Đức Maria Và Hồng Ân Sự Sống

Đức Maria Và Hồng Ân Sự SốngChức Làm Mẹ Phải Mở Ra Tới Một Con Người Mới
Mary Shivanandan

Qua việc bà Ma-ri-a thụ thai và cưu mang đức Giê-su Ki-tô, cung lòng của mọi người nữ được nâng lên một phẩm giá mới.

Quả thế, trong việc Tạo dựng, cung lòng là nơi thánh, được coi là nơi mà một con người mới được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Hãy nhớ lại lời cảm thán của bà E-và trong câu Sáng thế 4,1: “Nhờ Đức Chúa, tôi đã được một người.” Nhưng mầu nhiệm Nhập Thể đã nâng cung lòng lên một phẩm giá cao quý hơn nhiều.

Như đức Gio-an Phao-lô II nói trong thông điệp Mulieris Dignitatem (về phẩm giá và ơn gọi của người nữ):
“Trong mỗi thời và trong mọi thời, chức làm mẹ được tái diễn trong lịch sử nhân loại, điều đó liên hệ tới Giao ước mà Thiên Chúa đã thiết lập với loài người qua chức làm mẹ của Mẹ Thiên Chúa” (số 19).

Lời chấp nhận của bà Ma-ri-a và sự trung thành của ông Giu-se

Chúng ta hãy suy niệm một chút về bối cảnh của mầu nhiệm Truyền Tin. Bà Ma-ri-a đã đính hôn, nhưng chưa thành hôn với ông Giu-se. Ban  đầu, sứ thần Gáp-ri-en đã không đề cập gì đến  ông Giu-se trong vấn đề bà Ma-ri-a được chọn làm mẹ. Vì thế, theo một nghĩa căn bản, thì việc được chọn làm mẹ là một cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa người nữ và Thiên Chúa.
Khi một người nữ đồng ý giao hợp với một người nam, thì cô ta bằng lòng để Thiên Chúa trực tiếp cộng tác với mình trong việc tạo ra một sự sống mới. Đây là một sự khẳng định tuyệt vời về cá vị của người nữ. Đi kèm với lời khẳng định ấy là một bổn phận lớn lao.

Bà Ma-ri-a đã ý thức rõ ràng về những hiệu quả của lời xin vâng, hiệu quả của việc chấp nhận thánh ý Thiên Chúa. Bà biết rằng ông Giu-se có quyền từ chối mình, mà thậm chí còn có quyền ném đá mình nữa. Lời xin vâng của bà Ma-ri-a không chỉ biểu lộ một niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, nhưng còn biểu lộ một sự can đảm tuyệt vời.

Thật ý nghĩa khi việc bà Ma-ri-a và bà Ê-li-sa-bét mang thai tượng trưng cho hai giai đoạn trong cuộc đời người nữ, hai giai đoạn mà có lẽ rất khó để mang thai. Bà Ma-ri-a đang là một thiếu nữ chưa chồng, sắp làm mẹ; còn bà Ê-li-sa-bét đang mang thai trong tuổi mãn kinh. Đây là giai đoạn mà nhiều phụ nữ trong xã hội chúng ta bị thúc bách phải triệt sản hoặc phải phá thai.

Nhưng Thiên Chúa không muốn bà Ma-ri-a đơn độc sinh hạ và nuôi dưỡng con mình. Một sứ thần đã hiện ra với ông Giu-se và nói: “Đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người Con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 2,20). Rồi ông Giu-se đưa bà Ma-ri-a là vợ ông về nhà. Bà Ma-ri-a vẫn còn đồng trinh suốt thời gian kết hôn với ông Giuse, nhưng hôn nhân của họ là một hôn nhân đúng nghĩa, trong đó họ sống với nhau và đồng tâm nhất trí với nhau.

