CÁC MỐI TƯƠNG QUAN VÀ CÁC GIÁ TRỊ CỦA GIA ĐÌNH
THEO KINH THÁNH
Thuyết trình về gia đình của Cha RANIERO CANTALAMESSA tại Đại Hội Thế Giới Lần thứ VI về Gia Đình (Mexico 14.01.2009)
Bài nói chuyện của tôi chia làm 3 phần. Trong phần thứ nhất, tôi sẽ xin minh hoạ kế hoạch khởi thủy của Thiên Chúa trên Hôn Nhân và Gia Đình và cách thức mà kế hoạch nầy được thực hiện trong lịch sử dân Israel. Trong phần thứ hai, tôi sẽ xin nói về việc tóm tắt do Chúa Kitô thực hiện và về cách thức việc nầy đươc giải thích và được sống trong lòng cộng đồng Kitô giáo Tân Ước. Trong phần thứ ba, tôi sẽ cố gắng xem xét những gì mạc khải Kinh Thánh có thể mang lại giải đáp cho những vấn đề hiện nay về Hôn Nhân và Gia Đình.
PHẦN THỨ NHẤT
HÔN NHÂN và GIA ĐÌNH :
KẾ HOẠCH CỦA THIÊN CHÚA VÀ NHỮNG ĐIỀU CON NGƯỜI THỰC HIỆN
TRONG CỰU ƯỚC
1. KÊ HOẠCH CỦA THIÊN CHÚA
Người ta biết rằng Sách Sáng Thế Ký chứa đựng hai trình thuật cuộc Tạo dựng câp con người đầu tiên,trở ngược về hai truyền thống khác niệt nhau : Truyền thống Giavê (thê kỷ 10 trước CN) và truyền thống gần đây hơn (thế kỷ 6 trước CN).
Trong truyền thống tư tế (St 1,26 – 28), ngừơi nam và người nữ được dựng nên cùng một lúc, chứ không phải kẻ trước người sau ; một tương quan được nảy sinh giữa “là người nam và người nữ” và “là hình ảnh của Thiên Chúa” : “Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh Người ; giống hình ảnh Thiên Chúa,Người dựng nên con người ; người nam và người nữ,Người dựng nên họ”. Ở đây tính cứu cánh đầu tiên của sự kết hợp giữa người nam và người nữ là sinh sôi nẩy nở và tràn đầy mắt đất.
Trong truyền thống Giavê (St 2, 18 – 25), người nữ được rút ra từ người nam ; việc dựng nên hai giới tính được xem như một phương thuốc cho sự cô đơn (“người nam ở một mình thì không tốt . Ta phải làm cho nó một trợ thủ xứng hợp với nó”). Dấu nhấn trước tiên không được đặt trên nhân tố sinh đẻ, nhưng là trên nhân tố kết hợp (“Người nam gắn bó với vợ mình và họ trở nên một xương thịt”). Mỗi người vói tự do trước giới tính của riêng mình và giới tính của người kia:”Cả hai đều trần truồng, người đàn ông và vợ mình, và họ không thấy mắc cở trước mặt nhau”.
Không có nơi nào trong hai văn bản làm ta liên tưởng đến sự lệ thuộc của người nữ vào người nam, trước khi phạm tội : cả hai người đều trên bình diện bình đẳng với nhau, ngang hàng với nhau tuyệt đối, cho dù theo như trong truyền thống Giavê, khởi đầu từ người nam.
Cách giải thích thuyết phục nhất về lý do tại sao của việc Thiên Chúa “can thiệp” phân biệt thành hai giới tính nầy, tôi đã tìm thấy được không phải nơi một nhà chú giải, mà là nơi một nhà thơ, Paul Claudel :
“Kẻ kiêu căng nầy : không có cách gì khác làm cho nó hiểu được người lân cận, làm cho nó vào sâu trong da thịt. Không còn cách nào khác làm cho nó hiểu sự phụ thuộc vào nhau, sự cần thiết và nhu cầu, một người khác trên nó, luật lệ trên nó của hữu thế khác biệt ấy chẳng vì lý do nào khác ngoài lý do nó hiện hữu” (P.Claudel, Le soulier de satin, a. III. sc.8 (éd. La Pléiade, II, Parigi 1956, p. 804)
“Mở ra cho phái tính khác là bước đầu để mở ra cho người khác, tức là người lân cận, cho đến Người Khác viết hoa, tức là Thiên Chúa. Hôn nhân ra đời dưới dấu hiệu khiêm nhường. Nó là sự thừa nhận sự lệ thuộc của nó và do đó, sự lệ thuộc của thân phận tạo vật của nó. Yêu một người nữ hoặc một người nam tượng trưng cho hành vi khiêm tốn căn bản nhất. Đó là làm cho mình nên người ăn xin và nói với người kia : “Anh/em không còn đủ cho chính mình nữa. Anh/em cần đến em/anh, cần đến hữu thể của em/anh”. Theo như Schleimacher suy nghĩ, nếu bản chất của tôn giáo trong “cảm giác lệ thuộc” (Abhaengigheisgefuehl) ở trước mặt Chúa, thì giới tính con người là trường học tôn giáo đầu tiên.
