Bé Cái Lầm !
Một tân linh mục về quê dâng lễ tạ ơn, giáo họ này đã lâu không người chăm sóc, nên nhiều thứ xuống cấp. Một số vị đi theo và giới thiệu hết nhu cầu nâng cấp cầu đường, tượng đài, nhà xứ, đến tu sửa cung thánh, ghế quỳ, bàn thờ, như để cha mới có thể rộng đường chọn lựa. Nhưng rồi chẳng thấy cha nói gì. Trước khi ra về, họ nhắc lại: “thế cha không cho chúng con gì à”. Cha cười, trả lời : “Tôi cho lễ rồi mà”. Họ nói: “tưởng cha cho gì, chứ cho lễ thì chúng con không cần”.
Đến thăm một giáo xứ, đứng trước nhà nghỉ, có nhiều người đi qua đi lại, rồi cúi đầu chào. Thầm nghĩ, giáo dân ở đây lịch sự quá, mình là người lạ mà cũng chào. Cha xứ cười nói: không phải đâu, trên nóc nhà xứ có tượng Chúa Kitô Vua đó.
Người đàn ông đi hành hương và nghỉ trên một ghế đá. Ông hết sức ngạc nhiên và rồi lại tỏ ra hãnh diện sung sướng khi thấy nhiều người đi qua trước mặt ông đã ngã mũ cúi chào. Người già cũng như người trẻ. Ông nghĩ chắc là họ chào mình đây. Khi ngẩng đầu lên mới biết trên đầu có thánh giá và tượng chịu nạn.
Nhầm …
Người xưa cũng như nay, đạo cũng như đời, giáo dân cũng như nhà tu, nhiều người thường nhầm lẫn giữa cái bên ngoài và bên trong, giữa chính và phụ, giữa là và làm, giữa phương tiện và mục đích.
Và một khi đánh mất cái căn bản làm người là lòng nhân, bao dung, công bằng và yêu mến, thì sẽ bám vào cái bề ngoài là cơ sở vật chất, các thứ bằng cấp. Chúng trở thành chiếc phao che đậy cái trống rỗng bên trong; thành chiếc gậy bảo vệ, dẫn lối, đưa đường duy nhất giúp thực hiện tham vọng của họ.
Như những người biệt phái đã coi tua áo dài, thẻ kinh nới rộng, luật lệ tỉ mỉ để chứng tỏ mình yêu mến thờ phượng Đức Chúa thật.
Như những linh mục đã coi cơ sở hạ tầng, công trình vật chất, làm chỗ dựa và biểu dương sự thành công của mình trên đường ơn gọi, đã hoàn thành sứ vụ Chúa và Giáo hội trao.
Như những người chồng đã coi tiền bạc, nhà cửa kiếm được cho vợ con thì là xong bổn phận.
Như những người vợ coi việc làm cơm nước, quần áo, tiền bạc, nghề nghiệp, con cái thì đã tròn nhiệm vụ với gia đình.
Như những người giáo dân coi việc xưng tội, đi lễ Chúa nhật là hết trách nhiệm.
Nhầm …
Hãy cẩn thận, kẻo những thứ mình làm tưởng là cho Chúa, để thờ phượng Ngài, thì Ngài phải tốn rất nhiều thời gian mà sửa lại mọi việc ta đã làm. Thiên Chúa dường như luôn phải vất vả, khó nhọc sửa lại công trình của Ngài vì con người đã làm nhiều, nhưng không đúng. Như Ađam, Evà, Cain, tháp Baben, Saolê, Phêrô, Saolô, Giuđa, một số người của Chúa…
Quả thật, có nhiều người nhầm lẫn giữa cái Làm và cái Là.
Một thanh niên có thể làm tất cả mọi việc của người chồng, nhưng không thể là chồng.
Một cô gái có thể làm tất cả mọi việc của người vợ, nhưng không thể là vợ.
Một giáo dân có thể làm tất cả mọi việc của linh mục, nhưng không thể là linh mục.
Một người khác có thể làm tốt công việc của người tu sĩ, nhưng không thể là tu sĩ.
Một người ngoại có thể làm cả mọi việc của một tín hữu, nhưng không thể là tín hữu.
Cái nhầm lẫn ấy làm cho nhiều người phải mệt mỏi, khốn đốn, phải trả giá đắt. Có người tỉnh giấc cũng đã muộn. Cái muộn màng của bản thân không đáng lo cho bằng nhiều người khác cũng bị liên luỵ, bị hứng chị u những đau khổ do người đi tìm cái bề ngoài giả tạo mau qua gây ra.
Nếu mỗi người biết sống bằng con người thật theo ý định của Thiên Chúa, thì chắc chắn hạnh phúc, hài lòng với những hiện có của mình và luôn sống hài hoà với mọi nguời xung quanh.
Nếu mỗi người biết giữ chữ yêu, chữ nhân, chữ trung thì hình thức bề ngoài không còn là mục tiêu duy nhất để kiếm tìm.
Nếu mỗi người biết đâu là cái cốt lõi của kiếp người: Từ đâu đến, sống ở đời để làm gì, rồi sẽ đi về đâu, thì chẳng ai dại tìm kiếm những thứ mau hư nát.
Nếu ai cũng là anh em tốt con cùng một Cha, sống chung một nhà. Và mỗi người đều hiếu thảo với Chúa là Cha nhân từ thì làm gì còn thói ghen tuông, tranh đấu hay phô trương công đức nữa.
Hãy nhớ: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16).