TĨNH TÂM GIỚI TRƯỞNG THÀNH
Buổi 01 : Giã từ con bò vàng !
Buổi 02 : Hoàn thành giờ của mình…
Trong hai ngày 26 và 27.03.2009, giáo xứ Đaminh Ba Chuông đã có hai ngày tĩnh tâm dành cho giới trưởng thành với chủ đề : “Hãy xé lòng đừng xé áo”. Chủ đề lấy từ sách ngôn sứ Giôen (2,13).
Phụ trách giảng phòng năm nay là cha Giuse Phạm Quốc Văn, một linh mục trẻ trung, duyên dáng thân quen. Trong hai ngày, cha giảng phòng đã đưa thính giả khởi đi từ Cựu ước cho tới “giờ” của Đức Kitô. Qua đó, ngài mời gọi mọi người suy nghĩ đến giờ của mình.
Photo : Dương Minh Thanh
Ngày 26.03 : Giã từ con bò vàng !
Mượn hình ảnh con bò vàng, cha Giuse đã phân tích thái độ tích cực của dân Do Thái chính là thái độ khao khát, mong ước bám lấy một biểu hiện sức mạnh để giải thoát chính mình. Thế nhưng, đây cũng chính là chiếc bẫy cho dân sa vào. Vì đam mê mù quáng, vì tín thác vào thế lực bên ngoài cách mù quáng mà dân đã phản bội Chúa.
Qua đấy, cha mời gọi mọi người hãy nhìn lại chính mình: có thể, trong sâu thẳm của mỗi người ẩn khuất đâu đó tồn tại hình dáng của người anh cả hung hăng trong dụ ngôn “người cha nhân hậu”, tồn tại trong đó một người biệt phái kiêu ngạo trong câu truyện “hai người lên đền cầu nguyện” và dáng vẻ anh thanh niên mê tiền, không dám từ bỏ của cải theo Chúa…
Xé lòng chính là từ bỏ những thói tật hời hợt, thiếu quan tâm đến tha nhân, là không tôn trọng những trật tự trong tự nhiên, như nạn phá thai tràn lan… Xé lòng chính là vượt qua thái độ tủi thân, mặc cảm, để tin tưởng vào tình thương của Chúa, để thay đổi cuộc sống, và để Chúa chữa lành.
Ngày 27.03 : Hoàn thành giờ của mình…
Mượn ý của đoạn Tin mừng Gioan 7, 1-20, Chúa Giêsu bí mật lên đền thờ, người ta tìm cách bắt Người nhưng không được vì “giờ” của Người chưa đến; cha giảng phòng hướng cộng đoàn hiểu “giờ” với ba nghĩa : “giờ” tôn vinh của Đức Giêsu ; “giờ” tăm tối của thế gian ; và “giờ” riêng biệt của chính mỗi người.
“Giờ” của Đức Kitô chính là thời điểm Chúa Giêsu chuẩn bị uống chén đắng, giờ Chúa Giêsu phải đối diện với sự cô đơn, với sự ruồng bỏ … vì vâng phục Thánh Ý. Giờ này còn được hiểu là giờ của lòng trắc ẩn khi ánh mắt nhân từ nhìn Phêrô và giờ của sự thứ tha cho tên trộm, vào phút cuối cùng còn mở được khoá cánh cửa Nước Trời.
“Giờ” đen tối của thế gian là thời khắc của những tiếng la ó, những cánh tay vung lên đòi đóng đinh Đấng Cứu thế. Đó cũng là giờ Philatô rửa tay trong sự thoái thác và vô trách nhiệm; và phải nói thêm là giờ tuyệt vọng khi Giuđa thắt cổ tự vẫn.
“Giờ” của mỗi người khi mỗi người tự nhận ra gương mặt của mình qua những nhân vật trong Kinh Thánh : có thể là đám đông gào thét hùa theo tiếng nói bất công thách thức Thiên Chúa, có thể đó là Philatô, cũng có thể là Mađalêla và thậm chí là Giuđa ; khi nhìn nhận ra bản chất của mình, đó chính là giờ của hồi tâm, của sám hối…
Giờ của Maiđệliên
|
Giờ của Giuđa
|
Kết thúc hai ngày tĩnh tâm, vị giảng phòng không đưa ra những lời khuyên đạo đức theo như những bài giảng thông thường. Ngài mời gọi cộng đoàn hãy soi lòng mình qua hoạt cảnh nhỏ tự biên, trong đó chính cha Giuse giữ vai Chúa Giêsu bên cạnh đó là nhân vật Phêrô, Giuđa và Mađalêna. Từng lời thoại, từng cử điệu, từng lời ca… rút ra từ trong Kinh Thánh đều xoáy sâu, làm nổi bật lòng nhân từ của Thiên Chúa.
Trước phép lành cuối lễ, cha chủ tế cầu chúc mọi người nhận ra con người thật của mình qua từng “giờ”, dẫu có thể đó là Giuđa, dẫu có thể đó là Phêrô hay Philatô hoặc Mađalêna hay gì đi nữa. Tất cả sẽ trở thành hồng ân nếu biết lồng những “giờ” riêng tư ấy vào “giờ” của lòng nhân từ của Thiên Chúa. Thánh lễ kết thúc trong thinh lặng, mỗi người ra về với nỗi niềm riêng.
Trần Bình op