CUỘC ĐỜI THÁNH ĐA MINH
PHẦN II.
CHÂN DUNG VỊ TỔ PHỤ
Lm. Px. Đào Trung Hiệu op
Đức giáo hoàng Phaolô VI nhận định về thánh Đa Minh, vị tổ phụ như sau : “Ta rất khâm phục vị linh mục có trí óc quảng bác này, đã khéo léo tổng hợp những truyền thống khác nhau, đúc kết bằng một phương châm chiêm niệm và hoạt động, và ngay từ đầu đã tổ chức Dòng của người một cách vừa uyển chuyển lại vừa bền vững”.
Vậy, đâu là con đường cha đã đi để đáp ứng nhu cầu thời đại, tổ chức nếp sống và hướng dẫn cộng đoàn tiên khởi Dòng phát triển cách phong phú và phục vụ Giáo Hội hữu hiệu suốt tám thế kỷ qua ?
9/ Huynh đoàn thuyết giáo Toulouse
Tháng 4-1215 vẫn được coi là thời điểm khai nguyên của Dòng. Hai thanh niên thị dân Toulouse là Thomas và Seila tuyên hứa trong tay cha Đa Minh. Căn nhà Seila trao tặng trở thành tu viện đầu tiên của Dòng. Họ hứa gì đây ? Chắc hẳn là hứa chuyên giảng thuyết và sống cộng đoàn theo gương các tông đồ. Ít lâu sau thêm bốn người nữa. Cha Jordano viết tiếp : “Từ đó, cha con Đa Minh ở Toulouse ai cũng hết sức khiêm nhường và luyện tập đời sống tu trì”. Giám mục Foulques tặng cho cộng đoàn nhà thờ thánh Romano để cử hành phụng vụ chung, sinh hoạt được mô phỏng theo kinh sĩ đoàn Osma : để tài sản chung, sống nghèo khó và tuân phục … Họ mới chỉ là một huynh đoàn địa phận.
Do kinh nghiệm về khả năng Kinh Thánh của anh em lạc giáo, cha Đa Minh chưa vội tung anh em đi hoạt động, Ngài thêm một yếu tố mới vào cộng đoàn : việc học hành, chính Ngài cùng sáu môn sinh tiên khởi đến đăng ký học với giáo sư Alexandre Stavenby tại trường nhà thờ chính tòa Toulouse. Cha muốn chuẩn bị nhân sự cho xứng đáng để đảm nhận sứ vụ “thuyết giáo” của Dòng tương lai.
Trước đây, ngoài các giám mục, đã có những nhà giảng thuyết nổi tiếng như Robeto thành Abrisselle (+1177), như Noberto (+1134) vị sáng lập Prémontrés và thánh Bênađô (+1153) … nhưng đó mới là những cá nhân, còn cha Đa Minh lại muốn tất cả tập thể cùng tham dự vào sứ vụ Lời Chúa này. Cuối năm 1215, Đa Minh cùng giám mục Foulques về Roma, hai vị xin Đức Thánh Cha châu phê cộng đoàn Dòng với danh xưng “Anh Em Thuyết Giáo”. Những người khác ở lại Toulouse tiếp tục việc đèn sách.
Giai đoạn này, Công đồng Latran IV vừa ra quyết định cấm lập Dòng mới. Thế nhưng việc giảng thuyết và học hỏi lại được công đồng chung khuyến khích. Nên đức Innôcentê III ủng hộ việc lập Dòng và khuyên Cha Đa Minh về chọn một tu luật có sẵn. Ngài hứa sẽ châu phê Dòng sắp lập.
10/ Thành lập Dòng
Mùa xuân 1216, các anh em ở Toulouse cùng Cha Đa Minh bàn luận việc chọn tu luật. Được mọi người cho nhất trí, cha đã chọn tu luật Thánh Augustino và đề ra một số tập tục làm viên đá đầu tiên xây nền cho hệ thống pháp lý của Dòng. Thánh Augustino tiến sĩ, vốn là mẫu gương thuyết giáo, truyền bá Lời Hằng Sống và bênh vực đức tin trọn vẹn. Hơn nữa, Cha Đa Minh đã có kinh nghiệm sống tại kinh sĩ đoàn Osma, cũng dựa trên tu luật Augustino, vừa đặt nền cho đời tu, lại không ràng buộc chặt chẽ về tổ chức. Tuy vậy, Cha Đa Minh không vội vã thiết định hiến pháp, Ngài muốn chờ thời gian để thử nghiệm.
