Như một Lời Tri Ân
Lm Nguyễn Trọng Viễn O.P.
Trích “50 năm đồng hành trong sứ vụ”
1. Từ bóng hình một bà mẹ
Cuộc di cư 1954 là một bước đường phiêu lưu lớn của phụ tỉnh Đa Minh Việt Nam (1). Tất cả các cơ sở của phụ tỉnh khi đó đều ở tại miền Bắc. Sau bao nhiêu công khó từ mấy trăm năm, với những cơ sở và nề nếp hoạt động trên năm địa phận, nay Phụ tỉnh phải bỏ lại tất cả để vào miền Nam với hai bàn tay trắng. Thế nhưng, nói theo lẽ thường tình, có thể nói, còn con người thì còn tất cả. Hoặc nhìn vấn đề trong ý nghĩa của đức Tin, ta có thế nói cuộc phiêu lưu lớn đó đã giúp các cha anh cảm nhận được rõ nét hơn phần gia nghiệp của mình chỉ có thể là chính Chúa. Với niềm tin tưởng và trông cậy vào Chúa, các cha anh đã rất cản đảm, đầy dũng lực để tìm cách xây dựng lại phụ tỉnh từ hai bàn tay trắng…
Tu viện Anbêtô được thành hình trong bối cảnh đất nước biến động như thế, trong bối cảnh của một niềm tin “sát thực” như thế, và nhất là trong mồ hôi nước mắt của một “bà mẹ”. Quả thật công khó của các bậc cha anh trong giai đoạn này có bóng hình một bà mẹ, một bà mẹ không sờn lòng trước những tình huống ra như bế tắc, không run rẩy trước những thách đố của thời cuộc. Để hình thành được những cơ sở, để tiếp tục cuộc sống cho những chú đệ tử và các thầy di cư từ Bắc vào Nam, để tiếp tục một nề nếp sinh hoạt tu trì và thi hành sứ mạng tông đồ, và còn để đáp ứng bao nhiêu thứ nhu cầu khác nữa,… quả thật các cha anh phải cưu mang sự sống của phụ tỉnh như một bà mẹ dám hy sinh tất cả vì đứa con thơ dại…
Mặc dù có sau tu viện Mân Côi Gò Vấp, Tu viện Anbêtô, từ ngày thành lập cho đến hiện nay, vẫn luôn đảm nhận vai trò như một “tu viện mẹ” trong Tỉnh Dòng. Suốt chiều dài lịch sử 50 năm, một cách nào đó, Anbêtô vẫn là “tu viện chính” của Tỉnh Dòng, với sự hiện diện của trụ sở Tỉnh Dòng trong một thời gian khá dài. Do đó, hầu hết các sinh hoạt chính thức của Tỉnh Dòng đều diễn ra tại đây. Tu viện đã từng là nơi đón nhận nhiều chức năng chính thức của Tỉnh Dòng, từ trụ sở Tỉnh Dòng, cho đến các cộng đoàn con; từ Chủng Viện Giáo Hoàng, học viện Đa Minh, nhà tập cho đến trường đệ tử; từ những dịp tĩnh tâm cho đến những buổi hội họp chung của Tỉnh Dòng.
Tu viện Anbêtô cũng là nơi tá túc của rất nhiều “đấng bậc” trong Giáo Hội cũng như trong Tỉnh dòng, nơi đón khách chính thức của Tỉnh Dòng, cũng như đón tiếp các anh em ở xa về… Một cách nào đó, tu viện Anbêtô đã cưu mang khá nhiều trọng trách, đã hiện diện như chiếc nôi của Tỉnh Dòng, và đã đóng trọn vai trò của mình như một bà mẹ.
Hình tượng và chức năng ấy còn được thể hiện trong một tư thế đặc biệt : nhiều “đấng bậc” có vai trò và trách nhiệm lớn của Tỉnh Dòng đều được qui tụ ở đây; tu viện cũng thường được coi như một tu viện nề nếp, từ chức năng của những người đảm nhận trách nhiệm lớn trong Tỉnh Dòng, từ sinh hoạt phụng vụ cho đến kỷ luật chung của đời sống tu trì…. Những yếu tố ấy khiến cho tu viện Anbêtô hiện diện như một mẫu mực có khả năng duy trì, cổ võ một truyền thống sống động trong nề nếp tu trì của trong Tỉnh Dòng.
