Hy Tế Mùa Giáng Sinh
Minh Trinh
Xét thấy mình vô duyên tệ ! Đang lúc bầu khí Noel tưng bừng hương sắc, ánh sáng muôn màu từ những hang đá lộng lẫy chớp loè quyến rũ, những khúc ca vui rộn rã khắp phố phường…mình ngồi đây suy tư về cái điều mà không mấy người thích nói đến : hy tế ! Thế thì chẳng vô duyên là gì ?
Phải rồi, hy tế thì mang ý nghĩa của hy sinh và sát tế. Cái ngôn ngữ nhà đạo này đã thân thuộc với con dân trong mùa thương khó, khi đau khổ và cái chết được lý giải cho đến tận cùng của thập giá. Có máu và nước mắt bên cạnh nghĩa hy sinh; có ảm đạm chiều thứ sáu và hân hoan sáng Chủ Nhật.
Mùa giáng sinh thì không có nước mắt của buổi chia ly, nhưng có đắng cay của tình yêu không được đón nhận; có gậy gộc gươm đao cho các thánh Anh Hài, và có dấn thân thao thức của mục đồng và các nhà đạo sĩ.
HY TẾ GIOAN TIỀN SỨ
Xuất thân là đứa con cầu tự, Gioan đã bước vào đời trong thân phận giống ‘người rừng’. Ông lang thang trong hoang mạc lạnh lùng mà bầu bạn cùng cỏ cây sông núi. Ông ăn uống như đám bạn vô tri tung tăng bên sườn núi. Khác một điều, ông mang sứ mệnh một ngôn sứ. Ngày ngày thao thức ngóng trông một Mê-si-a mà ông có nhiệm vụ giới thiệu với cộng đồng. Đấng ấy đã một lần làm ông phấn khởi vui mừng trong một cuộc thăm viếng của hai bà mẹ. Chắc ông cũng chưa biết lắm về vai trò của bà dì vừa đến thăm mẹ, nhưng mối tương quan giữa hai bào thai đã vẽ ra một chặng đường hy tế.
Sau bao năm gẫm suy và thao thức, Gioan xuất hiện với đám đông trong vai trò cái loa phóng thanh. ‘Tôi là tiếng kêu trong hoang địa’. Cuộc sống ẩn sĩ và những lời nói lạ lùng thánh thiện khiến người ta tưởng ông chính là vị Messia mà dân chúng bao ngày đợi trông. Ông khiêm tốn quá. Ông biết thân phận mình và không tự tháo mình ra khỏi cái sứ mệnh là tiếng kêu. ‘Đấng đến sau tôi mà cao trọng hơn tôi. Tôi đây mà còn chưa xứng đáng tháo dép cho người’. Gì chứ thế nào Gioan cũng đã bị chao đảo vì ‘bệnh sao’ khi có nhiều người kính trọng suy tôn, nhưng vì vai trò của ông là dẫn đường cho công lý, nên chữ hy sinh đã khoác cho ông sự khẳng khái can trường. Ông thẳng thắn phê phán những bất công và thách đố cả bậc quan quyền về sự công bằng liêm khiết. Sự khẳng khái đã đưa ông tới chỗ chết : chết vì bảo vệ luật pháp thánh thiêng mà Giavê đã truyền dạy suốt thời kỳ cựu ước.
Gioan là của lễ hy sinh đầu tiên của câu chuyện Giáng Sinh, để mỗi mùa Vọng, thông điệp của Gioan lại được nhắc lại cho muôn thế hệ gẫm suy và cải hoá.
HY TẾ MARIA
Cô thôn nữ tuổi đôi mươi đang tràn đầy nhựa sống thì cuộc đời quá đẹp tươi. Những gánh nặng trần gian chắc chưa hành hạ tâm hồn ngây thơ trong trắng. Và cũng giống như các gia đình đạo đức Do Thái thời đó, việc trông chờ một vị thiên sai các ngôn sứ rao báo, cũng đã làm cho cô gái xuân thì thêm lòng yêu mến Giavê mà háo hức nguyện cầu “trời cao hảy đổ sương mai, và mây ơi hãy mưa đấng cứu độ”.
Nhưng rồi khi thời đã điểm, sự việc lại bắt đầu ngay từ cô với biến cố truyền tin. Câu chuyện quá đột ngột khiến cô hoang mang choáng váng. Cuộc đối thoại nho nhỏ giữa cô và sứ thần chỉ ngắn gọn vài câu theo lời kinh thánh ghi lại, nhưng ý nghĩa và việc thực hiện lời truyền tin lại là cả một thiên tình sử nhiều tập. Tôi suy tư rất nhiều về chuyện tình ‘trời đất’ này, nhưng ở đây, xin chỉ nhập vai Maria để chia sẻ cuộc hiến tế mà cô đã cúi đầu đón nhận ‘Tôi đây là tỳ nữ của Chúa, xin vâng nghe như lời sứ thần đưa tin’.
Quả là một cuộc đấu tranh bản thân thật dũng cảm. Vượt lên những toan tính cá nhân, dù là những ước vọng tốt đẹp… để thực hiện ý muốn của người khác mà xem ra không hợp với toan tính của mình, thế đã là một hy sinh lớn, một hy tế đau đớn. ‘Việc đó xảy ra thế nào được…’. Khi đã cúi đầu xin vâng, lại một loạt những rối ren ngổn ngang trong lòng : giải thích sao với vị hôn phu đây. Giá như việc này xảy nơi một cô gái khác, một thứ ‘sao’ như thời nay, thì chẳng có chi ầm ĩ. Đằng này, việc xảy ra vời một thiếu nữ đoan trang đạo hạnh, ‘yêu mến luật pháp Chúa’…thật nan giải !