Các hoạ sĩ đã vẽ ông Giu-se như một người cao tuổi, có lẽ vì họ không thể tưởng tượng rằng một thanh niên có thể sống với một thiếu nữ xinh đẹp mà lại kiêng cữ việc giao hợp. Ông Giu-se, giống như chúng ta, cũng không tránh khỏi tội nguyên tổ, cùng với khuynh hướng thèm khát dục vọng của nó. Cả truyền thống Do-thái-giáo đều nhấn mạnh đến việc sinh sản và sự chúc phúc cho một gia đình đông đúc. Vì vậy, làm sao ông Giuse có thể sống khiết tịnh với bà Ma-ri-a được?

Đức Maria Và Hồng Ân Sự Sống

Tình yêu hôn nhân và tình yêu Thiên Chúa

Hôn nhân có một biểu tượng ưu việt trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước về tình yêu Thiên Chúa dành cho con người và về tình yêu của đức Ki-tô đối với Hội Thánh. Chẳng hạn, hôn nhân được tình yêu Thiên Chúa làm sáng tỏ và được sánh với tình yêu Thiên Chúa. Hôn nhân của bà Ma-ri-a và ông Giu-se vừa được hôn nhân bí tích soi sáng, vừa toả sáng trên hôn nhân chính thức của các Ki-tô hữu. Điều này rất đúng trong thời đại của chúng ta.

Việc kiêng cữ tình dục không được nói đến trong những quan điểm hiện đại về hôn hân. Mục đích của việc tránh thai là để người nam lẫn người nữ có thể giao hợp mà không muốn mang thai. Nhưng trong việc kế hoạch hoá gia đình theo phương pháp tự nhiên (cách thức để có con cách quãng bằng cách tính thời gian giao hợp theo những giai đoạn thụ thai và không thụ thai trong chu kỳ người nữ), thì đức khiết tịnh trong bậc hôn nhân có một vị trí đáng quý.

Khi vợ chồng chọn kế hoạch hóa gia đình theo phương pháp tự nhiên, thì họ kiên quyết tôn trọng thời gian mà người vợ mang thai và một sự sống mới có thể được cưu mang. Điều này đòi hỏi sự tin tưởng lớn lao từ phía người nam lẫn người nữ. Người vợ có thể gây tổn thương tận căn cho chồng mình.

Theo cách thức đó, bà Ma-ri-a đã gây tổn thương cho ông Giu-se. Bà Ma-ri-a đã sống vợ chồng với ông Giu-se, bởi vì bà đã phó thác mình cho Thiên Chúa.

Tuy nhiên, bà Ma-ri-a cũng có bổn phận đối với hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho bà nơi người Con. Như đức Gio-an Phao-lô II nói:

“Chức làm mẹ, ngay từ đầu, hàm chứa một sự mở ra tới một con người mới: và rõ ràng đây là ‘phần’ của người nữ. Trong sự mở ra này, khi cưu mang và sinh hạ một hài nhi, người nữ ‘khám phá chính mình qua hồng ân đặc biệt này.’” (số 18)

Hành động đầu tiên của bà Ma-ri-a, sau khi lãnh nhận tin vui lớn lao về việc mang thai, là đi đến với người chị họ Ê-li-sa-bét cũng đang mang thai, để chia sẻ hồng ân ấy và để trợ giúp bà (Lc 1,26).

Việc ông Giu-se đồng hành với bà Ma-ri-a trên hành trình này không thấy đề cập. Theo Tin Mừng Lu-ca va Mát-thêu, các ông chồng, Giu-se và Da-ca-ri-a, vui mừng về tin mang thai này mà không chút hoài nghi hay kinh ngạc. Như đức Gio-an Phao-lô II nhận xét:

“Người nam – khi chia sẻ chức làm cha – vẫn luôn ‘ở ngoài tiến trình sinh hạ hài nhi’, bằng nhiều cách ông phải học cho biết ‘chức làm cha’ của mình từ nơi người mẹ.” (số 18)

Vai trò của người nữ trong việc bảo vệ “hoa trái của lòng bà”, và vai trò của người nam để bảo vệ cả mẹ lẫn con thật là quan trọng. Qua việc chia sẻ “hồng ân đặc biệt” của mình với chồng và với con, người nữ cũng đem hết tình yêu dành cho chồng mình.

