Bài Giảng Trên Núi II : Tám mối phúc
Kính thưa quý vị và các bạn,
Thánh Matthêu đã đặt 8 mối phúc thật làm nhập đề cho Bài giảng trên núi. Rất nhiều vấn đề được đặt ra chung quanh các mối phúc này, xét dưới khía cạnh phê bình văn bản cũng như dưới khía cạnh chú giải thần học.
I. Các mối phúc dưới khía cạnh phê bình văn bản
Xét dưới khía cạnh phê bình văn bản, câu hỏi đầu tiên được đặt ra là: có bao nhiêu mối phúc thật ? Chúng ta đã quen nói tới 8 mối phúc thật mổi khi đọc Bài Giảng Trên Núi; nhưng chúng ta quên rằng thánh Matthêu dùng tới 9 lần từ ngữ “Phúc thay”: như vậy thì có 8 hay 9 mối phúc thật ? Thường thì chúng ta gom hai cái phúc cuối cùng làm một vì thấy nội dung tương tự như nhau (“Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính” … “Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại…”).
Câu hỏi về con số các mối phúc thật trở thành rắc rối hơn thì đối chiếu giữa thánh Matthêu và thánh Luca (6,20-26): thánh Luca chỉ trưng có 4 phúc, nhưng lại kèm theo 4 họa. Lối hành văn của Luca cũng khác. Thay vì “phúc cho ai nghèo khó”, Luca đồi sang ngôi thứ hai: “phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó”. Dĩ nhiên, chúng ta có thể hình dung được cuộc tranh luận giữa các học giả Kinh thánh: ai trung thành với hình thức nguyên thủy của lời dạy của Đức Giêsu hơn: Matthêu đã thêm vào, hay Luca đã cắt đi ? Vấn đề trở nên phức tạp hơn nữa khi biết rằng Phúc âm còn chứa đựng rất nhiều mối phúc khác nữa. Chẳng hạn như những câu mà Luca áp dụng cho đức Maria. “Phúc cho ai tin rằng Lời Chúa sẽ nên ứng nghiệm” (1,45); “Phúc cho ai lắng nghe và giữ lời Chúa (11,28).
II. Các mối phúc trong bối cảnh Bài Giảng Trên Núi
Có rất nhiều cách thức để khảo sát các mối phúc thật. Thường thường, các nhà chú giải chú ý tới việc phân tích những từ ngữ chủ chốt, tựa như: “phúc thay” (thế nào là “phúc”: hạnh phúc ? May mắn ?), những phần thưởng được hứa (đất hứa, nước trời, được an ủi, được xót thương). Thêm vào đó, ra như mổi thời đại tỏ ra nhạy cảm với một chân phúc riêng. Chẳng hạn, vào thời cồ, chân phúc chịu bách hại vì Phúc âm được đặt hàng đầu; vào thời Trung cồ, người ta chú ý tới chân phúc khiêm nhường và khó nghèo; vào thời cận đại, người ta nói nhiều tới việc xây dựng công lý hòa bình; gần đây, người ta vạch ra tinh thần tự do mà các chân phúc mang lại.
Ở đây, chúng ta hãy xét tới các mối phúc thật trong bối cảnh của Bài Giảng Trên Núi : các mối phúc này cần được coi như dẫn nhập tổng quát, với những tư tưởng sẽ được quảng diễn trong suốt bài giảng. Dĩ nhiên, chắc chắn nhiều người cũng đồng ý với phương pháp này. Nhưng đến khi mang ra áp dụng thì chắc là sẽ có rất nhiều tranh luận chung quanh việc xác định đâu là cái tư tưởng chủ chốt làm nền tảng chung vừa cho tất cả các mối phúc vừa cho tất cả phần còn lại của Bài Giảng Trên Núi ? Dù biết vấn đề khó khăn, nhưng chúng ta cũng thử mò mẫm xem.
