9. Tin vào quyền năng của Thiên Chúa
Tin Mừng Lc 17, 5-6
Các Tông Đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” Chúa đáp: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc”, nó cũng sẽ vâng lời anh em.
Suy niệm
Người Kitô hữu chẳng nghi ngờ gì về quyền năng cao cả của Thiên Chúa nhưng lại chẳng mấy khi dám để cho Thiên Chúa thể hiện quyền năng của Ngài. Lý do là vì Thiên Chúa quyền năng lại chẳng hề muốn thể hiện quyền năng của Ngài một cách khơi khơi, một cách chinh phục hay bất cứ cách nào khác… Ngài chỉ muốn thể hiện quyền năng trong tình yêu và vì tình yêu. Chính vì thế mà Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể chỉ đón nhận lại quyền năng đã có từ trước của Ngài sau khi đã đi trọn con đường yêu thương, yêu thương đến độ tự huỷ :
“Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu (Pl 2, 6-9).
Có thể nói, trong cuộc sống nhân loại, quyền năng là một dụng cụ hết sức cần thiết nhưng cũng hết sức nguy hiểm. Quyền năng có thể giải quyết nhiều vấn đề, nhưng quyền năng lại cũng bộc lộ nhiều nguy cơ phá huỷ nét chân chính của con người, khi mà quyền năng trở thành quyền hành thống trị, thành quyền lực khuất phục, thành quyền bính bên trên đòi hỏi người khác. Do đó, quyền năng phải được gắn liền với tình yêu; quyền năng trọn vẹn cũng phải được thấm nhuần với tình yêu trọn vẹn, tình yêu hy sinh chính mạng sống của mình cho bạn hữu. Chỉ sau khi đã thể hiện một tình yêu trọn vẹn đến độ dám trút bỏ quyền năng và vinh quang, thì khi ấy Đức Giêsu mới khẳng định quyền năng tuyệt đối của Ngài, theo cách đặc biệt của Thiên Chúa:
“Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Xc. Mt 28, 18t).
Quyền năng của Thiên Chúa, quyền năng được trao ban cho đức Giêsu chỉ có thể là quyền năng của tình yêu mà thôi. Do đó, Đức Giêsu đã chẳng dùng quyền năng của Ngài một cách khơi khơi hoặc một cách thống trị, nhưng Ngài mời gọi con người thể hiện lòng tin vào Ngài. Chỉ trong mối tương quan của lòng tin, khi con người biết tin tưởng một cách tự nguyện, trông cậy và yêu mến Thiên Chúa thì Ngài mới thực hiện quyền năng đích thực. Quyền năng của Thiên Chúa nhằm nâng con người lên địa vị con cái tự do của Thiên Chúa chứ không phải đè bẹp con người trong sự khiếp sợ và làm hèn hạ con người trong thái độ xin xỏ.
Chúa Giêsu vẫn muốn thực hiện những phép lạ để chữa lành những khổ đau của con người, nhưng Ngài luôn đợi chờ lòng tin; và người ta có thể nói tới “sức mạnh của niềm tin”, không phải như một phương cách để chiếm hữu quyền năng của Thiên Chúa, mà như một tương quan chân chính mở đường cho quyền năng yêu thương của Thiên Chúa được thể hiện. Thiên Chúa sẽ thể hiện quyền năng của Ngài nhưng không phải để thống trị mà là để gia tăng lòng tin, cậy, mến của con người đối với Ngài và giúp con người tìm thấy niềm hạnh phúc sâu xa chân chính, hạnh phúc có Chúa. Do đó, điều quan trọng đối với người Kitô hữu không phải là cầu xin phép lạ, nhưng là xin thêm niềm tin :
“Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17, 5)
Ngoài con đường tin-cậy-mến, người ta sẽ bị đè bẹp khi đối diện với quyền năng của Thiên Chúa; và chính Thiên Chúa, khi thể hiện quyền năng ngoài con đường yêu thương, cũng sẽ tự hạ giá chính Ngài. Cánh cửa để đi vào quyền năng của Thiên Chúa là chính là lòng tin, hay lòng cậy trông và yêu mến đối với Thiên Chúa.
“Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này : ‘Hãy bật rể lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17, 6).
Trong cuộc đời các vị thánh, chúng ta thường thấy các phép lạ được thực hiện một cách “dễ dàng” như thể các thánh nắm giữ được quyền năng của chính Thiên Chúa. Thật ra, tính cách “dễ dàng” như thế không diễn tả năng lực của chính các ngài, mà bộc lộ lòng tin của các ngài vào quyền năng của Thiên Chúa. Trong tình yêu, các Ngài có thể tin chắc Thiên Chúa chiều ý của mình; và trên nẻo đường đã thông thoáng trong mối tương quan tin-cậy-mến của các thánh với Thiên Chúa, quyền năng của Thiên Chúa cũng được trao ban một cách “đơn giản”.
“Xem quả thì biết cây”, thánh Martin làm nhiều phép lạ ngay khi còn sống, và Martin thực hiện những phép lạ ấy một cách đơn giản, hồn nhiên; bởi vì niềm tin của Martin vào quyền năng của Chúa cũng đơn giản và hồn nhiên. Đó chính là “hoa trái” để chúng ta nhận ra được phẩm chất của “cây đức tin” trong tâm hồn thánh Martin.
Lm Giuse Nguyễn Trọng Viễn OP
(Những trang tin mừng mở ra trên cuộc đời thánh Martinô)