Tình yêu: nguyên lý của sự sống đích thực

Tình Yêu, Nguyên Lý Sống Đích Thực

 

Tình yêu: nguyên lý của sự sống đích thực1. Con người và hạt nhân ý nghĩa

Muốn củng cố sức mạnh của một con người, người ta có thể trao cho người ấy một thứ vũ khí mạnh để có thể trấn áp người khác; hoặc trao cho người khác đồng tiền để có thể mua chuộc mọi thứ; hoặc trao cho người khác những mối liên hệ thuận lợi theo kiểu “nhất thân nhì thế”… Nhưng có lẽ điều ta có thể làm cho một người nào đó có được sức mạnh vô địch, nói một cách triết lý, đó là trao cho con người một ý nghĩa. Hai người cùng thể trạng, cùng đạp xe đạp trên một quãng đường bằng nhau, nhưng một người đạp xe bất đắc dĩ, còn một người tha thiết muốn tập để trở thành một tay đua xe… thì chắc chắn người tìm thấy được ý nghĩa cho công việc làm của mình sẽ là người tiến bộ nhanh hơn, đạp mau hơn rất nhiều. Ngược lại, người không tìm được ý nghĩa cho việc làm của mình sẽ tự làm yếu nhược chính sức sống của mình bằng thái độ tiêu cực.

Đó chính là bi kịch Sysiphe được diễn tả trong thần thoại Hy lạp; bi kịch của một kẻ chịu hình phạt nặng nề nhất của kiếp người, đó là làm một công việc vô nghĩa : lăn tảng đá lên đỉnh núi, rồi thả cho nó lăn xuống, và lại tiếp tục xuống núi để lăn nó lên. Hành trình của kẻ không ý nghĩa có thể bị sụp đổ có khi chỉ vì một trục trặc nhỏ trên đường đời. Ta có thể thấy cùng một nguyên tắc đó trên tất cả mọi lãnh vực của cuộc đời con người, đặc biệt trong những lãnh vực dài hơi.

Con người mạnh hơn con vật, dĩ nhiên không phải là bằng bắp thịt, mà có lẽ cũng không phải chỉ bằng trí khôn. Trong bản năng, sức lực của con vật có được một sự thống nhất vì một mục đích duy nhất, đó là bảo vệ sự sống của mình bằng bất cứ giá nào. Trong khi đó, con người, nhiều khi vì biết nên không còn đủ can đảm, vì sợ mà trở nên hèn nhát. Nhưng trí khôn con người và cả thể xác con người, chỉ có thể được thống nhất, được quy tụ và phát huy toàn bộ nang lực trong một ý nghĩa của cuộc đời. Tìm thấy ý nghĩa duy nhất của cuộc đời, con người tìm thấy được sức mạnh của toàn thể, sức mạnh của những tiềm lực có thể bị dấu kín trong nhiều tầng sâu của bản thân. Ý nghĩa đời người, đó là một “hạt nhân” có khả năng tập trung, thống nhất con người, và cung cấp sức mạnh thật sự cho hành trình phức tạp của đời sống con người.

2. Sự sống toàn diện

Khi ta ra đường, gặp những tình huống khó chịu ở nơi công cộng, đụng chạm và tranh cãi, … ta về nhà, buồn giận, càu nhàu, bực tức, và nhiều khi “giận cá chém thớt”… Đó cũng là sống, nhưng là một sự sống vụn vặt, rời rạc. Sự sống ấy không có một mạch sống liên tục, sự sống ấy không có đủ sức mạnh để vươn lên và tuôn trào, sự sống ấy quá mềm yếu mà một chút chuyện ngoài đường cũng có thể xâu xé được.

Có khi ta xem phim, gặp thấy những con người “trợ lý giám đốc”, xum xoe trước mặt giám đốc, dạ dạ vâng vâng, xoa tay xoa chân,… mà không có một bản lãnh hay một lập trường độc lập nào. Người ta gọi đó là những kẻ “bợ đít”. Đó cũng là hình tượng của những quan thái giám ngày xưa trong cung đình. Sự sống ấy là sự sống không có “xương”, không có đủ “gân cốt” để đứng trên đôi chân của mình; đó là sự sống “bị thiến”, sự sống “công công”.

Có khi ta thấy những bạn trẻ, hùa nhau để ăn chơi, hùa nhau để đua xe, hùa nhau để phá làng phá xóm… Nhưng thật ra, trong cả nhóm chỉ có một anh mạnh miệng, chỉ có một anh nắm đầu và lôi kéo tất cả… Ta thấy nơi đó cả một đám đông đoàn lũ, sống theo đuôi người khác. Đây lại là thứ sự sống dựa dẫm, không dám quyết định và bày tỏ chính cảm nhận, chính suy nghĩ của mình; những người ấy chỉ biết nói theo, làm theo, ăn theo, chơi theo những kẻ mạnh miệng.

Có khi ta thấy những con người luôn sống trong nỗi sợ, những nỗi sợ vụn vặt, sợ đủ mọi thứ chuyện : sợ người này giận, sợ người kia la mắng, sợ buổi lễ không đúng ý người khác, sợ bị hiểu lầm… Đó cũng là sự sống, nhưng là sự sống yếu ớt, èo uột, biểu lộ một nhân cách dúm dó.