Ở 5,20 chúng ta đọc thấy lời như sau: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. Tiếp theo đó, đức Giêsu giải thích sự công chính mà các môn đệ của Người phải nhắm tới, và đi tới kết luận ở câu 48: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”. Như vậy thánh Matthêu đi từ tư tưởng “công chính” của người Do thái để bước sang sự “hoàn thiện” của chính Thiên Chúa, “Đấng cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (5,45). Bài giảng trên núi muốn đề ra một mẫu mực mới trong cách cư xử: mẫu mực đó là Thiên Chúa. Con người sẽ nên hoàn thiện nếu họa lại được mẫu mực đó. Nói thế có nghĩa là con người không thể tìm thấy sự hoàn thiện ở nơi bản thân nhưng cần phải tìm ở nơi Thiên Chúa. Con người cần phải để cho Thiên Chúa chiếm ngự hoàn toàn. Trong bối cảnh đó, các mối phúc trình bày chân dung của một con người hoàn thiện; con người đó là đức Giêsu, kẻ là dâng cả cuộc đời cho Thiên Chúa và mở rộng tới tha nhân.
A. Chân dung của một người sống trót cho Thiên Chúa.
1) Chúng ta hãy lấy chân phúc thứ nhất làm khởi điểm cho sự khảo sát chân dung của con người hoàn thiện, chân phúc của tâm hồn nghèo khó. Thường thì sự nghèo khó được xét trong mối tương quan với tài sản vật chất. Người ta lưu ý rằng phúc thực được hứa cho người có tâm hồn khó nghèo, nghĩa là không quyến luyến với tài sản, không làm nô lệ cho tiền tài. (Tình cảnh nghèo túng về vật chất chưa phải là phúc thực). Tuy nhiên, giải thích như vậy thì xem ra đã hiểu từ “khó nghèo” quá hạn hẹp. Thực vậy, trong Kinh thánh, sự khó nghèo không phải chỉ giới hạn vào lãnh vực tài sản, nhưng tiên vàn nó là một thái độ của con người trước mặt Thiên Chúa. Người nghèo đồng nghĩa với người có tinh thần khiêm tốn trước mặt Chúa (Xc Is 66,2), chỉ biết cậy dựa vào Thiên Chúa. Sự khó nghèo về tài sản vật chất trong Bài Giảng Trên Núi chỉ là một dấu hiệu biểu lộ sự tín thác hoàn toàn nơi sự quan phòng của Cha trên trời, Đấng đã nuôi chim trời và trang điểm cho hoa ngoài đồng.
2) Như vậy, điều căn bản của một tâm hồn nghèo khó là sống tin tưởng vào Thiên Chúa và sống cho Thiên Chúa. Điều này được bồ túc với các mối phúc kế đó: đói khát sự công chính. Ở đây sự “công chính” phải được hiểu là ý định của Thiên Chúa, kế hoạch cứu độ của Ngài: “tiên vàn anh em hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” (6,33). Dĩ nhiên, đức Giêsu đã hiến dâng hoàn toàn cuộc đời để phụng sự chương trình của Chúa Cha, lấy đó là mối bận tâm duy nhất.
3) Sự hiến dâng trót đời cho Thiên Chúa bao hàm cả việc dành trót cả tâm tư cho Ngài. Đây là ý nghĩa của chân phúc của kẻ có tâm hồn trong sạch. Chúng ta đừng nên đối chiếu giữa “tâm hồn trong sạch” với dâm dục. Trong Bài Giảng Trên Núi, “tâm hồn trong sạch” đối nghịch với sự giả hình, kẻ làm việc thiện (bố thí, cầu nguyện, ăn chay) cốt cho thiên hạ hoan hô tán thưởng. Trái lại, người có tâm hồn trong sạch là người sống ngay thẳng trước mặt Thiên Chúa từ trong thâm cung của cõi lòng, chỉ cốt tìm vinh quang Chúa và biểu lộ lòng thương xót của Ngài (6,4.6.18; xc 23,26). Hậu nhiên, con người có tâm hồn trong sạch là kẻ đã dâng trót con tim cho Chúa, không để cho tí chút tư lợi nào len lỏi.
