Hoàng Dũng
Một cách lý tưởng, chuyện một vợ một chồng trong một cuộc hôn nhân vẫn là điều cả thế giới cổ võ. Hôn nhân và sự chung thuỷ vốn luôn là chuyện quan trọng của một đời người. Hôn nhân luôn là điểm mốc quan trọng của một đời người. Người ta tậu nhà, tậu ruộng, tậu trâu để lập gia đình. Có ai sống mà không yêu, không nhớ không thương một kẻ nào? Nhà thơ Xuân Diệu nói: tôi đã yêu từ khi chưa có tuổi. Và tình yêu thực sự thì luôn hướng về phía trước, tiến tới sự trọn vẹn của nó, trong đời sống hôn nhân.
1. Hôn nhân – đích đến của tình yêu chân chính
Thông thường, những người yêu nhau sẽ luôn mong muốn được sống bên nhau cho tới đầu bạc răng long, và chỉ khi tiến tới hôn nhân thì tình yêu mới đạt tới đỉnh điểm của nó và trọn vẹn ý nghĩa. Do đó nhiều người đã thề sống thề chết nếu không lấy được nhau: anh mà không lấy được em anh chết, hay là, em mà không lấy được anh em chết. Chuyện hai người yêu nhau mong muốn được ở bên nhau là ước muốn tốt đẹp, thể hiện một tình yêu có trách nhiệm và chia sẻ. Họ muốn chung sống vì bây giờ cả hai không còn là một nửa như trước nữa, mà là một. Số một duy nhất và trọn vẹn! Có những chuyện đóng vai rào cản như: môn đăng hộ đăng, chuyện cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, văn hoá, tôn giáo, pháp lý… nhìn cách tích cực, cũng xác nhận vai trò như nhân tố tác động để người ta xác định mức độ luyến ái đối với nhau. Đã có những người hỉ hả “đưa nhau vào động hoa vàng” như lời một bài tình ca lãng mạn, sau khi “vất vả” vượt qua những thử thách; nhưng cũng có những người phải ngậm ngùi và tiếc nuối cho một mối tình dang dở, bởi những chữ “vì”…
Với Ki-tô hữu, chung sống với nhau cho đến trọn đời không chỉ là khao khát của hai người yêu nhau mà còn là lời mời gọi của Thiên Chúa, khi ngài tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài: “Ngài kêu gọi con người yêu thương. Khi tạo dựng họ có nam có nữ, Người kêu gọi họ sống đời hôn nhân trong một hiệp thông thân mật của sự sống và tình yêu với nhau, ‘vì lẽ đó, họ không còn là hai, nhưng là một thân thể’ (Mt 19,6)”[1]. Ngày nay Giáo Hội không ngừng kêu gọi con cái mình hãy bước vào ơn gọi hôn nhân với lòng tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, và để nhờ bí tích hôn nhân, họ sẽ ở mãi bên nhau. Vì, “bí tích hôn phối tạo nên một mối dây liên kết vĩnh viễn và độc nhất giữa hai người phối ngẫu. Chính Thiên Chúa đã xác nhận sự ưng thuận của những người kết hôn”[2].
Cơ sở lý thuyết là thế, cho một tình yêu chân chính.
Những yếu tố nhân bản của thế hệ mới mở lối để người ta được đến với nhau tự do hơn và “dễ thở” hơn một thời xa xa nào đó, khi cha mẹ đặt đâu thì con phải ngồi đó. Điều chính yếu là cả hai có thực sự thương nhau và tự nguyện đến với nhau hay không, còn những “áp lực bên ngoài” không còn quan trọng như trước nữa. Thế nhưng, lại xảy ra những điều bất cập, đôi khi được coi là vấn nạn của hôn nhân thời đại mới. Thuở phải “trèo mấy núi, lội mấy sông”, người ta vẫn kiên cường cố gắng đến với nhau, trân qúi dìu nhau tiến tới hôn nhân. Còn khi tất cả các cánh cửa đều mở rộng để đón chào nhau, sự dễ dãi và thông thoáng làm cho con người ngộp thở trong những khoái lạc một cách dễ dàng. Cánh cửa rộng mở thì người đến cũng dễ dàng, người đi cũng không băn khoăn nhiều. Tình yêu cũng không còn khó như một trò chơi phải chinh phục nữa. Người ta góp gạo thổi cơm chung với nhau mà chẳng cần hôn thú, chả quan tâm luật lệ và những yếu tố đức gia phong. Họ tỏ tường nhau trong cách sống thử. Hợp thì cưới, không hợp thì chia tay. Các giá trị truyền thống dường như trở thành hủ tục, như những thứ xa xỉ phẩm trì kéo con người trong những ràng buộc. Chúng bị coi thường…
Ấy là vấn nạn của xã hội thời phong hoá. Những bất hạnh của tình yêu mì ăn liền kéo theo muôn vàn hệ luỵ, đang làm cho tất thảy những ai “có lương tâm” luôn phải loay hoay với những giải pháp. Càng ngày càng có nhiều các trung tâm dành cho các chị em lầm lỡ trú ngụ qua kỳ giải quyết hậu quả – đồng ý giao núm ruột của mình cho những trại mồ côi, trung tâm nuôi trẻ không được thừa nhận. Những trung tâm nạo phá thai công lẫn tư nhân nhản xuất hiện, càng ngày càng làm ăn khấm khá nhờ những cô cậu hippy nhâng nháo đưa nhau đi giải quyết hệ quả của lối sống buông tuồng trong quan hệ luyến ái. Các trung tâm tư vấn tâm lý hoạt động hết công suất để vừa giải quyết tình trạng ngây dại của những người bị bỏ lại sau những cuộc tình yêu không cần suy tư vừa để tìm cách tuyên truyền lối sống hôn nhân có trách nhiệm…
Người ta dần quên khái niệm trách nhiệm trong hôn nhân.
