Giữ Tên Dòng Tộc
Năm nay là tết đầu tiên của cuộc đời làm dâu, tôi được mẹ chồng đưa về quê ngoại. Trong lòng tôi dâng trào một cảm xúc khó tả khi sáng mồng 1 các cụ bô lão họp nhau đọc gia phả dòng tộc.
Mẹ bảo nề nếp này đã được duy trì suốt 14 đời qua. Hiện họ Hàn của mẹ còn gần 250 hộ ở đất Quảng Văn, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Có thể đối với nhiều người chuyện này khá bình thường, nhưng đối với một cô gái vốn quen cuộc sống thị thành như tôi, điều đó như cơn gió mới mát lành thổi vào những ngóc ngách khô cằn của con tim.
Tôi lớn lên ở thành phố, học và làm việc ở thủ đô, cũng chỉ thỉnh thoảng về quê gốc bởi ông bà nội lên thành phố từ lâu. Hầu như các bạn học cùng trang lứa như tôi chỉ biết đến ông bà ruột, còn ông bà họ (cô chú, cậu mợ… của bố mẹ) vẫn là khái niệm xa lạ, chứ chưa nói đến các cụ kỵ từ xa xưa. Bởi thế, khi biết đến phong tục của nhà mẹ chồng, tôi cảm thấy ấm áp đến lạ kỳ. Tôi thấy niềm hạnh phúc của mẹ khi đọc được tên ông bà thân sinh ra các cô bác đang ngồi quây quần xung quanh nhấm nháp tách trà ấm nồng của sớm mùa xuân. Lòng người bỗng dưng gần lại, dù cả năm qua hay vài năm qua nhiều người không gặp nhau.
Tất nhiên, việc nhớ được người này người kia trong họ hàng không phải chuyện dễ dàng. Nhiều thanh niên giờ đụng vào các “chi, cành” là thấy rắc rối, loằng ngoằng, khó nhớ lắm. Một lần, em họ nhà chồng tôi gặp một bác trông “quen quen”, chỉ biết chào bằng bác mà không nhớ là ai. Bác phải đứng giải thích một hồi: “Bác là con ông thông gia với ông họ của cháu, ông họ đó là anh ruột của bà ngoại cháu”, nhưng rồi đứa em tôi cũng nhầm lẫn hết vì trên bà là năm ông nữa! Có những lúc cả người lớn cũng nhầm. Cả nhà được một phen cười rũ ruột khi cậu tôi phản đối: “Làm gì có bà Cua, chẳng qua bà đó lấy ông Đam nên người ta trêu là Cua thôi” (vì ở quê con cua còn được gọi là con đam). Nhưng lúc đi hỏi lại các cụ thì hóa ra là có bà Cua thật!
Dù sao nhầm lẫn vẫn còn hơn là không biết gì. Chẳng cụ nào tỏ ra phật ý, trái lại còn rất vui khi con cháu hỏi về cụ này cụ kia. Tôi nhớ ngày xưa trẻ con còn bị người lớn mắng khi hỏi tên ông bà, cụ kỵ vì sợ “phạm húy”, bởi thế nên chúng lại càng không dám hỏi.
Có nhiều người mang con cháu về quê cũng không giới thiệu đầy đủ họ hàng cho con biết, mà chỉ giới thiệu một chiều: “Bà ơi đây là con cháu, chào bà đi con”. Mà với trẻ con, một từ “bà” không đủ để phân biệt người trong làng với người trong họ hàng. Có người lại hay đuổi trẻ con vào phòng học bài khi khách đến chơi nên khoảng cách càng thêm xa xôi.
Còn tôi, sau này tôi sẽ coi con như một người lớn, cho con làm quen với tên tuổi, thứ tự của mọi người trong họ từ khi con còn bé. Bởi chẳng có tài sản gì quý hơn là tình yêu nguồn cội của mình.
Phan Anh