9. Bức họa tử đạo ba thầy Mỹ, Đường và Truật

 

9. Bức họa cuộc tử đạo
Ba thầy Phaolô Nguyễn Văn Mỹ, Phêrô Trương Văn Đường và Phêrô Vũ Văn Truật,
ngày 18-12-1838 tại Sơn Tây

Kim Ân

9. Bức họa tử đạo ba thầy Mỹ, Đường và TruậtBức họa cao 1,680 m, rộng 1,218 m, được vẽ trên giấy bồi trên vải mỏng và được vẽ theo luật đồng hiện, luật cường điệu với góc nhìn phi điểu. Nét vẽ trong bức họa này không sắc sảo lắm [43]. Bức họa được chia làm hai phần khá rõ rệt: tra khảo – hành quyết.

Tra khảo: Phần dưới của bức họa là cảnh thẩm tra các Kitô hữu. Phía trái, một viên quan mặc áo đỏ đang ngồi trên sập, bốn viên quan khác đang ngồi trước mặt ông ta. Ba thầy giảng mặc áo nâu, đeo gông và mang xiềng, đứng đầu là thầy Mĩ, sau đó là thầy Đường và thầy Truật. Phía sau ba thầy, hai tên lính đang xui các thầy chối đạo. Trước mặt các thầy, bẩy Kitô hữu vừa bước qua thập giá vẫn còn đeo gông, một người khác đang bước qua thập giá.

Hành quyết: Cảnh hành quyết chiếm gần trọn bức họa. Phía dưới, góc phải là hình ảnh thành Sơn Tây, với ba chữ “Sơn Tây tỉnh”, nơi ba thầy đã bị giam giữ từ tháng 6-1837. Pháp trường, nơi diễn ra cuộc hành quyết cũng nằm gần tòa thành này.

Khung cảnh hành quyết trong bức họa này cũng giống như trong hầu hết các bức họa khác. Một đội quân cầm giáo đứng vây quanh pháp trường, hai viên quan cưỡi ngựa và hai viên quan cưỡi voi giám sát cuộc hành quyết. Bên ngoài, dân chúng tới xem khá đông. Ở góc trái, bên ngoài vòng vây quân lính, một người mặc áo nâu đang đứng, đó là cha Triêu. Vị linh mục này đã đón các vị chứng nhân của Chúa trên đường ra pháp trường để ban phép xá giải cho các vị [44]. Đứng cách cha Triêu không xa là một nữ tu cũng mặc áo nâu, tay phải cầm nón, tay trái đang đưa vạt áo lên lau nước mắt [45].

Cùng bị xử tử với ba thầy giảng còn có chín người bị tội chém đầu và bốn người bị xử giảo như ta có thể quan sát trong bức họa. Ba thầy giảng bị xử giảo, mỗi vị nằm trên một manh chiếu do giáo dân đưa tới. Thầy Đường vẫn còn mặc nguyên cả áo, thầy Mĩ và thầy Truật bị lột áo tới thắt lưng. Tay các thầy bị trói quặt ra sau lưng, chân bị trói. Một chiếc cọc đóng chắc phía chân, một chiếc cọc khác đóng ngang phía cổ và có một tên lính giữ cọc này. Một sợi dây được buộc vào chiếc cọc và tròng qua cổ mỗi vị. Ba tên lính cầm đầu kia của sợi dây và chờ hiệu lệnh. Sau lệnh loa của viên quan cưỡi voi, một hồi chiêng vang lên và các tên lính đồng loạt kéo các sợi dây. Thầy Mĩ và thầy Truật có thêm chiếc gông đệm dưới ngực.

Trong bức họa, thầy Mĩ đã tắt thở. Một tên lính đốt gan bàn chân của thầy theo như thông lệ cuộc xử giảo, để chắc chắn rằng người tử tội đã chết. Phía đầu thầy có cắm một phiến gỗ sơn vôi ghi bản án. Chúng tôi đọc được lõm bõm những chữ như sau: “Nguyễn Văn Hữu [46] quán Hà Nội tỉnh Lí Nhân phủ Thanh Liêm huyện Sơn Nga xã cai phạm nguyên tòng Gia Tô đạo … kinh dĩ tam khai mộc ( ?) hựu bất khẳng khóa quá thập tự bản niên thu thẩm khâm án xử giảo lập quyết tư bài. Minh Mạng thập cửu niên cửu nguyệt nhị thập cửu nhật”. [47] Ba bộ xiềng sắt xếp ngay ngắn gần phiến gỗ ghi tội trạng. Viên trưởng toán đao phủ mặc áo đỏ đeo gươm đứng cách đó không xa.

Bốn tên lính vẫn đang kéo dây xiết cổ thầy Truật. Chúng tôi đọc được một số chữ như sau trên phiến gỗ ghi bản án của thầy: “Nguyễn Văn Truật quán … phủ Sơn Vi huyện Hà Thạch xã cai phạm nguyên tòng Gia Tô đạo … kinh dĩ tam khai mộc ( ?) hựu bất khẳng khóa quá thập tự bản niên thu thẩm khâm án xử giảo lập quyết tư bài. Minh Mạng thập cửu niên cửu nguyệt nhị thập cửu nhật”.

Bốn tên lính khác cũng đang kéo sợi dây xiết cổ thầy Đường [48]. Chúng tôi đọc được trên phiến gỗ ghi bản án một số chữ như sau: “Nguyễn Văn Đường quán tại Hà Nội tỉnh Lí Nhân phủ Thanh Liêm huyện Ninh Phú xã cai phạm nguyên tòng Gia Tô đạo … kinh dĩ tam khai mộc ( ?) hựu bất khẳng khóa quá thập tự bản niên thu thẩm khâm án xử giảo lập quyết tư bài. Minh Mạng thập cửu niên cửu nguyệt nhị thập cửu nhật”. Một viên quan mặc áo xanh, có lính che lọng, đứng ngay bên nơi hành quyết thầy.

——-

[43] Cuốn sđd, trang 16 cho biết rằng bức họa này chỉ là một bản sao.

[44] Cuốn sđd, trang 221 thuật lại rằng cha Triêu đã bất chấp nguy hiểm, bốn lần lẻn vào nhà lao để giải tội và trao Mình Thánh Chúa cho ba thầy giảng.

[45] Cuốn sđd, trang 18 kể lại rằng đây là nữ tu đã cung cấp những vậy dụng thường ngày cho các vị tử đạo trong suốt thời gian các thầy bị giam cầm.

[46] Nguyễn Văn Hữu là tên chính thức của thầy Mĩ.

[47] Nguyên văn bản án được dịch ra Pháp ngữ ở cuốn sđd, trang 18-19 với một số dị biệt: “Le sieu Hua (nom supposé de Paul Mi), de la maison de Ngu-Yen, dont la patrie est Son-Ngà, commune de l’arrondissement de Thanh-Oaï, est coupable et a déjà été condamné pour faire profession de suivre Jésus.

La sentence d’automne de l’année courante ordonne l’exécution du coupable par la trangulation. De Minh-Mênh, la 19e année, le 2e de la 11e lune”.

[48] Cuốn sđd, trang 223 kể rằng thầy Đường đã phải chịu cơn hấp hối khó khăn hơn thầy Mĩ và thầy Truật. Vì thiếu kinh nghiệm, các tên lính hành hình đã không biết cách kéo dây, khiến đầu thầy bị đảo qua đảo lại và bê bết đất. Cơn hấp hối cũng kéo dài hơn.

 

Để lại một bình luận