Sự Sống: Niềm Vui Hay Nghiệp Chướng?

“SỰ SỐNG”: NIỀM VUI HAY NGHIỆP CHƯỚNG ?

Lĩnh Nam, OP

Sự Sống: Niềm Vui Hay Nghiệp Chướng?Ngày bé chào đời khóc oe oe, gia đình mừng vui khôn xiết. Mỗi em bé chào đời là một niềm hạnh phúc lớn lao cho những người cha người mẹ. Trớ trêu thay, không ít những người cha người mẹ hôm nay đã khước từ niềm vui ấy. Họ đã loại trừ em ngay khi còn trong trứng nước. Vì sao các em lại bị chính cha mẹ của mình khước từ?

Cha mẹ của em bảo rằng nếu em ra đời thì em sẽ là một nghiệp chướng cho họ. Em là một điều bất đắc dĩ, một gánh nặng, một “của nợ”, một điều ai không mong đợi. Xã hội cũng từ chối đón nhận em, vì em sẽ thêm những gánh nặng cho cộng đồng. Nghiệt ngã thay, các em đã đến nhà mình, nhưng chẳng ai đón nhận.

Các em đã bị chối từ trong một cuộc thảm sát dã man, tương đương với một cuộc diệt chủng! Nhân loại thế kỷ XX đã lên án và ghi nhớ bài học lịch sử của chiến tranh thế giới thứ II: Hitler đã sát hại hàng triệu người Do thái vô tội trong những lò hơi ngạt. Thế còn ngày hôm nay, hằng triệu triệu sinh linh nhỏ bé đang bị sát hại trong các bệnh viện thì sao? Các em không phải là những con người ư?

Nhân loại mong muốn hoà bình, người người không sát hại nhau. Ấy vậy, người ta lại cho phép sát hại các hài nhi vô tội. Sao vô lý quá chừng! Trong một bài diễn văn vào ngày 3-2-1994, Mẹ Têrêsa đã chia sẻ những cảm nghĩ của mình về “chiến tranh và hoà bình” của nhân loại hôm nay như sau:

Tôi nghĩ đến yếu tố có sức hủy diệt lớn lao nhất đến sự bình an của ngày hôm nay chính là việc phá thai, bởi vì đó là một cuộc chiến chống lại đứa trẻ, một hình thức trực tiếp để giết chết một đứa trẻ vô tội, chính người mẹ là kẻ sát thủ chính đứa con của mình. Và nếu chúng ta chấp nhận rằng một người mẹ có thể thậm chí giết chết đi đứa con của chính mình, thì làm sao chúng ta có thể nói cho những người khác là đừng giết hại lẫn nhau cho được?[1]

Nhân loại hôm nay đang từng ngày chứng kiến một tình cảnh thật đau lòng và oan nghiệt: mẹ giết con. Thực vậy, hành động giết con đã cắn rứt lương tâm của không ít những phụ nữ có tiền sử phá thai. Sau khi phá thai, một người mẹ 16 tuổi đã khóc nức nở: “ Em có lỗi với con em lắm, nghe những lời hát ru em lại thấy rất đau lòng, liệu em có còn hát ru con em được nữa không?[2]. Khi hối tiếc thì mọi sự đã quá muộn. Vì đâu nên nỗi?

Ngày nay, người ta nói nhiều đến lối sống hưởng thụ. Chính lối sống này đã làm băng hoại những giá trị sống nhân bản: tình dục là một thứ giải trí của các bạn trẻ; của trời cho cứ hưởng. “Sự sống” là một gánh nặng cho những người cha người mẹ; hy sinh ít đi, ích kỷ nhiều hơn. Một hài nhi chào đời không còn có ý nghĩa là “hoa trái của tình yêu”, mà chỉ là một “tai nạn” của chuyện ái ân. Vì thế, một đứa bé chào đời không còn là một niềm vui, mà chỉ là một “cục nợ” trách nhiệm. Họ phải vất vả nhiều hơn, hy sinh nhiều hơn, tốn kém nhiều hơn; chất lượng cuộc sống bị thiệt hại khi phải chia sẻ cho đứa con. “Sự sống” không còn là một thực tại thánh thiêng, mà chỉ là một “gánh nặng”. Thế nên, họ quẳng đi những “gánh nặng” đó để vui hưởng cuộc sống. Quả là con người hôm nay đang đánh mất cảm thức về “sự sống” của chính mình. Đức Gioan Phaolô II trong Thông điệp “Evangelium Vitae” đã nhận định:

Con người không còn hiểu mình là một “huyền nhiệm” khác hẳn những thụ tạo khác trên mặt đất này; con người coi mình chỉ là một trong những sinh vật, như một cơ thể cùng lắm là đạt tới một chặng hoàn hảo rất cao. Bị đóng khung trong một chân trời hạn hẹp của thực tại vật chất, một cách nào đó con người trở trở nên một “sự vật”, không thấu hiểu được tính cách “siêu việt” trong “cuộc sinh tồn của mình trong tư cách là người”. Con người đã không coi sự sống như hồng ân của Thiên Chúa, như một thực tại “thánh thiêng” được Người uỷ thác, để chúng ta âu yếm gìn giữ và trân trọng.[3]

Một hài nhi được sinh ra cho gia đình nhân loại là một niềm vui lớn lao hay chỉ là một nghiệp chướng? Câu hỏi ấy chất vấn lương tâm những bà mẹ đang cưu mang sự sống của nhân loại. Vấn đề phá thai đồng nghĩa với một thực trạng: Gia đình nhân loại đang tự huỷ diệt nòi giống mình, đang tự huỷ diệt chính mình. Sự sống của con người đang bị đe doạ chẳng phải bởi chiến tranh bom đạn, nhưng bởi một lối sống, mà nói theo ngôn ngữ của Đức Gioan Phaolô II, là lối sống của một nền văn minh sự chết. Chia sẻ sứ mạng của Đức Giêsu: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” (Lc 19,10), người môn đệ của Chúa Kitô hôm nay mang lấy trách nhiệm tìm lại, cứu chữa và bảo vệ sự sống cho gia đình nhân loại.

 



[1] http://my.opera.com/minhthuong/blog/2007/03/03/phathai.

[2] Đề- cô-vắc và cơn lốc tình dục ở tuổi vị thành niên, http://www.vnn.vn/xahoi/2003/6/15747/

[3] Gioan Phaolô II, Thông điệp “Evangelium Vitae” , số 22.

 

Để lại một bình luận