Tình Bất Phân Ly…
Sau một thời gian dài rao giảng Tin Mừng ở Caphanaum. Hôm nay, bỏ lại sau lưng thành phố cảng – Đức Giêsu cùng với các môn đệ :”đi tới miền Giuđê và vùng bên kia sông Giodan.” Nhìn trên bản đồ thì quả thực lộ trình mà Ngài và các ông đi qua quả là khá dài và khá xa. Và tuy đã trải qua một cuộc hành trình đầy gian khổ, nhưng khi thấy :”đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Ngài” . Đức Giêsu đã không quản ngại mệt nhọc. “Và như thường lệ, Ngài lại dạy dỗ họ”. (Mc 10, 1)
Nhưng có bực bội không kia chứ ! Trong khi đám đông dân chúng đang say sưa nghe Thầy Giêsu dạy bảo, thì một giọng nói “sóc hông” của ai đó cắt ngang lời Ngài. Mọi người nhìn quanh xem ai là kẻ “dzô dziên” nhảy vào “họng” người ta như thế ! À, thì ra có mấy em Pharisêu mà người ta quen gọi là nhóm biệt phái. Họ :”đến gần Đức Giêsu”. Chắc lại tính giở trò tung hứng để tìm cách bắt bẻ Ngài chăng ! Quả là đúng như vậy… Họ tung chiêu bằng một câu hỏi liên quan tới vấn đề luân lý rằng :”Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không ?”. Lại một lần nữa họ đem luật lệ ra để “căng đài” với Đức Giêsu. Họ thừa biết rằng luật : “Môsê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ”. Nhưng chẳng qua họ hỏi là :”để thử Ngài” ! Họ chắc mẩm rằng hôm nay Đức Giêsu sẽ bị hạ “knock-out” bằng câu hỏi đầy thâm ý của mình…
Một chút tâm tình.
Câu hỏi đó quả thật là đầy thâm ý… Bởi có trả lời như thế nào đi nữa thì Đức Giêsu cũng lọt bẫy của họ. Trả lời không ư ? Như vậy có nghĩa là chống lại luật Môsê. Còn “OK”… như thế còn tệ hại hơn nữa. Vâng, nếu đồng thuận với luật cho phép ly dị của Môsê thì… Hỡi ơi ! Khuôn mặt về một Thiên Chúa là tình yêu mà Đức Giêsu đã rao giảng sẽ bị biến dạng. Còn đâu một Thiên Chúa “chậm giận và hay tha thứ”. Còn đâu lời khuyên nhủ ngọt ngào rằng :”Hãy yêu thương kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi”. (Mt 5,44). Còn đâu là lời cầu nguyện chân tình rằng:”Xin cho mọi người nên một” …
Không, Đức Giêsu không quá ngây thơ để mà mắc bẫy nhóm Pharisêu. Thay cho câu trả lời – Đức Giêsu – Ngài đã ôn tập lại cho họ về luật gốc mà chính Thiên Chúa đã ban bố ngay từ tạo thiên lập địa rằng :”Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình; và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt”. (Mc 10, 6-8). Đức Giêsu điểm mặt họ và nói tiếp rằng :”Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông”. (Mc 10, 5).
Một phút suy tư.
Không biết phản ứng của nhóm Pharisêu lúc đó thế nào. Nhưng hơn hai mươi thế kỷ trôi qua – những hậu duệ của Pharisêu vẫn nhan nhản khắp cùng trái đất. Họ vẫn lớn tiếng ủng hộ luật ly dị. Và hơn thế nữa, ủng hộ luật cho phép phá thai !!! Những đạo luật phá hủy tận gốc rễ nền tảng gia đình. Mỉa mai thay – đã có kẻ – một tay đặt lên Kinh Thánh là “Lời Của Chúa” để tuyên thệ nhậm chức; còn bàn tay kia phá lời dạy dỗ của Ngài bằng cách sẵn sàng đặt bút phê duyệt đạo luật ghê tởm đó với một danh từ mỹ miều là phò-lựa-chọn !!
Hôm nay – Hội Thánh Công Giáo vẫn luôn trung thành với giáo huấn của Đức Giêsu. Giáo huấn mà chính Ngài đã nhấn mạnh trước nhóm mười hai rằng:”Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mc 10, 11-12).
Đứng trước nhóm Pharisêu quá khích – Đức Giêsu khẳng định rõ ràng rằng :”Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”. (Mc 10, 9).
Thiên Chúa đã kết hợp những sự gì ?
Thưa, phải chăng từ chỗ Ngài kết hợp Tình-yêu-đôi-lứa để tuy là hai nhưng trở nên :”xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi !” (Stk 2, 23) ! Để rồi sự kết hợp đó vươn tới một tình-yêu-đồng-loại : là cha mẹ, là anh em, là bà con thân thuộc; là cơ hội để thực thi lời Ngài :”hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em”. Và còn hơn thế nữa; sự kết hợp đó dẫn đến một tuyệt đỉnh của tình yêu – “Tình Chúa yêu ta – Tình ta mến Chúa” – một thứ tình không lệ thuộc “bởi-tại-vì”… Nhưng là một thứ tình “mặc dù”… dù-con-phạm-muôn-tội-ta-cũng- tha…”dù tội con có như hồng điều cũng sẽ trắng như tuyết; có đỏ cũng sẽ sạch tựa lông chiên” (Isaia).
Vâng, nói tắt một lời sự kết hợp đó đã biến thành một thứ tình xuyên biên giới :”tình mến Chúa yêu người”. Một thứ tình bất khả phân ly…
Petrus.tran