Cho tới nay là kế hoạch của Thiên Chúa. Nhưng người ta không thể giải thích đựơc đoạn tiếp của Kinh Thánh nếu như cùng lúc với trình thuât cuộc tạo dựng, chúng ta không để ý tới sự sa ngã, nhất là những gì đã đựơc nói về người nữ: “Ta sẽ nhân lên những đau đớn khi ngươi mang thai và ngươi sẽ sinh con trai trong đau đớn . Lòng tham của ngươi sẽ đẩy ngươi về phía chồng người và nó sẽ thống trị ngươi” (St 3,16). Ưu thế của người nam trên người nữ là môt phần của tội lỗi con người, không phải trong kế hoạch của Thiên Chúa. Thiên Chua loan báo điều nầy với những lời ấy. Người không chuẩn y điều đó.
2. NHỮNG ĐIỀU CON NGƯỜI THỰC HIỆN
Kinh Thánh là một cuốn sách của Thiên Chúa và con người, bởi vì tác giả của nó là Thiên Chúa và con người, nhưng cũng vì nó mô tả, hoà trộn vào nhau, sự trung thành của Thiên Chúa và sự bất trung của con người ; không chỉ qua chủ thể nó tả lại, mà còn qua đối tượng của Sách Thánh. Điều đó đặc biệt đập vào mắt khi người ta so sánh kế hoạch của Thiên Chúa về Hôn Nhân và Gia Đình với việc áp dụng cụ thể trong lịch sử dân riêng.
Tưởng cũng nên nêu lên những điểu ngu đần ngớ ngẫn và những lầm lạc của con người để khỏi phải quá ngạc nhiên bởi những gì đang xảy ra chung quanh chúng ta ; và cũng bởi vì đó là chứng cứ cho thấy hôn nhân và gia đình là những cơ chế, ít ra là trong thực hành, tiến hoá theo thời gian như tất cả mọi khía cạnh khác của đời sống xã hội và tôn giáo. Vẫn ở trong Sách Sáng Thế, ta đã thấy Lamech, con của Cain vi phạm chế độ một vợ một chồng khi lấy hai vợ. Ông Noê cùng với gia đình dường như là một ngoại lệ giữa sự thối nát chung ở thời đại ông sống. Chính các tổ phụ Abraham và Giacóp cũng có những con cái từ nhiều bà vợ. Môsê cho phép thực hành ly dị. David và Salomon có cả một hậu cung hùng hậu.
Nhưng người ta quan sát những lệch lạc nầy, như vẫn thường làm như thế, ở chóp đỉnh xã hội giữa các thủ lãnh, hơn là ở cấp độ bình dân, mà với họ ý tưởng hôn nhân một vợ một chồng nguên thủy phải thành luật, không có ngoại lệ. Các Sách Khôn Ngoan – Thánh Vịnh, Châm Ngôn, Siracide (Giáo Sĩ) – hơn là các sách lịch sử (đề cập đến các thủ lãnh) cho phép chúng ta có được hình ảnh về những quan hệ và giá trị gia đình được cân nhắc suy xét và được sống ở Israel. : trung thành trong hôn nhân; giáo dục con cái; tôn kính cha mẹ. Giá trị cuối cùng nầy cấu thành một trong mười giới răn:” hãy thảo kính cha mẹ”.
Còn hơn là những vựơt rào vi phạm cụ thể ở mức độ cá thể, sự rời xa lý tưởng nguyên thủy hiện rõ trong khái niệm căn bản mà người ta có về hôn nhân ở Israel. Việc làm cho hoá ra tối tăm chính liên quan tới hai điểm chủ yếu : Điểm thứ nhất là hôn nhân, từ cứu cánh, trở thành phương tiện. Cựu Ước, trong tổng thể của nó, coi hôn nhân như “một cấu trúc quyền bính theo kiểu gia trưởng, chủ yếu để làm cho bộ tộc tồn tại mãi. Chính trong ý nghĩa nầy mà ta phải hiểu việc thành lập tộc Lêvi (Đnl 25, 5 -10), lập ra việc lấy vợ lẽ (St 16) và chế độ đa thê tạm thời. Lý tưởng một sự hiệp thông đời sống giữa người nam và người nữ, đặt nền tảng trên tương quan cá nhân và lẫn nhau không bị bỏ quên, nhưng bị đặt xuống hàng thứ yếu sau lợi ích của con cái.
