Tình Yêu Mời Gọi Hiến Thân

 

Tình Yêu Mời Gọi Hiến Thân
1. Không chỉ là tình cảm lãng mạn

Tình Yêu Mời Gọi Hiến ThânNgười ta thường hay nói “hôn nhân giết chết tình yêu”. Tình yêu của hai người khi chưa đi đến hôn nhân là một tình yêu nồng nàn, cháy bỏng, lãng mạn, thương thương nhớ nhớ… Nhưng khi đã đi vào thực tế của đời sống hôn nhân, thì tất cả những thứ thương thương nhơ nhớ sẽ phai lạt dần; thay vào đó là cảm nhận có trách nhiệm, là sự thúc bách liên lụy với nhau trên hành trình cuộc đời.

Tuy nhiên, tình yêu chân chính và trọn vẹn thì không phải chỉ là một thứ tình cảm cháy bỏng. Tiếng gọi của tình yêu chân chính bao giờ cũng thôi thúc con người đến một cách sống yêu thương trọn vẹn, triệt để, yêu thương đến cùng. Hành trình của tình yêu chân chính không phải nhằm đạt đến một sự an hòa cho bản thân, nhưng là vượt quá bản năng bảo vệ bản thân. Đó luôn luôn là một cuộc “vượt qua”. Đi vào nhịp bước tình nghĩa, người ta được mời gọi ra khỏi bản thân, dấn thân vì tha nhân và dấn thân cho đến cùng. Tình yêu thương, trong khía cạnh dính dáng đến vận mạng con người, không thể được giải quyết bằng thái độ “đi giầy cao gót”, thái độ “đi cà khêu” trong cuộc đời. Để đến với ai khác trong tình yêu, ai khác như một bản thân có giá trị tuyệt đối, ai khác như vận mạng một đời người, ai khác với tất cả sự phức tạp của cuộc đời, thì người ta cũng cần phải hy sinh cả một đời.

Những người làm cha làm mẹ, những người có kinh nghiệm “cưu mang” một cuộc đời, “mang vác” một phận người,… có lẽ dễ hiểu được điều đó. Mang vác một cuộc đời là cả một hành trình gian nan, khốn cực, mà người nào nhát đảm, an thân không thể nào đi trọn được. Để đồng hành với một phận người, người ta không thể đứng bên lề cuộc đời để khỏi vướng bùn nhơ, không thể đứng xa xa, cầm cây khều khều, gẩy gẩy… nhưng là xắn quần lên, là lội vào bùn, là ngụp lặn trong bùn. Có lẽ chính vì cuộc đời một con người cần được cưu mang, cần được mang vác như thế mà Chúa cho con người có cha có mẹ.

2. Theo dấu tình yêu của Thiên Chúa

Tình yêu thương của Thiên Chúa đối với con người, đôi khi cũng được tỏ bày một cách thiết tha, ngọt ngào :Tình Yêu Mời Gọi Hiến Thân

* “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ?

Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ”. (Is 49,15)

* “Hỡi Ép-ra-im, Ta từ chối ngươi sao nổi !

Hỡi Ít-ra-en, Ta trao nộp ngươi sao đành !

Làm sao Ta xử với ngươi như với Át-ma,

để ngươi nên giống như Xơ-vô-gim được ?

Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi”. (Hs 11,8)

Tuy nhiên, theo quan điểm của Kinh Thánh, tình yêu hàm nghĩa một cách căn bản là sự liên đới với nhau trên hành trình cuộc đời, là sự đồng hành với nhau trong những khó khăn và cực nhọc, là sự liên lụy trong hậu quả của tội lụy. Điều chính yếu trong mạch sống của ơn cứu độ chính là lời hứa, là giao ước, là sự trung tín của Thiên Chúa trong hành trình lịch sử của Dân. Khởi đầu là một lời hứa trong vườn địa đàng với nhân loại :

Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” (St 3,15)

Rồi Giavê Thiên Chúa bắt đầu dính dáng vào vận mạng của con người một cách tích cực, một cách càng ngày càng trọn vẹn hơn, càng ngày càng thể hiện một sự liên lụy tới cùng với con người : Giavê Thiên Chúa đã kêu gọi Abraham và đã thực hiện một giao ước đơn phương cách quảng đại với Abraham :

