Tết Canh Dần : Tin Mừng Cho Người Giầu

 

Tin Mừng Cho Người Giầu
(Lc 6:17.20-26)

Lm. Đỗ Vân Lực, op.

Tết Canh Dần : Tin Mừng Cho Người GiầuCòn gì hạnh phúc hơn những giây phút sống bên người thân yêu trong những ngày đầu xuân ? Tất cả con tim như mở ra đón nhận luồng sinh khí mới từ cảnh trời đang vào xuân. Nếu suốt năm, ngày nào cũng như ngày tết, chắc chắn cuộc đời đã vơi đi bao đau khổ. Nhưng dù 360 ngày chìm ngập không khí mùa xuân, con người vẫn luôn khát khao và mơ ước hạnh phúc. Hạnh phúc nằm trong hay vượt ngoài tầm tay ?

Ngay cả khi hạnh phúc nằm trong tầm tay, con người vẫn thấy xa vời vợi. Cuộc đuổi bắt không bao giờ ngừng. Thế nhưng, Ðức Giêsu muốn cho thấy hạnh phúc nằm ngay giữa những đau khổ trong cuộc sống.

Trong Thánh Kinh, khi ngỏ lời với con người, hầu như Thiên Chúa bao giờ cũng nói tới hạnh phúc.[1] Giàu sang, quyền lực, danh vọng là phúc hay họa ? Nếu họa, tại sao ai cũng mơ ước và theo đuổi ? Nếu phúc, tại sao có người tìm cách lánh xa ?

Khác với Mathêu, Luca có nhắc tới mối họa nữa. Mặc dù trong Tin Mừng Luca, Ðức Giêsu chỉ trích những người giàu, nhưng Công Vụ Tông Ðồ cho thấy Giáo hội sơ khai chia sẻ của cải, chứ không vứt bỏ. Mọi người lo làm phúc bố thí. Những người có phương tiện đã chào đón và chia sẻ của cải cho ông Phaolô (Cv 16:11-15; 17:12). Lời nói cuối cùng ngỏ với dân thành Êphêsô, ông khuyên họ làm việc để giúp đỡ người nghèo khổ và đau yếu (Cv 20:32-35).

Dĩ nhiên, vật chất góp phần không nhỏ cho hạnh phúc con người. Nhưng đó không phải là mục đích của Chúa khi công bố các mối phúc. Người giàu cũng có thể lãnh trọn vẹn các mối phúc như người nghèo. Của cải, quyền bính, danh vọng là những hồng ân. Chúa Giêsu không bao giờ lên án những hồng ân Chúa Cha đã ban cho nhân loại. Người chỉ cảnh cáo họ trước những nguy hiểm của các thực tại trần gian mà thôi. Họa hay phúc đều tùy con người. Hạnh phúc không phải là tổng hợp những gì con người sở hữu trên trần gian. Hạnh phúc chỉ đến khi con người dành được quyền làm chủ trên các thực tại đó.

Nếu không có những người giàu chia sẻ của cải, làm sao người nghèo có thể tồn tại ? Ví dụ người giàu nhất thế giới như Bill Gates viết chúc thư dành 95% tài sản kếch sù cho người nghèo. Người giàu như thế không phải là đối tượng hứng chịu những nguyền rủa của Chúa. Chính khi chia sẻ cho người khác, họ sẽ trở nên nghèo hơn về tinh thần và thể chất, để hưởng trọn vẹn niềm vui của giao ước mới. Nếu nhìn nhận của cải là hồng ân Thiên Chúa, người giàu sẽ coi chia sẻ là một bổn phận, chứ không phải việc làm tùy thích. Bổn phận ấy phát xuất từ một giao ước ngầm với Thiên Chúa. Có vay có trả. Giúp đỡ người nghèo là cách duy nhất để hoàn thành giao ước và trả ơn Thiên Chúa. Không có Thiên Chúa, làm sao có của cải ? Nếu xử dụng của cải đúng theo đường lối Chúa, họ còn lãnh nhận được những ơn cao quý hơn. Ðó là “ơn cứu độ, tự do, công lý, và hạnh phúc đến từ niềm tin vào các lời hứa của Chúa và niềm hy vọng vào lòng thương xót và ân sủng của Người.” [2]

Dĩ nhiên nếu cứ khư khư giữ tất cả của cải, không chia sẻ cho ai, người giàu có dư điều kiện để sống với “lụa là gấm vóc và yến tiệc linh đình.” Những hạng giàu có như người phú hộ đã sống xa hoa trước cảnh cùng cực của Ladarô, sẽ phải giật mình khi thấy cuộc sống quá khác biệt giữa Âm Phủ và Thiên Ðàng (x. Lc 16:19-31). Công Vụ Tông Ðồ (Cv) cho thấy Giuđa phản bội chỉ vì tham lam của cải (1:18). Chỉ vì ham tiền, hai vợ chồng Khanania và Saphira lừa dối cộng đoàn, nên đã phải chết tươi dưới chân thánh Phêrô (5:1-11). Simon miền Samaria đã bị thánh Phêrô nguyền rủa vì cố dùng tiền bạc hối lộ các Tông đồ mà chiếm các ân huệ thiêng liêng (8:14-24). Ðó là những cách tiền bạc làm chủ, khuynh loát và mê hoặc con người. Nhưng người giàu nào cũng như thế, làm sao họ được hưởng hạnh phúc thứ nhất dành cho những người nghèo ?

