Tình yêu khai mở chân trời tâm linh Kitô giáo

 

Tình yêu khai mở chân trời tâm linh Kitô giáo

1. Chiều kích tâm linh trong đời sống con người

Tình yêu khai mở chân trời tâm linh Kitô giáoChiều kích tâm linh là chân trời rộng mở cho mọi điều thiện hảo trong cuộc sống con người. Cuộc sống thực tế của con người luôn bị trói buộc trong những “giới hạn căn bản” của bản chất người. Con người là “nhân vô thập toàn”, con người là “sinh lão bệnh tử”, con người là “sinh vật có bệnh”, con người là “hữu thể tương đối”….; những giới hạn căn bản như thế không phải chỉ là những khẳng định lý thuyết của các triết gia hay thần học gia, nhưng là những chuyện đời thường mà mỗi người đều cảm nhận thấy, đặc biệt là khi người ta bước qua tuổi mộng mơ để trở nên một con người trưởng thành. Như thế, cứ theo lẽ thường, để trưởng thành, người ta cần chấp nhận thực tế để sống “khôn ngoan” để tính toán cuộc đời, để biết dè dặt trong những mối tương quan tình nghĩa, để biết “liệu cơm gắp mắm” trong cách đối xử ở đời… Thế nhưng, trong thực tế, ta lại luôn thấy những mảnh đời đẹp của một lý tưởng dâng hiến trọn vẹn, của một sự phục vụ không tính toán, của một thứ tình yêu vượt qua mọi giới hạn… Đó chính là sự so le của thực tế đời thường và khát vọng tuyệt đối trong đời sống con người. Khát vọng tuyệt đối được biểu lộ trong các tôn giáo, và các tôn giáo đáp ứng khát vọng ấy khi khai mở chiều kích tâm linh của con người. Không có chiều kích tâm linh, người ta không thể tha thứ mãi, không thể bác ái trọn vẹn, không thể yêu thương vô điều kiện, không thể phục vụ vô vị lợi, không thể tìm thấy một tiêu chuẩn vững bền cho mệnh lệnh luân lý, không thể sống trọn niềm tin vào con người…

 

Thực tế so le đó cho thấy chiều kích tâm linh là điều không thể thiếu đối với đời sống của mỗi cá nhân con người cũng như đối với toàn thể một xã hội. Con người vừa là “nhân sinh sơ tính bản thiện”, nhưng lại cũng vừa là “nhân chi sơ tính bản ác”; con người tự nhiên vừa khát khao sự thiện, nhưng lại luôn bị cám dỗ làm điều ác. Hơn nữa, ranh giới của cám dỗ làm sự ác là vô bờ bến và niềm khát khao sự thiện cũng vô bờ bến. Nếu lòng khao khát sự thiện bị biến thành một hệ thống luân lý hợp lý, chiều kích tâm linh sẽ bị tiêu diệt, cuộc sống xã hội sẽ trở nên mất quân bình vì sự hoành hành của sự ác. Một xã hội vô thần sẽ không thể có đủ lực trong cuộc chiến đấu chống sự ác.

Chúng ta cũng có thể tìm thấy một nguyên tắc trong đời sống con người : muốn vượt lên khỏi cái xấu thì không thể chỉ dừng lại ở cái không xấu không tốt. Lựa chọn như thế sẽ làm cho con người “rớt lại” trong thế giới của cái xấu; vì bản thân của con người đã mang sẵn mầm mống của tội. Muốn diệt cỏ dại trên một mảnh đất, thì không thể dừng lại ở việc làm cỏ, nhưng phải trồng hoa trên mảnh đất ấy.

2. Tình tự của ơn cứu độ Kitô giáo
* “Cái ác” trở thành ”tội lỗi”

Kinh Thánh thì cho thấy cái ác nằm trong bản chất của con người, cái ác là tội tổ tông đè nặng trên dòng dõi Adam. Kinh Thánh cho thấy tội lỗi chính là một đường nét quan trọng trong tình tự ơn cứu độ Kitô giáo. Trong hoàn cảnh thực tế của con người có tội, thì chính tội lỗi lại có thể là khung cửa để con người nhận ra mối tương quan với Thiên Chúa. Theo nhãn quan Kinh Thánh, cái ác không phải chỉ là một sự bất toàn mà mình “có gan chơi” thì “có gan chịu”, nhưng cái ác đặt con người đối diện với Chúa và với tha nhân. Như thế, cái ác trở thành tội lỗi, vì tội lỗi không phải chỉ là chuyện giữa ta với sự vật, những là chuyện giữa ta với ai khác. Cái ác không còn chỉ là vô minh, không còn chỉ là ngu dốt, không còn chỉ là lầm lẫn, nhưng là một thái độ bất trung. Chính vì thế, tội lỗi hé lộ cho con người nẻo đường đi vào ơn cứu độ, nghĩa là mời gọi con người tìm lại tương quan với Chúa.

