Thông Điệp Phục Sinh Urbi et Orbi
Anh chị em ở Rôma và trên toàn thế giới thân mến,
Từ thẳm sâu tâm hồn, tôi cầu chúc tất cả anh chị em một Mùa Phục Sinh đầy ơn phúc với những lời sau mượn của Thánh Augustinô: “Resurrectio Domini, spes nostra – sự phục sinh của Chúa là niềm hy vọng của chúng ta” (Sermo 261:1). Với những lời khẳng định này vị đại Giám Mục đã giải thích với các tín hữu rằng Chúa Giêsu đã sống lại để chúng ta, dù mang thân phận phải chết, cũng không thất vọng âu lo rằng chết là hết tất cả mọi thứ. Chúa Kitô sống lại để đem đến cho chúng ta niềm hy vọng (x. thượng dẫn).
|
Ngự Lâm Quân trước thánh lễ Phục Sinh |
|
Đức Thánh Cha chào thăm anh chị em trước thánh lễ Phục Sinh |
|
Đức Thánh Cha đọc thông điệp Urbi et Orbi |
|
ĐTC nhớ đến các miền đất nơi các tín hữu vẫn bị bách hại |
Thật vậy, một trong những câu hỏi gây ra khắc khoải nhất cho những người nam nữ là: điều gì sẽ diễn ra sau khi chết? Trước mầu nhiệm này, đại lễ hôm nay cho phép chúng ta đáp trả rằng sự chết không có tiếng nói chung cuộc, bởi vì cuối cùng cùng Sự Sống mới là người chiến thắng. Niềm xác tín của chúng ta không dựa trên những lý luận đơn giản của nhân loại, nhưng là trên một sự kiện lịch sử của đức tin: Đức Giêsu Kitô, Đấng đã bị đóng đinh và mai táng, đã sống lại với thân xác vinh hiển. Đức Giêsu đã sống lại, để cho chúng ta là những kẻ tin vào Người, có thể có sự sống muôn đời. Lời loan báo này là trọng tâm của sứ điệp Tin Mừng. Thánh Phaolô đã khẳng định mạnh mẽ: “Nếu Đức Kitô không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi ra hư không, lòng tin của anh em cũng chỉ là hư không” (1Cr 15,14.19). Từ buổi hừng đông lễ Phục Sinh, một mùa Xuân mới của hy vọng đã ngập tràn trái đất; từ ngày ấy trở đi, cuộc phục sinh của chúng ta đã bắt đầu, bởi vì lễ Phục Sinh không chỉ đánh dấu một thời điểm của lịch sử mà là một khởi đầu cho một tình trạng mới. Đức Kitô đã sống lại không phải bởi vì hồi ức về Ngài vẫn còn sống động trong con tim các môn đệ, nhưng bởi vì chính Người đang sống trong chúng ta, và trong Người, chúng ta đã có thể hưởng được niềm vui của cuộc sống đời đời.
Thành ra, sự phục sinh không phải là một lý thuyết nhưng là một thực tại lịch sử được mặc khải bởi con người Giêsu Kitô thông qua sự “Vượt Qua” của Người, với “con đường” ấy Người đã mở ra một “thông lộ mới” giữa trời và đất (x Dt 10:20). Đó chẳng phải là một huyền thoại hay một ước mơ, cũng chẳng phải là một thị kiến hay một hoài bão, chẳng phải chuyện thần thoại, mà là một biến cố độc nhất vô nhị: Đức Giêsu Nazareth, con của bà Maria, Đấng đã được hạ xác xuống khỏi Thập Giá vào buổi hoàng hôn của ngày Thứ Sáu, và được an táng trong mồ, Đấng ấy đã vinh quang rời bỏ ngôi mộ. Thực vậy, vào buổi sáng của ngày thứ nhất trong tuần ngay sau ngày Sabát, ông Phêrô và ông Gioan đã phát giác ra ngôi mộ trống không. Bà Mađalêna và các phụ nữ khác đã gặp gỡ Chúa Kitô phục sinh. Trên đường Emmaus, hai môn đệ cũng nhận ra Người vào lúc bẻ bánh. Chúa Phục Sinh cũng đã hiện ra với các Tông Đồ vào buổi tối trong nhà Tiệc Ly, và tiếp đó với nhiều môn đệ khác nữa tại Galilêa.
