Sa-un, Sa-un… tại sao anh bắt bớ Ta ?

29.06.2009

 

Sa-un, Sa-un… tại sao anh bắt bớ Ta ?

petrus.tran

Sa-un, Sa-un… tại sao anh bắt bớ Ta ?Trước lễ vượt qua, trong bữa ăn tối – sau những lời huấn từ tràn ngập tình yêu thương – Đức Giêsu đã cảnh báo với các môn đệ về những gì sẽ xảy ra cho các ông. Ngài nói rằng : “Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em… Nếu họ đã bắt bớ Thầy ; họ cũng sẽ bắt bớ anh em”. (Ga 15 : 20).

Lời tiên báo này quả thật đã xảy ra chỉ ít lâu sau ngày Lễ Ngũ Tuần. Ngày mà các ông : “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2 : 4).

Nhìn thấy những thành tựu trong công cuộc rao truyền Tin Mừng Cứu Độ cho muôn dân với cả ngàn người theo Đạo ; và chứng kiến những phép lạ tỏ tường do tông đồ Phê-rô thực hiện như trường hợp chữa lành “một người què từ khi lọt lòng mẹ…bên cửa Đền thờ gọi là cửa Đẹp” (Cv 3 :2) ; các “quan” trong thượng hội đồng “lộn tiết”. Thế là một cuộc truy bắt được thực hiện ngay tại đền thờ do các “Tư tế, viên lãnh binh đền thờ và các người thuộc phái Sađốc kéo đến. Họ bực tức vì các ông giảng về Đức Giêsu. Họ bắt Phêrô và Gioan tống ngục” (Cv 4 : 2-3).

Có thể nói rằng : bắt bớ, tù đày và cả chết chóc như là người bạn đồng hành của các môn đệ Chúa. Thật vậy, tông đồ Luca thuật lại rằng : “Hội Thánh tại Giêrusalem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội” (Cv 8 : 1).

Dù rằng đã có nhiều người tin Chúa nhưng vì sợ hãi nên đã : “tản mác về các vùng quê miền Giu-đê và Samari” để lánh nạn.. Thế nhưng, Sao-lô – ngoài việc đã “tán thành việc giết ông Têphanô” ông ta “vẫn hằm hằm đe dọa giết các môn đệ Chúa” (Cv 9 : 1). Chính vì thế nên ông ta “tới gặp các thượng tế xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Đamascô, để nếu thấy những người theo Đạo… thì bắt trói giải về Giêrusalem” (Cv 9 : 2).

Thế là một chiến dịch với tên gọi “tìm-và-diệt” được phát động, kẻ chỉ huy là chính Sao-lô.

Cầm “lệnh-truy-nã” trong tay – Saolô cùng với “những người cùng đi với ông” thẳng tiến về Đamascô với khí thế hừng hực. Thế nhưng “đang khi ông đi đường và đến gần Đamascô, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông : Sa-un, Sa-un tại sao ngươi bắt bớ Ta”

Một cuộc đối thoại ngoài dự kiến xảy ra : “Ngài là ai ?” ông ta hỏi – “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ. Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì.” (Cv 9 : 5-7).

Ôi ! tệ thật… “Sao-lô từ dưới đất đứng dậy, mắt thì mở nhưng không thấy gì”.

Một phút suy tư

Câu chuyện trên đường Damasco gợi lên trong chúng ta biết bao điều suy tư. Phải chăng ở đó đã xảy ra một mầu nhiệm ? Vâng, mầu nhiệm gặp gỡ; sự gặp gỡ tình cờ…Và thường những sự gặp gỡ tình cờ này luôn dẫn đến một HỒNG ÂN…

Trở lại con đường Đamascô – Sao-lê không đi tìm Đức Giêsu; ông ta “truy tìm “ các môn đệ Chúa. Và chỉ đến khi nghe tiếng nói : “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ” – không chỉ ông, mà cả “những người cùng đi với ông… sững sờ !!!”.

Ông đã bị Đức Giêsu chận lại, nắm bắt và chinh phục. Đó là một Hồng ân. Hồng Ân hoán cải. Hồng Ân này đã thay đổi tận gốc rễ con người ông. Một suy tư mới về Đức Giêsu đã được ông hùng hồn thuyết giảng trước cử tọa tại giáo đoàn Roma : “Những kẻ không tìm Ta ; lại được gặp Ta. Những kẻ không hỏi Ta, Ta xuất hiện cho chúng thấy.” (Rm 10 : 20).

Suốt hơn 2000 năm lịch sử – Đức Giêsu vẫn như đang rình rập chờ đợi chúng ta trên khắp nẻo đường đời. Đôi khi Ngài gõ cửa và đòi ngồi cùng bàn ăn với chúng ta : “Này đây, TA đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng TA và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với TA.” (Kh 3 : 20).

Suốt hơn 20 thế kỷ – Đức Giêsu – Ngài vẫn đứng đó – đứng ngay trong “ngôi-nhà-tạm” và luôn mở lời mời gọi chúng ta : “Hãy đến cùng TA. Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng” (Mt).

Hôm nay, chúng ta sẽ mặc lấy con người “SAO-LÔ” … tìm-và-diệt Ngài ?

Hay chúng ta sẽ mặc lấy con người “PHAO-LÔ” và nói :
“Tôi đã được Đức Kitô Giêsu chiếm đoạt” (Pl 3 : 12) !!!

Vâng, chỉ khi nào chúng ta để cho cái vảy-đam-mê-nhục-dục, cái vảy-kiêu-căng, cái vảy-bất-trung-và -bội-phản, cái vảy-hận-thù-và bất-hòa, cái-vảy-say-xưa-chè-chén “bong khỏi đôi mắt” của mình và đeo vào đó cặp kính đức tin – cặp kính của tình yêu và bác ái – chỉ khi đó chúng ta mới có thể : “nếm và biết Thiên Chúa ngọt dịu dường bao”. (Thánh Vịnh).

Petrus.tran

Để lại một bình luận