B. Hậu quả của việc sống trót cho Chúa đối với những tương giao với tha nhân
Ba chân phúc “tâm hồn khó nghèo”, “đói khát công chính”, “tâm hồn trong sạch” biểu lộ thái độ của con người tín thác vào Chúa, chỉ mưu cầu thánh ý Chúa, dành cho Ngài con tim không san sẻ. Đức “hiền lành” và “sầu muộn khóc than” được gắn liền với tâm hồn khó nghèo khiêm tốn. Một khi con người đã để cho Thiên Chúa chiếm đoạt toàn thể cuộc sống của mình, thì những mối tương giao với tha nhân cũng được biến đồi. Đó là ý nghĩa của những mối phúc của sự “xót thương”, sự “xây dựng hòa bình”, “chịu bách hại”. Nó là bức chân dung của một con người muốn tỏ tình thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
4) Thực vậy, một đặc tính của Thiên Chúa mà đức Giêsu muốn nêu bật trong Bài Giảng Trên Núi là lòng thương xót, lòng lân tuất. Trong Cựu ước, nhiều ngôn sứ đã nhấn mạnh rằng Thiên Chúa cư xử khác với con người ở chỗ Ngài tỏ lòng khoan nhân: “Ngài chậm giận, giàu tình thương và lòng thành tín” (Xh 34,6; Tv 86,15; 103,8; 111,4; 145,8). Ngài không xét xử ta chiếu theo công trạng của ta: tuy dù ta bất tín, nhưng Ngài vẫn trung thành với lời hứa. Tình thương của Ngài vượt quá tầng trời xanh. Vì vậy, kẻ nào đã bị Chúa chiếm đoạt thì cũng sẽ nhiễm cả cách cư xử của Ngài: họ sẽ biết xót thương người.
5) Sự xây dựng hòa bình là một hình thức biểu lộ lòng xót thương, một hình thức của tình liên đới với tha nhân.
6) Lòng xót thương được thực hiện cách anh hùng trong việc tha thứ cho kẻ bách hại. Kẻ ấy noi theo Thiên Chúa xót thương, bởi vì Ngài không đếm xỉa gì tới sự bội bạc của con người song không ngừng giáng phúc thi ân. Bài Giảng Trên Núi nói tới sự tha thứ ở cuối chương 5 và trong kinh Lạy Cha.
*
Như vậy, các mối phúc trình bày cho ta thấy chân dung của một con người biết để cho Thiên Chúa hoàn toàn chiếm đoạt. Họ đặt tin tưởng nơi Chúa, họ dâng hiến cuộc đời để phụng sự chương trình của Chúa, họ phản ánh đường lối cư xử của Chúa khi giao tiếp với tha nhân. Chính vì đặt trọng tâm của cuộc đời ở nơi Thiên Chúa, cho nên họ thâm tín rằng chỉ duy có Chúa mới mang lại được hạnh phúc cho họ, một thứ hạnh phúc có tính chất vững bền trường cửu, không bị lệ thuộc vào thế tạm này.
Theo nhiều tác giả, đoạn văn về các mối phúc cần được gắn liền với hai dụ ngôn về muối đời và ánh sáng thế gian (c.13-16). Lối hành văn của thánh Matthêu đáng cho chúng ta suy nghĩ. Chúa Giêsu không nói rằng: “anh em hãy nên muối … anh em hãy nên ánh sáng”, nhưng: “anh em là muối … anh em là ánh sáng”. Điều này hàm ngụ rằng đây là một thực tại đã xảy ra nơi cộng đoàn Kitô hữu rồi, chứ không còn là một mệnh lệnh cần phải thực thi. Các Kitô hữu được ủy thác một sứ mạng truyền giáo ở giữa đời: họ là “muối cho đất… ánh sáng cho trần gian”. Thế nhưng, liền theo đó là một lời cảnh cáo về một tình trạng nghiêm trọng : “Nhưng mà nếu muối đã nhạt… đèn bị úp lại (chứ chưa nói đến chuyện tắt lịm!)”. Nếu các Kitô hữu không chu toàn sứ mạng của mình, thì chẳng có ai thay thế được đâu! Họ hãy chiếu sáng cho thế gian bằng đời sống chứng tá; nhưng liệu làm sao để đừng rơi vào khuyết điểm của các Biệt phái: họ đừng tìm vinh danh hão huyền khi làm việc thiện, song hãy giữ gìn tâm hồn trong trắng (chân phúc thứ 6), mong sao cho thiên hạ ngợi khen Cha trên trời.