Sứ Điệp cho Ngày Giới Trẻ 2009

“Chúng ta đã đặt hy vọng nơi Thiên Chúa Hằng Sống” (1 Tim 4:10)

Sứ điệp ngày giới trẻ thế giới, lễ lá 05.04.2009

Sứ Điệp cho Ngày Giới Trẻ 2009Các bạn thân mến,

Chúa Nhật Lễ Lá sắp đến chúng ta sẽ mừng ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 24 ở cấp Giáo Phận. Để chuẩn bị cho biến cố thường niên này, Cha nhắc lại lòng biết ơn sâu xa với Chúa vì cuộc họp mặt tại Sydney vào Tháng Bảy năm ngoái. Đó là cuộc gặp gỡ đáng ghi nhớ nhất, trong đó Chúa Thánh Thần đã canh tân đời sống của vô số các bạn trẻ đã quy tụ lại từ khắp nơi trên thế giới. Niềm vui được cử hành và sự hăng hái về tinh thần được cảm nghiệm trong mấy ngày ấy là một dấu chỉ hùng hồn về sự hiện diện của Thần Khí Đức Kitô. Bây giờ chúng ta đang hành trình về phiá cuộc họp mặt quốc tế sẽ được tổ chức tại Madrid vào năm 2011, với đề tài là lời của Thánh Tông Đồ Phaolô: “Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng trong Đức Chúa Giêsu Kitô, và vững mạnh trong đức tin” (x. Col 2:7). Trong khi hân hoan mong chờ cuộc họp mặt giới trẻ hoàn vũ, chúng ta hãy cùng nhau ra tay chuẩn bị. Chúng ta dùng lời của Thánh Phaolô làm đề tài cho năm 2009: “Chúng ta đã đặt hy vọng nơi Thiên Chúa Hằng Sống” (1 Tim 4:10), còn năm 2010 chúng ta sẽ suy niệm về câu hỏi mà người thanh niên giàu có đã đặt ra cho Chúa Giêsu: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được thừa hưởng sự sống đời đời?” (Mc 10:17).

Tuổi Trẻ, thời gian của hy vọng

Ở Sydney, chúng ta đã chú tâm đến điều mà Chúa Thánh Thần nói với các tín hữu thời nay, và đặc biệt là với các bạn, những người trẻ thân yêu của cha. Trong Thánh Lễ bế mạc, cha đã thôi thúc các bạn để cho Ngài uốn nắn các bạn trờ thành sứ giả của tình yêu Thiên Chúa, có khả năng xây dựng một tương lai đầy hy vọng cho nhân loại. Câu hỏi về hy vọng thật sự là câu hỏi chính của đời sống chúng ta như những con người, và của sứ vụ chúng ta như những Kitô hữu, nhất là trong thời điểm này. Tất cả chúng ta đều ý thức về nhu cầu hy vọng, không phải chỉ là bất cứ loại hy vọng nào, nhưng một hy vọng chắc chắn và xác thực, như cha đã muốn nhấn trong thông điệp Spe Salvi. Tuổi trẻ là thời điểm đặc biệt của hy vọng bời vì tuổi trẻ nhìn vào tương lai với hàng loạt những hoài bão. Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta nuôi những lý tưởng, mơ ước, và dự tính. Tuổi trẻ là thời gian mà những chọn lựa liên quan đến phần còn lại của đời sống được hình thành. Có thể đó là lý do tại sao nó là thời điểm của đời sống khi mà những câu hỏi căn bản thôi thúc cách mãnh liệt: Tại sao tôi sống trên đời? Cuộc đời có ý nghĩa gì? Cuộc đời tôin sẽ ra sao? Và một lần nữa: Làm sao tôi có thể đạt được hạnh phúc? Tại sao có đau khổ, bệnh tật và cái chết? Có gì sau khi chết? Đó là những câu hỏi được lập đi lập lại khi chúng ta trực diện với những chướng ngại đôi khi xem ra không thể vượt qua được: những khó khăn trong việc học hành, thất nghiệp, bất hoà trong gia đình, khủng hoảng trong tình bạn hay trong việc xây dựng liên hệ yêu đương, đau ốm hay tàn tật, thiếu tài nguyên như là hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội hiện đang lan tràn khắp nơi. Rồi chúng ta tự hỏi: Khi nào và làm sao tôi có thể nhận được và giữ cho ngọn lửa hy vọng mãi mãi cháy trong lòng tôi?

