Hành Trình Sự Sống, Những Bất Trắc
Hoàng Hà
Một trong những vấn đề đang đe doạ đời sống hôn nhân trong thế giới hôm nay là việc xâm phạm đến sự sống. Nếu như sự sống là quà tặng từ Thiên Chúa thì thái độ cuả con người phải là trân trọng và đón nhận. Thế nhưng, ngày nay giá trị của sự sống ngày càng bị xem nhẹ. Hành trình đến với đến với sự sống của các thai nhi ngày càng có nhiều bất trắc. Hành trình ấy rất nhiều khi bị ngăn chặn bởi những ‘phát minh’ của con người hôm nay: thuốc ngừa thai, dụng cụ tránh thai, phá thai,… Người ta có thể chỉ ra nhiều nguyên nhân đưa đến hiện trạng khủng hoảng hiện nay. Trong số các nguyên nhân ấy, chúng ta có thể kể ra một số nguyên nhân chính như: lối sống ích kỷ, lối sống buông thả về luân lý, và từ đó dẫn đến ‘nền văn hoá sự chết’. Đi vào cụ thể từng điểm sẽ giúp nhìn rõ vấn đề hơn…
Lối sống ích kỷ
Con người hôm nay đặt nặng đời sống hưởng thụ, coi trọng kinh tế vật chất đặt hơn các giá trị luân lý. Dường như thế giới càng văn minh thì khoảng cách giữa người với người càng xa xôi diệu vợi. Nhân loại càng tiến triển thì sự sống con người càng bị coi thường. Đó là hậu quả của lối sống vị kỷ, lấy mình làm trung tâm mà quên đi trách nhiệm, quên đi sự liên đới với tha nhân. Trong sự liên đới ấy, mối dây huyết nhục vốn là mối liên hệ thân thương và linh thiêng nhất thì nay đang bị đe doạ trầm trọng. Với nhiều người hôm nay, con cái lắm khi không còn là phúc nhưng là gánh nặng. Sự chào đời của trẻ thơ nhiều khi mang lại nỗi buồn nhiều hơn niềm vui.
Người ta không còn xem thai nhi là một kết quả của tình yêu, là sự sống, là một sinh mạng với nhân vị trọn vẹn. Rất nhiều khi những mầm sống ấy bị xem như một món nợ, một gánh nặng nên phải tìm cách vứt bỏ. Người ta đưa ra nhiều lý do ‘rất ư là chính đáng’ để biện minh cho việc loại bỏ mầm sống, loại bỏ chính ‘khúc ruột’ của mình: vì có thai ngoài ý muốn, vì điều kiện kinh tế, vì quyền tự do của người mẹ, v.v… nhưng xét cho cùng, tất cả chỉ nhằm che đậy sự ích kỷ của con người hôm nay. Chính lối sống vị kỷ đã khiến con người không dám mở lòng đón nhận sự sống mà chính mình góp phần tạo nên. Lối sống ấy đã đưa đến một xã hội “thiếu vắng giá trị sự sống”, một xã hội chỉ biết “hưởng thụ khoái lạc và sự vô trách nhiệm trong vấn đề tính dục”[i].
Lối sống buông thả về luân lý
Chính bầu khí tục hoá ấy đã khiến cho con người mất đi ý thức về sự thánh thiêng của mọi sự, kể cả sự sống: phá thai trở thành chuyện bình thường, được luật pháp của nhiều quốc gia thừa nhận, thậm chí không ít nơi còn khuyến khích, ép buộc.
Ngay tại Việt Nam, người ta cũng không xa lạ gì với những lối sống, lối yêu theo kiểu ‘tình một đêm’, ‘model tàu nhanh’, ‘ăn bánh trả tiền’[ii]… Hậu quả của lối sống ấy là rất nhiều các bạn trẻ tìm đến các trung tâm, các bệnh viện để ‘giải quyết hậu quả’. Đứa trẻ đó không phải là kết quả của một sự hiến dâng và đón nhận trọn vẹn cuả hai người nam nữ. Đó cũng không phải là kết quả của tình yêu nhưng là kết quả của một ‘tai nạn’ ngoài ý muốn. Và một điều khiến không ít người chúng ta ngạc nhiên: Việt Nam là một trong ba nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới[iii]. Những thực tại này đang gióng lên những hồi chuông báo động về lương tâm xã hội cho con người Việt Nam hôm nay nói riêng và nhân loại nói chung.