Có khi ta thấy một người đàn ông thành công trong nhiều việc, có công danh, có sự nghiệp, có khi lại còn đầy uy tín ngời xã hội… nhưng lại có một sự tỷ mỷ đáng thương, khiến cho những người trong gia đình không thể chịu nổi; ông ta xăm soi từng việc tỷ mỷ, nhớ dai từng lỗi lầm, trì chiết từng khuyết điểm nhỏ… Đó cũng là sự sống, nhưng là một sự sống nghèo nàn, khô héo…

Tất cả mọi hình thức của sự sống ấy đều như hướng tới một cách giải quyết một vài vấn đề nào đó xẩy ra trong cuộc đời; và có vẻ những cách giải quyết ấy cũng có được một sự thành công nào đó : bảo vệ được “cái ghế” của mình, khỏi bị rắc rối trong mối tương quan với bạn bè, bảo vệ cho đời sống được ổn thoả trong từng chi tiết… Nhưng những hình thức sống ấy lại bộc lộ một khiếm khuyết nào đó, bộc lộ một sự méo mó lệch lạc trong nhân cách. Đó chính là sự méo mó của một đời người thiếu ý nghĩa chân chính đích thực. Đó là một sự sống chỉ mới tìm thấy khả năng thích nghi để tồn tại, chứ không phải là một sự sống triển nở phong phú và trổ sinh hoa trái của một nhân cách sung mãn.

Con người là một thực tại hết sức phức tạp, không chỉ phức tạp trong cơ thể, nhưng trên hết là một sự phức tạp do tinh thần; đến độ khi ta trao cho con người bất cứ điều gì, tốt hay xấu, thì đều có thể đưa đến những kết quả “bất ngờ”; nghĩa là có thể đưa đến những kết quả tốt mà cũng hoàn toàn có thể đưa đến kết quả xấu. Đồng tiền, ngôi nhà, tình bạn, tài năng… đều có thể hoặc tốt hoặc xấu; tốt cho người này mà lại xấu cho người khác, tốt trong hoàn cảnh này, nhưng lại xấu trong hoàn cảnh khác… Do đó, ta có thể nói thách đố chính yếu của cuộc sống con người chính là thách đố của sự hàm hồ. Hoặc nói cách khác, trách nhiệm lớn nhất của con người là tìm được một ý nghĩa chân chính, ý nghĩa duy nhất cho trọn cuộc đời mình.oặc nối Con người cần một sự sống toàn diện, nghĩa là cần một nguyên lý sống chân thật có khả năng thống nhất và làm phong phú trọn vẹn cuộc sống của mình.

Nguyên lý sống ấy có thể tìm thấy ở đâu ?

3. Tình yêu, nguyên lý của sự sống đích thực

Nhưng chúng ta có thể đặt vấn đề kỹ lưỡng hơn một chút : con người cũng có thể có nhiều loại ý nghĩa trong cuộc đời : ý nghĩa một việc làm, ý nghĩa một ơn gọi, ý nghĩa một sáng tác nghệ thuật…; thế thì đâu là ý nghĩa thật sự mạnh hơn cả trong con người ? Chúng ta có thể trả lời rằng chính tình yêu là loại ý nghĩa sâu xa và mạnh mẽ hơn tất cả. Tình yêu là một nguồn mạch sức sống phong phú vô tận; tình yêu là nguồn mạch của nghệ thuật, của giá trị nhân văn, nguồn mạch của biết bao hoạt động kinh tế… trong cuộc sống. Tình yêu là ý nghĩa có thể thống nhất tất cả mọi ý nghĩa khác của đời sống con người. Thi sĩ Virgile[1], trong tập Bucolica nói rằng : “Omnia vincit amor” (tình yêu vượt thắng tất cả); và ông còn thêm : “Et nos cedamus amori” (và cả chúng ta hãy khuất phục trước tình yêu).

Trong sách Diễm Ca, chúng ta đọc được một lời ca tụng sức mạnh của tình yêu:

“Phải, tình yêu mãnh liệt như tử thần, cơn đam mê dữ dội như âm phủ. Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy, một ngọn lửa thần thiêng. Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp. Ai đem hết gia tài sự nghiệp mà đổi lấy tình yêu, ắt sẽ bị người đời khinh dể.” (Dc 8,6-7)

Như thế, chúng ta hiểu được ý nghĩa của khẳng định nhân học căn bản trong Kinh Thánh : Con người được sáng tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa; chúng ta hiểu được tại sao Thiên Chúa muốn cứu độ chúng ta không bằng sức mạnh nào khác hơn sức mạnh của một tình yêu lớn nhất : “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. (Ga 15,13); và hiểu được đời sống đức tin cũng có thể được gồm tóm lại trong ý nghĩa của tình yêu : “Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại ; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy“.(Rm 13,10).



[1] Trích lại trong Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu của đức Benedicto XVI, số 4.

 

Để lại một bình luận