Đi tìm “niềm hy vọng lớn lao”

Kinh nghiệm cho thấy rằng những tài năng cá nhân và của cải vật chất không đủ để đảm bảo niềm hy vọng mà tinh thần con người luôn luôn tìm kiếm. Như cha đã viết trong Thông Điệp Spe Salvi, chính trị, khoa học, kỹ thuật, kinh tế và tất cả những tài nguyên vật chất tự chúng không đủ để đem lại niềm hy vọng lớn lao mà tất cả chúng ta mong ước. Niềm hy vọng này “chỉ có thể là Thiên Chúa, Đấng bao gồm toàn thể thực tại và có thể ban cho chúng ta điều mà chính chúng ta không thể đạt được” (số 31). Đó là lý do tại sao hậu quả chính của việc bác bỏ Thiên Chúa là sự mất định hướng một cách rõ ràng đánh dấu xã hội của chúng ta, đưa đến cô đơn và bạo động, bất mãn và mất tự tin, thường đưa đến tuyệt vọng. Lời Chúa đưa ra một cảnh cáo lớn và rõ ràng: “Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời ĐỨC CHÚA! Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa, chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ” (Gr 17:5-6).

Cuộc khủng hoảng hy vọng thường dễ ảnh hưởng đến các thế hệ trẻ hơn. Trong các môi trường văn hóa xã hội có ít điều chắc chắn, có giá trị hay những điểm quy chiếu vững chắc, các em thấy mình phải đương đầu với những khó khăn xem ra vượt quá sức mình. Các bạn trẻ thân mến của cha, cha đang nghĩ đến quá nhiều bạn đồng thời với các bạn đã bị cuộc đời làm tổn thương. Họ thường đau khổ vì sự thiếu trưởng thành cá nhân, được gây ra bởi những hoàn cảnh gia đình mất bình thường, bởi những yếu tố dễ dãi và phóng khoáng trong việc giáo dục, và bởi kinh nghiệm khó khăn và đau thương. Đối với một số em – tiếc rằng một số khá đông – cách thoát ly không thể tránh được liên quan đến việc chạy trốn một mình vào hành vi nguy hiểm và hung bạo, sự lệ thuộc vào ma túy và rượu mạnh, cùng nhiều cạm bẫy như thế cho những em bất cẩn. Nhưng, ngay cả đối với những em đang thấy mình ở trong những hoàn cảnh khó khăn, lòng ao ước tình yêu chân thật và hạnh phúc chân chính vẫn không bị dập tắt, dù các em đang bị dẫn đi sai đường bởi những thần tượng xấu. Nhưng chúng ta phải nói về hy vọng này thế nào với những người trẻ ấy? Chúng ta biết rằng một người chỉ có thể tìm thấy sự thỏa mãn thật trong Thiên Chúa. Công tác chính đối với chúng ta là một công tác tân Phúc Âm hóa nhằm giúp những thế hệ trẻ khám phá ra dung nhan thật của Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu. Đối với những người trẻ đang tìm một niềm hy vọng chắc chắn, Cha nói với họ bằng chính lời của Thánh Phaolô gửi các Kitô hữu khi ấy đang bị bách hại tại Rôma: “Xin Thiên Chúa của hy vọng đổ tràn niềm vui và bình an trên anh em trong đức tin, để anh em được tràn trề hy vọng nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần” (Rom 15:13). Trong Năm Thánh dành kính Thánh Tông Đồ Dân Ngoại nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 2000 của ngài, chúng ta hãy học cùng ngài làm sao để trở nên những nhân chứng đáng tin cậy của niềm hy vọng Kitô giáo.

