Cn 16 : Ta chính là Mục Tử nhân lành

 

Ta chính là Mục Tử nhân lành

Cn 16 : Ta chính là Mục Tử nhân lànhSau những tháng ngày “dong duỗi đường gió bụi” loan báo Tin Mừng, với bao “gánh sầu thương mệt mỏi hai vai”. Hôm nay – Đức Giêsu – nhìn nhóm mười hai bằng ánh mắt cảm thông sâu sắc. Ngài bảo với các ông rằng : “Anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng…” (Mc 6 : 31).

Quả thật sau cuộc hải trình đầy sóng gió khiến cho các ông ai nấy đều “lắc-lư-con-tàu-đi”, rồi đến lần được sai đi hai người một; đi khắp thôn làng “kêu gọi người ta ăn năn sám hối” (Mc 6 :12) – những sứ vụ này đã làm tiêu hao sức lực các ông. Vâng, các ông rất cần có thời gian để mà “nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6 : 31).

Thật vậy, loan báo Tin Mừng không phải là công việc ngày một ngày hai; nó là một cuộc “trường chinh” – chinh phục lòng người.  Cuộc trường chinh này đã được bắt đầu từ Ga-li-lê. Nơi đây – Đức Giêsu – trong bữa tiệc cưới – Ngài đã làm một dấu lạ nước-hóa-thành-rượu; chỉ vì tiệc chưa tàn mà “Họ lại hết rượu” rồi… Dấu lạ hóa nước thành rượu phải chăng là để “cánh-trai-làng” thi thố tửu lượng ?

Thưa không ! Dấu lạ này được thực hiện không ngoài mục đích là để “bày tỏ vinh quang của Người” và còn để “các môn đệ… tin vào Người” (Gn 2 : 11).

Sau bữa tiệc ở Cana  – Ga-li-lê không phải là điểm dừng. Đức Giêsu tiếp tục cuộc hành trình ” băng qua Sa-ma-ri…. Người đến một thành xứ Sa-ma-ri tên là Xy-kha”. Ở đây, Đức Giêsu đã ban bố một lệnh ân xá toàn cầu; hủy bỏ một án lệnh mà xưa kia nguyên tổ Adam và Eva đã bị tuyên phạt sau khi phạm tội bất tuân : “ngươi là bụi đất và sẽ trở về với bụi đất”(St 3 : 19).

Nơi đây, ngay tại bờ giếng Giacóp – Con Một của Đức Chúa Trời long trọng tuyên bố rằng : “Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa.Và nước tôicho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI” (Gn 4 : 14).

Lời tuyên bố này đã được đóng ấn trên núi sọ – đồi Gon-gô-tha. “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Gn 19 : 34). “Máu-cùng-nước-chảy-ra”  chính là mạch nước “đem lại sự sống đời đời” cho những ai “tin-vào-Người” (Gn 3 :15).

Nhưng chính ở Bêtania – ngôi “làng của hai chị em cô Mac-ta và Maria” – Đức Giêsu đã thực hiện một phép lạ vô tiền khoáng hậu, rúng động cả kinh thành Giêrusalem. “Lazarô chết… đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi”. Chuyện kể tiếp rằng : Đức Giêsu – ngoài việc “thương anh Lazarô” (Gn 11 : 36) – Ngài muốn dùng sự kiện này để khẳng định và để cho mọi người “Tin là (Chúa) Cha đã sai con” – người con đó chính là Ngài. Sau lời cầu nguyện với Chúa Cha – Người kêu lớn tiếng : “Lazarô, hãy ra khỏi mồ…Người chết liền đi ra… rồi anh ấy đi lại” (Gn 11 : 43-44) như khi anh ta còn sống.

Có thể nói rằng – mỗi bước chân đi, mỗi nơi Đức Giêsu và nhóm mười hai đến. Ngài đều để lại những dấu ấn đầy ấn tượng. Ấn tượng với những phép lạ khiến cho : “Ai nấy đều kinh ngạc… sững sờ”.(Mc 5 : 20). Họ đồn ra và nói : “Ông ấy  làm việc gì cũng tốt đẹp cả. Ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được” (Mc 7 : 37).

Trở lại nơi “Thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi thanh vắng” (Mc 6 : 32). Tưởng rằng Thầy và trò “thuyền về nơi bến vắng…ngắm trăng đêm vui vầy”. Ôi ! không thể tin được. Đứng trên mạn thuyền – Phêrô – nhìn thấy một rừng người – giống như một cuộc đua “marathon” – “họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi”… Đúng là không thể tin được; họ chạy đến “trước cả các ngài” (Mc 6 : 33).

một phút suy tư.