Tháng 10 năm đó, anh em chung sức xây dựng tu viện bên cạnh nhà thờ Romano với khu nội cấm, xây cho mỗi người một phòng nhỏ vừa đủ để nghiên cứu và nằm nghỉ. Phần Cha Đa Minh, lên đường qua Roma lần thứ ba. Ngày 22-12-1216 Đức Honorio III ban hai sắc lệnh công nhận Dòng như một hội kinh sĩ triều.
Sắc lệnh thứ nhất “quyết định thành lập theo ý Chúa tại nhà thờ này (Romano ở Toulouse) chiếu theo tu luật Thánh Augustino”. Sắc luật thứ hai : “… Xét rằng các tu sĩ chúng con sẽ là những chiến sĩ Đức tin và ánh sáng thế gian, Ta công nhận Dòng cùng mọi tài sản đó dưới sự chỉ huy và bảo vệ của Ta”.
Sau đó một tháng, sắc lệnh ngày 21-01-1217, Đức Thánh Cha chấp thuận hoàn toàn ý định của Cha Đa Minh, thành lập “Dòng Anh Em Thuyết Giáo” (Ordo Praedicatorum). Đức Honorio III gọi các tu sĩ là “lực sĩ vô địch của Đức Kitô với khiên đức tin và mũ chiến cứu rỗi” (Ep.6,16), đừng sợ những người giết thân xác (Mt.10,18), hãy chiến đấu chống lại kẻ thù Đức Tin bằng lời Thiên Chúa, sắc bén hơn gươm hai lưỡi (Dt.4,12).”
11/ Đoàn sủng của Dòng
Dòng Thuyết Giáo đã được ủy nhiệm trách vụ truyền giảng Lời Chúa. Dòng muốn cung cấp cho các giám mục một đội ngũ các nhà giảng thuyết được đào tạo cẩn thận, để hỗ trợ các ngài trong trách vụ lớn lao ấy. Sau này việc giảng được mở rộng đến nhiều Dòng khác, còn khi đó vốn là sứ mạng riêng và là bổn phận đầu tiên của Anh Em Thuyết Giáo.
Trong sắc lệnh thành lập Dòng, Đức Honorio III từng nói : “Thiên Chúa không ngừng làm Giáo hội phong phú bằng những con cái mới, đã muốn Giáo hội thời nay giống Giáo hội thời sơ khai, muốn truyền bá Đức Tin, nên đã gợi hứng cho chúng con chọn đời sống khó nghèo và kỷ luật, cùng tận hiến cho việc giảng Lời Chúa, loan báo Danh Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta khắp hoàn cầu”.
Mười sáu anh em tiên khởi, gồm 8 Pháp, 7 Tây Ban Nha và 1 người Anh, đang tụ tập đầy thân ái quanh Cha Đa Minh. Bỗng nhiên, Ngài ra một quyết định bất ngờ, Ngài triệu tập anh em, nói với họ : “Tôi quyết định phái anh em đi khắp nơi. Từ đây anh em không còn sống với nhau trong chốn này nữa”. Mọi người đều choáng váng trước quyết định này. Bá tước Monfort, giám mục Toulouse và nhiều người phản đối. Nhưng Cha Đa Minh vẫn giữ quyết định phân tán. Ngài đáp : “Tôi biết việc tôi làm” và “hạt giống được gieo vãi mới sinh hoa kết quả, nếu giữ mãi trong bao nó sẽ hư mất” .
Hôm đó là lễ Mông Triệu 15-8-1217, tại Prouille, quen được gọi là lễ Hiện Xuống của Dòng vì như ngày Lễ Ngũ Tuần thuở xưa, các Tông đồ cũng được phân tán đi mọi nơi. Cha Đa Minh phái bảy anh em đến Paris “để học, rao giảng và lập tu viện“, bốn người qua Tây Ban Nha, ba người ở lại Toulouse. Cha Đa Minh cũng ở lại đó đến 13-12 rồi đi Roma.