Thánh Phaolô, chứng nhân của hy vọng

Khi Thánh Phaolô thấy mình lặn ngụp trong đủ thứ khó khăn và thử thách, ngài viết cho người môn đệ trung tín của ngài là Timôthê: “Chúng ta đã đặt niềm tin nơi Thiên Chúa hằng sống” (1 Tim 4:10). Hy vọng này đâm rễ trong ngài thế nào? Để trả lời câu hỏi này chúng ta phải trở lại cuộc gặp gỡ của ngài với Chúa Giêsu Phục Sinh trên đường đi Đamascô. Khi ấy, Saulô là một thanh niên như các bạn, khoảng trên 20 tuổi, một người theo Luật Môsê và quyết tâm chiến đấu bằng mọi phương tiện, kể cả giết những kẻ mà ngài coi là kẻ thù của Thiên Chúa (x. Cv 9:1). Trong khi trên đường đi Đamascô để lùng bắt những người theo Đức Kitô, ngài đã bị một ánh sáng bí nhiệm làm cho ra mù và nghe có tiếng gọi tên ngài: “Saulô, Saulô, tại sao ngươi bách hại ta?” Ngài đã ngã xuống đất và hỏi: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Có tiếng trả lời: “Ta là Giêsu, Người mà ngươi đang bách hại” (Cv 9:3-5). Sau cuộc gặp gỡ ấy, cuộc đời Thánh Phaolô thay đổi tận gốc. Ngài chịu Phép Rửa và trở thành Tông Đồ của Tin Mừng. Trên đường đi Đamascô, ngài đã được Tình Yêu của Thiên Chúa biến đổi tận đáy lòng, ngài đã gặp con người Đức Chúa Giêsu Kitô. Sau này ngài đã viết: “Giờ đây tôi sống trong thân xác, là tôi sống trong đức tin vào Con Thiên Chúa, là Ðấng đã yêu thương tôi và đã hiến mạng sống Mình vì tôi” (Gal 2:20). Từ một kẻ bách đạo, ngài đã trở nên một nhân chứng và một nhà truyên giáo. Ngài đã thành lập các cộng đoàn Kitô hữu ở Tiểu Á và Hy lạp, và đã hành trình ngàn dặm giữa đủ mọi loại hiểm nguy, tột cùng là việc tử vì đạo của ngài tại Rôma. Tất cả vì yêu mến Đức Kitô.

Niềm hy vọng lớn lao trong Đức Kitô

Đối với Thánh Phaolô, hy vọng không đơn thuần là một lý tưởng hay cảm tình, nhưng là một con người sống động: Đức Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Được thấm nhuần một cách sâu xa với niềm xác tín này, ngài có thể viết cho Timôthê: “Chúng ta đã đặt hy vọng nơi Thiên Chúa hằng sống” (1 Tim 4:10). “Thiên Chúa hằng sống” này là Đức Kitô Phục Sinh hiện diện trong thế giới của chúng ta. Người là niềm hy vọng thật: Đấng Kitô ngự với chúng ta và trong chúng ta, cùng mời gọi chúng ta chia sẻ sự sống đời đời của Người. Nếu chúng ta không sống một mình, nếu Người ở với chúng ta, hơn nữa, nếu Người là hiện tại và tương lai của chúng ta, thì tại sao chúng ta lại sợ hãi? Vì thế niềm hy vọng của một Kitô hữu là ao ước “Nước Trời và sự sống đời đời như hạnh phúc của mình, bằng cách đặt niềm tín thác vào các lời hứa của Đức Kitô và không trông cậy vào sức riêng của mình, nhưng vao sự trợ giúp của ân sủng Chúa Thánh Thần” (GLCG, 1817).

Con đường hướng về niềm hy vọng lớn lao

Như Chúa Giêsu đã có lần gặp người trẻ Phaolô, Người cũng muốn gặp mỗi người trong các bạn, các người trẻ thân yêu của cha. Thật vậy, ngay cả trước khi chúng ta ước ao gặp Người, thì chính Đức Chúa Giêsu Kitô đang thiết tha mong muốn một cuộc gặp gỡ như thế. Nhưng có lẽ một vài người trong các bạn muốn hỏi cha: Làm sao con có thể gặp Người hôm nay? Hay đúng hơn, Người đến gần con cách nào? Hội Thánh dạy chúng ta rằng ước muốn gặp gỡ Chúa đã là hoa quả của ân sủng của Người rồi. Khi chúng ta diễn đạt đức tin của mình trong cầu nguyện, chúng ta tìm thấy Người ngay cả trong những lúc đen tối, bởi vì Người hiến thân cho chúng ta. Cầu nguyện kiên trì mở tâm hồn đón nhận Người, như Thánh Augustinô giải thích: “Chúa và Thiên Chúa của chúng ta… muốn rằng ước ao của chúng ta được thực thi trong cầu nguyện, nhờ thế giúp chúng ta hiểu được điều mà Người đang sửa soạn để ban cho” (Thư 130:8, 17). Cầu nguyện là hồng ân của Chúa Thánh Thần biến chúng ta thành những người nam nữ của hy vọng, và lời cầu nguyện của chúng ta giữ cho thế giới mở ra cho Thiên Chúa (x. Spe Salvi, 34).