Việc làm cho hoá ra tối tăm thứ hai và sâu xa được nối kết với thân phận người phụ nữ: từ người bạn đời của ngươi đàn ông, được phú cho một phẩm giá bình đẳng, người phụ nữ ngày càng tỏ ra lệ thuộc đàn ông và theo ý đàn ông. Người ta có thể nhìn thấy điều đó tận trong lời ca tụng người phụ nữ trong sách Châm Ngôn: “Tìm đâu được người đàn bà…Nàng qúy hơn châu ngọc…” (Cn 31,10 tt). Lời ca tụng nầy hoàn toàn là theo ý người đàn ông. Kết luận là : phúc thay ngừơi đàn ông nào có được một người vợ như thế! Nàng dệt cho ông những y phục đẹp đẽ, làm cho nhà cửa của ông danh giá, làm ông nở mặt nở mày với bạn bè. Tôi không tin rằng các phụ nữ ngày nay sẽ phấn khởi vì lòi ca tụng nầy.
Các tiên tri, đặc biệt là tiên tri Ôsê, Isaia và Giêrêmia, đã đóng một vai trò quan trọng khi đem ra lại ánh sáng kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa về hôn nhân. Với việc nhìn nhận trong sự kết hợp của người nam và người nữ sự tượng trưng cho giao ước giữa Thiên Chúa và Dân Người, một cách gián tiếp các tiên tri nầy đặt lại ở vị trí hàng đầu những giá trị của tình yêu lẫn nhau, của sự trung thành và sự không thể chia lìa vốn là đặc trưng thái độ của Thiên Chúa đối với Israel. Tất cả các giai đoạn và những sự thăng trầm của tình yêu vợ chồng được gợi lên và được sử dụng trong mục đích nầy : sự say đắm của tình yêu thời kỳ chớm nở trong đính hôn (Gr 2,2); niềm vui tròn đầy ngày tiệc vui thành hôn (Is 72,5); bi kịch đổ vỡ (Is 2,4 tt) và cuối cùng sự tái sinh đầy tràn hy vọng của tình xưa nghĩa cũ (Os 2,16;Is 54,8).
Tiên tri Malakia chỉ cho thấy những ảnh hưởng có lợi mà thông điệp tiên tri có thể đem đến cho hôn nhân con người và nhất là cho thân phận người phụ nữ. Thông điệp viết :” Đức Chúa là chứng nhân giữa anh và người nữ thời trai trẻ của anh, mà anh đã phản bội, mặc dầu nàng đã là bạn trăm năm của anh và là người phụ nữ giao ước của anh. Chẳng phải đã là một hữu thể duy nhất, có xương thịt và hơi thở sự sống? Và hữu thể duy nhất nầy, nó kiếm tìm điều gì? Một hậu duệ mà Thiên Chúa ban cho! Hãy tôn trọng đối với cuộc đời anh và ngừơi vợ thời trai trẻ của anh, chớ phản bội nàng!”(Mk 2,14 – 15)
Chính dưới ánh sáng của truyền thống tiên tri nầy mà thích hợp cho việc đọc Sách Diễm Ca. Nó tượng trưng cho sự tái sinh nhãn quan hôn nhân như là sự hấp dẫn lẫn nhau, như eros, như niềm say mê của người nam trước người nữ (trong trường hợp nầy, cũng là niềm say mê của người nữ trước người nam); một nhãn quan hiện diện trong trình thuật cũ xưa nhất cuộc tạo dựng.
Mặt khác, một khoa chú giải hiện đại nào đó sẽ lầm lẫn khi giải thích Diễm Ca chỉ bằng những từ ngữ nói về tình yêu nhân loại giữa một người nam là một người nữ. Tác giả Sách Diễm Ca tự đặt mình ở tâm lịch sử tôn giáo của dân ông, nơi tình yêu con người đã được các tiên tri coi như là một ẩn dụ cua giao ước giữa Thiên Chúa và dân tộc Người. Tiên tri Osê đã biến câu chuyện hôn nhân của chính mình thành một ẩn dụ các quan hệ giữa Thiên Chúa và Israel. Làm sao tưởng tượng được rằng tác giả Sách Diễm Ca lại có thể bỏ tất cả những điều đó đi đươc chứ? Đọc sách Diễm Ca huyền bí, vốn rất được truyền thống của Israel và Giáo Hội yêu thích, do vậy không phải là một cấu trúc thượng tầng đến sau, mà một cách nào đó đã mặc nhiên có trong sách. Thay vì rút đi bất cứ điều gì trong sự tán dương tình yêu con người, sách còn phong ban cho tình yêu con người một nét huy hoàng và nét đẹp mới mẻ.
(còn tiếp hai kỳ)