12/ Phát triển Dòng, việc tổ chức
Trong vòng sáu tháng ở Roma, Cha Đa Minh đã xin Tòa Thánh nhiều giấy giới thiệu cho anh em lập tu viện tại các địa phận. Các văn thư này tái xác nhận danh xưng và sứ vụ thuyết giáo của Dòng. Ngài trao tu phục cho hai anh em Jacinto và Ceslao những người sẽ mở mang Dòng tại Ba Lan và truyền bá Tin Mừng đến tận Kiev thuộc nước Nga.
Đặc biệt Cha Đa Minh tuyển chọn Réginalđô d’Orléans, giáo sư luật khoa, một nhân vật đặc sắc trong việc giảng thuyết, dạy học và quản trị. Bất ngờ Réginaldô lâm bệnh nặng và được khỏi cách kỳ diệu nhờ lời cầu nguyện của Thánh Phụ. Đức Mẹ đã hiện ra xức dầu, phái đi rao giảng và trao áo Dòng mới. Cuối năm đó, Cha Đa Minh cử Réginaldô đến coi sóc tu viện mới lập ở Bologne. Chỉ một thời gian ngắn, vị này đã làm cho sinh hoạt tại đây sinh động và phát triển nhanh chóng.
Phần Cha Đa Minh, từ tháng 5-1218 đến tháng 7-1219, Ngài đi một vòng thăm hết các cộng đoàn từ Ý, qua miền Nam nước Pháp, Tây Ban Nha, Paris đến Bologne. Tại mỗi tu viện ngài nhận thêm tu sĩ và cử họ đi thiết lập thêm nhiều tu viện.
Tại Paris, số anh em đã lên đến 30 tu sĩ, đã tận dụng được mọi khả năng giảng dạy trong thành phố đại học này. Ngoài ra Jordano de Saxe, người sẽ kế vị Thánh Đa Minh, vừa tốt nghiệp thần học, đã ngỏ ý xin nhập Dòng. Quả là một năm đầy thành công. Không những vì số tu sĩ và tu viện gia tăng, mà hơn thế nữa, Cha Đa Minh đã rút tỉa được nhiều kinh nghiệm của anh em. Phải sống đời tu thế nào, phải chu toàn sứ mệnh cách nào, phải thể hiện nghèo khó làm sao và cần đặt ra những luật lệ gì làm nền tảng vững chắc cho sứ vụ cũng như việc quản trị ?
Đến Bologne, Cha Đa Minh tràn đầy hân hoan vì thấy cộng đoàn mới lập được một năm, đã đủ sức bay trên đôi cánh của mình. Dưới sự hướng dẫn của cha Réginaldô, cộng đoàn đã qui tụ nhiều sinh viên và cả những giáo sư nổi tiếng như Roland de Crémone. Cha Đa Minh ở lại đảm trách tu viện Bologne và phái Réginaldô đến làm Bề Trên tu viện Paris. Tiếc rằng, chỉ vài tháng chưa đủ để Réginaldô biến đổi Paris như với Bologne, thì Ngài đã qua đời. Thế nhưng, Chúa Quan Phòng đã gởi đến nhân vật sẽ kế vị Cha Đa Minh : Jordano de Saxe. Vị này vượt trên tất cả trong việc chiêu mộ nhân sự : dưới thời Ngài làm bề trên tổng quyền (từ 1222-1237) trên 1000 người đã nhập Dòng.
Cha Đa Minh giờ đây đã sẵn sàng sống những năm cuối cùng và phong phú nhất của đời ngài. Cha tìm cách xác định căn tính của Dòng và đưa Dòng đến tình trạng ổn định cần thiết. Cha muốn minh định sứ vụ rõ rệt cho Dòng và tìm ra những phương thế để chu toàn sứ vụ đó. Cần phải có luật lệ đặc sắc và một tổ chức hữu hiệu để đạt tới điều này.
Trước khi làm điều này, cha Đa Minh nhiều lần đến giáo triều ở Viterbe, xin đức thánh cha cấp một loạt chứng từ giới thiệu mới. Trong những tháng ở Roma, ngài lập đan viện nữ ở Saint Sixto theo sự ủy thác của đức giáo hoàng. Sau đó, ngài gởi thư đến các cộng đoàn, yêu cầu bầu đại diện đi tham dự Tổng hội, dự trù vào tháng 5 năm 1220.