Việc công bố biến cố Phục Sinh của Chúa chiếu soi những vùng tối tăm trên thế giới mà chúng ta đang sống. Cách riêng tôi muốn nói về thuyết duy vật và thuyết hư vô, đến tầm nhìn không vươn lên cao hơn nổi những gì điều mà khoa học có thể kiểm chứng, và chán nản thu mình vào cảm giác vô vị được cho là thân phận của kiếp người. Thực ra, nếu đức Kitô đã không sống lại, thì đúng là “sự trống rỗng” sẽ thống trị. Nếu chúng ta loại bỏ Đức Kitô và sự phục sinh của Người, thì con người vô phương xoay xở và niềm tin nơi Người chỉ là ảo vọng. Tuy nhiên, hôm nay vang lên mạnh mẽ lời loan báo về sự phục sinh của Chúa, và đó là câu trả lời cho vấn nạn cứ lặp đi lặp lại của những kẻ hoài nghi như đã được sách Giảng viên ghi lại: “Thử hỏi trên đời này có điều gì nói được là mới lạ không? (Gv 1,10). Chúng tôi xin đáp: Có đấy: vào buổi sáng Phục Sinh, mọi sự đều đổi mới: “Mors et vita duelle conflixere mirando: dux vitae mortuus regnat vivus” – Sự chết và sự sống đã giao đấu với nhau trong cuộc giao tranh kỳ diệu: Chúa sự sống đã chết, nhưng nay Người đã sống lại khải hoàn. Đó là chuyện mới lạ. Một sự mới lạ làm thay đổi cuộc sống của ai đón nhận nó, như đã xảy ra trong trường hợp các thánh. Chẳng hạn, như cho thánh Phaolô.
Trong khung cảnh của năm thánh Phaolô, chúng ta đã có nhiều dịp suy niệm về kinh nghiệm của vị đại Tông Đồ này. Ông Saulô thành Taurô, kẻ quyết tâm bắt bớ các Kitô hữu, trên đường Đamát đã gặp gỡ Đức Kitô và đã bị Người “chinh phục”. Những gì tiếp theo thì ai trong chúng ta cũng đã biết. Nơi thánh Phaolô đã xảy ra điều mà về sau ông viết cho các tín hữu thành Corintô: “Hễ ai sống trong Chúa Kitô thì người ấy trở nên một thọ tạo mới; những chuyện cũ đã qua, này đây sinh ra những chuyện mới” (2Cr 5:17). Chúng ta hãy hướng về nhà đại truyền giáo này, người với lòng hăng say táo bạo và lòng nhiệt thành tông đồ đã mang Tin Mừng đến cho các dân tộc trên thế giới vào thời ấy. Hãy để lời rao giảng và gương sáng của ngài thôi thúc chúng ta đi tìm Chúa Giêsu. Hãy để những điều ấy khích lệ chúng ta tín thác vào Người, bởi vì cái cảm giác hư vô có khuynh hướng nhiễm độc nhân loại, đã bị đè bẹp bởi ánh sáng và niềm hy vọng tràn ra từ sự phục sinh của Người. Những lời của Thánh Vịnh đã được thực thi: “đêm tối không còn là đêm tối đối với ngươi nữa; đêm tối đã sáng rực như ban ngày” (Tv 139, 12). Hư vô không còn thống trị được mọi sự nhưng là sự hiện diện từ ái của Thiên Chúa. Sự thống trị của cái chết cũng bị đẩy lùi, bởi vì Lời của sự sống được hơi thở Thần Khí thúc đẩy, đã thấu đến cõi âm ti (câu 8).
