, yêu thương của cộng đoàn. Cử chỉ này ở Việt Nam hơi hiếm, mặc dù nó cũng có tính lịch sử phụng vụ trong giáo hội.

Khi có dịp dâng lễ cùng các xứ đạo vùng quê sông nước miền tây nước Việt, ta thấy cách tham dự của các cộng đoàn này có vẻ ấm cúng và trang trọng hơn ở thành phố. Đặc biệt, ở nhà thờ nào cũng thấy những người tham dự ổn định chỗ ngồi thật tự nguyện. Cứ từ những hàng ghế trên cùng đủ người mới xuống hàng ghế sau. Và cứ thế những hàng ghế trong nhà thờ không có chỗ trống. Không có ghế nào là để dành riêng cả. Nếu như có vị bộ trưởng nào đó tới dự thánh lễ này, thì cũng có một chỗ ngồi ‘xêm xêm’ với anh chàng lái đò vừa chở khách qua sông thôi. Trong nhà Chúa thì mọi người là bình đẳng mà! Phần khác nữa là các nghi thức đi lên xuống rất trang trọng của những người đọc sách; cách tham dự tích cực của cộng đoàn: Họ cùng đọc đoạn Tin Mừng của ngày hôm đó, nắm tay nhau hay giang tay khi đọc kinh Lạy Cha, cùng hát râm ran những bản thánh ca được in ấn hay trong sách hát đã để sẵn nơi đầu ghế…

Trong những tâm tình chia sẻ này, tôi không dám lân la tới những chiều kích thần học của khoa phụng vụ với chiều dài lịch sử hay chiều sâu của những giáo huấn, mặc dù biết rằng điều đó rất cần thiết và thời sự cho hiện tại. Chuyện đó dành phần cho những vị hữu trách hay các nhà thần học cống hiến thêm. Tôi chỉ mong gợi được chút ý thức vốn đã có của cộng đoàn để mỗi người tìm thấy niềm vui và yêu thích tham dự phụng vụ cách hữu hiệu.

Từ chính tâm hồn, khi tới tham dự phụng vụ phải có lửa, lửa mến từ trong lòng.  Không thể yêu nếu không biết. Các lớp giáo lý bao đồng, giáo lý hôn nhân cần đặt trọng tâm vào việc hiểu biết cách sống đạo chân thành, trước khi đi vào những ‘chuyên khoa’ bí tích, giới tính. Khi lòng đạo đã có có lửa, thì những tác động khác cũng được hăng hái học hiểu và trang bị cho lòng đạo những kiến thức tôn giáo rộng rãi, thiết thực hơn. Đa số các nhà thờ thường tổ chức giờ phụng vụ cách rời rạc đệm sau giờ kinh mân côi với vài cụ già rầm rì theo thói quen. Giờ phụng vụ quý báu này được coi như để ‘giết thời gian’ chờ tới giờ thánh lễ. Đám thanh thiếu niên thì hình như không thích kinh kệ nên cứ khi ‘cha ra thì tao vào, cha vào tao ra’ thôi. Chính sự kém thông hiểu về phụng vụ nên thái độ thụ động trong phụng vụ thật đáng ngại. Nó sẽ kéo theo cái kiểu sống đạo hình thức chiếu lệ, không đi lễ thì lỗi luật hay…bị cha mẹ mắng, mà đi thì có cũng như không, không đem lại hiệu quả của buổi cầu nguyện chung.

Nhiều nơi đã tìm cách hấp dẫn giới trẻ tới nhà thờ bằng ca nhạc. Ca đoàn được tổ chức luyện tập chu đáo và dàn nhạc cũng có dịp thi thố tài năng với những giòng nhạc thời đại. Tuy nhiên cả phương tiện lẫn mục đích đều mới chỉ dừng lại ở chỗ co cụm chứ chưa dẫn đến tính tập thể. Bởi vì giờ phụng vụ là buổi cầu nguyện của cả cộng đoàn, nên cần làm sao cho mọi người tham dự cùng được góp phần mình trong bầu khí thánh thiêng ấy. Nên chăng, mỗi giáo xứ cần có một tiểu ban phụng vụ để tổ chức giờ phụng vụ thật linh hoạt, vui tươi.