Thực vậy, đã đến lúc đưa Dòng vào giai đoạn mới. Nếu năm 1216 mới chỉ có một hai cộng đoàn với mười mấy anh em, chưa ai đủ kinh nghiệm và hiểu biết để thiết lập luật lệ quản trị cho một Dòng đầu tiên trong lịch sử, nối kết đời tu chiêm niệm với sứ vụ hoạt động. Thì nay những lý tưởng cha Đa Minh, đã được thử luyện trong thực tế. Qua chuyến kinh lý của ngài đã mường tượng thấy cơ chế quản trị cho một Dòng phổ quát với sứ vụ giảng thuyết, cho việc đào tạo tu sĩ, cho việc học hành và sống nghèo khó. Khi triệu tập Tổng hội, cha biểu lộ ý muốn thực hiện dân chủ theo đường lối đại biểu và góp ý.
13/ Tổng hội 1220
Khai mạc Tổng hội tiên khởi vào lễ Hiện Xuống 17-5-1220, hai yếu tố nền tảng việc quản trị Đa Minh đã được bộc lộ : trách vụ vị Tổng quyền và vai trò của Công hội. Khi Tổng hội khai mạc, các nghị phụ kinh hoàng bỡ ngỡ thấy cha Đa Minh xin từ chức: “Tôi đáng xuống chức vì tôi không thể chu toàn trách vụ nữa”. Câu nói vừa biểu lộ đức khiêm tốn vừa bắt nền từ thực tế. Một phần sau Tổng hội, Dòng ít cần sự cổ động của cha và đã đủ khả năng tự hoàn thành con đường của mình. Đàng khác, sức khỏe của cha Đa Minh cũng trong tình trạng báo động : nhiều năm hoạt động tận lực, việc khổ hạnh khắt khe và các hành trình thường xuyên đã ảnh hưởng không ít đến thể lực của ngài. Anh em không chấp thuận việc từ chức này. Cha Đa Minh vâng theo ý cộng đoàn, nhưng cha quy ước rằng, khi ngài quản trị, công đồng có quyền tối cao. Chính ngài hứa vâng lời Tổng hội. Dù là người chủ tọa công hội, bề trên chỉ là nhân vật số một theo nguyên tắc bình đẳng. Mỗi người, qua lá phiếu, đều tham dự vào quyền bính bằng nhau. Công hội là quyền tối cao trong Dòng, quyền hành pháp, lập pháp lẫn quyền tài phán.
Tổng hội 1220 đã thêm vào Hiến pháp phần tự ngôn, chấp nhận cho bề trên một quyền quan trọng,đó là quyền chuẩn miễn:
“Trong tu viện mình, bề trên có quyền chuẩn miễn cho anh em mỗi khi ngài thấy thích hợp, chủ yếu là những gì xem ra gây cản trở cho việc học hành, giảng thuyết hay vì lợi ích các linh hồn, bởi vì như đã biết, Dòng chúng ta ngay từ khởi đầu đã được thành lập để chuyên chú việc giảng thuyết và ơn cứu độ các linh hồn. Việc học của chúng ta theo nguyên tắc, phải hăng hái tận dụng các năng lực, giúp chúng ta có thể nên hữu ích cho linh hồn tha nhân”.
Bản văn cô đọng sứ vụ và tinh thần dòng Đa Minh. Việc chuẩn miễn giúp Dòng dễ dàng chu toàn sứ vụ và hòa hợp những nhu cầu của sứ vụ với những yêu sách của đời tu trì. Hai chiều kích cần thiết để thực hiện đúng tôn chỉ của Dòng, được thu tóm mà vẫn giữ nguyên mức độ quyết liệt. Thực vậy, phải nỗ lực mới có thể hòa điệu đời sống chiêm niệm với sinh hoạt của một Dòng lãnh trách nhiệm loan báo Tin Mừng. Đúng ra tính quyết liệt này vẫn hiện hữu trong chính giáo hội : “Hăng say hoạt động mà vẫn trung kiên chiêm niệm” (Hc. Phụng Vụ số 2).