Hãy dành chỗ cho cầu nguyện trong đời các bạn! Cầu nguyện một mình thì tốt, tuy nhiên cầu nguyện chung thì tốt đẹp và có hiệu quả hơn, bởi vì Chúa đảm bảo với chúng ta rằng Người sẽ ở nơi nào có hai hay ba người hợp lại nhân danh Người (x. Mt 18:20). Có nhiều cách để làm quen với Người. Có những cảm nghiệm, những nhóm và phong trào, những cuộc gặp gỡ và những môn học mà trong đó chúng ta học cầu nguyện và như thế lớn lên trong kinh nghiệm đức tin. Hãy tham gia vào các buổi phụng vụ ở Giáo Xứ và hãy để Lời Chúa và việc tham gia cách sống động vào các Bí Tich nuôi dưỡng các bạn. Như các bạn biết, cao điểm và trọng tâm của đời sống và sứ vụ của mọi tín hữu và cộng đồng Kitô hữu là Thánh Thể, bí tích cứu độ mà trong đó Đức Kitô trở nên hiện diện và ban Mình cùng Máu Người như của ăn thiêng liêng cho đời sống vĩnh cửu. Một mầu nhiệm thật sự khôn tả! Chính chung quanh Bí Tích Thánh Thể mà Hội Thánh được sinh ra và tăng trưởng – gia đình vĩ đại ấy của các Kitô hữu mà chúng ta gia nhập vào qua Bí Tích Thánh Tẩy, và trong đó chúng ta được canh tân liên tục qua Bí Tích Hòa Giải. Những người đã được rửa tội, nhờ Bí Tích Thêm Sức, được làm cho mạnh mẽ trong Chúa Thánh Thần để nhờ đó sống đời sống như những bạn hữu chân chính và nhân chứng của Đức Kitô. Các Bí Tích Truyền Chức Thánh và Hôn Phối giúp họ chu toàn các nhiệm vụ tông đồ trong Hội Thánh và trong thế gian. Sau cùng, Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân cho chúng ta được cảm nghiệm sự an ủi của Thiên Chúa trong bệnh tật và đau khổ.

Hành động theo niềm hy vọng Kitô giáo

Các người trẻ thân yêu của cha. Nếu các bạn tìm được sự nuôi dưỡng trong Đức Kitô, và nếu các bạn sống sâu đậm trong Người như Thánh Tông Đồ Phaolô đã sống, các bạn sẽ không cưỡng lại được việc nói về Người và làm cho nhiều người trong các bạn hữu và đương thời của các bạn nhận biết và yêu mến Người. Các bạn hãy là những môn đệ trung tín của Người, và bằng cách đó, các bạn có thể giúp hình thành những cộng đồng Kitô hữu đầy tràn tình yêu, giống như những cộng đoàn được diễn tả trong Sách Tông Đồ Công Vụ. Hội Thánh tin tưởng vào các bạn trong sứ vụ cấp bách này. Đừng để những khó khăn và thử thách các bạn gặp phải làm các cho bạn nản lòng. Hãy kiên nhẫn và bền chí để thắng vượt khuynh hướng tự nhiên của tuổi trẻ là lao đầu về phía trước, và muốn có mọi sự ngay lập tức.

Các bạn thân mến của cha, hãy theo gương Thánh Phaolô và hãy trở nên nhân chứng cho Đức Kitô Phục Sinh! Hãy làm cho Đức Kitô được mọi người biết đến giữa những người cùng lứa tuối và ngoài lứa tuổi của các bạn, cho những người đang tìm kiếm “niềm hy vọng lớn lao” làm cho đời sống họ có ý nghĩa. Nếu Chúa Giêsu đã trở nên niềm hy vọng của các bạn, hãy truyền thông điều ấy cho người khác với niềm vui và những ràng buộc tâm linh, tông đồ và xã hội của các bạn. Hãy để cho Đức Kitô ngự trong các bạn, và một khi đã đặt tất cả đức tin và lòng tín thác vào Người, hãy truyền bá niềm hy vọng này chung quanh các bạn. Hãy có những chọn lựa chứng tỏ đức tin của các bạn. Hãy cho người ta thấy rằng các bạn hiểu nguy cơ của việc thần tượng hóa tiền bạc, của cải vật chất, nghề nghiệp và thành công, và đừng để cho mình bị lôi cuốn bởi những ảo ảnh này. Đừng đầu hang những lý lẽ căn bản của những tư lợi ích kỷ. Hãy vun trồng tình yêu tha nhân và cố gắng đặt mình và những tài năng cùng khả năng nghề nghiệp của mình vào việc phục vụ công ích và chân lý, hãy luôn luôn sẵn sàng “trả lời cho bất cứ người nào hỏi các bạn về lý do của niềm hy vọng nơi các bạn” (1 Phr 3:15). Các Kitô hữu chân chính không bao giờ buồn, ngay cả khi phải đối diện với nhiều loại thử thách khác nhau, bởi vì sự hiện diện của Chúa Giêsu là bí quyết của niềm vui và sự bình an của họ.