Tình yêu chân chính không thể tách biệt khỏi trách nhiệm. Một tình yêu chỉ hưởng thụ mà không có trách nhiệm thì đó không phải là tình yêu thực sự mà chỉ là một thái độ sống buông thả về luân lý, thoả mãn dục vọng của mình.
“Nền văn hoá sự chết”
Ngày nay, chúng ta nhận thấy sự sống bị đe doạ bằng nhiều cách. Trong tất cả các cách ấy, thì luật pháp đang trở thành mối đe doạ lớn nhất đối với các thai nhi. Nơi nhiều quốc gia, người ta đang vận động bãi bỏ án tử hình. Nhưng cũng thật nghịch lý thay: án tử hình dành cho các trẻ chưa chào đời lại được hợp pháp hoá!. Ai cũng nhận thấy đó là một loại hình giết người mà “kẻ tử tội không có quyền lên tiếng”. Nhiều xã hội đang cố tình tạo nên một tâm thức rằng đó là chuyện bình thường: ưng thì giữ, không ưng thì phá, thì vứt bỏ… Một thái độ thản nhiên, lạnh lùng đáng sợ! Như thế, sự sống đã bị giản lược thành những chọn lựa. Và đáng sợ hơn khi sự chọn lựa ấy lại có có sự tiếp tay, đồng thuận, khuyến khích, hoặc thậm chí ép buộc bởi luật pháp :“Ngày nay, trong lương tâm nhiều người, nhận thức về tính nghiêm trọng của việc phá thai đã lu mờ dần. Sự chấp nhận phá thai nơi tâm thức con người nơi các phong tục và chính trong pháp luật là một dấu chỉ hùng hồn về một cơn khủng hoảng rất nguy hiểm trong ý thức luân lý, ý thức đó ngày càng trở nên không có khả năng phân biệt giữa sự thiện và sự ác, ngay cả khi có liên quan đến quyền cơ bản về sự sống”[iv].
Hơn bao giờ hết, con người ngày nay đang trở nên vô tâm. Nghiêm trọng hơn, đó không phải là tâm thức của một cá nhân, một nhóm người nhưng là của cả xã hội. Điều đó cho thấy lương tâm con người đang trở nên chai cứng, không còn khả năng lắng nghe được chân lý hoặc có nghe nhưng tìm cách biện minh bằng một lý do nào đó. Điều này đã được Giáo hội lên tiếng từ lâu: Đức Gioan Phaolô II đã không ngần ngại gọi đó là một xã hội “thiếu vắng giá trị sự sống”, một ‘nền văn hoá sự chết’[v]. Sự lan rộng ngày càng mạnh mẽ của ‘nền văn hoá sự chết’ này là điều báo động nhất cho lương tâm nhân loại ngày nay.
Nơi nào cho Đấng Cứu Thế?
Hành trình đến với sự sống của một con người thật chông gai biết mấy! Nhân loại đang dần đánh mất đi tính thánh thiêng của sự sống. Từ chối đón nhận sự sống cũng chính là từ chối đón nhận Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là chủ tể của sự sống. Sự ra đời của Chúa Cứu Thế cách nay hơn hai ngàn năm đã đem đến một sự đổi thay trong tiến trình lịch sử nhân loại. Thế nhưng, không ít người trong chúng ta tự hỏi, nếu Con Thiên Chúa chọn thời điểm hiện tại để hạ sinh, để nhập thể, đến với con người thì liệu Người có bao nhiêu cơ hội để chào đời?
[i] Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Tin Mừng Sự sống, số 13.
[ii] Báo Tuổi Trẻ (tháng 11/2007) đã mở một diễn đàn về Tình dục thoáng trong giới trẻ Việt Nam. Hầu hết ý kiến đều cho rằng giới trẻ hôm nay rất khó giữ mình, và việc có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân của giới trẻ là điều phổ biến hiện nay.
[iii] Xc loạt bài báo Tuổi Trẻ (tháng 12/2007).
[iv] Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Tin Mừng Sự Sống, số 58.
[v] Gioan Phaolô II, Evangelium Vitae, 12.