Sự Sống: Một Lối Mở
An Nhân
Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi vẫn thường dạy tôi phải nhớ đọc kinh sáng tối mỗi ngày để cảm tạ Chúa đã ban cho gia đình ta được sống trọn một ngày bình an. Tôi vâng lời và thực hành một cách đều đặn chứ đã hiểu gì đâu. Tôi chỉ biết rằng sau một đêm ngủ ngon lành, sáng hôm sau tôi sẽ lại có một ngày mới.
Nhưng khi lớn lên, được học hành, biết suy nghĩ, tôi mới thấm lời thánh vịnh: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90, 12). Thật, khôn ngoan là nhận biết Đấng đã làm cho tôi sống, mời gọi tôi làm chứng và bảo vệ cho sự sống. Sự sống nơi tôi hay nơi người khác chẳng phải là điều ngẫu nhiên, lại càng không bao giờ là một thứ quy luật theo kiểu máy móc hoặc phiến diện dưới cái nhìn sinh học. Căn cứ vào những hiệu quả phát sinh từ cuộc sống con người tôi thấy sự sống ấy phải là điều gì siêu việt tự nơi nguồn gốc và cần được trân trọng như là quà tặng nhưng không dành riêng cho con người.
1. Chính Thiên Chúa làm cho ta sống
Các tác giả Cựu Ước đã cho thấy niềm tin sâu xa vào chính Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và làm phát sinh sự sống nơi muôn vật. Chính Thiên Chúa đã mặc cho con người những phẩm tính giống Ngài và thổi hơi ban cho con người sự sống (St 1 – 2, 1-4). Sự sống con người giờ đây thuộc về Thiên Chúa. Có ai đã đòi hỏi Thiên Chúa phải tạo dựng con người và ban cho nó sự sống? Thiên Chúa làm tất cả vì đó là ân huệ Ngài ban (Is 42, 5) và Ngài là Đấng cầm quyền sinh tử (Đnl 32, 39; Tv 104, 28-29).
Đến thời Tân Ước, thời mà lời hứa cứu độ sẽ được thực hiện, con người sẽ được hoàn lại “sự sống” mà nó đã đánh mất do tội bất tuân gây nên. Thật thế, Thiên Chúa sẽ làm cho ta sống bằng chính sự sống của Con Một Ngài (Ga 3, 16) khi Người Con ấy đã tự nguyện trở nên một trong những kẻ phải chết. [1] Điều đó không chỉ cho ta thấy tình yêu nhưng không của Thiên Chúa mà còn khẳng định rằng mỗi chúng ta có một giá trị bất khả thay thế trong công trình tạo dựng.[2]
2. Luật sự sống
Vì không ai là người đã làm ra sự sống nên cũng không ai có quyền định đoạt trên sự sống. “Ngươi không được giết người” (Xh 20, 13) có thể xem là luật căn bản nhất của sự sống.[3] Thiên Chúa đã không làm ra cái chết (Kn 1, 13-14; 2, 23-24) và Ngài đòi kẻ gây ra cái chết phải trả lẽ. [4] Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy cuộc sống đang tràn ngập một thứ văn hoá của sự chết. [5] Hơn bao giờ hết, người ta đang phải làm cho rõ đâu là ranh giới của tự do làm phát sinh sự sống và một thứ tự do mang tính huỷ diệt.
