KINH MÂN CÔI VỚI DÒNG ĐAMINH
Lm Giuse Phan Tấn Thành OP
Kinh Mân côi đáng được bàn riêng ra một mục xét vì tầm quan trọng của nó trong lịch sử Hội thánh. Nguồn gốc và thần học của Kinh Mân côi đã được trình bày trong quyển Vầng trăng tuyệt vời (trang177-181); ở đây chỉ xin giới hạn vào những chi tiết liên quan đến Dòng Đaminh.
Hầu hết các ảnh tượng kính Đức Mẹ Mân côi đều có thánh Đaminh (đôi khi còn thêm thánh Catarina) đi kèm. Tục truyền rằng chính thánh Đaminh đã lãnh nhận cỗ tràng hạt từ Đức Mẹ, và đã đi “tuyên truyền” cho việc đọc kinh này. Truyền thuyết này đã bị xét lại vì nhiều lý do. Lý do thứ nhất là vì các tài liệu cổ nhất (bản án phong thánh, Libellus của cha Giorđanô, các Legenda) không hề nói đến sự kiện này. Một lý do nữa là các bức tranh cổ của thánh Đaminh đều vẽ người cầm quyển sách chứ không cầm tràng hạt. Vì thế cần phải truy tầm nguồn gốc của kinh Mân côi cách kỹ lưỡng hơn.
Thực ra vào thời thánh Đaminh đã lưu hành bốn “bộ thánh vịnh” (psalterium) : 150 kinh Lạy Cha (psalterium Christi), một bộ 150 kinh Kính mừng (psalterium b. Virginis), một bộ gồm 150 điểm suy gẫm về cuộc đời Chúa Kitô; một bộ 150 lời ca ngợi đức Mẹ.
Như đã nói trên đây, các anh em Giảng viên đã có thói tục đọc kinh Kính mừng nhiều lần trong ngày. Vào thế kỷ XIII, đã có vài sự kiện manh nha cho sự tiến triển của kinh Mân côi. Có những sử liệu kể lại thói tục của vài anh em đọc 150 kinh Kính mừng, chia làm 3 “vòng hoa”, chẳng hạn như Bartôlômêo Trentô (+1251), Gioan Mailly (1260), Thomas Cantipré (+1260). Đồng thời, tu sĩ Rômêo de Liva (+1261) đã sử dụng một sợi dây thắt nút để đếm các kinh Kính mừng (mỗi ngày đọc 1000 lần).
Người đã có công cổ động việc đọc kinh Mân côi theo hình thức hiện nay là cha Alain de la Roche. Nguyên là giáo sư thần học tại Paris, Lille, Gand, Rostock, từ năm 1463 cha cảm nhận ơn gọi đi truyền bá kinh Mân côi, như là một kinh kính Đức Mẹ. Hình thức của nó gồm 150 kinh Kính mừng, chia thành ba phần chính (đọc vào ba buổi trong ngày : sáng, trưa, tối), kính nhớ cuộc Nhập thể, Tử nạn và Vinh quang của Chúa Kitô. Vào mỗi kinh Kính mừng, cha thêm một tư tưởng suy niệm các chân lý đức tin.
Như vậy, ngòai việc lặp đi lặp lại kinh Kính mừng, cha Alanô còn thêm việc suy ngắm các mầu nhiệm về cuộc đời Chúa Kitô. Cha đã xuất bản nhiều tác phẩm để giải thích ý nghĩa của kinh Mân côi (Tractatus de Rosario B. Mariae Virginis, Koln 1472; Quodlibet de veritate fraternitatis Rosarii seu Psalterii beatae Mariae Virginis, Koln 1476).
Truyền thuyết về việc thánh Đaminh lãnh nhận tràng chuỗi Mân côi bắt nguồn từ cha Alanô. Có người đã trách là cha đã bịa đặt câu chuyện. Nhưng có người cho rằng: Cha Alanô không hề có chủ ý dựng đứng một sự kiện. Cha chỉ thuật lại (cách thành thực) rằng cha đã được một “thị kiến” trông thấy Đức Mẹ trao cho tràng hạt cho thánh Đaminh như khí cụ bài trừ lạc giáo. Thực khó mà kiểm chứng được cái thị kiến đó hư thực thế nào. Đặt trong bối cảnh lịch sử đương thời, người ta có thể giả thiết rằng cha Alanô nhận thấy kinh Mân côi là một “tuyệt tác”, không thể nào giải thích được do sáng kiến lòai người. Vậy thì chắc là nó được linh hứng (do Đức Mẹ).