|
Đức Thánh Cha chúc mừng Phục Sinh |
Quả thực, sự chết không còn quyền hành trên nhân loại và thế giới nữa, nhưng vẫn còn nhiều, thậm chí rất nhiều dấu vết sự thống trị của nó trước đây. Dẫu cho qua biến cố Phục Sinh, Chúa Kitô đã hủy diệt gốc rễ của sự dữ, nhưng Người vẫn còn cần đến những trợ giúp của những con người nam nữ thuộc mọi thời đại và nơi chốn, những người giúp Ngài khẳng định chiến thắng của Người với những khí cụ của chính Người là công lý, chân lý, lòng thương xót, sự tha thứ và tình yêu. Đây là sứ điệp mà nhân chuyến tông du gần đây tại Camerun và Angola, tôi đã muốn mang đến cho toàn thể lục điạ Phi Châu, nơi tôi đã được chào đón với lòng nhiệt thành mãnh liệt và sự sẵn sàng lắng nghe. Châu Phi đã phải chịu đựng quá mức vì sự tàn bạo và những cuộc giao tranh bất tận, thường bị lãng quên, đã gây ra bao nhiêu là máu đổ và tàn phá xâu xé biết bao quốc gia, và làm tăng thêm con số nạn nhân của nạn đói, nghèo nàn và bệnh tật. Tôi sẽ lặp lại cách mạnh mẽ cùng một sứ điệp đó tại Thánh Địa, nơi tôi được hân hoan viếng thăm trong vài tuần nữa. Cuộc hoà giải, tuy khó nhưng không thể tránh được, bởi vì đó là tiền đề cho một tương lai của an ninh toàn cục và chung sống hoà bình, và nó chỉ có thể đạt được thông qua những nỗ lực được đổi mới, kiên trì và thành thực hầu dàn xếp cuộc tranh chấp giữa Israel và Palestine. Từ Thánh Địa, ý tưởng của tôi cũng vươn đến các nước lân cận, đến miền Trung Đông, và khắp thế giới. Thật là khẩn thiết hơn bao giờ để khám phá những cơ sở cho niềm hy vọng trong thời buổi khan hiếm lương thực toàn cầu, tài chính rối loạn, nghèo nàn lan tràn dưới hình thái cũ và mới, khí hậu đổi thay, tình trạng bạo động và sự tước đoạt bó buộc nhiều người phải rời bỏ quê hương để tìm một chỗ sống an toàn hơn, mối đe doạ hiển nhiên hơn bao giờ của chủ nghĩa khủng bố, và những nỗi lo sợ trước cảnh bấp bênh của ngày mai. Mong rằng đừng ai rút lui trong cuộc chiến an bình đã được phát động từ cuộc Phục Sinh của Đức Kitô. Như đã nói trước đây, Chúa Kitô đang tìm kiếm những con người giúp khẳng định chiến thắng của Người với những khí cụ của chính Người là công lý, chân lý, lòng thương xót, sự tha thứ và tình yêu.
“Resurrectio Domini, spes nostra– Cuộc phục sinh của Chúa là niềm hy vọng của chúng ta”. Hôm nay Giáo Hội hân hoan công bố điều đó. Giáo Hội loan báo niềm hy vọng giờ đây là chắc chắn và không thể đảo ngược vì Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu Kitô phục sinh từ cõi chết. Giáo Hội thông truyền niềm hy vọng đang ấp ủ trong tim và muốn chia sẻ với mọi người, ở khắp nơi, đặc biệt là tại những nơi mà các Kitô hữu đang chịu bách hại vì đức tin hoặc vì sự dấn thân của họ nhằm bảo vệ công lý và hoà bình. Giáo Hội gợi lên hy vọng có khả năng đem lại lòng can đảm làm điều thiện kể cả khi phải giá đắt. Hôm nay Giáo Hội ca tụng “ngày mà Thiên Chúa đã làm nên” và mời gọi hãy vui mừng. Hôm nay Giáo Hội nài xin Đức Maria, ngôi sao của Hy Vọng, để xin Mẹ dìu dắt nhân loại đến bến bờ an toàn của sự cứu rỗi là trái tim của Chúa Kitô, Hy lễ Vượt qua, Chiên Con đã “cứu chuộc thế gian”, Đấng Vô Tội “đã hoà giải chúng ta là những tội nhân với Chúa Cha”. Để chào mừng Người, là Vua vinh hiển, Đấng đã chịu đóng đinh và đã sống lại, chúng ta hãy hân hoan hát lên lời ca Alleluia.
+ Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI
J.B. Đặng Minh An dịch