Ông Giu-se được sứ thần hướng dẫn để đem mẹ và hài nhi tới Ai-cập và rồi trở về Na-da-rét an toàn (Mt 2,13; 21-23). Ông cũng được mời gọi chia sẻ hồng ân đặc biệt của mình. Ông được Thiên Chúa giao cho việc bảo vệ mẹ và hài nhi. Khi thi hành nhiệm vụ này, cả cuộc đời của ông bị phá vỡ. Vì lợi ích cho hài nhi mà ông phải trở thành một người tị nạn.

Các trình thuật Tin Mừng về Thánh Gia cho chúng ta thấy tương quan hết sức chặt chẽ giữa vai trò của người nam và người nữ. Điểm nổi bật là một thái độ khiêm tốn đối với Thiên Chúa, đối với vợ với chồng và với con cái.

Kế hoạch của Thiên Chúa dành cho hôn nhân

Đây là kiểu mẫu hôn nhân và gia đình trong Kitô giáo. Tuy nhiên, trong nền văn hoá của mình, chúng ta còn ở ngoài kiểu mẫu này khá xa !

Phần lớn các cặp vợ chồng Công giáo buông thả sự khiết tịnh ngay trước ngày cưới của họ. Hơn 80% sử dụng phương pháp tránh thai.

Trong một cuộc khảo sát, không lâu trước cuộc trò chuyện thân mật của đức giáo hoàng, vào ngày 1/10/1995, thì 69% cho rằng người ta có thể phá thai vì những lý do khác nhau, nguy hiểm cho sự sống người mẹ, mà họ vẫn là một người Công giáo tốt lành.

Tại sao chúng ta đi đến tình trạng đáng buồn là người nữ không còn bảo vệ hoa trái của lòng mình nữa ? Làm sao người nữ có thể kêu gọi người nam có trách nhiệm đối với mình, nếu họ chối bỏ vai trò đặc biệt mà Thiên Chúa chỉ ban cho người nữ ?

Thiên Chúa có một kế hoạch dành cho hôn nhân và gia đình, và mọi giáo hoàng trong thế kỷ này đều công bố như vậy. Chỉ bằng cách tôn trọng sự liên kết chặt chẽ của các chiều kích “hiệp nhất” và “sinh sản” trong việc giao hợp, thì vợ chồng mới có thể hoàn tất kế hoạch ấy.

Đối với người nữ, kế hoạch đó chính là yêu mến sự sinh sản và bất cứ khi nào sự mang thai xảy ra. Như bà Ma-ri-a, người nữ phải duy nhất cộng tác với Thiên Chúa bất cứ khi nào thụ thai, thậm chí trong khi mang thai khó khăn.

Đối với người nam, kế hoạch đó chính là tôn vinh hồng ân sinh sản của người vợ, kể cả việc kiêng cữ những khoái lạc trong việc giao hợp. Trong hôn nhân, Thiên Chúa không bắt người nam và người nữ phải kiêng cữ hoàn toàn những quan hệ hôn nhân, như Người đã đòi hỏi ông Giu-se và bà Ma-ri-a.

Nhưng việc tôn trọng thời điểm duy nhất trong chu kỳ mà một sự sống mới được thụ thai cũng gồm thâu cả sự khiết tịnh trọn vẹn trước hôn nhân, lúc mà vợ chồng chưa thực hiện cam kết vĩnh viễn. Việc giao hợp là dấu chỉ và đảm bảo cho sự cam kết này.