Dầu sao, lý tưởng cha Đa Minh đề ra, nối kết đời sống thánh thiện cầu nguyện với sứ vụ tông đồ không phải là không thể thực hiện. Cứ đọc cuộc đời ngài ta thấy rõ : ngài vừa để Thánh Thần hướng dẫn, vừa chìm sâu trong cầu nguyện chiêm niệm. Nếu nhà chiêm niệm là người gắn bó với kinh nguyện và luôn hướng tư duy mình về Thiên Chúa, thì thực sự, cha Đa Minh đã cầu nguyện ngày đêm. Ngài giảng, ngài hoạt động, ngài đăng trình, nhưng ngài cầu nguyện mọi lúc. Luôn luôn ngài hướng về Thiên Chúa.
Ngay trong trường hợp này, tính quyết liệt của hai yêu cầu vẫn không thể thỏa mãn đồng thời, chính vì thế cha Đa Minh sáng tạo ra luật “chuẩn miễn vì nhiệm vụ” (Một sáng tạo trong lịch sử đời tu), để dễ dàng học hành rao giảng và tất cả vì ơn cứu độ các linh hồn. Hơn nữa, việc chuẩn miễn bảo đảm cho các con cái ngài khi học, giảng hoặc thực hiện bất cứ công tác sứ vụ nào, đều là phụng sự Thiên Chúa và tuân thủ Hiến pháp y như họ ở trong nguyện đường tu viện. Sự chuẩn miễn giúp họ uyển chuyển, năng động và sống tự do như con cái Thiên Chúa, giải phóng họ khỏi những ràng buộc cản trở công tác của họ trong thế giới. Và để gia tăng sự tự do này, cha Đa Minh về sau xác định luật Dòng, xét như là luật không buộc thành tội.
14/ Nối kết các yếu tố
Cha Đa Minh muốn Dòng gồm những người sống Tin Mừng. Giáo hội giao cho Dòng sứ vụ loan báo Lời Chúa. Cha Đa Minh qua kinh nghiệm, biết rằng Lời này, chỉ thực sự được loan báo, một khi đã được suy niệm, chiêm ngưỡng trong cầu nguyện trước nhan Thiên Chúa. Dĩ nhiên, ngài đã chỉ thị phải học hỏi Sách Thánh cách có hệ thống, nhưng ngài cũng biết rằng Lời Chúa là một thực tại trên cao, không thể thấu triệt bằng tiến trình thuần túy lý trí. Lời loan báo phải là hoa quả điều đã được thưởng nếm trong cầu nguyện và chín mùi trong tình yêu. Ngài muốn con cái mình là những nhà cầu nguyện có kinh nghiệm về Lời Chúa. Cùng với việc học, đời sống cầu nguyện là điều kiện thiết yếu trong đời sống tông đồ của họ.
Tổng hội 1220 còn đưa ra những quy luật về giảng thuyết, học hành, sống khó nghèo, về việc kinh lý, tổ chức các tu viện và việc triệu tập tổng hội. Khi bó buộc mỗi tu viện phải có một giáo sư, tổng hội đặt nền cho việc huấn luyện Đa Minh. Tổng hội cũng nhấn mạnh đến những đòi hỏi của nếp sống khó nghèo. Nếu năm 1216 đã quyết định :“Không sở hữu của cải để những việc trần thế không cản trở tác vụ rao giảng, và Dòng chỉ sống nhờ bổng lộc”, thì nay tổng hội ấn định sẽ “chẳng còn sở hữu hoặc bổng lộc dưới bất cứ hình thức nào”. Dòng phó thác cho Đấng Quan Phòng và sự quảng đại của các tín hữu. Các nhà giảng thuyết đi từng đôi một như những người loan báo Tin Mừng (Mt.10), ra đi “không mang bao bị, không nhận vàng bạc, tiền nong lẫn tặng phẩm, chỉ trừ lương thực và sách vở”.
Tổng hội đã hoàn tất. Dưới sự hướng dẫn của cha Đa Minh, các đại biểu, có lẽ không quá 30 vị, nhưng gồm những nhà thần học của Paris và các luật gia khoa đời cũng như khoa đạo của Bologne, đã hoàn thành một công trình tuyệt vời. Các vị đã thiết lập cho Dòng một cơ cấu quản trị vững chắc, với những luật lệ khôn ngoan hỗ trợ việc chu toàn sứ vụ. Công trình của cha Đa Minh có thể nhờ đó trở nên vĩnh cửu.
