Người lên trời; ngự bên hữu Đức Chúa Cha

Người lên trời; ngự bên hữu Đức Chúa Cha

Người lên trời; ngự bên hữu Đức Chúa Cha40 ngày trôi qua – Giêrusalem với bao sự bàng hoàng, kinh ngạc bởi sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô. Có thể nói rằng ; các môn đệ – với mức độ tiệm tiến – cũng đã dần dần tin tưởng vào sự kiện Phục Sinh của Thầy mình. Những nhân chứng còn sờ sờ ra đó : bà Maria Macdala, hai môn đệ trên đường về Emmau, và sự việc gây chấn động cả Giêrusalem khi Đức Giêsu “hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt” (I Cr 15 : 6). Rồi chính các ông – nhóm mười một – cũng đã nhìn thấy tỏ tường Đức Giêsu phục sinh hiện diện ngay trong căn phòng – nơi các ông thường hội họp – với tất cả chứng tích trên cơ thể của cuộc khổ nạn vừa qua. Lời tuyên tín của Tôma đã chấm dứt mọi ngờ vực về sự sống lại của Đức Giêsu.

Thế nhưng, niềm vui mừng về sự Phục sinh của Thầy mình chưa kịp trọn vẹn, thì hôm đó Đức Giêsu “ Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời.” (Lc 24 : 50-51).

Ôi ! thật ngỡ ngàng quá ! Vừa mới hoan hỉ vui mừng; vừa mới rạng rỡ hân hoan trước sự kiện Thầy đã chiến thắng cả sự chết, với bao hy vọng phải chăng : “bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc.” (Cv 1 : 6).

Thế mà ! Vâng, thế mà…

40 ngày vừa qua, những gì Thầy đã làm, những gì Thầy đã thực hiện, phải chăng là để chuẩn bị cho sự kiện hôm nay. Nhóm mười một các ông như hồi tưởng lại hôm trước lễ vượt qua; trong bữa ăn tối cuối cùng với Đức Giêsu – chính Thầy đã nói một bài từ biệt rất xúc động và tràn ngập tình yêu thương : “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi.” (Gioan 13 : 33).

“Một ít lâu nữa thôi !” chỉ có năm từ, thế mà nó như tiếng sét ngang tai các ông; phũ phàng quá ! Đức Giêsu không chỉ nói điều này một lần, gần cuối bữa tiệc – Ngài nhắc lại điều này một cách trang trọng : “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy.” (Gioan 16 : 16).

Nhìn mười một khuôn mặt u sầu buồn bã; Đức Giêsu an ủi các ông : “Anh em đừng xao xuyến ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.” Và rằng : “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em” (Gioan 16 : 7).

Nhìn bầu trời xanh bao la với từng đám mây cuồn cuộn; lòng các ông vẫn rối như tơ vò cho đến khi có tiếng nói : “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.” (Cv 1 : 11).

… một phút suy tư …

“Đức Giêsu còn phải được giữ lại trên trời, cho đến thời phục hồi vạn vật” (Cv 3 : 21). Phêrô xác tín niềm tin Chúa Giêsu đã lên trời qua lời rao giảng trên đây. Và Hội Thánh hôm nay vẫn luôn tuyên tín điều này trong mỗi thánh lễ Chúa Nhật hằng tuần : “Người lên trời , ngự bên hữu Đức Chúa Cha.” (kinh tin kính).

Thế nhưng sẽ thật là ấu trĩ khi nghĩ rằng sự thăng thiên của Đức Giêsu có nghĩa là “Ngài bay bổng lên không trung và các tầng mây quyện quanh thân Ngài.” – Suy nghĩ như thế là một cách suy nghĩ vô ý thức. Trong Kinh Thánh, từ ngữ “trên trời” có nghĩa là chỉ nơi Thiên Chúa hiện diện. “Lên trời” là đi vào sự hiệp thông tuyệt hảo và vĩnh cửu với Chúa Cha và được chia sẻ với Chúa Cha quyền năng và vinh quang. “Bên hữu Cha đây, con lên ngự trị” (Tv 110 : 2).

Trở lại nơi tiếng-vọng-từ-trời-cao “có hai người đàn ông mặc áo trắng nói” với các môn đệ khi xưa; phải chăng cũng là tiếng vọng nói với mỗi chúng ta hôm nay !

Tiếng vọng đó có đi vào dĩ vãng; hay vẫn còn giá trị như một lời cảnh tỉnh với mỗi chúng ta ?

“Hỡi những người… !”

“Hỡi các người ! sao các người… vẫn cứ mải mê ngồi xem những trang Web đen – đen như mõm chó ! Hỡi các người ! sao các người… vẫn cứ mải mê tìm hoan lạc hay hư mất ! Hỡi các người ! sao các người cứ lắc lư, say sưa với những màn mây mưa trụy lạc ! Hỡi các người ! sao các người cứ bịt tai không nghe :”tiếng khóc thầm của những thai nhi. Những thai nhi bị vứt bỏ ngoài đường. Những thai nhi bị giết nơi phòng lạnh” (thơ Khải Triều). Hỡi các người ! sao cứ tham lam… sao cứ bội phản…sao cứ bất trung !”

Chúng ta sẽ phớt lờ tiếng vọng này coi nó như là tiếng đồng la chập choãng; hay chúng ta sẽ đón nhận nó như lời cảnh tỉnh và mau mau “trở về Giêrusalem, đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu” ? (Cv 1 : 14).

Nếu hôm nay chúng ta đón nhận tiếng vọng này như là tiếng vọng của tình yêu thì thật là hạnh phúc thay !

Vâng, nếu chúng ta đón nhận thì đừng “đăm đăm nhìn lên trời” nữa – mà hãy nhìn về những người anh chị em cùng khổ; những anh chị em bịnh tật yếu đau; những người già neo đơn; những người mẹ đơn thân; những em nhỏ sơ sinh chưa một lần được nhìn thấy cha lẫn mẹ; những trẻ em bụi đời lang thang đường phố !!!

Và sẽ còn hạnh phúc hơn khi chúng ta cùng nhau quây quần bên “Giêrusalem- Tiệc Thánh” để cùng nhau tuyên xưng : “Ngài đã sống lại.Trong vinh quang mai Ngài lại đến. Đón chúng ta lên trời về với Chúa Cha.”.

Petrus.tran

Để lại một bình luận