Từ việc tạo bầu khí phụng vụ, chuẩn bị các ca khúc dùng trong giờ lễ, những tâm tình gợi ý…sao cho mọi người cùng thực hiện. Tiểu ban này có nhiệm vụ dẫn dắt các chi tiết và nghi lễ cho liền lạc, vừa trang trọng vừa nghệ thuật mà không trống rỗng. Họ cũng phát huy những nghệ thuật thánh trong lãnh vực tế tự phương Đông nếu trong phụng vụ có dùng nghi lễ phương Đông (chiêng trống, thắp nhang), những nghi thức riêng của giáo hội nếu có những nghi lễ kinh điển (bái quỳ, xông hương). Thú thật là đôi khi tôi phải giật mình vì những áp dụng nghi lễ phương đông ở một số nhà thờ, nó phản nghệ thuật Á Đông quá!

Đa số các xứ đạo ở Việt Nam, mọi việc ‘nhà thờ nhà thánh’ đều dựa vào các linh mục quản xứ. Các cha xứ phải lãnh nhiệm vụ trọng đại hơn và cũng ‘ôm đồm’ nhiều hơn, mà hình như các cha xứ cũng thích như vậy. Chính vì ôm rơm rặm bụng nên cha xứ không quán xuyến đủ tới nhiều lãnh vực, cho nên hội đoàn nào cũng có, ban bệ cũng cũng nhiều, nhưng chẳng đoàn nào ra hội nào. Hoặc nói cách khác là cứ để cho hội đoàn ấy sống lay lất được ngày nào hay ngày ấy! Ngay cả trong việc phụng vụ cũng vậy, cha xứ nào năng động và có tài tổ chức thì bầu khí và sinh hoạt phụng vụ có ‘sinh khí’ hơn, còn nếu cha xứ chỉ biết làm lễ thôi thì hẳn sự nhàm chán khô khan trong phụng vụ là chuyện thường tình!

Trong một cộng đoàn giáo xứ, giáo dân không nên đổ dồn mọi trách nhiệm to nhỏ cho cha xứ. Việc xây dựng và thăng tiến giáo xứ là nghĩa vụ của mọi thành viên trong cộng đoàn. Tuy nhiên, do quan điểm chung là mọi sự đều phải có ý cha, nên các cha xứ cần nắm bắt ý tưởng này và thổi thêm lửa vào lòng hăng say của cộng đoàn. Những ý tưởng đạo đức, những sáng kiến thiết thực cho niềm tin và lòng đạo của giáo dân, cha hãy gợi lên và thúc đẩy các đơn vị, cá nhân trong cộng đoàn hưởng ứng. Và tôi thiết nghĩ, các cha cần giáo dục phụng vụ cho các giới trong xứ đạo mình, để đời sống cầu nguyện được thăng hoa và thấm sâu vào đời sống thường nhật hơn. Hãy giúp người tín hữu yêu thích các giờ phụng vụ và đến nhà thờ với tâm tình nhiệt thành cảm tạ. Hãy giúp họ biết chuẩn bị thánh lễ bằng những của lễ mà họ gom góp mỗi ngày qua những khó khăn, khổ nhọc của lao động cần cù, qua những đau thương trong tâm hồn hay những niềm vui trong cuộc sống. Của lễ mà mỗi người mang tới thánh đường sẽ hoà với hy tế Đức Kitô trong thánh lễ, để câu ‘…để lễ vật của chúng ta được Thiên Chúa là Cha toàn năng chấp nhận’ …mới có ý nghĩa.

Người Kitô hữu là người ‘người có Chúa’. Đời sống cầu nguyện là hơi thở của tâm hồn, cũng như phụng vụ là sinh khí của giáo hội. Người mang hình ảnh Chúa Kitô sẽ không chỉ giữ đạo nơi nhà thờ mà còn sống đạo trong mọi hoàn cảnh của đời thường. Lời cầu nguyện âm thầm sẽ khởi đầu cho mỗi công việc, lan tràn trong mọi ước mơ, thấm sâu vào từng ý hướng, để mọi lúc mọi nơi, Giêsu được đồng hành với chúng ta và cùng chia sẻ cuộc sống mỗi người. Niềm vui có Chúa sẽ làm nhẹ vơi những lo toan, xoa dịu những đoạn trường và đem lại niềm hy vọng, niềm hạnh phúc cho đời người. Cũng thế, đời sống phụng vụ sẽ nâng cao phẩm giá con người và kéo trời về gần với đất hơn, để tình Cha – Con sẽ ngập tràn trong hân hoan, và thế giới này được thanh bình chứa chan trong tình Chúa tình Người.

mùa chay 2010 – jtrinhan


Để lại một bình luận