15/ Thêm một năm hoạt động
Sau tổng hội, cha Đa Minh lãnh sứ vụ do đức thánh cha ủy thác, tổ chức việc giảng thuyết tại khu vực Bắc Ý. Đến vùng Lombardie, ngài thăm các tu viện ở Milan, Bergame và chuẩn bị lập tu viện ở Plaisance. Trở lại Bologne, cha quyết định việc lập nữ đan viện cho chị Dianna Andalo và các bạn. Được ngài hướng dẫn, chị Dianna tuyên khấn năm 1219. Tháng 12-1220, trước khi đi Roma, cha ủy thác cho bốn anh em lo việc xây cất đan viện, nhưng sau khi cha qua đời công việc mới tiến hành được.
Cha Đa Minh ở lại Roma đến giữa tháng 5-1221. Ngài tường trình lên đức thánh cha việc rao giảng ở Lombardie cũng như những việc trong Dòng. Ngài ổn định nữ đan viện Saint Sixto, và giảng tại các thánh đường, chú tâm đến việc tuyển mộ, đưa ra những chỉ thị cho các nữ đan sĩ và anh em, khi đó đã dọn đến Sabina thừ tháng 2-1221.
Tháng ba, cha Đa Minh cử hai anh em đến Sienna, chuẩn bị việc lập các đan viện ở Metz, Spira và Lund tại Thụy Điển. Ngài cũng xin được đức thánh cha giấy giới thiệu Dòng với các giám mục vùng Amiens, Plaisance và dân cư xứ Sigtuna cũng như Thụy Sĩ. Cha còn xin được cho Dòng quyền sử dụng “bàn thờ lưu động”: nhờ đó anh em có thể dâng lễ trong nhà nguyện tạm thời, trước khi xây thánh đường, thay vì phải cử hành phụng vụ tại nhà thờ các xứ đạo.
16/ Tổng hội 1221
Tổng hội thứ hai triệu tập tại Bologne năm 1221 dưới sự chủ tọa của cha Đa Minh. Tuy không đủ chi tiết các cuộc thảo luận, chúng ta biết Tổng hội này đã thiết lập cơ chế tỉnh dòng và tỉnh hội như một cơ cấu trung gian tổ chức việc tông đồ. Như thế Dòng sẽ dựa trên nguyên tắc tập thể và bổ xung.
Trong tổng hội, cha Đa Minh đưa ra một sáng kiến mới khi tuyên bố luật Dòng không buộc thành tội. Về sau vì sợ có người còn hồ nghi, tổng hội 1225 cho ghi chỉ thị này vào văn bản. Cha Đa Minh luôn tôn trọng tự do của anh em, những “người con của Thiên Chúa”, nên muốn họ hành động với tinh thần trách nhiệm theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần chứ không vì sợ tội.
Sợi chỉ vàng xuyên suốt toàn bộ hệ thống quản trị và sinh hoạt Dòng là sự tín nhiệm. Sự tín nhiệm được thể hiện qua tính tập đoàn, bổ xung và trách nhiệm, đó là món quà đích thực cha thực hiện cho con cái. Làm như thế, trái tim cha Đa Minh đã đập chung một nhịp với thế kỷ XIII, thời đại xuất hiện quyền đại biểu trong nước và mỗi thành phố, với các đoàn thể tự nguyện tại địa phương : các nhóm bác ái, hội đoàn và đại học. Họ bắt đầu tập thực hành nguyên tắc bầu cử và đại biểu.
Mỗi tỉnh dòng được quản trị do một giám tỉnh và tỉnh hội. Như thế, tỉnh dòng thể hiện sự phân quyền của toàn Dòng và gồm nhiều tu viện là những đơn vị điều hành. Mỗi tu viện trong tỉnh dòng sẽ cử bề trên và đại biểu đi dự tỉnh hội. Tỉnh hội không có quyền lập pháp đúng nghĩa, nhưng có quyền đề ra những khuyên nhủ và chỉ thị liên quan đến đời tu, việc học hành, huấn luyện và mục vụ. Tỉnh hội sẽ bầu giám tỉnh và kiểm tra đời sống, hoạt động của anh em, của giám tỉnh, của các giáo sư lẫn sinh viên, và có quyền gửi thỉnh nguyện về tổng hội.