* Tội lỗi và ơn cứu độ

Chính từ nẻo đường của mối tương quan ngôi vị do tội lỗi đặt ra mà người Kitô hữu được mời gọi để đi vào ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô. Chính người tội lỗi lại là những người có nhiều cơ may nhất để nhận ra trách nhiệm của mình với Chúa và nhận ra mình cần tới Chúa. Nhận ra mức độ trầm trọng của tội lỗi để có thể nhận ra lòng khao khát ơn cứu độ; nhận ra sự bất trung để nhận ra nẻo đường của ơn cứu độ bằng tình yêu thương. Đó là một trong muôn vàn nét “đảo ngược” kỳ lạ của Tin Mừng Đức Giêsu Kitô :

“Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ : “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mc 2,17).

“Vậy, tôi nói cho các ông hay : trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn”. (Lc 15,7).

* Cứu độ và nên thánh

Các môn đệ của Chúa Giêsu không phải là những con người ưu tuyển, cả về phương diện trí thức cũng như về phương diện đời sống luân lý; các thính giả của Chúa Giêsu cũng không phải là những người có văn hóa cao hoặc là những người lành thánh nào cả. Ngược lại, những người chung quanh Chúa, hầu hết là những con người bình thường, hoặc có thể nói là tầm thường, hoặc rất tầm thường nữa. Dĩ nhiên, với những người như thế, Chúa Giêsu thường dùng những dụ ngôn, với những hình ảnh và những chuyện đời thường để tỏ bầy những chân lý cao siêu; và dĩ nhiên Chúa Giêsu cũng không thể một lúc trình bày được hết những mầu nhiệm thâm sâu của Thiên Chúa. Thế nhưng, về phương diện đạo đức, Chúa lại không ngần ngại đặt ra những lý tưởng cao vời của đời sống luân lý. Chúa không giảm nhẹ chút nào đòi hỏi của lý tưởng Tin Mừng. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó trong toàn bộ giáo huấn luân lý của Chúa Giêsu, đặc biệt trong bài giảng trên núi :

“Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48)

Nẻo đường mà Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ bước vào là một nẻo đường mà ngay cả những bậc thánh hiền cao cả nhất của nhân loại cũng không dám nghĩ đến :

“Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó”. (Mt 7,12).

Điều mình không muốn người khác làm cho mình, như đức Khổng Tử dạy, thì chỉ giới hạn trong một số điều thôi; nhưng điều mình muốn người khác làm cho mình thì lại vô cùng, không có giới hạn, đó mới chính là điều đức Giêsu dạy.

Chúng ta có thể thấy rõ, nẻo đường đi vào ơn cứu độ của Chúa Giêsu không phải là bình bình, vừa vừa phai phải, nhưng là một bước nhẩy trọn vẹn và quyết liệt vào con đường nên thánh, vào con đường hun hút đến trời mà tự thân nhân loại không dám bước vào. Con đường ấy dĩ nhiên chỉ khả thi trong ơn cứu độ của Đức Giêsu, chỉ khả thi khi người Kitô hữu nhẩy vào thế giới của Nước Trời và đón nhận được sự sống mới trong ơn sủng của Chúa Thánh Thần.

Quả thật tình tự của ơn cứu độ Kitô giáo chỉ có thể hình thành được từ con đường của tình yêu; từ sự nhận ra những giới hạn của cuộc sống, nhận ra cái ác như là một sự từ chối tình yêu; đồng thời khai mở hành trình của tình yêu như nẻo đường khả dĩ để vươn lên đến tuyệt đối. Thiếu vắng tình yêu, đời sống con người chỉ còn là những tính toán hợp lý; thiếu vắng tình yêu Thiên Chúa, con đường tâm linh của con người vẫn chỉ là những nỗ lực giới hạn của sức người và con đường ấy đương nhiên loại trừ những người bé mọn.

Tình yêu Thiên Chúa chính là chân trời mở rộng cho đời sống con người, đồng thời cũng chính là động lực căn bản cho hành trình tâm linh của nhân loại.

Để lại một bình luận