Luật của sự sống mà Thiên Chúa khắc ghi nơi mỗi người không đi ngược lại với phẩm giá con người. Trái lại, đó là luật cho thấy con người là ai. Một xu hướng duy tự do càng đề cao quyền con người khiến cho một số người nhân danh tự do để làm bất cứ điều gì và mặc nhiên xem đó là điều hợp pháp [6] càng cho thấy họ muốn định đoạt sự sống không chỉ của mình mà còn của tha nhân nữa. Đang khi đó, con người chỉ có thể đạt tới phẩm giá xứng với mình khi hành động trong sự tự do chọn lấy điều thiện.[7]
Bên cạnh xu hướng duy tự do, xu hướng duy khoa học và duy thực dụng chỉ muốn nhìn con người dưới khía cạnh sinh học, như là một chủ thể của sự sở hữu và thống trị. Lời Thiên Chúa chất vấn Cain: “Ngươi đã làm gì vậy?” (St 4, 10) là lời đánh thẳng vào lương tâm con người đòi họ phải trả lời cho chính hành động của họ đối với sự sống họ được tặng ban. [8] Bởi họ không phải là một tổ hợp của những “thành phần sinh học” để người ta có thể tự do trao đổi mua bán; họ cũng không chỉ là thân xác mà là một thể duy nhất hồn và xác [9] để không thể coi thân xác như là đối tượng thoã mãn các dục vọng. Nhưng họ có sự sống của thần linh và thân xác họ là nơi Thần Linh ngự trị.[10]
3. Giá trị của sự sống
Hồng ân sự sống không chỉ là lời mời gọi đón nhận cuộc sống trong thực tại tự nhiên mà còn là cuộc sống được thành toàn trong thực tại Nước Trời. Điều đó có nghĩa là tôi sẽ đón nhận và bảo vệ sự sống này không chỉ bởi đó là quà tặng được trao cho tôi nơi trần thế này mà còn là sự sống được nối dài trong chính Đấng là Chủ Nguồn Sống. Như vậy, một cuộc sống là có giá trị khi nó quy hướng về Nguồn Sống, khi nó sống cho những giá trị của Tin Mừng và vượt trên tất cả, nó để cho người khác được sống bằng chính sự sống ấy.
Quả thế, quy hướng về Nguồn Sống là biết Đấng làm chủ sự sống, là tôn trọng sự sống của người khác và góp phần cộng tác để làm cho sự sống mà tôi được trao phó ngày một lớn mạnh.[11] Sống những giá trị Tin Mừng là không ngừng làm chứng về một Tin Mừng Sự Sống, mà Đấng đã vì sự sống của nhân loại đánh đổi bằng giá máu của mình, để chất men sự sống ngày một lan dần, thấm nhiễm và làm tươi lại những “vùng đất chết” của giết hại trẻ thơ, tàn sát, chiến tranh, nghèo đói, bất công, bạo lực… Và một khi đã hoàn toàn say mê với lời mời gọi dấn thân cho một nền văn minh sự sống[12], tôi được mời gọi hoạ lại hình ảnh Đấng đã chết để cho tôi được sống bằng cách trở nên kẻ rốt hết, kẻ phục vụ[13], kẻ “ra không” cho người khác “được có”[14]. Thế ra, giá trị sau cùng của sự sống là làm cho kẻ khác được sống.
Đáp trả lời mời gọi làm cho thế giới này được sống[15] bằng chính sự thật có sức giải phóng là một cuộc lên đường khởi đi từ bản thân. Tin mừng sự sống có khi như những hạt cải nhỏ bé nhưng sẽ có ngày bám rễ và trở thành cây to lớn. Tin mừng ấy cũng giống như nhúm men, nhúm muối sẽ lan dần và làm dậy cả đấu bột hay ướp mặn mọi thứ thực phẩm. Tuy nhiên, cũng có lúc đó là Tin mừng của một thứ rượu mới không thể được chứa trong bầu cũ, một thứ vải mới không thể vá víu vào áo cũ. Tin mừng sự sống ấy đòi một chọn lựa quyết liệt, bất khoan dung với những gì chống lại sự sống.[16] Như vậy, chọn lấy sự sống là đi đến cùng bằng chính sự sống là hồng ân được ban nhưng không bởi “anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục” (Mt 10,28).
[1] Gaudium et Spes, 22.
[2] Evangelium Vitae, 2.
[3] GLHTCG, 2258 & 2261.
[4] Xc. Is 26, 21.
[5] Evangelium Vitae, 7 & 9.
[6] Ibid., 11, 19 & 20.
[7] Gaudium et Spes, 17.
[8] Evangelium Vitae, 10.
[9] Gaudium et Spes, 14.
[10] Xc. 1Cr 6, 19.
[11] Xc. St 1, 28.
[12] Evangelium Vitae, 21.
[13] Xc. Ga 13, 14.
[14] Xc. Ga 15, 13.
[15] Evangelium Vitae, 95.
[16] Xc. Lc 11, 23.