Các vị tổng giảng sư là thành phần thường xuyên của các tỉnh hội. Những giảng sư đặc sắc này, đóng góp những suy tư và kinh nghiệm của mình cho tỉnh hội. Chính nhờ những vị này, thành viên của các tỉnh hội không bị hạn chế. Việc thay đổi thường xuyên đại biểu giúp tỉnh hội vận dụng được tối đa khả năng, suy tư và kinh nghiệm của nhiều anh em hơn, đồng thời thúc đẩy anh em quan tâm đến thiện ích tỉnh dòng, của Dòng, nghĩa là của Giáo hội.
Suốt thời Trung Cổ, tu viện là đơn vị quản trị tuy nhỏ nhất nhưng vẫn quan trọng nhất. Dưới quyền tài phán của tỉnh dòng, tu viện được tổ chức độc lập, dưới sự điều hành của bề trên do anh em bầu lên. Tu viện giúp anh em có môi trường hoạt động tông đồ, Một khi tổ chức các tu viện tốt, tỉnh dòng và Dòng phát triển. Khi nếp sống các tu viện sa sút, tỉnh dòng và Dòng bị tê liệt và khó chu toàn nhiệm vụ.
Từ các tổng hội từ 1221 đến 1228, Hiến pháp Dòng đã xây dựng được một hệ thống tổ chức hoàn hảo, tạo được thế quân bình giữa quyền bính với yếu tố dân chủ chịu sự kiểm soát của cộng đoàn. Ba nét chủ yếu như đã nói là tính tập đoàn, bổ xung và đại biểu. Hiến pháp đó đã thúc đẩy tu sĩ hoạt động, vẫn luôn quan tâm đến suy nghĩ cũng như ước muốn của anh em. Ngoài ra với cơ chế uyển chuyển, Dòng có thể phát triển theo số nhân sự, theo địa phương anh em hoạt động, hoặc theo nhu cầu công tác. Hiến pháp trù bị việc tu chỉnh thường xuyên cho thích hợp với đòi hỏi của thời đại và với những biến chuyển của xã hội. Theo đó, những khoản sửa đổi được ba tổng hội liền chấp thuận sẽ trở thành khoản Hiến pháp.
Sáu tháng cuối cùng, cha Đa Minh vẫn tiếp tục đi rao giảng. Không nơi nào cha có phòng riêng. Là người lữ hành, cha sẽ qua đời như một người lữ hành.
17/ Chân dung một người Cha
Quả là thiếu sót lớn lao, nếu chỉ quan tâm đến hoạt động và thiên tài của một vị thánh mà không quan tâm đến lối sống, cách cư xử của vị đó xét như là một con người.
Khi cha Đa Minh đến bất kỳ cộng đoàn nào, anh em và chị em đều vây lấy cha, để thổ lộ tâm tình, cả những lo lắng và yếu đuối của mình, Cha hỗ trợ người này, an ủi người kia, khích lệ làm mọi người phấn khởi. Thánh Jordano viết : “Cha rất dễ biểu lộ cảm tình và mến cha cũng rất dễ… Cha nhìn vào ai là chiếm được cảm tình người đó”. Cha thân ái với mọi người, biết tìm cơ hội để tặng quà và nâng ly với chị em. Cha luôn nghiêm khắc với mình và đôi khi nghiêm khắc với anh em mất nhiệt huyết. Cha không chấp nhận muối trở nên nhạt.
Đời cha Đa Minh ướp nồng bằng cầu nguyện. Cha dâng lễ mỗi ngày, tham dự thần vụ với bất cứ cộng đoàn nào cha gặp dù thuộc dòng tu khác. Cha thức thâu đêm để cầu nguyện với Chúa như gặp gỡ một người thân cách chân tình sốt sắng, với nhiều tư thế khác nhau diễn tả tâm hồn. Nhiều khi cha cầu nguyện bằng Sách Thánh hay trong thinh lặng. Vì cầu nguyện là đối thoại với Chúa, nên cha không chỉ nói mà còn lắng nghe Ngài. Luôn luôn cha nhớ đến anh em trong lời nguyện, và từng thổn thức trong thị kiến, khi tưởng anh em không có ai trên nước trời.
