7. Con người của sự cảm thông
Tin Mừng Lc 9, 51-56
Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem. Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem. Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không? ” Nhưng Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác.
Suy niệm
Cuộc đời và tâm hồn của mỗi con người là một huyền nhiệm, vì cuộc đời đó có một lịch sử riêng, tâm hồn đó có những cảm nhận riêng, tâm tư đó có cách thức tìm lời giải đáp cho cuộc sống bằng chính lựa chọn độc đáo riêng biệt của mình.
Thế nhưng, trong cuộc sống, người ta thường không đếm xỉa gì đến chiều sâu lịch sử, chiều sâu tâm hồn, chiều sâu tư tưởng của người khác. Người ta quá dễ dàng cắt một hành vi, một lời nói ra khỏi gốc rễ riêng của nó để đem so sánh trong một hệ qui chiếu khác. Hành vi đánh chửi người khác chẳng hạn không phải chỉ là đánh chửi một cách đơn thuần; người đánh chửi ấy, có thể, đã từng bị đánh chửi, đang bực mình vì một chuyện gì đó, hoặc họ cho rằng, trong trường hợp này, cần phải chửi cho đến cùng, may ra “thuốc đắng dã tật”…
Chính vì không hiểu được huyền nhiệm cuộc đời, nên người ta quá dễ dàng phê phán nhau, quá dễ dàng đánh giá một hành vi hoặc đánh giá chính con người của nhau. Cứ thế, cuộc sống chung sẽ trở thành những con đường song song không gặp nhau, đầy những mâu thuẫn không thể nào dung hợp được.
Dân Samari đã có một lịch sử hận thù với người Do Thái, và họ từ chối tiếp đón một người Do Thái, dù là Đức Giêsu, đó là chuyện khá bình thường : “Họ lên đường và vào một làng người Samari để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem” (Lc 89, 52-53)
Thế nhưng, vì điều bình thường ấy, đứng ở một góc độ khác, Gia-cô-bê và Gioan đã nổi giận đòi tiêu diệt : “Thấy thế, hai môn đệ Người là Ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: ’Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không ?” (Lc 9, 54)
Đức Giêsu đã chẳng thể chấp nhận lối nhìn một chiều và độc đoán như thế : “Nhưng Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác” (Lc 9, 55-56).
Thật sự Thiên Chúa đã không can thiệp vào lịch sử nhân loại như thể đó là một nhân loại lý tưởng, có đủ mọi đức tính tốt, biết suy nghĩ, biết tri ân, biết tín trung… Thiên Chúa “làm việc” với những con người cụ thể, hoàn cảnh cụ thể của huyền nhiệm cuộc đời. Chính vì thế, để hướng dẫn Dân trên hành trình ơn cứu độ, Thiên Chúa đã “nhập thể” một cách nào đó vào chính lịch sử của Dân riêng, “nhập thể” vào lịch sử của Dân, vào khát vọng của Dân, vào những trăn trở và hy vọng của Dân; “nhập thể” vào cả tính khí cứng lòng của Dân. Cũng thế, Đức Giêsu đã chia sẻ trọn vẹn hy vọng, trọn vẹn suy tư nông cạn của người thời đại và Ngài dám liều hy sinh mạng sống cho cả những người bội phản.
Quả thật, thái độ đứng ngoài, cho một lời khuyên lý tưởng; đứng từ xa để đòi hỏi người khác sống theo một “chân lý” khách quan nào đó … là những cách thức không trân trọng cho đủ huyền nhiệm đời người. Ta có thể nói được rằng, nếu không can đảm liên luỵ với người khác, nếu không thực hiện được bước đồng hành với người khác, ta cũng chẳng có quyền khuyên bảo, nhất là chẳng được quyền kết án người khác. Chỉ những ai đã dám cùng sống, cùng lo, cùng toan tính, cùng chia sẻ nếp sống với nhau mới có khả năng “khuyên bảo” hoặc khiển trách người khác một cách chân chính. Đó là những con người có khả năng cảm thông và có thẩm quyền thực sự để lo toan cho một người khác.
Một lần, thấy có tu sĩ kia lấy làm phiền muộn vì phải mặc quần áo vải thô, không được đẹp. Thầy Martin lúc đầu nghĩ rằng thầy đó vì bệnh tật nên phải dùng quần áo loại vải đó, nhưng sau mới biết chỉ vì không còn vải tốt. Thầy liền đến các cửa hiệu kiếm bằng được vải tốt để may cho thầy đó và các tu sĩ khác.. .
Lần khác, trong tu viện có một linh mục trẻ thích ăn mặc chải chuốt khiến một cha già rất lấy làm khó chịu. Tình cờ, trong một dịp cha trẻ này và thầy Martin đang đi bách bộ với nhau thì gặp cha già. Ngài mới lên tiếng hỏi : – Này thầy Martin, Thầy nghĩ sao về việc các cha trẻ thời nay thích ăn mặc đỏm dáng ?
Martin trả lời : – Thưa cha, phải chăng đó cũng là dấu hiệu tốt lành của Chúa quan phòng mà chúng ta chưa thể hiểu hết; biết đâu Ngài muốn nó để sinh ích cho các linh hồn. Theo con, giả như có tội nhân rất nhút nhát và yếu đuối, tình cờ gặp được cha đó, biết đâu trước đây họ rất cố chấp, nay có thiện cảm với ngài, muốn gần gũi và sẵn sàng xin bí tích hoà giải…
Cuộc đời của Martin cho thấy thế nào là một con người sống và ứng xử theo tinh thần của Chúa : một con người biết cảm thông với người khác.
Lm Giuse Nguyễn Trọng Viễn OP
(Những trang tin mừng mở ra trên cuộc đời thánh Martinô)