Giúp đỡ người nghèo là một bổn phận bắt buộc, chứ không phải là một việc làm tùy ý hay chỉ phải làm sau khi đã lo xong mọi chuyện. Bác ái không mỏi mệt. Bác ái không chờ đợi thời gian. Bác ái không phải là một hành vi phụ thuộc vào những việc khác. Nhưng bác ái là một giới răn tối quan trọng phải được thực hiện không ngừng. Bác ái là yếu tính của Kitô hữu. Không phải vì một số phần tử lạm dụng, chúng ta có quyền từ chối làm việc bác ái. Trong số những hành khất, biết bao kẻ nghiện ngập và gian manh. Nhưng không phải vì thế việc bác ái mất giá trị và không còn cần thiết. Làm bác ái vì tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Tự bản chất, bác ái là một chứng từ rất mạnh mẽ và thiết yếu để hoàn thành sứ mệnh Kitô hữu.

Của cải không phải là một mối họa. Những lời nguyền rủa trong Tin Mừng Luca thực ra là những câu ta thán về những người giàu lãng quên Thiên Chúa hay không còn khát vọng Thiên Chúa nữa. Ðó là dấu chỉ Chúa quan tâm tới người giàu. Nếu hoàn toàn bị luận phạt như quỷ dữ, họ sẽ chẳng bao giờ được Chúa nhắc nhớ tới nữa. Tình yêu Chúa dành cho hết mọi người, nhưng theo những cách thức khác nhau. Với người nghèo, Chúa chúc phúc và hứa một cuộc đổi đời, dẹp tan những cơ chế bất công. Với người giàu, Chúa cảnh cáo về những nguy hiểm chết người nơi tiền của.[3] Muốn tránh những cạm bẫy do tiền của, người giàu cần phải chia sẻ. Thay vì dồn hết tham vọng vào tiền của, họ nên quan tâm tới người nghèo. Ðược thế, ơn cứu độ chắc chắn sẽ đến với họ. Ðó là Tin Mừng cho người giàu.

Ngày nay trong Giáo hội, thiếu gì người từ bỏ mọi sự theo Chúa Kitô, sống trong tình liên đới thực sự với người nghèo và vì thế họ bị nguyền rủa, ghét bỏ và bách hại. Giáo hội tùy thuộc vào lòng quảng đại của những người có phương tiện giúp việc truyền giáo. Càng quảng đại giúp đỡ người nghèo, càng có cơ hội đón nhận những phúc lộc vượt trên những của cải vật chất.

Nhưng sau khi được cứu khỏi những bức bách vật chất, người nghèo phải biết vươn lên trên vật chất để đạt tới sự tự do đích thực của con cái Chúa. Nếu họ hoàn toàn thờ ơ trước những vấn đề liên đới với người giàu và chỉ quan tâm thỏa mãn chính mình, họ sẽ lãnh đủ tất cả mối họa từ của cải vật chất. Người nghèo có thể gặp nguy hiểm nơi của cải như người giàu. Thử nhìn xem những người vô sản chuyên chính đang làm gì. Họ có phải là những người nghèo nằm trong mối phúc thứ nhất không ? Có thể họ xuất thân từ những giai cấp công nhân và nông dân. Họ đã nhân danh giai cấp vô sản để tranh đấu. Nhưng khi đạt mục tiêu, họ đã làm gì cho những người nghèo ? Lý tưởng ban đầu quá xa vời, chỉ vì họ cũng không thoát khỏi ma lực vật chất.

Vượt lên trên biên giới giàu nghèo, Tin Mừng thực sự chỉ dành cho những ai đang “làm giàu trước mặt Thiên Chúa.” (Lc 12:20) Ðó là những người giàu đang hy sinh giúp đỡ người nghèo. Ðó cũng là những người nghèo đang sống sâu xa tình liên đới với anh em. Trong lịch sử, nhiều nơi Giáo hội đã bị mang tiếng vì chỉ “lo an ủi những người nghèo và bảo đảm an toàn cho người giàu,” như tiểu thuyết gia linh mục Jean Sulivan tả oán. Nhưng Tin Mừng không bao giờ ve vuốt người giàu. Thực tế, Tin Mừng trở thành một thách đố lớn cho những ai đang nắm trong tay quyền lực, của cải v.v. Không thể tìm thấy sự phân biệt giai cấp trong Tin Mừng. Giàu hay nghèo vẫn thấy nơi Tin Mừng một sức mạnh giải thoát thực sự cho con người được làm người. Trái lại, những cơ chế bất công đang nghiền nát con người.

Giữa những bế tắc hôm nay, có thể tìm được lối thoát không ? – Có chứ ! Lối thoát đó Chúa đã vạch ra trong Các Mối Phúc. Ðó là nguồn phát sinh hạnh phúc con người. Chúng ta không thể không đối mặt với những thách đố trong đời, như nghèo đói, nước mắt, máu lửa v.v. Nhưng Ðức Giêsu chỉ cho chúng ta thấy con đường tìm thấy suối nguồn và đối tượng niềm vui hôm nay là chính Thiên Chúa giữa những thách đố ấy.

Lạy Chúa, xuân đang đến trên quê hương con. Nhưng bóng đêm vẫn bao trùm khắp nơi. Xin cho chúng con mau thấy mùa xuân tràn ngập Các Mối Phúc để chúng con thực sự vươn lên làm người sống tự do và hạnh phúc. Amen.

——-

[1] Pinckaers, S., O.P., The Pursuit of Happiness – God’s Way – Living the Beatitudes. New York : 2005:26.

2] ibid.:27.

[3] x. Lời Chúa Cho Mọi Người 2005:301.

Để lại một bình luận