Người ta vẫn xác định tương quan gây ra những hệ qủa ấy là chuyện bất chính, nhưng là cám dỗ không dễ giữ mình khỏi xao lòng…
Người ta cũng không dễ gì cảm nhận được bầu khí và giá trị hạnh phúc trong hôn nhân, với thời gian…
2. Hôn nhân – điểm xuất phát của một gia đình hạnh phúc
Hôn nhân không chỉ là trách nhiệm và bổn phận mà còn là một ân ban mà Thiên Chúa, vốn tốt lành, đã ban cho con người. Đó cũng chính là điều kiện nền tảng để có một gia đình chính thức và mang đầy đủ ý nghĩa của nó. Không chỉ có thế, hôn nhân sẽ là một hàng rào bảo vệ gia đình trước những khó khăn của đời sống, ngày ngày đang đe doạ sự tồn vong của gia đình, khi mà mọi sự ở đời bây giờ chỉ có vẻ là tương đối và tuỳ thuộc vào thời gian. Người nay còn mai mất, sớm nắng chiều mưa, mới thề thốt đã chia tay! Hiện nay, xã hội coi mọi thứ chỉ là tương đối thì chính giá trị của hôn nhân vẫn là chung thuỷ đến trọn đời, khi đau bệnh cũng như lúc gian nan. Thật vậy, chính những lúc khó khăn và đau khổ người ta cần chứng tỏ tình thương với nhau nhiều và cần nhau hơn. Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp con người không được phân ly. Bản chất của hôn nhân là sự bền vững và chung thuỷ, một vợ một chồng. Điều này còn được khẳng định trong hiến pháp và luật hôn nhân gia đình [3], đồng thời nó cũng được xã hội công nhận, bảo vệ một cách chính đáng.
Đức Gioan Phaolô II, trong bài diễn tư cho các cặp vợ chồng ở Ái Nhĩ Lan, tại Limerick, đã nói: “Trên hết, chúng con hãy tỏ lòng mến mộ đối với phẩm giá tuyệt vời và ân sủng của bí tích hôn phối… chúng con hãy tin vào năng lực thiêng liêng mà bí tích này của Đức Giêsu Kitô trao ban để củng cố sự kết hiệp hôn nhân và vượt qua tất cả những khủng hoảng cũng như những vấn đề của đời sống lứa đôi. Vợ chồng phải biết tin tưởng vào năng lực của bí tích làm cho họ nên thánh; phải tin tưởng vào ơn gọi của họ là làm chứng sức mạnh tình yêu của Chúa Kitô qua hôn nhân của họ”[4].
Như vậy, hôn nhân là nơi hội tụ tình yêu, trách nhiệm và ân ban của Thiên Chúa để từ đó hạt mầm hạnh phúc của hai người được nhân lên và lan toả thành một gia đình, và cứ thế hạnh phúc và những giá trị tốt đẹp của gia đình sẽ lây lan tới khu xóm, tới cộng đồng và lan rộng mãi. Khi lây lan như thế, hạt mầm hạnh phúc ấy cũng là “chất đề kháng” hữu hiệu, không những bảo vệ gia đình mà còn đẩy lui những nguy cơ đe doạ đến hạnh phúc gia đình. Gia đình là tế bào của xã hội, của giáo hội, nơi đó bắt đầu sự triển nở của một cộng đồng và sự lan toả tình yêu Thiên Chúa trong dân người. Tình yêu và sức sống ấy được hợp thức hoá một cách chính thức và được bảo vệ chính đáng nhờ hôn nhân.
3. Lời kết
Bước vào đời sống hôn nhân là lúc cả hai cùng nhìn về một hướng, tức là có một cái hướng chung. Hướng chung ấy cần mọi người cùng cộng sức để đạt tới chứ không chỉ của riêng ai. Những cái sở thích riêng tư, cá tính được hoà điệu trong nhịp sống chung của cả hai hoặc cả nhà. Lúc này, ngoài tình yêu còn có bổn phận và trách nhiệm đối với nhau. Đời sống hôn nhân là đời sống của sự chung chia những thăng trầm của đời sống. Càng khó khăn người ta càng thấy thương nhau hơn và cảm thấy hạnh phúc khi được lo lắng và quan tâm tới nhau. Dù có những mệt nhọc khó khăn nhưng hy sinh vì người mình thương mến là một niềm vui. Hôn nhân là đặt niềm vui hạnh phúc của mình vào cái hạnh phúc chung, ở đó người ta tìm thấy niềm vui và hạnh phúc của mình cùng với niềm vui và hạnh phúc của người khác. Từ đó những khó khăn sẽ không đáng ngại, vì thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn. Bên cạnh đó đời sống hôn nhân còn là một bí tích, qua đó Thiên Chúa không ngừng đồng hành và thông ban những ơn ích cần thiết để họ tiếp tục hoạ lại tình yêu như Ngài đã yêu thương Giáo hội.
———
(1) Giáo lý Hội thánh Công giáo: bản toát yếu (Hà Nội: Tôn Giáo, 2007), số 337.
(2) Ibid., số 346.
(3) Luật hôn nhân gia đình, năm 2001, điều 3.
(4) Ngày 1.10.1979