“Khi mặt trời đã lặn và màn đêm bao phủ, thì bỗng có một lò nghi ngút khói và một ngọn đuốc cháy rực đi qua giữa các con vật đã bị xẻ đôi. Hôm đó, ĐỨC CHÚA lập giao ước với ông Áp-ram như sau :

“Ta ban cho dòng dõi ngươi đất này, từ sông Ai-cập đến Sông Cả, tức sông Êu-phơ-rát, đất của những người Kê-ni, Cơ-nát, Cát-môn, Khết, Pơ-rít-di, Ra-pha, E-mô-ri, Ca-na-an, Ghia-ga-si và Giơ-vút. (St 15, 17-21;Xc, St 15, 7-21)

Rồi Giavê đã giao ước cách chính thức và song phương với Dân qua trung gian của Môi-sen (Xc. Xh 24, 1-8). Hành trình dấn thân ấy đưa đến việc nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, đưa đến cuộc tử nạn của Đức Giêsu Kitô :

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.(Ga 3,16; Xc Pl 2, 6-11)

Trong khi người Hy Lạp cho rằng Thượng Đế chẳng màng chi đến thân phận con người, Thượng Đế là mẫu mực của cuộc sống con người theo kiểu như nam châm hút sắt mà không biết mình hút, thì phẩm chất căn bản của tình yêu nơi Giavê Thiên Chúa lại là gặp gỡ, sống -với, và dấn thân, dấn thân triệt để. Chính vì thế mà người Hy Lạp coi thập giá là một sự điên rồ :

“Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ.” (1 Cr 1, 22-23)

3. Tình yêu Thiên Chúa thanh lọc tình yêu con người

Tình Yêu Mời Gọi Hiến ThânNói như đức Benedicto XVI, tình yêu Kitô giáo không chống lại tình yêu Eros. Tình yêu Eros là một sự say đắm, khi mà lý trí bị xâm chiếm bởi một cơn “điên dại thần bí”. Nhưng tình yêu Eros cần phải được thanh luyện trong tình yêu Agape của Kitô giáo [1].

“Từ cái nhìn ngắn ngủi về hình ảnh của Eros trong lịch sử và trong hiện tại, chúng ta thấy có hai chiều kích rõ rệt. Chiều kích thứ nhất, tình yêu có liên hệ với Thiên linh : tình yêu hứa ban sự vô hạn, vĩnh cửu – sự cao cả và hoàn toàn khác với thực trạng hằng ngày của chúng ta. Đồng thời cũng cho thấy, con người, để đạt đến đó, không phải chỉ đơn thuần là tùng phục bản năng. Sự thanh luyện và trưởng thành rất cần thiểt, và các điều này phải kinh qua con đường từ bỏ. Đây không phải là phủ nhận, cũng không phải là “đầu độc” Eros, nhưng là chữa lành để đạt được sự cao cả thực sự của nó” (Số 5).

Tình yêu thì phải luôn thăng tiến, vận hành vươn lên, nấu nung khao khát, âm thầm kêu gọi, thúc đẩy mạnh mẽ… Bỏ mất tính chất vận hành vươn lên thì ngay lập tức tình yêu con người bị biến chất. Agape thanh lọc Eros bằng cách không ngừng thôi thúc để Eros không được an thân trong sự quy ngã, hưởng thụ của chính mình. Agape làm cho bước khởi đầu của tình yêu Eros được đi vào vận hành hướng tới tình yêu không giới hạn về mọi phương diện, tình yêu hy sinh mạng sống cho người mình yêu.

Ở đây có thể hiểu được một chút tính chất thanh lọc của Agape đối với Eros. Tình yêu say đắm và lãng mạn của con người thường bị phá đổ do thực tế bi đát của cuộc sống. Đời sống gia đình chẳng hạn luôn phải đối diện với những chuyện cực nhọc về cơm áo gạo tiền, đối diện với sự khác biệt của tính tình, sự bất đồng trong suy nghĩ, sự ê chề của những tật xấu và cả sự đau thương của bệnh tật. Nếu con người không được định hướng bằng thứ tình yêu Agape, không được nuôi dưỡng bằng tình yêu Agape của Thiên Chúa, nghĩa là đi vào lộ trình của một thứ tình yêu dám dấn thân vào cuộc, chia sẻ phiền lụy cuộc đời với nhau, thì con người chẳng thể đi trọn vẹn hành trình yêu thương được.

 



[1] Xc. Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu của đức Benedicto XVI, số 4

Để lại một bình luận