Với tình phụ tử, cha Đa Minh rất cảm thông với anh em, dễ dàng chuẩn chước, biết chờ đợi anh em qua kinh nghiệm cá nhân, góp phần tự quyết cách sống của mình. Khi phái anh em đi, kẻ cần tiền thì cho, người ngần ngại thì khích lệ, hứa cầu nguyện, còn với kẻ nhút nhát thì truyền lệnh. Chị Cécile phác họa lại hình dáng cha, trong hồi ký đọc cho chị Angélique ghi:
“Cha Đa Minh người tầm thước, thân hình mảnh mai và hơi sạm nắng, râu tóc mầu nâu nhạt. Đôi mắt cha tuyệt đẹp. Vầng trán cha như toát ra một ánh sáng rực rỡ khiến ai nấy đều quý mến và kính trọng. Lúc nào cha cũng rạng rỡ nụ cười tươi vui, trừ khi cảm thông với người sầu khổ. Đôi tay cha dài và đẹp, giọng nói vừa vang vừa truyền cảm. Đầu cha không sói, bao giờ tóc cha cũng đầy đặn và điểm vài sợi bạc”.
Tâm hồn cha luôn thanh thản và sâu lắng. Dù ở một mình hay giữa cộng đoàn, lúc nào cha cũng sống cho giây phút hiện tại. Tâm hồn cha thực lòng vâng theo Thánh Linh trong mọi tình huống, nên cha có thể cười sảng khoái hay khóc thảm thiết. Sống với anh em hằng ngày, cha là người vui tính và chân thật, không ba hoa cũng không lầm lì. Nơi cha chiếu tỏa tình thương và niềm vui, đến nỗi cả lời khiển trách cũng không làm ai uất ức mà trái lại được phấn khởi.
18/ Di sản của Cha
Cuối tháng 7-1221 tại Bologne, cha Đa Minh lên cơn sốt nặng. Cha liền xin đưa về tu viện của Dòng. Tại đây nằm giữa anh em, khuyến khích anh em luôn nhiệt thành giảng thuyết, phát triển Dòng và kiên trì sống thánh thiện. Cha cam kết với anh em “dù qua đi, cha sẽ mưu ích cho anh em hơn khi còn sống”.
Biết rằng sắp đến giờ bệ kiến dung nhan Đấng Cứu Thế, Đấng cha đã suốt đời yêu mến, tìm kiếm và truyền giảng, cha đọc lại lời nguyện hiến tế của Ngài : “Lạy Cha Chí Thánh, Cha biết con đã hết lòng thực hiện thánh ý Cha. Con đã coi sóc giữ gìn những người Cha đã ban cho con. Nay con ký thác họ cho Cha, xin Cha gìn giữ và chăm sóc họ”. Đó là lời cha cầu nguyện trước tòa Thiên Chúa hôm mai và mãi mãi cho đến mai sau .
Phút lâm chung gần kề, nhưng cha Đa Minh vẫn tiếp tục chủ tọa giờ kinh. Cha nói : “Anh em chuẩn bị… Chờ một lát… Nào, chúng ta bắt đầu”. Cha không muốn anh em khóc lóc buồn bã. Sau đó, cha tâm sự với anh em một điều rất bình thường về chuyện những người phụ nữ trẻ. Ước muốn cuối cùng của cha là được chôn dưới chân anh em như dấu chứng tình yêu của ngài với cộng đoàn.
Lời trăn trối của cha với con cái mình là : “Anh em yêu dấu, gia sản cha để lại cho anh em : Hãy sống bác ái, khiêm tốn và khó nghèo tự nguyện“. Từ nay trước nhan Chúa và được đức Maria hỗ trợ, cha chuyển cầu cho anh em được “hăng say giảng thuyết, chuyên cần cầu nguyện và luôn được bình an đích thực”. Hôm đó Giáo hội cử hành lễ Chúa Hiển Dung ngày 06-08-1221.
Ngày 25-05-1233, lễ cải táng được tiến hành, trước sự hiện diện của khoảng 300 tu sĩ về dự tổng hội. Cha Jordano làm đơn xin phong thánh. Nhiều người đến làm chứng về cha, kèm theo hơn chữ ký của khoảng 300 nhân vật có uy tín. Đức Grêgorio IX, khi suy tôn cha lên bậc hiển thánh ngày 03-07-1234, đã tuyên bố : “Ta không hề nghi ngờ sự thánh thiện của linh mục Đa Minh giống như sự thánh thiện của hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô”.