Đức Maria, Mẹ của hy vọng

Xin cho Thánh Phaolô trở nên gương mẫu của các bạn trên con đường này của đời tông đồ. Ngài đã nuôi dưỡng đời sống đức tin và hy vọng của ngài bằng cách nhìn vào ông Abraham, là vị mà ngài đã nói đến trong Thư gửi tín hữu Rôma: “vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc” (Rom 4:8). Đi theo bước chân của những người có hy vọng – gồm có các ngôn sứ và các thánh của mọi thời đại – chúng ta tiếp tục mạnh tiến về ngày hoàn thành của Nước Trời, và trên con đường thiêng liêng này, chúng ta có Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của hy vọng, đi cùng. Mẹ là Đấng làm cho niềm hy vọng của Israel được nhập thể, là Đấng ban cho thế gian Đấng Cứu Độ, và là Đấng đã đứng dưới chân Thánh Giá với một niềm hy vọng chắc chắn, là mẫu gương và Đấng nâng đỡ chúng ta. Trên hết, Mẹ Maria cầu bầu cho chúng ta và dẫn chúng ta qua đêm đen của những thử thách đến bình minh rạng ngời của một cuộc gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh. Các bạn trẻ thân yêu của cha, cha muốn kết luận sứ điệp này bằng một lời cầu nguyện thời danh của Thánh Bernađô. Lời nguyện được gợi hứng bởi một trong những tước hiệu của Mẹ, Stella Maris, Sao Biển: “Bạn là người ở giữa những thăng trầm liên tục của cuộc đời này, thấy mình bị sóng gió dập vùi, hãy không ngừng nhìn lên Ngôi Sao sáng nhất, nếu bạn không muốn những làn sóng dữ chôn vùi bạn. Nếu những cơn gió cám dỗ nổi lên, nếu bạn rơi vào giữa những tảng đá khổ đau, hãy nhìn lên Ngôi Sao, hãy kêu cầu Đức Mẹ Maria … Trong những hiểm nguy, trong lúc khốn cùng, trong những cơn bối rối, hãy nghĩ đến Đức Maria, hãy kêu cầu Đức Maria … Trong lúc đi theo Mẹ, bạn sẽ không bao giờ lạc đường; khi bạn nài xin Mẹ giúp đỡ, bạn sẽ không bao giờ phải thất vọng; bằng cách nghĩ về Mẹ, bạn sẽ không sai lầm; để Mẹ nâng đỡ bạn sẽ không bao giờ ngã; nếu Mẹ che chở bạn, bạn sẽ không sợ hãi; nếu Mẹ hướng dẫn bạn, bạn sẽ không còn biết mệt; với sự giúp đỡ của Mẹ, bạn sẽ đến bến bình an” (Những bài giảng ca tụng Mẹ Đồng Trinh, 2:17).

Lạy Mẹ Maria, Ngôi Sao Biển, chúng con xin Mẹ hướng dẫn những người trẻ trên toàn thế giới đến một cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu, là Thiên Chúa, Con Mẹ. Xin Mẹ là Đấng Bảo Vệ trên trời cho lòng trung thành của họ với Tin Mừng và cho niềm hy vọng của họ.

Các bạn trẻ thân mến, cha bảo đảm rằng cha nhớ đến tất cả các bạn mọi ngày trong lời cầu nguyện của cha. Cha ban phép lành chân tình cho các bạn và tất cả những người thân yêu của các bạn.

Từ Vaticanô, ngày 22 tháng 2, 2009
+ ĐTC Bênêđictô XVI

Để lại một bình luận