Cn 3 Chay C : Một Khám Phá Mới
Lm Như Hạ op
Thế kỷ 20 đã để lại bao nhiêu những thành tích vẻ vang, những khám phá muôn mặt. Nhưng có một khám phá vẫn chưa đạt tới. Một khám phá có ảnh hưởng tới toàn thể cuộc sống cá nhân, văn hóa, xã hội v.v. Đó là khám phá về chính mình, một khám phá bắt đầu từ sám hối.
PHẢN TỈNH
Truyền thống Do thái cũng như Việt Nam vẫn quan niệm “ác giả ác báo”, “ở hiền gặp lành”. Thấy ai bị tai họa tự nhiên người ta nghĩ “Trời phạt !”. Thấy mình vẫn an toàn, ai cũng tưởng mình vô tội hay ít tội hơn nên không bị phạt. Người giàu có chắc phải tu bao kiếp mới được như vậy. Còn những người khác nghèo khổ chỉ vì vụng tu trong kiếp trước. Đức Giêsu cũng đã đặt vấn đề thiện ác với dân chúng khi “nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết” (Lc 13:1) hoặc “mười tám người kia bị tháp Silôác đổ xuống đè chết.” (Lc 13:4) Số phận hẩm hiu của những người chết đó phải chăng là một dấu chỉ rõ ràng về tình trạng tội lỗi của họ nặng nề hơn mọi người ? Đức Giêsu trả lời dứt khoát : “Không phải thế đâu!” (Lc 13:3, 5). Nếu không phải thế, thì như thế nào ? Đó là một mầu nhiệm thuộc về chương trình quan phòng của Thiên Chúa.
Chỉ có một điều có thể biết được, đó là “nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” (Lc 13:3, 7). Như vậy sám hối sẽ quyết định số phận và định mệnh con người. Sám hối chỉ có thể thực hiện ngay trên cõi đời này. Sám hối là gì mà quan trọng như vậy ? Sám hối là “một việc thay đổi tiêu chuẩn quyết định dựa trên việc thỏa mãn cái tôi sang việc khám phá và theo đuổi giá trị.” (Fragomeni 1993:234) Tất cả mọi rắc rối đều bắt đầu từ cái tôi. Nếu tiêu chuẩn tối hậu là cái tôi, hỏi còn có gì vô nghĩa hơn ? Càng đề cao cái tôi, con người càng tội lỗi và tha hóa.
Chính vì thế, không sám hối, cuộc đời trở thành vô nghĩa. Bởi vậy, muốn sám hối, con người phải “tránh xa việc tha hóa và tội lỗi” và “trở về với Thiên Chúa hằng sống.” (Fragomeni 1993:231) Như thế sám hối là cuộc khám phá bản thân trong tương quan với Thiên Chúa. Ra khỏi tương quan này, con người sẽ đánh mất chính mình và đi vào cõi tiêu diệt. Bởi vậy, sám hối là một cuộc vùng dậy từ đống tro tàn sau khi cái tôi đã bị đốt cháy trong lửa đam mê. Đó là một hành trình gian khổ nhất và hầu như không thể vượt qua, nếu không có ân sủng Thiên Chúa. Con người chỉ có thể tìm lại chính mình và những giá trị đích thực trong sám hối. Bởi vậy, cần phải có thời gian và nghị lực đi sâu vào nội tâm.
Chỉ dừng lại những tương quan bên ngoài, người ta mới dễ so sánh mình với người khác. Bình thường muốn biết rõ vị trí, chúng ta phải xác định tương quan giữa mình với ngoại cảnh, hay với người khác. Nhưng trong trường hợp sám hối, càng so sánh với người khác, càng không biết chính mình. Vấn đề không phải là ai tội lỗi hơn ai. Muốn biết mình không thể căn cứ vào sự may mắn trong cuộc sống. Sự sống và những bảo đảm cuộc sống đều là hồng ân Thiên Chúa. Hồng ân đó không căn cứ trên công phúc con người, nhưng hoàn toàn do thượng trí quan phòng đầy tình yêu thương của Thiên Chúa.
Tình yêu Thiên Chúa thể hiện rõ nét nhất qua thái độ từ tâm. Chính Đức Giêsu đã mạc khải Chúa Cha như một chủ vườn nho khoan hồng cho cây-vả-không-sinh-hoa-trái. Người làm vườn xin thêm thời gian để “vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái.” (Lc 13:8-9) Lòng khoan hậu đó dân Do thái đã chứng kiến nhiều lần trong sa mạc. Bằng chứng “tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Môsê,” (1 Cr 10: 1-2) đi về Đất Hứa. Nhưng trong tình yêu ấp ủ như thế “phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc.” (1 Cr 10:5) Chính vì tấm gương tầy liếp đó, Đức Giêsu mới kêu gọi sám hối để ngăn ngừa tai họa có thể xảy ra cho chúng ta.
LÒNG THƯƠNG XÓT VÔ BỜ.
Sám hối có sức cứu chúng ta thoát chết, vì có nền tảng tận nơi lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa. Những người Do thái đã chết vì đã “chiều theo những dục vọng xấu xa.” (1 Cr 10:6) Ngày nay cũng có những người đang say mê đầu tư vào việc phát triển văn hóa sự chết. Bằng chứng “việc nghiên cứu khoa học ngày nay với dư thừa phương tiện, tiến vào được nhiều lãnh vực, cũng đôi khi chống lại con người.” Phá thai, đồng tính luyến ái, chạy đua vũ khí v.v đang đẩy con người vào hố diệt vong. Đó là những dục vọng xấu xa thời đại.
“Đối diện với tình huống này chúng ta có thể làm được gì ? Các phương tiện truyền thông, đời sống chứng tá cá nhân, khả năng đối thoại, khả năng lắng nghe và đưa ra đề nghị – là tất cả những phương tiện để truyền bá nền văn hóa sự sống.” (VietCatholic 07.03.2001). Muốn làm chứng, đối thoại và lắng nghe, trước tiên phải sám hối. Có sám hối mới thấy rõ Thiên Chúa. “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống” (Lc 20:38) Chống lại sự sống chính là chống lại Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa đã xác quyết “Ta là Đấng Hiện Hữu.” (Xh 3:14) Đó là nền tảng vững chắc nhất cho niềm tin: trở lại với Thiên Chúa là tìm về nguồn sống đích thực và sung mãn. Thực tế, “sự sống sẽ chiến thắng: Đây là niềm hy vọng chắc chắn của chúng ta. Vâng, Sự sống sẽ chiến thắng bởi vì sự thật, điều tốt lành, niềm vui và sự tiến bộ thực sự đứng về phía sự sống. Thiên Chúa, Đấng yêu sự sống và ban phát sự sống cách quảng đại, đứng về phía sự sống.” (Gioan Phaolô II)
Tóm lại, trong một thế giới bị văn hóa sự chết đầu độc, con đường duy nhất để cứu vãn nhân loại đó là sám hối. Nói khác, sám hối là đường dẫn đến sự sống, sự sống đích thực trong Đức Giêsu Kitô !