Chỉ với niềm tin tuyệt đối, Maria đã vượt thắng được chính mình. Nàng đón nhận hy sinh trong tình yêu dâng hiến, thứ tình yêu mà chính bào thai nàng cưu mang sẽ mang tới trần gian ‘Thiên Chúa là Tình Yêu’.
Tình yêu ấy đã lộ ra ngay trong cuộc thăm viếng người chị họ khi biết tin bà ấy cũng đang mang thai. Tình yêu ấy bén nhậy, cảm thông, chia sẻ, vô vị lợi.
Cứ thế, tình yêu ấy theo sát cuộc đời Maria, để làm lưỡi gươm nhọn đâm thấu tim, máu không chảy nhưng đớn đau khôn cùng, để cuộc cứu thế của Người Con Giêsu cũng có phần hy tế của người mẹ Maria.
HY TẾ CÁC ANH HÀI
Nếu lịch sử lập lại, dân Do Thái chắc không thể quên được cái đêm kinh hoàng năm ấy : hàng trăm trẻ còn thơm mùi sữa bị quan quân xách cẳng lộn đầu rồi lụi thanh gươm sắc vào bụng cho máu nhuộm thắm đất Giuđêa, để cất cao tiếng nấc đau thương của bà mẹ dành giật sự sống cho hài nhi vô tội. Những cái chết oan khiên do tà tâm, hậu quả của sự dã tâm của kẻ tiểu tâm đầy nhẫn tâm!
Máu hy tế là món quà đầu tiên Hài Nhi Giêsu đón nhận. Các bạn đồng trang lứa đã phải hy sinh mạng sống để giới thiệu cho thế giới biết rằng : đã có một Vị Vua ra đời. Tiếng nói của các bạn ấy chưa thành lời, nhưng máu của các bạn lại thắp lên lịch sử oanh liệt. Hêrôđê không ngộ ra được sự thất bại của mình, khi ra tay tàn sát các thơ nhi. Khi ấy chắc chưa mấy người có thể tin được vị Thiên Sai đến trần gian trong tư cách một con người yếu đuối, cất tiếng chào đời trong chuồng bò. Mấy anh chàng chăn bò tò mò tới bên máng cỏ và ngộ ra bé sơ sinh kia có những điều đặc biệt. Mấy ông đạo sĩ sau này cũng đến do thời gian đi tìm nơi xuất phát ánh sao lạ khá xa. Các ông ngộ ra một bé thơ yếu đuối kia có ‘lực hút’ lạ lùng. Họ tặng cho hài nhi những món quà biểu trưng, nhưng món quà ý nghĩa nhất lại là chính tấm lòng của họ. Triều đình Hêrôđê cũng hăm hở muốn đi bái lạy ‘ông Vua mới sinh ra’ theo lời kể của các chiêm tinh gia phương Đông, nhưng lòng họ lại mưu toan chuyện khác.
HY TẾ… CỦA ĐỜI TÔI
Chắc mới chỉ là ăn theo thôi, chứ đời tôi chưa một lần sát tế! Bởi hy tế thường gắn liền với tình yêu, một sứ điệp cứu rỗi.
Cuộc sống trải dài với thời gian khô khan, bướng bỉnh. Thời gian không dừng lại theo ý muốn của tôi, nhưng lại luôn miệng tố cáo những hèn nhát của tôi trong quá khứ, cảnh báo tôi trước những hiểm nguy hiện tại và thúc đẩy tôi hoàn thiện với tương lai. Dù sao thì thời gian cũng là người bạn khó tính nhưng chí cốt với tôi bao năm nay. Thời gian không ghi sổ bìa đen những yếu đuối của tôi, cũng chẳng ghi bảng vàng những thành công mỹ mãn. Thời gian cứ vẫn vô tình đun đẩy cuộc đời tôi chồng chất thêm vết nhăn vật chất lẫn tinh thần. Chỉ có mỗi cái mà thời gian làm được cho tôi, là làm cho tôi ngày càng thấm nhuần một chân lý : “Không có Thầy, anh em không làm gì được”.
Thì ra những nỗ lực cho cuộc sống tốt đẹp hơn của tôi, chẳng phải là do tôi can đảm mà thắng vượt, mà đã do ‘Đấng làm mọi sự cho mọi người’ cứ âm thầm dìu dắt, nâng đỡ từng ngày. Tôi cứ nghĩ những đau khổ dằn vặt cuộc sống tôi bấy nay là do tôi vô phúc, bất tài! Không phải, đó là những nấc thang hoàn thiện mà chính tôi phải có kinh nghiệm bước lên, bằng sự hy sinh, bằng thất bại, bằng sự cố gắng ‘nên trọn lành như Cha anh em’…, bằng hy tế mà chính cuộc đời tôi phải hân hoan dâng hiến.
Thế nên những bất an giăng mắc mọi góc cạnh đời sống tôi, những trái ngang ngăn lối con đường đến Bêlem, những khổ nhọc cho miếng cơm manh áo, những ưu tư gặm nhấm vì sự lừa dối của người thân, những lừa thầy phản bạn trong cuộc sống xã hội…thảy đã làm cho đời tôi rướm máu. Tôi lợi dụng tất cả để chế thành nhũ hương, mộc dược. Món quà cao quý mà mấy ông đạo sĩ tặng ‘Vua mới sinh’ đã ngầm mang ý nghĩa ướp xác Đấng Cứu Thế. Vàng kinh nguyện, nhũ hương yêu thương, mộc dược công bình phục vụ… cũng ướp lấy cuộc đời tôi, thành một hy tế âm thầm kính tặng Hài Nhi Hoà Bình trong mùa Giáng Sinh.