Biển Hồ nhấp nhô gợn sóng. Mạn thuyền khe khẽ đong đưa… Đức Giêsu “Ra khỏi thuyền… Người thấy một đám người rất đông “(Mc 6 : 34). Thánh sử Maccô thuật lại rất tỉ mỉ khuôn mặt Con Một Thiên Chúa – Đấng là tình yêu – đã phải “chạnh lòng thương xót”. Vâng, Ngài thật sự xúc động “vì họ như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6 : 34).

Một lần kia chính Đức Giêsu khi đứng trước người Do Thái – Ngài đã khẳng định rằng : Tôi chính là mục tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi… và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”. (Gn 10 : 14). Phải nói thêm một lần nữa rằng; lời tuyên bố trên của Đức Giêsu đã được bảo chứng bằng bằng chính cái chết nghiệt ngã của Ngài trên thập giá nơi đỉnh đồi Can-vê.

“Chúng sẽ nghe tiếng tôi” (Gn 10 : 16). Vâng, Giêsu – người mục tử nhân lành : “bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”.( Mc 6 : …34).

một chút tâm tình.

Hôm nay, trên con thuyền Giáo Hội – Đức Giêsu vẫn tiếp tục “dạy dỗ (chúng ta) nhiều điều” qua những Giáo Huấn của Giáo-Hội; qua những thư chung của Giám -Mục, qua các bài giảng trong Thánh Lễ của Linh-Mục. Và hơn cả thế nữa – qua Thánh Kinh – Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta một kho tàng là “Lời Hằng Sống”; lời mà chính Tông Đồ Phê-rô khẳng định đó là “lời-đem-lại-sự-sống-đời-đời” (Gn 6 : 68).

Hôm nay chúng ta cũng sẽ như “nhiều người” xưa “hiểu ý” Đức Giêsu mà nhanh chân chạy đến với Ngài ? Hay chúng ta bị mê hoặc bởi những “người làm thuê” chỉ muốn chúng ta trở thành những bầy chiên hoang dã; chỉ muốn chúng ta đồng hành với sói rừng; chỉ muốn đưa chúng ta đến những cánh đồng cỏ dại; những cây cỏ dại sặc mùi duy vật vô thần; sặc mùi dối trá, lươn lẹo, lừa lọc, lếu láo… Họ chỉ muốn dẫn chúng ta đến những cánh đồng với một loại cỏ… “cỏ lùng”, một thứ cỏ được tưới bởi những loại “phân” dâm bôn, ô uế, phóng đãng, những loại “phân” bất trung và bội phản, những loại “phân” tranh chấp và hận thù !!!

“Tôi là cửa cho chiên ra vào” – Đức Giêsu nói tiếp : “Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (Gn 10 : 7-9). Lời mời gọi của Ngài vẫn vang vọng đến mỗi chúng ta : “Hãy đến cùng TA. Hỡi những ai lao nhọc và vất vả” (Mt). Đứng trước đám đông cử tọa là những người Do-Thái – Ngài dõng dạc tuyên bố rằng : “Tôi chính là Mục tử nhân lành”.Còn những kẻ khác chỉ là : “quân trộm cướp” mà thôi !!!

Hôm nay – Đức Giêsu – qua Hội Thánh – Ngài vẫn kêu gọi chúng ta hãy mau mau vào “ràn-tiệc-thánh” bằng những lời mời gọi thân yêu : “Đây Chiên Thiên Chúa – Đấng gánh tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.

Chúng ta “nghe tiếng” mời gọi của Đức Giêsu và chúng ta sẽ : “cùng nhau theo đường bộ chạy đến” để đáp lại lời mời gọi của Ngài ? Nếu chúng ta nghe và đáp lời mời gọi thì còn chần chờ gì nữa mà không cùng với “viên-đại-đội-trưởng” thưa với Ngài rằng : “Lạy Chúa ! con chẳng đáng…”. Vâng, con-chẳng-đáng bước vào “ràn-tiệc-thánh” nhưng con xin Chúa “chạnh-lòng-thương” mở cửa “ràn” để chúng con được diễm phúc qui tụ chung “một đoàn chiên và một mục tử” là chính Ngài. Amen.

 

Để lại một bình luận