Đức Maria Và Hồng Ân Sự SốngThánh gia xét như một gương mẫu
Ông Giu-se chắc chắn không được vinh dự bằng người nam của ngày hôm nay. Thậm chí ông không có ân sủng của các Bí tích Đích thực, ông có sự hiện diện của đức Giê-su và bà Ma-ri-a. Chúng ta cũng có đức Giê-su và bà Ma-ri-a hiện diện với chúng ta. Và nơi bí tích Thánh Thể, chúng ta được hiệp nhất với đức Giê-su.

Như bà Ma-ri-a trung thành với Thiên Chúa để có thể dành hết nhân đức anh hùng cho ông Giu-se, thì người nữ Công giáo, với sự trung thành ấy, cũng thôi thúc người yêu của mình tới đức khiết tịnh.

Hôn nhân là một biểu tượng ưu việt trong Cựu Ước lẫn Tân Ước về tình yêu Thiên Chúa dành cho con người và về tình yêu của đức Ki-tô đối với Hội Thánh.

Những cặp vợ chồng chọn sống theo đường lối Thiên Chúa thì khác với những cặp vợ chồng khác ! Cha Bruce Nieli đã nhận xét:

“Việc kế hoạch hoá gia đình theo phương pháp tự nhiên (KHGĐTN) phải như thế nào ? … Nó cho chúng ta một công cụ để thăng tiến trong sự thánh thiện.” Cha nói cha đã “thay đổi” quan niệm về KHGĐTN bởi các cặp vợ chồng “hết mực yêu thương nhau và yêu mến Thiên Chúa.”

Cha Nieli nhận ra “linh đạo, mối dây liên kết, sự hiệp nhất” nơi những cặp vợ chồng thực hiện KHGĐTN, “họ bén rễ trong nhau và trong Thiên Chúa.”

Có nhiều người nói rằng những năm tháng sinh đẻ của tôi đã hết, vậy việc KHGĐTN còn tác dụng gì với tôi nữa? Nó có tác dụng gì đối với một linh mục đã có lời hứa độc thân? Chủ đề bài nói chuyện của cha Nieli là “KHGĐTN và việc rao giảng Tin Mừng” cho thấy rằng điều gì giúp chúng ta nên thánh đều là một cách thức để rao giảng Tin Mừng.
Gia đình và “nền văn minh tình yêu”

Như đức Gio-an Phao-lô II đã viết trong Thư gửi cho các Gia đình, thì gia đình, một cách nào đó, chính là “con đường của Hội Thánh” (số 2). Ngài nói: tự bản chất, gia đình gắn kết với nền văn minh tình thương (số 13).

Cách thức, mà các cặp chồng duy trì giao ước của họ, trong đó họ là dấu chỉ tình yêu đức Ki-tô đối với Hội Thánh, đều liên hệ tới chúng ta. Các ông bà, chẳng hạn, có một tương quan đặc biệt với con cháu và họ có thể dạy chúng vẻ đẹp trong kế hoạch Thiên Chúa dành cho hôn nhân và gia đình. Ngay cả các vị này không biết hay không thực hiện KHGĐTN cho mình, hoặc nếu các gia đình của họ có bị vùi dập bởi việc ly dị hay bởi các căn bệnh xã hội tạp nham, thì họ vẫn có thể duy trì một cái nhìn hy vọng cho vợ chồng trẻ.

Tuy nhiên, tôi không thể nghĩ rằng sự lan rộng của KHGĐTN có liên hệ đặc biệt tới bà Ma-ri-a đến thế. Chắc chắn, bất cứ nơi đâu tôn kính bà Ma-ri-a, thì tôi đều tìm thấy ở đó một sự mở ra tới sự sống và tới giáo huấn của Hội Thánh về sự liên kết bền chặt các chiều kích hiệp nhất và sinh sản của tính dục. Và việc KHGĐTN phát triển ở đâu, thì gia đình cũng lớn mạnh ở đó.

Jos. Đình Chiến
Chuyển ngữ từ “Mary and the Gift of life” của Mary Shivanandan
trong http://www.christendom-wake.org/pages/mshivana/marylife.htm
(truy cập ngày 01/03/2008)

Để lại một bình luận