2. Vươn mình thành một cô gái năng động …
Khởi đầu thiên niên kỷ mới, tu viện Anbêtô cũng có nhiều biến chuyển, các anh em trẻ được bổ nhiệm về mỗi ngày mỗi nhiểu hơn. Điều đó cũng làm cho bộ mặt tu viện Anbêtô và giáo xứ Đa Minh có nhiều thay đổi. Từ một tu viện nề nếp, hầu hết các thành viện đều ổn định trong kỷ luật tu trì, cũng như trung tín trong mọi công tác của giáo xứ,… Anbêtô trở thành một tu viện sinh động và phong phú hơn.
Bầu khí tu viện trở nên một tu viện vui tươi nhẹ nhàng hơn; đời sống huynh đệ cũng được thể hiện trong thái độ biết lo cho nhau, để ý đến những công việc, bệnh tật của nhau hoặc biết đến gia đình của nhau nhiều hơn. Những em trẻ “nói to” hơn trong giờ cơm, đùa vui nhộn nhịp hơn trong những giờ đi dạo sau bữa ăn, giờ chơi, hoặc trong những “quán cà phê” của tu viện. Những tiếng cười và những cuộc “cụng ly” cũng nhiều hơn trước đây….
Hoàn cảnh của tu viện Anbêtô có một nét đặc trưng riêng, đó là thế liên lập hỗ tương giữa giáo xứ và tu viện. Nhân sự của tu viện thay đổi kéo theo bầu khí của giáo xứ cũng đổi thay; và ngược lại, khi những sinh hoạt của giáo xứ được đổi mới và phát triển phong phú thì nhu cầu thêm nhân sự hoặc đổi mới tinh thần làm việc tông đồ trong tu viện cũng biến đổi theo. Tinh thần tông đồ ấy cũng thể hiện trong việc nhiều anh em đi làm việc ở các giáo xứ lân cận và xa hơn nữa…
Ít nhiều gì đó, các anh em trẻ hiện nay cũng được thừa hưởng một chút lợi thế nhờ “thương hiệu” nhà thờ Ba Chuông, “thương hiệu” đền kính thánh Martinô… nên những việc tổ chức các sinh hoạt mục vụ cũng tương đối được hưởng ứng từ phía người giáo dân.
Trong sinh hoạt giáo xứ, người ta có thể thấy một bộ mặt mới, với nhiều sinh hoạt phong phú, sinh động hơn. Giáo xứ tăng thêm số lễ ngày Chúa Nhật, hầu hết các ca đoàn trong giáo xứ trở nên phong phú và điêu luyện hơn, các thánh lễ, thành lễ giới trẻ trở thành một địa chỉ được nhiều người ưa thích… Trung Tâm Sinh Hoạt Mục Vụ của Giáo xứ cũng đầy tràn ngập các chương trình giáo lý dự tòng, giáo lý hôn nhân, các lớp cao đẳng thần học, lớp huấn luyện âm nhạc, sinh hoạt sinh viên, giờ cầu nguyện Taizé…
Người ta có thể thấy rõ một sự chuyển giao thế hệ từ những cha anh lớn tuổi đến những anh em trẻ, một sự chuyển giao khá êm thấm, như thể một bà mẹ biết quên mình đi để tính toán, xoay sở mọi sự tốt đẹp nhất cho cuộc đời đứa con của mình.
3. Như một lời tri ân
Năm mươi năm nhìn lại, ta có thể thấy rõ một hành trình, hành trình gian khó nhưng đầy sức sống, hành trình chuyển giao thế hệ được thể hiện một cách tốt đẹp, hành trình của một tu viện vẫn còn hứa hẹn nhiều tiềm lực trong tương lai; trên hết, đó chính là hành trình của tình nghĩa và hành trình của một cộng đồng sự sống trong đức tin.
Như người ta có thể thấy trong một con người khoẻ mạnh cả một tương lai, thì người ta cũng có thể thấy thấp thoáng một tương lai tốt đẹp, nếu như hiện tại ta thấy được một bầu không khí lành mạnh, bầu khí của tình huynh đệ và nhiệt tâm tông đồ trong cuộc sống hiện tại. Hơn nữa, có lẽ nét quan trọng hơn hết làm nên bầu không khí lành mạnh chính là tâm tình tri ân… Tất cả mọi sự có được ngày hôm nay không phải bỗng dưng mà có, không phải đơn giản và dễ dàng mà có, nhưng tất cả đều mang những dấu ấn của gian khổ, của hy sinh, của tình nghĩa từ những bậc cha anh.
Tạ ơn Chúa và tri ân các cha anh !
——-
(1) Năm 1954, Bề trên phụ tỉnh là cha Conde Thập, sau đó đến cha Giuse Nguyễn Tri Ân (1956-64) và cha Gioakim Nguyễn Văn Liêm (1964-67)