Tình Yêu Hiệp Nhất

Tình Yêu Hiệp Nhất

 

Tình Yêu Hiệp NhấtTrong  cuộc đời của nghị viên Rémaud có một giai thoại lý thú sau đây: Lần đầu  tiên từ Pyrénées đến Paris với tư cách là nghị viên, ông Rémaud thuê phòng  trong một khách sạn và trả tiền trước một tháng: 150 quan Pháp.

Chủ khách  sạn hỏi: –  Ông có cần biên nhận không?

–  Không, không cần thiết. Thiên Chúa nhìn thấy hết chúng ta.

–  Ngài tin vào Thiên Chúa ư?

–  Lẽ dĩ nhiên! Ông cũng thế chứ?

–  Tôi thì không, thưa Ngài.

–  A! Vậy xin ông cho tôi ngay một tờ biên nhận!

***

Người  ta thường nói: “Tin đạo chứ đừng tin người có đạo”. Qủa thật, khi gặp  người có đạo chúng ta thấy tin tưởng hơn, yên tâm hơn. Nhưng thực tế,  không hẳn là như vậy! Ở đây, chúng ta muốn nói đến niềm tin vào Thiên  Chúa, tin các mầu nhiệm trong đạo. Đã tin là có liều lĩnh, mạo hiểm. Mầu  nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm cao siêu, trí khôn con người khó  mà hiểu thấu.

Chúng  ta thường dùng một vài hình ảnh loại suy để hiểu một phần nào mầu nhiệm  Một Chúa Ba Ngôi. Đó là hình ảnh của nước. Nước có thể hiện hữu dưới ba  dạng: thể hơi, thể rắn và thể lỏng. Hoặc ba nốt nhạc tạo nên một hợp âm  duy nhất. Tuy nhiên tất cả những so sánh ấy không tránh khỏ i thiếu sót,  vụng về khi nói về Thiên Chúa. Chỉ có Đấng ở trong cung lòng Thiên Chúa,  Đức Giêsu Kitô đã vén mở cho chúng ta biết có một Thiên Chúa duy nhất  trong ba Ngôi Vị: là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi khác  nhau nhưng cùng một Thiên Chúa.

Câu  Kinh Thánh nổi tiếng về Ba Ngôi chính là:“Các con hãy đi giảng dạy muôn  dân, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” (Mt 28,19). Và hình ảnh đặc trưng nhất về Ba Ngôi được mạc khải khi Đức Giêsu chịu phép rửa: Một hình chim bồ câu bay lượn trên mình Người, và một  tiếng từ trời phán: “Con là Con Ta yêu dấu” (Mc 1,11). Đó là hình  ảnh sống động về chân dung của Chúa Ba Ngôi. Theo Thánh Tôma Aquinô thì trong cuộc “hiển dung” tất cả Ba Ngôi đã xuất hiện: “Chúa Cha trong tiếng nói, Chúa Con trong con người, Chúa Thánh Thần trong áng mây sáng  chói”.

Thánh  Luca nhìn lịch sử cứu độ như một viễn cảnh mang chiều kích Ba Ngôi: Thời  Cựu Uớc là kỷ nguyên của Chúa Cha, thời loan báo Tin Mừng là kỷ  nguyên của  Chúa Con, và thời hậu Tin Mừng mà Công Vụ Tông Đồ ghi lại là kỷ nguyên của  Chúa Thánh Thần: Kinh Tin Kính duy trì mẫu tuyên xưng này: Chúa Cha sáng  tạo, Chúa Con cứu chuộc, và Chúa Thánh Thần ban nguồn sống.

Tin  vào mầu nhiệm Ba Ngôi là chúng ta dựa vào thế giá của Đức Giêsu, Người là  Sự thật (x. Ga 8,32) nên Người chẳng lừa dối ai.

Tin  vào mầu nhiệm Ba Ngôi là chúng ta sống hiệp thông, chia sẻ và yêu thương.  Vì “Ai trong Tình Yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại  trong người ấy” (1Ga 4,16).

Tin  vào mầu nhiệm Ba Ngôi là chúng ta làm dấu thánh giá trên thân xác, là in  dấu Chúa Ba Ngôi trên cuộc đời mình, là họa lại hình ảnh Ba Ngôi trong tâm hồn tha nhân.

***

Lạy  Ba Ngôi chí thánh. Thiên Chúa là một cộng đồng Tình yêu Hiệp nhất.
Xin cho  Giáo hội tìm thấy bản tính của mình trong bản tính của Chúa Ba
Ngôi. Xin  cho chúng con hiệp nhất trong tình yêu, để minh chứng cho Tình
yêu Hiệp  nhất của Chúa. Amen !

Thiên  Phúc

Để lại một bình luận